Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả Patrick Kearon thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Sứ điệp của chúng tôi về niềm hy vọng và sự bình an gửi đến cho tất cả mọi người là Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và đã phục hồi phúc âm và Giáo Hội của Ngài trong những ngày sau này.
Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố: “Những điều này thật là vinh quang không tả xiết cho nhân loại!” “Quả thật chúng có thể được xem là tin lành lớn lao đầy vui mừng cho tất cả mọi người; và tin lành cũng có thể lan tràn trên thế gian và làm nức lòng mọi người khi họ lắng tai nghe.”
Trong nhiều thế kỷ tiếp theo sau giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi, con cái của Thượng Đế đã tìm kiếm Ngài và khao khát có thêm ánh sáng và lẽ thật. Giờ đây, tin lành về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Phục Hồi liên tục được lan ra để ban phước cho tất cả mọi người và chuẩn bị thế gian cho ngày mà Chúa Giê Su Ky Tô sẽ trở lại để “cai trị với tư cách là Vua của các vua và Chúa của các chúa.” Đây là một sự biểu hiện sâu sắc về tình yêu thương vô tận của Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tôi vui mừng vì tôi có thể dành cả cuộc đời mình để rao truyền các lẽ thật này cho cả thế giới.
Điều Không Thể và Điều Phi Thường
Một ngày mới đã bắt đầu với gia đình nhân loại trong một khu rừng, nơi mà Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hiện đến và phán cùng Joseph Smith để đáp ứng lời cầu nguyện của thiếu niên Joseph về việc ông nên gia nhập giáo hội nào (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:14–20). Chúa Giê Su Ky Tô phán bảo Joseph không được gia nhập giáo hội nào cả. Ngài hứa rằng phúc âm trọn vẹn của Ngài sẽ được mặc khải cho Joseph trong tương lai.
Đối với nhiều người, Joseph dường như là người khó có khả năng được kêu gọi nhất để đảm nhận một công việc quan trọng như vậy, và họ đã đúng. Ông là một thiếu niên ít học và tầm thường sống ở một nông trại nhỏ trong một thị trấn hẻo lánh. Cũng giống như một số người đã nói về Đấng Cứu Rỗi vào thời của Ngài: “Há có vật gì tốt ra từ Na Xa Rét được sao?” (Giăng 1:46), nhiều người tự hỏi điều gì tốt đẹp có thể đến từ một cậu bé 14 tuổi không được học hành ở Palmyra, New York. Nhưng qua Joseph—mà dường như chính ông cũng không thể tưởng tượng được—Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang lại điều thật sự phi thường. Điều này sẽ mang lại cho chúng ta hy vọng rằng bằng cách thức nhỏ nhoi và khiêm nhường của mình, chúng ta cũng có thể đóng góp theo những cách có ý nghĩa cho công việc của Chúa.
Cuối cùng, Chúa đã kêu gọi Joseph “và từ trên trời phán bảo hắn, và ban cho hắn các giáo lệnh” (Giáo Lý và Giao Ước 1:17). Joseph đã nhận được những điều mặc khải quý báu và giáo lý quan trọng mà đã mang lại ánh sáng mới cho sự hiểu biết của chúng ta về kế hoạch đầy tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và tình yêu thương cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô cũng như quyền năng của sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Đáng chú ý là những tin lành này đã đến vào đúng thời điểm khi những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực giao thông, thông tin liên lạc, và các lĩnh vực khác sẽ cho phép ánh sáng của Thượng Đế lan tỏa để ban phước cho ngày càng nhiều con cái của Ngài.
Một Bằng Chứng Hùng Hồn về Tình Yêu Thương của Thượng Đế
Việc thiên sứ Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith là điều thiết yếu cho Sự Phục Hồi và là bằng chứng hùng hồn về tình yêu thương của Thượng Đế. Mô Rô Ni nói cho Joseph nghe về một biên sử, được viết trên các bảng khắc bằng vàng, được chôn giấu gần đó (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:33–34). Cuối cùng, Joseph sẽ được ban cho “quyền năng từ trên cao” (Giáo Lý và Giao Ước 20:8) để phiên dịch biên sử đó thành quyển sách mà sau này sẽ trở thành Sách Mặc Môn, mà cũng quan trọng không kém so với Kinh Thánh và là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô.
Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về những người, mà đã sống hàng trăm năm trước khi Đấng Ky Tô đến, đã biết và báo trước về sự giáng lâm của Ngài và mong chờ điều đó. Chúng ta cũng tìm thấy câu chuyện phi thường về sự hiện đến và giáo vụ cá nhân của Đấng Cứu Rỗi sau khi phục sinh giữa dân Nê Phi. Trong thời gian đó, Ngài đã mời gọi tất cả mọi người đến cùng Ngài và sờ vào vết thương bên hông Ngài cũng như dấu đóng đinh trên tay và chân Ngài (xin xem 3 Nê Phi 11:14–15). Ngài chữa lành người bệnh, người què, người đui—“tất cả những người bị đau đớn về mọi thể cách khác”—và rồi ban phước cho các trẻ nhỏ và cầu nguyện cho chúng (xin xem 3 Nê Phi 17:7–9, 21). Chúng ta học được rất nhiều về tình yêu thương và lòng trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi từ câu chuyện thiêng liêng này.
Sách Mặc Môn làm chứng rằng “Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.” Những lời khẳng định trong Sách Mặc Môn nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi yêu thương chúng ta hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng được.
Các Phước Lành của Chức Tư Tế và Giáo Hội
Sự Phục Hồi tiếp tục với sự xuất hiện của các sứ giả thiên thượng khác đến cùng Joseph Smith. “Giăng Báp Tít phục sinh đã phục hồi thẩm quyền làm phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để xá miễn các tội lỗi. Ba trong số mười hai Sứ Đồ nguyên thủy—Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng—đã phục hồi chức vụ sứ đồ và các chìa khóa của thẩm quyền chức tư tế. Những vị khác cũng đến, kể cả Ê Li, là người đã phục hồi thẩm quyền để kết hợp các gia đình lại với nhau vĩnh viễn trong các mối quan hệ vĩnh cửu mà vượt qua cái chết.”
Vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, qua Tiên Tri Joseph, Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập một giáo hội theo khuôn mẫu giáo hội mà Ngài đã tổ chức trong thời Tân Ước (xin xem Những Tín Điều 1:6), được hoàn tất trên “nền tảng của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà” (Ê Phê Sô 2:20). Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mang các phước lành của quyền năng chức tư tế được phục hồi lại cho tất cả con cái của Thượng Đế, là những người tự chuẩn bị mình để tiếp nhận nó.
Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui trong sự hối cải hằng ngày khi chúng ta tìm đến Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi. Đối với bất kỳ ai cảm thấy buồn rầu hoặc không xứng đáng hoặc không được thuộc vào: tất cả đều được mời gọi đến cùng Đấng Ky Tô và Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội không phải là một tu viện dành cho người hoàn hảo mà là một bệnh viện dành cho người bệnh. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta đến nhà thờ không phải để che giấu những vấn đề của mình mà để sửa chữa các vấn đề đó.”
Ở nhà thờ, chúng ta tìm thấy niềm vui trong những cơ hội để quan tâm, phục vụ người khác với tình yêu thương, và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của mình với lòng nhân từ dạt dào của Đấng Ky Tô. Chúng ta có thể “được kể là dân của giáo hội của Đấng Ky Tô” và “được nhớ tới và được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 6:4). Thật là một phước lành lớn lao!
Một Lý Do cho Sự Vui Mừng Lớn Lao
Tiên Tri Joseph Smith đã từng tuyên bố: “Giờ đây, chúng ta nghe được gì về phúc âm mà chúng ta đã nhận được? Một tiếng nói hoan hỷ! Một tiếng nói thương xót từ trời; và một tiếng nói chân thật phát ra từ trái đất; một tin lành cho người chết; một tiếng nói hoan hỷ cho người sống và người chết; một tin lành vui mừng lớn lao” (Giáo Lý và Giao Ước 128:19).
Những tin lành này đã đến vì Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử yêu dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, yêu thương chúng ta và mong muốn—hơn bất cứ điều gì—chào đón chúng ta trở lại nơi hiện diện của hai Ngài, để chúng ta có thể có được cuộc sống vĩnh cửu như hai Ngài đang sống. Sự Phục Hồi tiết lộ rằng hai Ngài đã làm mọi điều cần thiết để biến điều này thành một vinh quang khả thi cho tất cả chúng ta. Trong cuộc hành trình vĩnh cửu của mình, chúng ta sẽ trải qua những thử thách và khó khăn, nhưng “[chúng ta] có sinh tồn thì [chúng ta] mới hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25) trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau. Tiên Tri Joseph biết rõ điều này hơn ai hết.
Joseph thường xuyên phải đối mặt với sự chống đối và bắt bớ, nhưng ông vẫn giữ “bản tính vui vẻ” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:28). Ông vẫn luôn vui vẻ, mạnh mẽ, và kiên cường, và ông đã hoàn thành công việc phi thường mà ông đã được giao phó để làm. Tôi bày tỏ lòng kính trọng đến với tất cả Các Thánh Hữu thời kỳ đầu đã tin tưởng, ủng hộ và noi theo Tiên Tri Joseph Smith cũng như hy sinh bản thân mình cho việc xây dựng Giáo Hội. Chúng ta nợ họ một món nợ về lòng biết ơn và sự tôn kính.
Thời kỳ đầu của Giáo Hội thật là bấp bênh, và thời nay cũng có thể chông chênh như vậy. Nhưng Sự Phục Hồi vẫn đang tiếp diễn. Với Chúa Giê Su Ky Tô đứng đầu Giáo Hội, các vị tiên tri tại thế sẽ tiếp tục hướng dẫn chúng ta. Các ngôi nhà của Chúa sẽ tiếp tục được xây cất để các phước lành của các giao ước vĩnh cửu với Thượng Đế có thể ràng buộc chúng ta với Ngài và với những người thân yêu của mình ở cả hai bên bức màn che (xin xem Ma Thi Ơ 16:19). Tình yêu thương của Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ lan rộng trên khắp thế gian khi chúng ta tuân theo lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi để chăn chiên Ngài và chia sẻ phúc âm của Ngài. Chúng ta sẽ chứng kiến những lẽ thật của Sự Phục Hồi được lan truyền theo những cách thức và đến những nơi mà khó có thể tưởng tượng được trong thời của Joseph.
Chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh và niềm vui lớn lao—như Tiên Tri Joseph đã tìm thấy—khi chúng ta đón nhận và sống theo các lẽ thật quý báu này. Lời kêu gọi mà Joseph đưa ra cho Các Thánh Hữu vào thời của ông vẫn áp dụng với chúng ta ngày nay: “Lẽ nào chúng ta không tiếp tục chính nghĩa cao quý như vậy? Hãy tiến bước lên, chớ lùi bước. Hãy can đảm lên, … và hãy tiến bước mãi cho đến khi chiến thắng! Hãy để cho tâm hồn mình được hân hoan và hết sức vui vẻ” (Giáo Ước và Giao Ước 128:22).
Cầu xin cho tin lành về tình yêu thương và niềm vui mà Sự Phục Hồi mang đến sẽ ban phước và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta—bây giờ và mãi mãi về sau.