Podcast: Play in new window | Embed
Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Trường Chủ Nhật vào năm 2019 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Việc làm theo ba đề nghị này có thể tạo ra một sự khác biệt lớn trong cuộc sống của anh chị em và giúp anh chị em cảm nhận được trái của Thánh Linh.
Khi còn là sinh viên đại học, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tương lai của mình. Một khi tôi đã tới tương lai—có nghĩa là đời sống sau đại học—tôi đã học được ba bài học rất quan trọng mà đã tạo ra một sự khác biệt lớn trong cuộc sống của tôi. Tôi muốn chia sẻ các bài học này với anh chị em với hy vọng rằng anh chị em không mất nhiều thời gian như tôi khi học các bài học này. Các bài học này có thể giúp anh chị em tìm thấy niềm vui lớn hơn trong cuộc sống—và cuối cùng đạt được sự tôn cao với Cha Thiên Thượng của anh chị em.
1. Tìm Kiếm Hạnh Phúc, Sự Bình An và Đức Thánh Linh
Tôi gặp vợ tôi, Melinda, trong năm thứ hai đại học, khoảng sáu tháng sau khi tôi đi truyền giáo trở về. Tôi biết ngay rằng tôi muốn kết hôn với Melinda. Tuy nhiên, Melinda không có cùng suy nghĩ như tôi. Mãi cho đến năm năm sau, cuối cùng, cô ấy mới nhận được câu trả lời từ Thánh Linh rằng “mọi việc sẽ đều ổn thỏa” nếu cô ấy kết hôn với tôi.
Trong năm năm đó, tôi đã có một trong những thử thách khó khăn nhất trong cuộc đời mình. Tôi biết tôi phải kết hôn với ai, và Thánh Linh thúc giục tôi, nhưng dường như tôi không thể đạt được mục tiêu đó.
Chẳng bao lâu sau khi tôi tốt nghiệp, Melinda đã quyết định đi truyền giáo—một phần, tôi tin chắc là để tránh xa tôi. Có những lúc trong khi cô ấy đang phục vụ truyền giáo, tôi đã khổ sở vì tôi tập trung vào điều tôi không có. Tuy nhiên, tôi đã học thánh thư và cầu nguyện hằng ngày, phục vụ trong Giáo Hội và cố gắng làm những điều mang Đức Thánh Linh vào cuộc sống tôi.
Một sáng sớm Chủ Nhật trời rất lạnh ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ, trong khi đang lái xe đến một buổi họp của Giáo Hội thì tôi nghĩ: “Tôi nên thực sự khốn khổ ngay bây giờ. Dường như không có điều gì đang diễn ra theo cách tôi muốn. Nhưng tôi không khốn khổ. Tôi cảm thấy vui sướng một cách không thể tin được!”
Nào, làm thế nào tôi có thể được vui sướng nếu tôi đang trải qua điều mà đối với tôi là một thử thách khó khăn?
Câu trả lời được tìm thấy trong Ga La Ti 5:22–23: “Trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.”
Vì tôi đang làm những điều đã mang Thánh Linh vào cuộc sống của mình nên tôi cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Tôi cảm thấy vui vẻ và bình an. Tôi có thể đau khổ lâu mà vẫn vui sướng.
Việc có được tình yêu thương, niềm vui và sự bình an trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình và trong hôn nhân của chúng ta không phải đến từ việc có một ngôi nhà rộng lớn, xe đẹp, quần áo thời trang nhất, thành công trong sự nghiệp hoặc bất cứ thứ gì khác mà thiên hạ nói là sẽ mang lại hạnh phúc. Thực tế là vì những cảm nghĩ yêu thương, vui vẻ và bình an đến từ Thánh Linh, cảm nghĩ như vậy không hề kết nối với hoàn cảnh vật chất của chúng ta.
Xin hiểu rằng tôi không nói là chúng ta sẽ luôn luôn được hạnh phúc hoặc hoàn cảnh vật chất của chúng ta không bao giờ ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta. Thực tế là nếu không nếm mùi cay đắng thì chúng ta không thể biết được sự ngọt ngào (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:39; xin xem thêm Môi Se 6:55).
Đôi khi chúng ta cần phải gặp khó khăn. Hơn nữa, một số tình trạng thể chất và tình cảm có thể gây ra nhiều đau khổ cho chúng ta và làm cho chúng ta khó cảm nhận được Thánh Linh. Nhưng nếu chúng ta cố gắng để có Thánh Linh trong cuộc sống của mình và tin cậy Thượng Đế, thì nói chung, chúng ta có thể được vui sướng.
Tôi làm chứng từ kinh nghiệm cá nhân rằng điều này là đúng sự thật. Vì kinh nghiệm của mình trong khi Melinda đang đi truyền giáo nên tôi đã thấy rằng nếu tôi làm những điều mang Thánh Linh vào cuộc sống của mình kể cả việc chọn tin và chấp nhận rằng những điều đó sẽ diễn ra như Thượng Đế dự định, thì tôi thường cảm thấy vui sướng (xin xem Gia Cốp 3:2).1
2. Đừng Tin vào Những Cảm Nghĩ GiảTạo
Sa Tan đưa ra những lựa chọn thay thế giả tạo cho tất cả những gì Thượng Đế làm, trong mưu toan gây hoang mang và lừa gạt chúng ta. Bất kể những mưu toan của Sa Tan để thuyết phục chúng ta bằng cách khác, Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta rằng “cây xấu cũng không thể sinh trái tốt được” (3 Nê Phi 14:18). Vì Sa Tan là một cái cây xấu nên nó không làm cho chúng ta cảm thấy được “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, nhu mì, và tiết độ” (Ga La Ti 5:22–23). Thay vì thế, Sa Tan muốn làm cho chúng ta khốn khổ (xin xem 2 Nê Phi 2:27).
Vậy Sa Tan làm gì? Nó cố gắng lừa gạt chúng ta.
Một người bạn của tôi, một trong những người được chọn lựa, đã bị lừa gạt. Bạn tôi đã phục vụ truyền giáo và là một người truyền giáo xuất sắc. Khi đi truyền giáo trở về nhà, chị ấy đã định làm tất cả những việc nhỏ mà đã mang Thánh Linh vào cuộc sống của chị và đã củng cố chị trong khi đi truyền giáo. Và trong một thời gian, chị đã làm vậy.
Tuy nhiên, chị thấy bạn bè, nhiều người trong số họ là những người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà, đến nhà thờ mỗi Chủ Nhật nhưng ở bên ngoài nhà thờ thì họ sống giống như thế gian sống. Dường như họ được vui sướng. Họ làm những điều “thú vị”. Và lối sống của họ dường như không đòi hỏi nhiều công sức như chị.
Dần dần chị ngừng làm những việc nhỏ mà đã mang sức mạnh thuộc linh của chị vào công việc truyền giáo của chị. Chị vẫn có một chứng ngôn, nhưng chị nói với tôi rằng chị đã nghĩ: “Nếu tôi chỉ tham dự các buổi họp Giáo Hội, thì mọi việc sẽ ổn đối với tôi—tôi đã đi đúng đường.” Tuy nhiên, chị ấy nói: “Tôi đã không tích cực về phần thuộc linh.”2 Khi chị ấy sống giống như thế gian đang sống, thì một lựa chọn xấu đã dẫn đến một lựa chọn xấu khác, và chẳng mấy chốc chị ấy có thai.
Cuối cùng, những lựa chọn không ngay chính của chị cũng kéo theo những hậu quả cho chị. Chị không vui sướng và chị biết điều đó. May thay, người bạn của tôi nhận ra rằng chị đã bị lừa gạt và chị hối cải.
Câu chuyện của chị ấy nhấn mạnh rằng ngay cả những người tốt nhất trong chúng ta cũng có thể bị lừa gạt. Hơn nữa, câu chuyện của chị ấy cho thấy rằng chúng ta phải luôn luôn cảnh giác bị lừa gạt. Chúng ta đạt được điều này bằng cách làm những việc nhỏ mà mang Thánh Linh vào cuộc sống của mình.
Tôi vui mừng nói rằng ngày nay người bạn của tôi được hạnh phúc, đang cố gắng tuân giữ các giáo lệnh và tích cực về thể chất lẫn thuộc linh trong phúc âm.
Những sự lừa gạt của Sa Tan có nhiều cách. Tôi sẽ chỉ đề cập đến một vài cách thôi.
Sa Tan cố gắng thuyết phục chúng ta đặt ưu tiên vào những sự việc vật chất lên trên những sự việc thuộc linh. Chúng ta có thể biết nếu các ưu tiên của mình nằm sai chỗ bằng cách nhận thấy là bao nhiêu lần chúng ta nói: “Ngay bây giờ tôi thật là quá bận hoặc quá mệt mỏi để _________.” Hãy điền vào chỗ trống: tham dự đền thờ, phục sự, học tập và suy ngẫm thánh thư, làm tròn chức vụ kêu gọi của tôi, hoặc thậm chí dâng lời cầu nguyện của mình.
Một lý do mà chúng ta cảm thấy thật bận rộn là vì Sa Tan cố gắng nhiều để làm chúng ta xao lãng. Nó sử dụng điện thoại thông minh trong tay chúng ta, radio trong xe hơi của chúng ta, TV trong nhà của chúng ta, và nhiều thứ khác khiến chúng ta hầu như luôn luôn bị xao lãng. Do đó, chúng ta cảm thấy bận rộn nhiều hơn là chúng ta thực sự bận rộn.
Một kết quả khác về sự xao lãng này là chúng ta càng ngày càng ít suy ngẫm hơn. Sa Tan cố gắng làm chúng ta xao lãng vì nó biết rằng việc suy ngẫm, nhất là suy ngẫm thánh thư, dẫn đến sự cải đạo và sự mặc khải quan trọng hơn.
Một sự lừa gạt khác của Sa Tan là qua ý nghĩ rằng những hành động bên ngoài của chúng ta quan trọng hơn những động lực nội tâm của chúng ta. Khi thiếu động cơ thúc đẩy thích hợp để làm những sự việc thuộc linh thì chúng ta không cảm nhận được niềm vui của phúc âm. Do đó, việc tuân giữ các giáo lệnh bắt đầu cảm thấy như gánh nặng và Sa Tan biết rằng nếu nó có thể khiến chúng ta cảm thấy như vậy thì chúng ta có lẽ ngừng làm điều mà chúng ta biết là mình nên làm.
Sa Tan cũng lừa gạt chúng ta để tin rằng niềm vui và hạnh phúc đến từ việc có một cuộc sống dễ dàng hoặc chỉ từ việc luôn luôn vui chơi. Không phải vậy đâu. Sự thật là không có niềm vui hay hạnh phúc nếu không có điều gì đó để khắc phục (xin xem 2 Nê Phi 2:11, 23).
Điều cuối cùng của những sự lừa gạt của Sa Tan mà tôi sẽ đề cập đến là nó cố gắng thuyết phục chúng ta rằng sự tà ác, với những thú vui tạm thời của nó, thực sự là hạnh phúc. Sa Tan biết rằng, ít nhất là trong thời điểm này, một số cảm nghĩ hoặc cảm xúc nào đó có thể (1) khiến chúng ta nghĩ rằng mình đang cảm nhận trái của Thánh Linh, (2) che giấu ước muốn của chúng ta cho những trái đó, hoặc (3) cảm thấy như những điều thay thế là có thể chấp nhận được.
Ví dụ, Sa Tan có thể cám dỗ chúng ta tìm kiếm sự thèm khát thay cho tình yêu. Nó có thể quyến rũ chúng ta với sự kích thích thay vì niềm vui lâu dài. Nó cố gắng làm cho chúng ta xao lãng hơn là cho chúng ta sự bình an. Nó sẽ làm cho chúng ta tự mãn, năng nổ và hành động đúng theo thế gian nghĩ thay cho sự vị tha, luôn biết vâng lời và tập trung tinh thần một cách thích hợp. Những cám dỗ của nó có thể khiến chúng ta hoang mang rồi về sau có thể dẫn chúng ta đến ý nghĩ rằng việc vi phạm các giáo lệnh sẽ mang lại hạnh phúc.
3. Làm Những Việc Nhỏ
Thường thường những việc nhỏ mà mang Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta giữ cho chúng ta khỏi bị lừa gạt, và cuối cùng giúp chúng ta có được sức mạnh để tuân giữ các giáo lệnh và đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Đấng Cứu Rỗi đã dạy nguyên tắc này cho các anh cả của Giáo Hội ở Kirtland, Ohio: “Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn” (Giáo Lý Giao Ước 64:33).
Tại sao những việc nhỏ lại quan trọng như vậy? Trong câu tiếp theo, Đấng Cứu Rỗi giải thích rằng “Chúa đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí” (Giáo Lý Giao Ước 64:34). Tại sao Đấng Cứu Rỗi lại liên kết việc làm những việc nhỏ với tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí? Nhờ vào việc liên tục làm những việc nhỏ nên chúng ta dâng tấm lòng và tâm hồn của mình lên Thượng Đế tức là thanh tẩy và thánh hóa chúng ta (xin xem Hê La Man 3:35).
Sự thanh tẩy và sự thánh hóa này dần dần thay đổi chính con người của chúng ta để chúng ta càng ngày càng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Điều này cũng khiến chúng ta dễ tiếp thu hơn với những thúc giục của Đức Thánh Linh mà khiến chúng ta có lẽ càng ít có nguy cơ bị lừa gạt hơn.
Trong năm cuối trung học của tôi, cha tôi đã dạy lớp giáo lý cho tôi tại nhà của chúng tôi. Vì đề tài trong năm đó là Sách Mặc Môn nên cha tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ cùng đọc chung sách đó, từng câu một, và thảo luận điều chúng tôi đã học được. Khi chúng tôi đọc, cha tôi thường đặt câu hỏi mà khiến tôi nghĩ về điều chúng tôi đang đọc, và ông thường giải thích những điều tôi không hiểu. Tôi vẫn còn nhớ học về Đấng Cứu Rỗi và cảm nhận được rằng Ngài đã thực sự đến thăm dân Nê Phi và rằng tôi thực sự có thể được tha thứ tội lỗi của mình nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài.
Những buổi đọc thánh thư chung với cha tôi là khởi đầu cho nền tảng của tôi nơi thánh thư. Tôi cảm thấy một điều gì đó trong khi chúng tôi đọc. Và có lẽ quan trọng hơn là những ước muốn, động lực và hành động của tôi đã thay đổi. Tôi muốn trở thành người tốt hơn. Tôi bắt đầu thấy nơi nào tôi bị lừa gạt. Tôi hối cải thường xuyên hơn. Vào cuối năm thứ nhất đại học của mình, tôi đã đọc thánh thư hằng ngày.
Khoảng thời gian này, Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) đã yêu cầu các tín hữu Giáo Hội đọc Sách Mặc Môn hằng ngày và áp dụng điều họ học được.3 Vì vậy, ngoài bất cứ điều gì khác tôi đã đọc, tôi còn đọc ít nhất một điều gì đó từ Sách Mặc Môn.
Trong khi đi truyền giáo, tôi đã học được cách thực sự học và đọc thánh thư. Tôi không những cảm thấy Đức Thánh Linh khi đọc mà tôi còn bắt đầu cảm thấy vui sướng khi tôi tra cứu thánh thư để tìm kiếm những giải đáp cho các vấn đề của tôi và của những người tầm đạo.
Sau khi đi truyền giáo về, tôi đã tiếp tục đọc thánh thư hằng ngày. Vì sinh hoạt này đã mời Đức Thánh Linh vào cuộc sống của tôi nên tôi đã nhận được sự hướng dẫn của Ngài để giúp tôi sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả hơn. Do đó tôi đã học giỏi hơn ở trường và về sau, làm việc giỏi hơn tại sở làm. Thật là dễ dàng hơn để đưa ra những quyết định sáng suốt. Tôi cầu nguyện nhiều hơn và siêng năng hơn trong việc làm tròn những chức vụ kêu gọi của tôi. Việc thưởng thức thánh thư hằng ngày không giải quyết được hết mọi vấn đề của tôi, nhưng cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Vào tháng Tám năm 2005, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đưa ra lời yêu cầu đọc hoặc đọc lại Sách Mặc Môn trước khi cuối năm.4 Vì đã đọc Sách Mặc Môn hằng ngày nên tôi đang đọc tới Ê The hay Mô Rô Ni. Do đó, sau khi đọc xong một hoặc hai tuần sau, tôi kết luận rằng mình đã hoàn thành lời yêu cầu của Chủ Tịch Hinckley.
Nhưng sau đó một thầy giảng tại gia trung tín đã đến thăm gia đình chúng tôi. Người ấy hỏi tôi đã làm tới đâu rồi với lời yêu cầu của Chủ Tịch Hinckley.
Tôi nói với người ấy rằng tôi đã may mắn bắt đầu đọc Sách Mặc Môn trước khi Chủ Tịch Hinckley đưa ra lời yêu cầu đó. Sau đó, lòng đầy tự mãn, tôi nói rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ rồi.
May mắn thay, người thầy giảng tại gia của tôi lại thấy khác. Khi người ấy nhỏ nhẹ sửa tôi thì Thánh Linh mách bảo với tôi rằng người thầy giảng tại gia của tôi đã nói đúng.
Bấy giờ tôi đã phải đọc hai chương mỗi ngày để hoàn thành một lần nữa vào cuối năm. Khi gia tăng việc đọc Sách Mặc Môn, thì tôi nhận thấy rằng còn có nhiều quyền năng hơn đến với cuộc sống của tôi. Tôi đã có thêm niềm vui. Tôi đã hiểu rõ mọi sự việc hơn. Tôi đã hối cải còn thường xuyên hơn. Tôi đã muốn phục sự và giải cứu những người khác. Tôi ít bị tổn thương bởi những sự lừa gạt và cám dỗ của Sa Tan. Tôi yêu mến Đấng Cứu Rỗi hơn.
Tháng Mười Một năm đó, tôi được kêu gọi làm giám trợ của tiểu giáo khu chúng tôi. Việc hoàn thành lời yêu cầu của Chủ Tịch Hinckley đã chuẩn bị tôi cho chức vụ kêu gọi đó. Kể từ lúc đó, tôi đã nhận thấy rằng khi tôi trở nên càng bận rộn hơn tại sở làm hoặc ở nhà thờ, thì tôi càng cần học thánh thư thêm, nhất là Sách Mặc Môn.
Anh chị em có thể có cùng các phước lành và quyền năng đó trong cuộc sống của anh chị em nếu anh chị em cũng chịu đọc thánh thư hằng ngày. Tôi hứa rằng nếu anh chị em chịu đọc thánh thư hằng ngày, nhất là Sách Mặc Môn, thì anh chị em sẽ mời Thánh Linh vào cuộc sống của anh chị em và anh chị em sẽ muốn cầu nguyện hằng ngày, hối cải thường xuyên hơn, và thấy dễ dàng hơn để tham dự nhà thờ và dự phần Tiệc Thánh hằng tuần.
Tôi làm chứng rằng khi anh chị em làm những việc nhỏ và tin cậy Chúa, thì anh chị em có thể tìm thấy tình yêu thương, niềm vui, sự bình an và hạnh phúc bất kể hoàn cảnh của anh chị em ra sao đi nữa. Tôi cũng làm chứng rằng điều này có thể thực hiện được nhờ vào sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Tất cả những điều tốt đẹp đều do Đấng Ky Tô đem lại (xin xem Mô Rô Ni 7:22, 24).