Podcast: Play in new window | Embed
Thái độ của chúng ta đối với các trách nhiệm của mình trong Giáo Hội thực sự tạo ra một sự khác biệt.
“Tôi có cần phải làm điều đó không?”
Anh chị em có bao giờ có ý nghĩ này trước đây không? Tôi đã có ý nghĩ này nhiều lần. Và tôi đã biết được rằng một ý nghĩ dường như tầm thường như vậy lại là một chỉ báo quan trọng về thái độ của tôi. Chắc chắn là chúng ta đều có thể tìm đến phục sự những người khác, chúng ta có thể chấp nhận và làm tròn những sự kêu gọi của Giáo Hội và chúng ta có thể tham dự các buổi họp Giáo Hội của mình. Cho dù được làm một cách không thật lòng, nhưng những điều này cũng có thể tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng liệu điều đó có giới hạn khả năng của Thượng Đế để sử dụng anh chị em không? Liệu điều đó có giới hạn khả năng của Thượng Đế để thay đổi anh chị em không? Theo tôi, thì tôi nghĩ có đấy.
Ý nghĩ này khiến tôi nghĩ đến La Man và Lê Mu Ên là hai người đã rời bỏ Giê Ru Sa Lem, đã trở lại để lấy những bảng khắc, đã giúp đóng con tàu, đã vâng lời làm một số việc—nhưng họ đã làm những điều này một cách miễn cưỡng và không thật lòng. Họ không để cho những kinh nghiệm của họ thay đổi họ để sống tốt hơn. Thay vì thế, họ luôn luôn ta thán và có thái độ tiêu cực trong mọi tình huống họ đang trải qua. Và sau khi nhận thức được điều đó, tôi thực sự không muốn trở thành người giống như La Man hay Lê Mu Ên.
Hãy dành một chút thời gian để thực sự nghĩ về những lý do là động cơ đằng sau hành động của mình. Ta có tìm đến những người khác với ý định sẽ nhận được các phước lành dành cho mình không? Hay ta tìm đến những người khác vì ta thật lòng muốn chia sẻ ánh sáng và tình yêu thương với họ? Ta có làm tất cả những gì cần thiết cho chức vụ kêu gọi của mình vì đó là điều được trông mong nơi ta không? Hay ta làm điều đó vì ta muốn phục vụ Chúa và những người xung quanh mình?
Đây là những loại câu hỏi mà thỉnh thoảng tôi thử tự hỏi mình. Tôi có đang làm hết sức mình để thật lòng sống giống như một môn đồ chân chính của Đấng Ky Tô không? Hay là tôi không thật lòng trong việc đó? Tôi nghĩ rằng Giám Trợ Gérald Caussé, Giám Trợ Chủ Tọa đã nói đúng nhất về điều đó: “Chúng ta có tích cực trong phúc âm không, hay là chúng ta chỉ đơn thuần bận rộn trong Giáo Hội?” (“Tất Cả Đều Nhằm Vào Việc Chăm Lo cho Các Tín Hữu,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 112).
Tích Cực so với Bận Rộn
Đối với tôi, khi chỉ “bận rộn” trong Giáo Hội, thì tôi cảm thấy thờ ơ. Thái độ thờ ơ này có thể bắt nguồn từ một thái độ ít nhiệt tình hoặc thậm chí còn từ việc để cho các công việc ít quan trọng hơn trong lịch trình của mình gây trở ngại cho những vấn đề thực sự quan trọng. Tôi cảm thấy thờ ơ khi đang ngồi trong buổi lễ Tiệc Thánh và không chú ý, khi tôi dâng lời cầu nguyện hằng đêm mà tâm trí của tôi bắt đầu nghỉ vẫn vơ về những điều khác, khi tôi đọc lướt qua thánh thư của mình mà không suy ngẫm, hoặc khi tôi tìm đến một người nào đó chỉ để nói rằng tôi đã làm như vậy thay vì chân thành cố gắng kết bạn với họ.
Đôi khi tôi còn cảm thấy thất vọng khi không thấy tiến bộ nào trong cuộc đời mình—khi tôi chỉ là thờ ơ và “bận rộn” trong phúc âm—và những cảm nghĩ này luẩn quẩn trong đầu tôi cho đến khi tôi ý thức được vấn đề là gì. Đôi khi tôi phải dành ra một giây phút để suy nghĩ, nghĩ lại, và tự hỏi: “Tôi có hoàn toàn chú ý và để tâm vào chức vụ kêu gọi này hoặc vào người này hay vào lời cầu nguyện này hoặc vào câu thánh thư này ngay bây giờ không?”
Khi có được một sự hiểu biết sâu sắc như vậy, thì đó là lúc mà sự thay đổi thực sự xảy ra trong cuộc sống của tôi. Khi tôi thực sự cầu nguyện để nhìn người khác theo cách mà Cha Thiên Thượng nhìn họ, khi tôi cầu nguyện để có những cơ hội phục sự, khi tôi cầu nguyện để được hướng dẫn trong chức vụ kêu gọi của mình, trong nghề nghiệp của mình, và trong cuộc sống hằng ngày của mình, và quan trọng nhất, khi tôi hành động theo những thúc giục Ngài ban cho tôi, khi những hành động của tôi cho thấy ước muốn trong lòng của tôi trở nên tốt hơn—thì đó là lúc tôi đang tích cực trong phúc âm. Đó là khi tôi cảm thấy một sự thay đổi thực sự trong thái độ của mình, trong lòng mình, và trong tâm hồn mình. Đó là khi tôi thấy những điều kỳ diệu xảy ra. Đó là khi tôi cảm thấy hạnh phúc đích thực bước vào cuộc sống của tôi. Đó là khi tôi thực sự cố gắng thay đổi để sống tốt hơn.
Hành Động so với Cảm Nghĩ
Tôi nghĩ rằng chúng ta đều có thể nhìn lại một vài giây phút trong cuộc sống của mình khi những hành động của chúng ta là cao quý, nhưng những cảm nghĩ với động cơ để thực hiện các hành động đó thì lại không cao quý lắm. Đôi khi cuộc sống quả thật trở nên bận rộn, đôi khi chúng ta không phải lúc nào cũng hoàn toàn hạnh phúc trong hoàn cảnh của mình và đôi khi có những điều mà không phải lúc nào cũng có thể xảy ra theo cách chúng ta muốn. Chúng ta không hoàn hảo, nhưng nếu chúng ta cầu xin Cha Thiên Thượng giúp chúng ta trút hết nỗ lực của mình vào những việc đôi khi là tẻ nhạt hoặc tốn thời gian mà mình được yêu cầu phải làm, thì chúng ta có thể học làm theo giống như cách của Đấng Ky Tô hơn.
Tôi có thể nghĩ đến những lúc mà tôi miễn cưỡng đồng ý làm một dự án phục vụ, thì chỉ sau kinh nghiệm đó, tôi mới mềm lòng và thay đổi. Hoặc là khi tôi nhận được một sự kêu gọi và phàn nàn vì sự kêu gọi đó chiếm mất quá nhiều thời gian của tôi, thì chỉ khi được giải nhiệm tôi mới khóc thảm thiết vì tôi đã học được cách yêu thương chức vụ kêu gọi đó.
Chúng ta có thể chia sẻ ánh sáng, làm tròn trách nhiệm của mình và nhận được những sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình một cách hiệu quả nhất nếu chúng ta có chủ ý tốt. Nếu chúng ta dành thời gian để phân tích thái độ và ý định với động cơ ở đằng sau hành động của mình và làm hết sức mình “với một tấm lòng chân thành [và] với chủ ý thật sự” (Mô Rô Ni 10:4), thì chúng ta sẽ có thể nhận ra rõ hơn sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng, tìm thấy niềm vui lớn lao hơn và tạo ra một sự khác biệt hơn trong cuộc sống của mình và cuộc sống của người khác.