Podcast: Play in new window | Embed
Khi ưu tiên mối quan hệ của mình với Thượng Đế và tư cách môn đồ với Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ tìm thấy niềm hân hoan trong danh tính thiêng liêng của mình, sẽ có được cảm giác thuộc về lâu dài, và cuối cùng đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình.
Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ định nghĩa từ sự thuộc về là “cảm giác được ưng thuận và chấp nhận bởi một tập thể.”1
Không may thay, không phải tất cả chúng ta đều có cảm giác thuộc về và đôi khi phải cố gắng thay đổi chính mình để được chấp nhận. Joanna Cannon, một bác sĩ tâm lý người Anh, giải thích: “Tất cả chúng ta đều muốn hòa nhập.” “Để đạt được điều đó, chúng ta thường thể hiện các phiên bản hơi khác với con người thật của mình, tùy vào môi trường và công ty mà chúng ta đang làm việc. Chúng ta có thể có nhiều ‘phiên bản’ của bản thân—cho công việc, ở nhà, hay thậm chí là trực tuyến.”2
Điều quan trọng cần lưu ý là có một sự khác biệt giữa sự hòa nhập và sự thuộc về. Brené Brown, một nhà nghiên cứu và tác giả người Mỹ, đã nhận xét: “Sự hòa nhập và sự thuộc về không giống nhau. Trên thực tế, hòa nhập là một trong những rào cản lớn nhất để thuộc về. Hòa nhập là đánh giá một tình huống và trở thành người mà anh chị em cần trở thành, để được chấp nhận. Mặt khác, sự thuộc về không yêu cầu chúng ta thay đổi con người của mình, mà nó yêu cầu chúng ta phải là chính mình.”3
Việc biết được danh tính thiêng liêng của mình là điều cần thiết để thuộc về một cách có ý nghĩa; nếu không, chúng ta sẽ dành thời gian và nỗ lực thay đổi bản thân để tìm kiếm sự chấp nhận ở những nơi không trân trọng hoặc không phù hợp với bản chất vĩnh cửu của chúng ta. Hơn nữa, nơi chúng ta chọn để thuộc về có thể dẫn đến những thay đổi về giá trị và hành vi của chúng ta khi tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn của tập thể. Qua thời gian, nơi chúng ta chọn để thuộc về sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta trở thành người như thế nào.
Tóm lại, việc giữ lấy danh tính thiêng liêng của chúng ta ảnh hưởng đến nơi mà chúng ta khao khát thuộc về, và nơi mà chúng ta đã chọn để thuộc về cuối cùng sẽ dẫn đến con người mà chúng ta trở thành.
Danh Tính Thiêng Liêng
Tất cả chúng ta đã sống với Thượng Đế trong cuộc sống tiền dương thế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:29; 138:55–56). Chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Ngài—nam và nữ (xin xem Sáng Thế Ký 1:27). Ngài đã chuẩn bị một kế hoạch để chúng ta trở nên giống như Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:19–20, 23–24). Kế hoạch hạnh phúc của Ngài bao gồm việc chúng ta đến thế gian để nhận được thể xác, có được kiến thức, và cuối cùng trở về ngôi nhà thiên thượng để sống với Ngài trong niềm hân hoan vĩnh cửu (xin xem 2 Nê Phi 2; 9; Áp Ra Ham 3:26). Thượng Đế đã mặc khải: “Đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Thật đáng kinh ngạc, chúng ta là công việc và vinh quang của Ngài! Điều này nói lên điều gì đó về giá trị lớn lao của chúng ta đối với Ngài.
Với hàng tỷ người trên thế gian, một số có thể cảm thấy khó chấp nhận rằng Thượng Đế đang quan tâm đến từng cá nhân chúng ta. Tôi làm chứng rằng Ngài biết mỗi người chúng ta và cũng biết chúng ta đang làm gì, chúng ta đang ở đâu, và thậm chí cả “mọi ý tưởng và dự định trong lòng [chúng ta]” (An Ma 18:32). Chúng ta không chỉ được “đếm” bởi Thượng Đế (Môi Se 1:35) mà chúng ta còn được Ngài yêu thương một cách hoàn hảo (xin xem 1 Nê Phi 11:17).
Vì tình yêu thương hoàn hảo của Ngài dành cho chúng ta, Cha Thiên Thượng mong muốn chia sẻ tất cả những gì Ngài có với chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:38). Bởi lẽ, chúng ta là con trai và con gái của Ngài. Ngài muốn chúng ta trở nên giống như Ngài, làm những việc Ngài làm và trải nghiệm niềm vui mà Ngài có. Khi chúng ta cởi mở tấm lòng và tâm trí của mình để đón nhận lẽ thật này, thì “chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời: lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: Kẻ kế tự Đức Chúa Trời” (Rô Ma 8:16–17).
Thượng Đế vui mừng khi chúng ta cảm nhận được tình yêu thương, sự hòa hợp và sức mạnh đến từ cảm giác thuộc về sâu sắc cùng với Ngài, Vị Nam Tử của Ngài và những ai noi theo Hai Ngài.
Sự Khác Biệt Nơi Trần Thế
Trong cuộc sống tiền dương thế, chúng ta bước đi với Thượng Đế, nghe tiếng Ngài và cảm nhận tình yêu thương của Ngài. Chúng ta cũng đã vượt qua bức màn của sự lãng quên để bước vào cõi trần thế. Chúng ta không còn ký ức hoàn hảo về cuộc sống của chúng ta trước đây. Những điều kiện của môi trường hữu diệt này khiến chúng ta khó cảm nhận được bản chất thiêng liêng của chúng ta và sự thuộc về mà chúng ta đã từng vui hưởng trong ngôi nhà thiên thượng của mình.
Chẳng hạn như, việc quá tập trung vào sự khác biệt về gen và môi trường của chúng ta có thể là một trở ngại cho sự kết nối của chúng ta với Thượng Đế. Kẻ nghịch thù cố gắng khai thác những khác biệt này để làm lạc hướng chúng ta khỏi sự đồng huyết thống thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta bị người khác xét đoán, và đôi khi tự xét đoán chính mình. Vốn dĩ không có gì sai trong việc xác định với người khác dựa trên các đặc điểm trần thế; trên thực tế, nhiều người trong chúng ta tìm thấy niềm vui và sự hỗ trợ từ những người có cùng đặc điểm và kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi chúng ta quên đi danh tính cốt lõi của mình với tư cách là con cái của Thượng Đế, chúng ta có thể bắt đầu sợ hãi, không tin tưởng hoặc cảm thấy mình vượt trội hơn những người khác với chúng ta. Những thái độ này thường dẫn đến sự chia rẽ, phân biệt đối xử, và thậm chí là hủy diệt (xin xem Môi Se 7:32–33, 36).
Khi chúng ta nhớ đến di sản thiêng liêng của mình, sự đa dạng của chúng ta mang lại vẻ đẹp và sự phong phú cho cuộc sống. Chúng ta xem nhau như anh chị em, bất kể những khác biệt của chúng ta. Chúng ta tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Chúng ta nỗ lực để mang đến những nơi giúp cho người khác thuộc về, đặc biệt là khi đặc tính và kinh nghiệm của họ khác với chúng ta. Chúng ta cảm thấy biết ơn Thượng Đế vì sự đa dạng trong các sáng tạo của Ngài.4
Mặc dù sự di truyền và môi trường ảnh hưởng đến kinh nghiệm trần thế của chúng ta, nhưng điều đó không định nghĩa chúng ta. Chúng ta là con cái của Thượng Đế với tiềm năng trở nên giống như Ngài.
Sự Thuộc Về qua Chúa Giê Su Ky Tô
Biết rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với những thử thách đáng kể trong cuộc sống trần thế, Thượng Đế đã chuẩn bị và gửi Vị Nam Tử của Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô, đến giúp chúng ta vượt qua những trở ngại này. Đấng Ky Tô giúp chúng ta tái lập lại mối quan hệ mật thiết mà chúng ta đã có với Thượng Đế trong cuộc sống tiền dương thế. Như Đấng Ky Tô đã giải thích, “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6; xin xem thêm Giăng 3:16–17).
Đấng Ky Tô luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng ta. Chúng ta thuộc về Ngài (xin xem 1 Cô Rinh Tô 6:20) và Ngài mong mỏi chúng ta đến với Ngài. Bằng chính lời của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã hứa, “[Hãy] đến cùng ta với một tấm lòng cương quyết, lúc đó ta sẽ đón nhận ngươi” (3 Nê Phi 12:24).
Vậy, làm thế nào để chúng ta đến với Đấng Ky Tô bằng một tấm lòng cương quyết?
Đầu tiên, chúng ta hãy chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Chúng ta nhận ra sự vĩ đại của Thượng Đế, tình trạng lạc mất và sa ngã của chúng ta, cũng như sự phụ thuộc tuyệt đối của chúng ta vào Chúa Giê Su Ky Tô để chúng ta được cứu. Chúng ta mong muốn được biết đến bằng danh của Ngài (xin xem Mô Si A 5:7–8) và muốn trở thành các môn đồ của Ngài “suốt quãng đời còn lại của mình” (Mô Si A 5:5).
Thứ hai, chúng ta đến với Đấng Ky Tô với một tấm lòng cương quyết bằng cách lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng với Thượng Đế (xin xem Ê Sai 55:3). Các giao ước được lập thông qua các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô do thẩm quyền của chức tư tế thực hiện.
Việc lập và tuân giữ các giao ước không chỉ ràng buộc chúng ta với Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài mà còn kết nối chúng ta lại với nhau. Cách đây vài năm, tôi cùng gia đình đến thăm Costa Rica và tham dự lễ Tiệc Thánh tại một Nhà Thờ địa phương. Khi chúng tôi bước vào, chúng tôi được chào đón nồng nhiệt bởi vài tín hữu. Trong suốt buổi lễ, chúng tôi đã hát thánh ca Tiệc Thánh với một giáo đoàn nhỏ. Chúng tôi quan sát các chức tư tế chuẩn bị Tiệc Thánh và sau đó lắng nghe họ đọc các lời cầu nguyện Tiệc Thánh. Khi bánh và nước được chuyền cho chúng tôi, tôi đã choáng ngợp bởi tình yêu thương mà Thượng Đế dành cho từng người trong số những người tuân giữ giao ước này. Tôi chưa gặp ai trong số họ trước buổi lễ đó nhưng tôi cảm nhận được sự hòa hợp và thân thiết với họ, bởi lẽ tất cả chúng tôi đã và đang cố gắng tuân giữ cùng một lời hứa với Thượng Đế.
Khi lập và cố gắng tuân giữ các giao ước thiêng liêng với Thượng Đế, chúng ta bắt đầu trải nghiệm cảm giác thân thuộc hơn những gì có thể đạt được thông qua việc kết giao với bất kỳ tập thể thế gian hay thế tục nào.5 Chúng ta “chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời” (Ê Phê Sô 2:19).
Tôi nhận ra rằng một số người trong chúng ta, do hoàn cảnh hữu diệt, sẽ không có cơ hội để nhận được mọi giáo lễ và lập mọi giao ước trong cuộc sống trần thế này.6 Trong những trường hợp như vậy, Thượng Đế yêu cầu chúng ta “làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23) để thiết lập và tuân giữ các giao ước sẵn có cho chúng ta. Sau đó, Ngài hứa sẽ ban cho chúng ta cơ hội để nhận được bất kỳ giáo lễ và giao ước nào mà chúng ta chưa nhận được trong cuộc sống tiếp theo (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:54, 58). Ngài sẽ giúp chúng ta có thể nhận được mọi phước lành mà Ngài dành cho con cái của Ngài (xin xem Mô Si A 2:41).
Trở Nên Giống Như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô
Thượng Đế vui mừng khi chúng ta cảm nhận được tình yêu thương, sự hòa hợp và sức mạnh đến từ cảm giác thuộc về sâu sắc cùng với Ngài, Vị Nam Tử của Ngài và những ai noi theo Hai Ngài. Tuy nhiên, Ngài có nhiều kế hoạch lớn hơn cho chúng ta! Trong khi Ngài mời gọi chúng ta đến bằng chính con người của mình, mong muốn thực sự của Ngài là để chúng ta trở nên giống như Ngài.
Việc lập và tuân giữ các giao ước không chỉ giúp chúng ta thuộc về Thượng Đế và Đấng Ky Tô mà còn giúp chúng ta có quyền năng trở nên giống như Hai Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:19–22). Khi chúng ta tuân giữ các giao ước gắn liền với các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao của phúc âm, quyền năng của Thượng Đế có thể tràn vào cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể xem con đường giao ước đại loại như một chương trình học việc thiêng liêng. Khi thiết lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế, chúng ta thực hành cách suy nghĩ, ứng xử và yêu thương giống như Ngài. Từng chút một, với sự giúp đỡ và quyền năng của Ngài, chúng ta có thể trở nên giống như Ngài.
Các Quyền Năng trên Trời
“Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao được thực hiện trong Giáo Hội phục hồi của Chúa có ý nghĩa nhiều hơn là việc thực hiện các nghi lễ hoặc những [điều chỉ mang tính] biểu tượng. Thay vì thế, các giáo lễ này gồm có những phương pháp được cho phép mà qua đó các phước lành và quyền năng của thiên thượng có thể tuôn chảy vào cuộc sống cá nhân của chúng ta.”
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 60.
Thượng Đế mong muốn chúng ta cùng tham gia với Ngài và Vị Nam Tử của Ngài để mang lại “sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Ngài đã ban cho mỗi chúng ta thời gian trên trần thế này, những ân tứ thuộc linh và quyền tự quyết để chúng ta sử dụng chúng vào việc phục vụ người khác. Chúng ta là con trai và con gái của Ngài, và Ngài có một công việc quan trọng để chúng ta làm (xin xem Môi Se 1:4, 6).
Để đạt hiệu quả trong công việc của Ngài, chúng ta cần hướng ngoại và học cách đặt Thượng Đế lên hàng đầu, đồng thời thường xuyên đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân. Tập trung hướng ngoại đòi hỏi sự hy sinh cá nhân (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:12–13) nhưng cũng truyền thêm ý nghĩa vào cuộc sống của chúng ta và mang lại niềm vui lớn lao (xin xem An Ma 36:24–26).
Khi tham gia vào công việc của Thượng Đế, chúng ta không chỉ là thành viên của một tập thể; đúng hơn, chúng ta trở thành đối tác thực sự với Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô.
Khi tham gia vào công việc của Thượng Đế, chúng ta không chỉ là thành viên của một tập thể; đúng hơn, chúng ta trở thành đối tác thực sự với Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô. Không có cảm giác nào tuyệt vời hơn khi biết rằng Thượng Đế tin cậy chúng ta đủ để làm việc thông qua chúng ta nhằm mang lại cuộc sống vĩnh cửu cho người khác.
Ba Lời Mời
Để kết thúc, tôi xin đưa ra ba lời mời để có thể giúp chúng ta có được cảm giác vui vẻ và lâu dài về danh tính và sự thuộc về, cũng như cho phép chúng ta đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình.
1. Tôi mời gọi chúng ta hãy ưu tiên danh tính thiêng liêng của chúng ta là con trai và con gái của Thượng Đế. Điều này có nghĩa là chúng ta tự định nghĩa giá trị bản thân của mình dựa trên huyết thống thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta tìm cách xây dựng mối quan hệ của mình với Thượng Đế thông qua việc cầu nguyện và học tập thánh thư, tuân giữ ngày Sa Bát và thờ phượng trong đền thờ, và bất kỳ hoạt động nào khác giúp mang Đức Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta đồng thời củng cố mối liên hệ của chúng ta với Ngài. Chúng ta để Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta.7
2 Tôi mời gọi chúng ta tin nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và đặt tư cách môn đồ của chúng ta với Ngài lên trước những cân nhắc khác. Điều này có nghĩa là chúng ta mang danh của Ngài và chúng ta mong muốn được mọi người biết đến như những môn đồ của Ngài. Chúng ta tìm cách tiếp cận sự tha thứ của Ngài và sức mạnh của Ngài mỗi ngày. Chúng ta lập và tuân giữ các giao ước. Chúng ta nỗ lực hết mình để trở thành giống như Ngài.
3. Tôi mời gọi chúng ta tham gia vào công việc của Thượng Đế bằng cách giúp những người khác đến với Đấng Ky Tô và đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Điều này có nghĩa là chúng ta giúp người khác nhìn thấy được danh tính thiêng liêng của họ và cảm thấy được thuộc vào. Chúng ta chia sẻ một cách cởi mở niềm hân hoan mà chúng ta tìm thấy nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài (xin xem An Ma 36:23–25). Chúng ta cố gắng giúp người khác thiết lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng với Thượng Đế. Chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn của Thượng Đế để biết mình có thể ban phước cho ai và làm điều đó bằng cách nào.
Tôi hứa rằng khi chúng ta ưu tiên mối quan hệ của mình với Thượng Đế và tư cách môn đồ của chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ tìm thấy niềm hân hoan trong danh tính thiêng liêng của mình, có cảm giác được thuộc về một cách lâu dài, và cuối cùng đạt được tiềm năng thiêng liêng của chúng ta.