Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả Bradley R. Wilcox, Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Niên
Khi tôi phục vụ với tư cách là giám trợ, thật là kỳ diệu khi thấy những người trẻ tuổi cảm thấy nhẹ nhõm khi họ gặp tôi để thú nhận một tội lỗi như một phần của sự hối cải của họ. Tuy nhiên, tôi không thể nào không chú ý đến một khuôn mẫu lặp đi lặp lại: những người trẻ tuổi sẽ thú nhận tội lỗi, sau đó cảm thấy tốt hơn, và rồi—mặc cho những ý định tốt nhất—họ lại lầm lỗi lần nữa. Sau đó họ sẽ thú tội, cảm thấy vui hơn, và rồi lại lầm lỗi lần nữa. Sau ba hoặc bốn lần trải qua chu kỳ lẩn quẩn đó, họ thường bỏ cuộc.
Tôi biết ơn rằng những người trẻ tuổi này đã được giảng dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, sẽ ban cho họ một cơ hội để hối cải và bắt đầu lại. Tuy nhiên, tôi lo lắng rằng có lẽ họ đã chưa hiểu hết về một phước lành khác mà Đấng Cứu Rỗi ban cho: ân điển của Ngài—quyền năng làm cho có khả năng1, sự trợ giúp thiêng liêng, và “ân tứ về sức mạnh mà nhờ đó chúng ta tăng trưởng từ con người không hoàn mỹ và hạn chế thành con người được tôn cao.”2
Tôi quyết tâm giảng dạy rõ ràng hơn, như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy, rằng “sự hối cải … là một tiến trình”3 mà thường đòi hỏi thời gian và nỗ lực lặp đi lặp lại.4 Tôi muốn các tín hữu trong tiểu giáo khu của tôi biết rằng Thượng Đế sẽ hỗ trợ chúng ta tùy theo khả năng và hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, và ban ân điển để giúp đỡ chúng ta trong suốt tiến trình hoàn thiện, cho dù phải mất bao lâu đi nữa.
Việc Hiểu Được Ân Điển Giúp Đỡ Các Em Như Thế Nào
Cách đây một vài năm, một cuộc nghiên cứu với hơn 600 người thành niên trẻ tuổi tại trường Brigham Young University đã cho thấy rằng những người biết và hiểu về ân điển đã báo cáo họ ít bị trầm cảm, lo lắng, xấu hổ và cầu toàn hơn.5 Một cuộc nghiên cứu tiếp theo cho thấy rằng niềm tin vào ân điển có liên quan đến mức độ cao hơn về sự biết ơn, lòng tự trọng, ý nghĩa cuộc sống, hài lòng với cuộc sống và sự lạc quan.6
Nói cách khác, người ta cảm thấy ít hổ thẹn và có lòng tự trọng cao hơn khi họ hiểu rằng ân điển có sẵn ngay ở đây và ngay bây giờ—không phải sau khi chúng ta kiếm được hoặc xứng đáng với ân điển đó. Khi chúng ta biết rằng Thượng Đế giúp đỡ chúng ta bất kể chúng ta đã làm gì hay bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy mình đã làm Ngài thất vọng, thì chúng ta vẫn sẽ cảm thấy được soi dẫn để tiếp tục cố gắng.7
“Tôi Đã Làm Cha Thiên Thượng Thất Vọng”
Mới đây, một người truyền giáo đã bị chấn thương trong một sinh hoạt thể thao trong ngày chuẩn bị và được đưa về nhà để hồi phục. Anh ấy đã có những mục tiêu cao để nhận được sự giúp đỡ về thể chất mà anh cần và sau đó quay lại công việc truyền giáo của mình. Tuy nhiên, khi có quá nhiều thời gian rảnh rỗi ở một mình sẽ sớm dẫn đến việc tái phạm những thói quen cũ.
Anh ấy đã buông thả trong tội lỗi mà anh nghĩ rằng mình đã hối cải và bỏ lại sau lưng trước khi đi truyền giáo. Anh chán nản và buồn bã vì sự thiếu tự chủ của mình. Càng chán nản, anh ấy càng tìm cách lẩn trốn trong những thói quen xấu đó. Đó là một vòng xoáy tiêu cực khiến anh chẳng đi đến đâu cả.
Cậu thanh niên ấy nói với người lãnh đạo chức tư tế của mình: “Em cảm thấy như mình đã làm Cha Thiên Thượng thất vọng.” “Em đã hối cải điều này trước đây, và Thượng Đế đã tha thứ cho em. Em hứa là sẽ không bao giờ tái phạm nữa, vậy mà em đang ở ngay đây như thể em chưa bao giờ hối cải trước đây. Em không đáng được Thượng Đế tha thứ hoặc giúp đỡ. Ngay lúc này. Mãi mãi sau này cũng thế.”
Vị lãnh đạo chức tư tế của anh đã nói: “Vậy em không vui mừng khi biết ân điển là một ân tứ sao? Em không cần phải kiếm được hoặc xứng đáng với ân điển đó. Em chỉ cần chọn tiếp nhận ân điển đó bằng cách sẵn lòng tiếp tục cố gắng và không bỏ cuộc.”8 Sau đó vị lãnh đạo đã chia sẻ những lời này của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ: “Đôi khi chúng ta có thể lại vấp ngã lần nữa, nhưng chúng ta hãy nhanh chóng và khiêm nhường quỳ gối lên và bước đi trở lại theo đúng hướng.”9
Một lần nữa, người thanh niên đó hướng về phía thiên thượng, và Đấng Cứu Rỗi đã ở đó để giúp đỡ. Không chỉ những vết thương, mà cả tấm lòng của người thanh niên này cũng được chữa lành. Mỗi lần một mục tiêu nhỏ, và với ân điển đã được Chúa Giê Su Ky Tô làm cho có thể thực hiện được, anh ấy bắt đầu cải thiện. Không lâu sau, anh ấy quay trở lại công việc truyền giáo với đầy lòng biết ơn, giá trị bản thân, một ý thức về ý nghĩa, hài lòng với cuộc sống, và sự lạc quan. Đó là sự khác biệt mà ân điển của Đấng Ky Tô có thể tạo ra.