Podcast số 203 – Liahona tháng 10, 2019 – Các Phước Lành của Một Quan Điểm Phúc Âm – Gary E. Stevenson

Bài của Anh Cả Gary E. Stevenson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Thật là một phước lành lớn lao để được là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trong gian kỳ mà sự phục hồi của các chìa khóa của vương quốc và sự ứng nghiệm lời tiên tri cho phép chúng ta tận mắt chứng kiến “phúc âm sẽ trải ra tới các nơi tận cùng của trái đất, chẳng khác chi hòn đá bị đục ra từ núi mà không có bàn tay giữ lại, sẽ lăn đi cho đến khi nào nó lăn cùng khắp thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 65:2).

Lời tiên tri này, được Đa Ni Ên trong Kinh Cựu Ước đưa ra và về sau được lặp đi lặp lại trong gian kỳ này, dường như đang được ứng nghiệm khi chúng ta theo dõi thấy hơn 3.000 giáo khu đã được tổ chức trong Giáo Hội ngày nay. Trong 50 năm qua, các tín hữu Giáo Hội đã gia tăng từ 2,1 triệu đến hơn 16 triệu.1

Điều cũng gây ấn tượng đối với tôi như sự phát triển và thay đổi nhanh chóng này là sự thực rằng các nguyên tắc và lối thực hành của phúc âm vẫn không thay đổi, kể cả khuôn mẫu do Thượng Đế hướng dẫn mà đã được mặc khải cho Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Khuôn mẫu này cho phép sự tổ chức các giáo khu, được thiết kế nhằm cung ứng việc “phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút… lên toàn thể thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 115:6).

Thưa các anh chị em, Chúa ban phát rộng rãi các phước lành của Ngài cho chúng ta. Việc hiểu được rằng các phước lành là kết quả của sự vâng lời của chúng ta đối với các lệnh truyền và việc tuân giữ các lệnh truyền đó là một sự thể hiện về tình yêu thương của chúng ta dành cho Chúa là những lời chỉ dạy đáng giá để học hỏi. Các nguyên tắc phúc âm như vậy cung ứng một quan điểm quan trọng cho chúng ta.

Điều này dẫn đến hai điểm mà tôi muốn nhấn mạnh đến. Tôi thấy rằng Chủ Tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, trước đây đã chia sẻ hai điểm này với những người thành niên trẻ tuổi độc thân vào năm 2015.

Duy Trì một Quan Điểm Phúc Âm

Chủ Tịch Oaks nói rằng “quan điểm có nghĩa là nhìn tất cả mọi sự việc trong một mối quan hệ đầy ý nghĩa, một cái nhìn tổng quát.”2 Dưới đây là một số điều anh chị em hiểu được khi anh chị em nhìn từ một quan điểm phúc âm:

Hãy xem điều gì xảy ra nếu quan điểm phúc âm của anh chị em trở thành những ống kính anh chị em nhìn vào trong mọi khía cạnh của cuộc sống mình. Một quan điểm phúc âm sẽ giúp anh chị em có một cái nhìn rõ hơn về cách anh chị em nghĩ về những ưu tiên trong cuộc sống, giải quyết vấn đề, và đối phó với những cám dỗ của cá nhân. Điều này có thể thực sự ảnh hưởng đến toàn bộ cách anh chị em tiếp cận với cuộc đời mình và nhiều quyết định khác nhau mà anh chị em sẽ đưa ra trong cuộc sống.

Với cách nhìn này, chúng ta biết rằng Chúa mong muốn chúng ta dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần và chúng ta học tập thánh thư và cầu nguyện lên Ngài mỗi ngày. Ngoài ra, chúng ta biết rằng Sa Tan sẽ cám dỗ không cho chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi hoặc lắng nghe những thúc giục nhỏ nhẹ của Đức Thánh Linh. Sau đó chúng ta có thể nhận thức rõ hơn rằng kẻ nghịch thù cố gắng hết sức để lấy đi quyền tự quyết và khả năng của chúng ta để chống chọi những nỗ lực của nó qua thói nghiện, kể cả ma túy và hình ảnh sách báo khiêu dâm.

Ngược lại, những ống kính của phúc âm cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng về tầm quan trọng của việc lập gia đình—chọn để kết hôn và nuôi dạy con cái trong sự ngay chính. Quan điểm này cũng mở mắt chúng ta ra để thấy rằng kẻ nghịch thù muốn phá hủy hoàn toàn đơn vị gia đình và làm lẫn lộn vai trò của giới tính, do đó dẫn đến việc suy giảm giá trị mà xã hội đặt vào việc tạo dựng và xây đắp gia đình.

Duy Trì một Sự Thăng Bằng Thuộc Linh

Chủ Tịch Oaks nói: “Khi những người thành niên trẻ tuổi có quan điểm, cái nhìn toàn diện… , thì điều quan trọng đối với họ là duy trì sự thăng bằng thuộc linh trong cuộc sống của họ. Để làm điều này, anh chị em cần phải tránh xa một số điều xao lãng của thế gian và cũng làm những điều cần thiết nhằm đến gần với Đấng Cứu Rỗi hơn.”3

Về một mặt, anh chị em có nhiều vấn đề cấp bách và ưu tiên trong cuộc sống dưới nhiều hình thức và thể loại khác nhau, tất cả đều cần được chú ý, tập trung vào, và hướng dẫn. Bản liệt kê cho mỗi anh chị em có thể khá khác biệt tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của anh chị em, nhưng chắc chắn anh chị em sẽ tìm thấy trong số đó học vấn, nghề nghiệp, hôn nhân, và cả sự an lạc về mặt tình cảm lẫn thể chất. Dĩ nhiên, thử thách của anh chị em là nhằm giữ thăng bằng giữa các vai trò quan trọng trong cuộc sống với phần thuộc linh của mình.

Chủ Tịch Oaks cũng khuyên bảo rằng anh chị em cần phải cẩn thận khi anh chị em “phân chia thời gian của mình để anh chị em sẽ không sao lãng phần thuộc linh trong lúc mà những sinh hoạt chính yếu đã có trong chương trình của mình tập trung vào những điều khác. Nguyên tắc đó giải thích lý do tại sao là điều đặc biệt quan trọng đối với những người thành niên trẻ tuổi … để tuân theo những lời khuyên bảo để tham dự các buổi nhóm họp trong Giáo Hội, phục vụ trong Giáo Hội, học tập thánh thư hằng ngày, quỳ xuống cầu nguyện hằng ngày, và phục vụ trong các chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội.4

Ở giữa những nhu cầu cá nhân và đa dạng của mình, để giữ thăng bằng giữa những theo đuổi và thử thách trong cuộc sống với phần thuộc linh của mình, anh chị em sẽ tiến đến việc nhận ra rằng sự thăng bằng đó là có thể đạt được. Chúa không đòi hỏi anh chị em phải làm điều mà anh chị em không thể làm được. Tôi có nghe Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) nhiều lần khuyên bảo rằng “người nào Chúa kêu gọi, Ngài sẽ làm cho người đó hội đủ điều kiện.”5 Tôi nghĩ câu này đặc biệt áp dụng cho các tín hữu của Giáo Hội.

Mặc dù sự thăng bằng này có vẻ như rất đáng sợ, tôi hứa rằng một trong những phép lạ lớn lao nhất của cuộc sống trần thế của anh chị em sẽ là khả năng của anh chị em để tìm thấy sự thăng bằng giữa phần thuộc linh của mình và những vai trò quan trọng khác trong cuộc sống. Điều này có thể thực hiện được trong một cách thức mà sẽ cho phép anh chị em không chỉ duy trì phần thuộc linh và những vai trò quan trọng trong cuộc sống của mình ở tình trạng hiện tại mà còn để lớn mạnh và phát tiển trong cả hai lĩnh vực quan trọng này.

Lý do chủ yếu mà điều này có thể thực hiện được là vì Chúa là trọng tâm. Ngài là điểm trọng tâm tuyệt đối của sự thăng bằng. Và Ngài có mối quan tâm thiêng liêng đối với riêng anh chị em vì anh chị em là một trong các con cái của Ngài. Nhưng kết quả này được phỏng đoán dựa trên sự tập trung và nỗ lực thích hợp của anh chị em để tìm thấy sự thăng bằng.

Từ nhận xét và kinh nghiệm riêng của tôi, dường như chúng ta có khuynh hướng trong suốt cuộc đời mình là thiên về bên này hay bên kia nhiều hơn. Để duy trì sự thăng bằng trong cuộc sống, chúng ta cần phải có nỗ lực không ngừng và sự quan tâm của bản thân mình. Hãy chọn để tiếp tục kiên định một cách tích cực.

Thú vị thay, chúng ta có thể mất thăng bằng trong cả hai bên. Có thể có lúc anh chị em thấy mình cần phải chú ý để tập trung rõ ràng vào việc học tập hoặc công việc chuyên môn, với “việc phục vụ trong Giáo Hội được thực hiện vào đúng lúc mà sự phục vụ trong Giáo Hội cần được thực hiện.”6 Tuy nhiên, hãy nhớ đặt Chúa làm trọng tâm để anh chị em có thể tìm thấy sự thăng bằng thuộc linh thích hợp của mình.

Chúa Sẽ Giúp Đỡ Anh Chị Em

Khi chúng ta giữ vững một quan điểm phúc âm, thì thật dễ dàng để hiểu lẽ thật căn bản rằng Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Một nguyên tắc phúc âm căn bản là chúng ta là con cái của Cha Mẹ Thiên Thượng nhân từ. Chỉ là điều tự nhiên đối với Hai Ngài để giúp đỡ chúng ta bằng mọi cách để trở về mái nhà thiên thượng của chúng ta.

Tôi muốn chia sẻ một ví dụ về cách Chúa có thể giúp anh chị em. Một trong các vị lãnh đạo thời niên thiếu của tôi, Thad Carlson, chia sẻ với tôi câu chuyện này nhiều năm về trước. Thad, người mới vừa qua đời, đã có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi trong những năm niên thiếu của tôi. Anh lớn lên trong Thời Kỳ Đại Khủng Hoảng, là con thứ chín trong gia đình có 14 người con. Gia đình anh sinh sống bằng nghề nông và chăn nuôi gia súc. Đó là một thời điểm khó khăn về kinh tế, và tài sản có giá trị lớn nhất là đàn bò của họ.

Trong thời niên thiếu của Thad, một trong các trách nhiệm của anh là chăm sóc cho đàn bò khi cần thiết, để bảo đảm rằng chúng có thức ăn tốt nhất—một công việc to lớn đối với một cậu bé. Anh đã có thể làm được công việc này với sự giúp đỡ của một con ngựa thông minh biết chính xác điều gì phải làm mà không cần hướng dẫn nhiều. Con ngựa có tên là Old Smoky. Nhưng Old Smoky có một khuyết điểm: nó không bao giờ muốn bị bắt. Bất cứ khi nào có ai đó lại gần nó, thì nó bỏ chạy, vì biết rằng nó sẽ bị bắt đi làm việc.

Một ngày kia, sau khi đã bắt được Old Smoky, lên dây cương, và yên cương, cậu bé Thad cưỡi ngựa ra đồng cỏ nơi đàn bò đang gặm cỏ. Mặt đất khô ráo, và đồng cỏ cũng vậy, nhưng Thad nhận thấy là cỏ ở phía bên ngoài đồng cỏ, ở hai bên đường ray xe lửa thì cao hơn và xanh hơn. Vì thế cậu nghĩ rằng cậu sẽ lùa đàn bò ra ngoài đồng cỏ có hàng rào bao quanh và để cho chúng tận hưởng thức ăn ngon dọc bên đường ray xe lửa.

Với sự giúp đỡ của Old Smoky, Thad lùa đàn bò ra bên ngoài đồng cỏ, nơi đó chúng bắt đầu đi đi lại lại dọc theo đường ray xe lửa thưởng thức cỏ ngon hơn, xanh tươi hơn. Dường như không cần phải lo lắng gì về những con bò no nê, vì thế Thad xuống ngựa và ngồi trên dây cương, chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên xung quanh và tự mình chơi đùa vui vẻ. Tuy nhiên, vì cũng mong muốn được ăn cỏ xanh, cuối cùng Old Smoky đã lẻn đi, dây cương của nó tuột ra khỏi bên dưới người Thad.

Khoảnh khắc tĩnh lặng và thanh bình này bất ngờ tan biến khi Thad bỗng nhiên nghe thấy một tiếng ồn ầm ĩ từ đằng xa. Đó là tiếng còi của tàu hỏa đang chạy tới trên đúng đường ray mà đàn bò của cậu đang từ tốn gặm cỏ rải rác trước mặt! Cậu nhận thấy rằng hậu quả có thể sẽ rất thảm khốc đối với đàn bò và cũng đối với gia đình cậu nếu cậu không nhanh chóng hành động để lùa đàn bò vào trong đồng cỏ, ra xa khỏi đoàn tàu đang tiến tới. Cậu cảm thấy rằng cậu sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho mình vì đã không làm tròn trách nhiệm được giao phó.

Thad nhanh chóng đứng lên và chạy đi để chộp lấy dây cương của Old Smoky. Old Smoky thấy Thad đang tới gần và nhanh chóng lùi ra xa, không muốn bị bắt. Thở hổn hển và đầy tuyệt vọng, với hình ảnh những con bò chết và thảm họa đến với gia đình tràn vào tâm trí, Thad biết mình phải hành động ngay lập tức.

Về sau cậu đã ghi lại chuyện xảy ra: “Giảng viên Hội Thiếu Nhi của tôi dạy chúng tôi cầu nguyện và củng cố những điều chúng tôi học được từ mẹ của mình. Không có lựa chọn nào khác, tôi quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện xin được giúp đỡ lùa đàn bò ra khỏi đường ray xe lửa.”

Thad không nghe thấy tiếng nói nào, nhưng một ý nghĩ rõ ràng đã đến với cậu: “Hãy chú ý đến cách những con bò có thể đi bên cạnh Old Smoky và không làm cho nó bỏ chạy. Vậy thì … bây giờ cậu đã quỳ xuống rồi, cũng hãy chống hai tay xuống đất. Giả vờ như mình là con bò và bò ra chỗ Old Smoky.”

Thad nói: “Tôi đã làm thế. Nó đứng yên. Tôi nắm lấy dây cương, kéo nó ra chỗ hàng rào, nhảy lên lưng nó, và chúng tôi phi nhanh như gió để lùa đàn bò về phía đồng cỏ. Old Smoky đã thông minh một cách lạ thường ở mỗi khúc quanh.”

Sau này, khi Thad đang học trung học, anh đã hoàn toàn nhận ra rằng anh đã nhận được một sự đáp ứng rõ ràng cho lời cầu nguyện của mình vào lúc khẩn cấp. Anh nhận xét: “Các thiên sứ đã ban phước cho Old Smoky vượt quá khả năng của tôi, và gia đình chúng tôi đã tránh được thảm họa.” Về sau anh nói: “Đây là sự thúc giục đầu tiên trong số nhiều sự thúc giục mà [đã] đến với tôi. ‘Và bất cứ điều gì ngay chính mà các ngươi sẽ cầu xin Đức Chúa cha trong danh ta, và tin tưởng rằng các ngươi sẽ nhận được, này, điều ấy sẽ được ban cho các ngươi’ (3 Nê Phi 18:20).”7

Tất cả chúng ta đều có đàn bò để lùa ra khỏi đường ray xe lửa trước khi tàu hỏa chạy tới. Mối nguy hiểm của chúng ta có nhiều mức độ khác nhau. Một số thậm chí còn nghiêm trọng hơn tình huống nguy hiểm của Thad, với những hậu quả đe dọa mạng sống hoặc đe dọa tâm hồn của chúng ta hoặc người thân của mình.

Những tình huống khác mà chúng ta gặp phải có lẽ không có hậu quả nghiêm trọng như vậy, nhưng tuy thế lại đè nặng lên tâm trí và tâm hồn chúng ta. Một điều chắc chắn là—mỗi người chúng ta đều sẽ gặp phải nghịch cảnh và ưu phiền trong cuộc sống mình bởi vì chúng là một phần của kinh nghiệm trần thế của chúng ta. Nhưng hãy nhớ rằng, Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta!

Tôi yêu thích những lời sau được tìm thấy trong Sách Mặc Môn: “Chúng ta thấy rằng Thượng Đế nhớ tới tất cả mọi sắc dân, dù họ ở tại xứ nào; phải, Ngài đã đếm từng người dân của Ngài, và lòng thương xót của Ngài ban trải ra cùng khắp thế gian” (An Ma 26:37).

Đó có nghĩa là mỗi người chúng ta. Thật là an ủi biết bao để biết rằng Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta.

Đức Tin, Niềm Hy Vọng, và Quan Điểm Phúc Âm

Để tóm tắt, tôi khuyến khích anh chị em hãy nhớ duy trì một quan điểm phúc âm. Hãy nhìn thế giới xung quanh anh chị em qua ống kính phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Duy trì một sự thăng bằng thuộc linh. Chúng ta đều gặp phải những thử thách và cơ hội trong nhiều vai trò khác nhau của cuộc sống mình, và chúng được hữu hiệu nhất khi chúng ta làm cho chúng được thăng bằng với đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Cuối cùng, hãy có đức tin và hy vọng rằng Chúa sẽ giúp đỡ anh chị em. Sự hiểu biết này chính là điều sẽ giúp anh chị em đối phó với những thử thách mà là một phần không thể tránh khỏi của sứ mệnh trần thế của chúng ta.