Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Joshua J. Perkey đăng trong tạp chí Liahona của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Một đêm nọ, trong năm thứ nhất đại học vào năm 1989–90, một người bạn của tôi và tôi thức khuya để ôn thi.
Đột nhiên, Matt hỏi tôi một câu hỏi mà trở thành một trong những giây phút quan trọng của đời tôi: “Giáo hội của bạn nghĩ Thượng Đế thì như thế nào? Có nghĩa là bạn nghĩ hình dáng của Ngài sẽ như thế nào?”
Tôi không có câu trả lời cho anh ấy. Thông cảm với tình huống của tôi, anh ấy đã lịch sự thay đổi đề tài. Nhưng tôi không thể quên điều đó được. Tôi đang ở trong một vị thế bất thường: Tôi là một người theo đạo Tin Lành và đi học trường Brigham Young University, và mặc dù tôi có mối nghi ngờ về tín ngưỡng của mình và tôn giáo nói chung, nhưng tôi không có ý định thay đổi tôn giáo. Thay vì thế, trong suốt năm, tôi đã thận trọng tự cô lập phần thuộc linh bằng cách tránh những cuộc chuyện trò về tôn giáo. Với câu hỏi giản dị này, cuối cùng, người bạn của tôi đã thành công trong việc khai mở một khe hở nhỏ trong tâm hồn tôi.
Tìm Kiếm Đức Tin
Vài tháng sau đó, tôi đã nhiều lần tự hỏi: “Tôi tin điều gì? Quan trọng hơn nữa, tôi có tin không? Thượng Đế có thật không, và nếu có, thì Ngài như thế nào? Tôi có thể tiến đến việc biết Ngài không? Ngài sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi không? Tôi có thể có đức tin giống như các bạn Thánh Hữu Ngày Sau của tôi có không?”
Không phải là tôi chưa có cơ hội để suy ngẫm những câu hỏi đầy thắc mắc như vậy trước đây; trong nhiều năm, một số người bạn thân nhất của tôi là Thánh Hữu Ngày Sau. Tình bạn này đã đưa tôi đến việc đi học trường BYU. Nhưng hầu như lúc nào tôi cũng đều khước từ những cố gắng của họ để chia sẻ phúc âm với tôi. Có một vài lần, tôi đã gặp những người truyền giáo, nhưng tôi đã không lắng nghe với một sự cởi mở.
Tôi rất ngại những sự thay đổi mà cần phải có, những thay đổi mà có thể cô lập tôi về phương diện giao tế và tình cảm với gia đình tôi. Tôi không sẵn lòng để tin rằng tôi đã sai lầm hoặc những truyền thống của tôi là không đúng. Tôi không tin rằng tôi có thể nhận được sự mặc khải từ Thượng Đế hoặc ngay cả những người khác cũng không thể nào nhận được sự mặc khải. Việc Thượng Đế hiện đến cùng thiếu niên Joseph Smith, Ngài mặc khải thánh thư mới, và chỉ có một tôn giáo đã nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng để thiết lập với tính cách là Giáo Hội chân chính thì đối với tôi dường như rất là ngớ ngẩn, phi lý và ngay cả kỳ lạ.
Buồn cười thay, tôi nghi ngờ tính chất xác thực của tất cả các tôn giáo, kể cả tôn giáo của tôi. Mặc dù tôi có một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương đối với gia đình và bạn bè, một tâm hồn khát khao nhận được những sự đáp ứng, nhưng khi những lời mách bảo của Thánh Linh đến với tôi, thì không chịu lắng nghe.
Sau năm thứ nhất đại học, tôi trở về nhà ở Kentucky để tiếp tục việc học của mình. Chẳng bao lâu, những người bạn Thánh Hữu Ngày Sau của tôi ra đi phục vụ truyền giáo, và tôi cảm thấy một nỗi cô đơn sâu xa khi vắng họ. Tôi muốn có một sự tin chắc nào đó mà đã soi dẫn họ để hy sinh hai năm trong cuộc sống của họ. Đồng thời, tôi cũng tiếp tục cảm thấy khó chịu vì tôi vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi của Matt. Tôi muốn tự mình biết các lẽ thật. Cuối cùng, sau nhiều bức thư của các bạn tôi khuyến khích tôi gặp những người truyền giáo, tôi đã khắc phục nỗi lo ngại của mình và chấp nhận.
Suy Nghĩ về Sự Cải Đạo
Tuy nhiên, tôi đã có sự dè dặt trước ý nghĩ rằng nhiều nguyên tắc khác nhau của phúc âm liên kết với nhau thành một tổng thể hợp nhất. Những người truyền giáo tin rằng vì sứ điệp của họ trong sự nguyên vẹn của nó, hoặc là hoàn toàn đúng hoặc là hoàn toàn sai, nên một khi tôi đạt được một chứng ngôn về một nguyên tắc, thì tôi có thể tự nhiên chấp nhận tất cả những điều giảng dạy của họ.
Tôi không tin họ. Tôi nghĩ rằng tôi có thể chọn lựa điều mà tôi muốn tin từ một số điều chọn lựa về phần thuộc linh và giáo lý .1 Đồng thời, lập luận của tôi đòi hỏi kinh nghiệm làm bằng chứng, chứ không phải sự cải đạo dựa vào đức tin.
Rủi thay, lập luận của tôi cũng làm cho tôi khổ sở và không thỏa mãn. Tất cả những luận cứ theo triết học mà tôi nghĩ đến đều là những ý nghĩ bi quan không mang đến những sự giải đáp thật sự. Tôi muốn có thêm một điều gì nữa, một điều mà sẽ giao tiếp với Đức Thánh Linh. Tôi tham gia vào những bài thảo luận của người truyền giáo với hy vọng rằng tôi có thể tiến đến việc biết điều mà họ nói là có thật hoặc, ít nhất, đạt được một sự thỏa mãn nào đó trong việc học biết rằng điều mà họ nói là sai.
Những người truyền giáo có lòng kiên nhẫn nhưng cũng có sự mạnh dạn. Trong vài tháng, họ đã dạy tôi nhiều bài thảo luận và đã vài lần mời tôi chịu phép báp têm, nhưng tôi luôn luôn từ chối. Tôi đang chờ một sự kiện rõ ràng và nhiệm mầu nào đó mà sẽ cung ứng cho tôi một sự làm chứng trước khi tôi sẵn lòng chấp nhận lời mời của họ. Tôi đã không nhận được sự làm chứng như thế nên tôi vẫn khăng khăng từ chối lời mời của họ.
Một ngày nọ, các anh cả đọc một đoạn từ Sách Mặc Môn: “Các ngươi chớ nên tranh biện vì lẽ mình không trông thấy được, vì các người không thể nhận được bằng chứng cho đến khi đức tin của các người đã được thử thách” (Ê The 12:6). Rồi họ nói: “Josh à, mỗi lần chúng tôi mời anh chịu phép báp têm anh đều từ chối. Anh chỉ cần nói đồng ý rồi Thánh Linh sẽ xác nhận điều đó với anh.”
Nói cách khác, tôi chưa nhận được một sự làm chứng vì tôi đã chưa thử thách đức tin của mình. Tôi đã không chịu suy nghĩ mà chỉ cầu xin, bằng cách tin rằng tôi sẽ nhận được mà không cần thử thách (xin xem GLGƯ 9:7). Tôi đã thật sự ngăn cản mà Thánh Linh không thể làm chứng cho tôi vì tôi đã không sẵn lòng tiếp tục bước kế tiếp. Điều mà tôi cần phải làm là có một sự chọn lựa dựa trên đức tin trước khi nhận được sự làm chứng. Sự làm chứng vững chắc sẽ đến sau khi, chứ không phải trước khi, tôi đã thử thách đức tin của mình.2
Ý nghĩ đầu tiên của tôi là những người truyền giáo lôi kéo tôi bằng mánh khóe để tôi chịu phép báp têm. Rồi tôi chợt nhớ rằng vào đúng lúc mà tôi từ chối lời mời chịu phép báp têm, thì một cái gì đó rất nhỏ rời khỏi tâm hồn tôi. Đó là một cảm nghĩ bình an êm nhẹ dịu dàng thúc giục tôi làm theo lời khuyên bảo của những người truyền giáo, nhưng tôi đã không nhận ra sự hiện hữu của cảm nghĩ đó cho đến khi nó rời đi, bỏ tôi lại hoang mang, khổ sở và buồn rầu.
Tôi tự hỏi có phải cảm nghĩ nhỏ bé này mà có thể là Thánh Linh đã rời bỏ tôi và nguyên nhân của nỗi hoang mang của tôi chính là sự cứng lòng của tôi đã đẩy Ngài lùi ra không. Vì không còn một sự chọn lựa nào khác, nên tôi đã quyết định trắc nghiệm lời yêu cầu của những người truyền giáo. Tôi sẽ nói đồng ý với lời mời chắc chắn sẽ xảy ra, và rồi nếu tôi cảm nhận Thánh Linh như họ đã hứa với tôi, thì tôi sẽ chấp nhận phép báp têm. Trái lại, nếu không cảm nhận Thánh Linh, thì tôi sẵn sàng để nói với những người truyền giáo là tôi chỉ đùa thôi.
Trắc Nghiệm Hạt Giống
Buổi tối của lần hẹn kế tiếp của mình, chúng tôi xem băng video mới của Giáo Hội, The Prodigal Son (Đứa Con Trai Hoang Phí). Có một bầu không khí đặc biệt trong căn phòng; những người truyền giáo trông cảm động một cách hiển nhiên, mắt họ nhòa lệ.
Sau khi cuốn phim chấm dứt, chúng tôi đọc vài đoạn thánh thư. Cuối cùng, Anh Cả Critchfield quay sang tôi và hỏi: “Josh à, anh chịu báp têm vào thứ Bảy, ngày 10 tháng Mười Một vào lúc 4 giờ trưa không?”
Tôi do dự và rồi đáp: “Vâng.”
Thánh Linh giáng xuống tôi với sự hiện diện làm giật nảy người đến nỗi lông trên đôi cánh tay tôi dựng đứng, và tôi gần khóc. Không còn nghi ngờ gì nữa là sự làm chứng đã đến thay thế sự không tin của tôi. Tôi đã trắc nghiệm đức tin của mình, và tôi biết chắc rằng tôi phải chịu phép báp têm.
Tôi đã nhận được một chứng ngôn về sự tốt lành của một hạt giống của đức tin, nhưng tôi còn phải nhìn nó lớn lên để kết trái (xin xem An Ma 32:35–36), và tôi chưa nhận được một sự làm chứng vững chắc về các nguyên tắc phúc âm khác. Sự trắc nghiệm đức tin của tôi chưa chấm dứt đâu.
Chẳng bao lâu sau khi tôi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận, những nỗi nghi ngờ len vào tâm trí tôi. Tôi cảm thấy dằn vặt giữa kinh nghiệm rất riêng tư mà tôi đã có khi quyết định chịu phép báp têm và lập luận cũ của mình, tức là không chấp nhận sự hiểu biết dựa vào đức tin.
Chẳng bao lâu tôi cảm thấy một lần nữa bị ám ảnh bởi những cảm nghĩ hoang mang và buồn phiền, và tôi không biết phải tin vào điều gì nữa. Tuy nhiên, tôi đã lập một cam kết, và tôi quyết định vẫn tích cực trong Giáo Hội và áp dụng các nguyên tắc mà tôi đã học được cho đến khi sự trắc nghiệm của đức tin tôi giải quyết nỗi băn khoăn của mình bằng cách này hoặc cách khác.
Tìm Ra Đức Tin của Tôi
Chúa đã không bỏ mặc tôi. Tôi nhận được một sự kêu gọi để phục vụ với những người truyền giáo, và khi chúng tôi đi giảng đạo mỗi tuần, những người truyền giáo tiếp tục hướng dẫn tôi. Các thầy giảng tại gia của tôi rất trung tín. Người bạn đồng hành giảng dạy tại gia của tôi rất nhanh nhẹn và kiên định. Nhiều tín hữu trong tiểu giáo khu phát triển tình bạn với tôi bằng cách mời tôi hiện diện trong cuộc sống của họ, mời tôi đến nhà họ để ăn tối và tham dự buổi họp tối gia đình. Họ cầu nguyện với tôi và cho tôi. Vị giám trợ và gia đình của ông chăm sóc và khuyến khích tôi. Tôi có thể cảm nhận được ý định chân thành trong lòng họ, và điều đó củng cố quyết tâm của tôi.
Một ngày nọ, một vài tháng sau đó, tôi nhận thấy rằng mỗi lần tôi đọc Sách Mặc Môn, thì tôi cảm nhận được một cảm giác bình an nhẹ nhàng, quen thuộc, giống như cảm giác mà tôi đã cảm nhận được trong những cuộc thảo luận và lời mời chịu phép báp têm. Bỗng nhiên, tôi nhận ra một giây phút hiểu biết rõ ràng: đây là Thánh Linh. Khi tôi nghĩ đến những lời—“Nếu đây là Thánh Linh thì quyển sách này phải là đúng thật”—cái cảm giác nhẹ nhàng đó tràn ngập lòng tôi, và đức tin của tôi hướng đến sự hiểu biết thuộc linh về nguyên tắc đó.
Khi lòng tôi tiếp tục trở nên “đau khổ” hơn và tâm hồn tôi trở nên “thống hối” hơn (xin xem Ê The 4:15), thì những kinh nghiệm vững chắc khác đi theo. Cuối cùng những nỗi ngờ vực của tôi được thay thế bằng sự tin chắc. Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế, không phải nhờ vào trí tuệ của tôi hoặc bằng sự thuyết phục của những người khác, mà nhờ vào sự hiện diện không thể phủ nhận được của Thánh Linh đang nói với linh hồn tôi. Từng lời giáo huấn một đã mở rộng tâm trí tôi (xin xem 2 Nê Phi 28:30). Khi những kinh nghiệm vững chắc này chồng chất lên nhau, thì sự am hiểu của tôi về phúc âm phát triển, và sự hiểu biết thuộc linh đến còn nhanh hơn nữa. Mỗi kinh nghiệm đòi hỏi sự chuyên cần, sự sẵn lòng lắng nghe và tuân theo, và ước muốn tuân phục sự khuyên dỗ của Thánh Linh (xin xem Mô Si A 3:19).
Ngày nay tôi có thể nói rằng phúc âm là chân chính, vì tôi đã tự mình học biết điều này. Trước đây, phúc âm dường như xa lạ và phi lý ; giờ đây phúc âm rất quen thuộc và tuyệt diệu đối với tôi. Các nguyên tắc phúc tâm quả thật đều liên kết thành một tổng thể lớn. Ngay cả với sự hiểu biết khá giới hạn về giáo lý , nhưng với tư cách là một người truyền giáo, tôi có thể làm chứng về các lẽ thật này. Sự hiểu biết về giáo lý cũng như chứng ngôn của tôi đang phát triển.
Chứng ngôn mà tôi có về tất cả các nguyên tắc khác nhau cũng hữu hiệu như một bức tường thành đã được cẩn thận tôi luyện và liên tục xây đắp để chống lại nghịch cảnh. Chứng ngôn đó đã hỗ trợ tôi suốt những thử thách mà tôi trải qua, đặc biệt nhất là các nỗ lực của quỷ dữ để gieo mầm nghi ngờ về những điều mà tôi đã nhận được sự đáp ứng (xin xem GLGƯ 6:22–23). Khi cảm thấy yếu đuối, khi nỗi ngờ vực đến, khi niềm đau đớn lây lất, thì tôi áp dụng cùng mẫu mực của thành tựu từ ngày đầu tiên mà tôi đã nhận được một chứng ngôn: Tôi suy ngẫm về mỗi kinh nghiệm xây đắp chứng ngôn mà tôi đã nhận được, tôi gia tăng nỗ lực của mình để sống theo các nguyên tắc mà tôi đã được giảng dạy, và tôi lưu tâm khi Thánh Linh tái xác nhận đức tin của tôi.
Phúc âm là chân chính, tất cả phúc âm đều chân chính, và được mở rộng cho tất cả mọi người mà, với tấm lòng khiêm nhường, chịu trắc nghiệm đức tin của họ bằng cách thực hiện một bước của đức tin vào bóng tối. Ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi luôn luôn hiện diện, nhưng bị che giấu chỉ vì sự không sẵn lòng của chúng ta để tìm ra ánh sáng đó. Có lẽ có những lúc khó khăn trong cuộc sống của chúng ta hoặc những lúc mà chứng ngôn của chúng ta bị thử thách. Tôi nhận ra rằng ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi đang chờ đợi chúng ta khi chúng ta sẵn lòng tìm kiếm Ngài, và ánh sáng đó, mà nếu chúng ta liên tục tìm kiếm, thì sẽ đưa chúng ta đến sự cải đạo.
Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nói:
“Việc xây đắp trên nền tảng của lẽ thật nghe rất giản dị thế mà ta có thể thắc mắc tại sao mọi người không thành công. Trước hết, điều đó cần có lòng khiêm nhường sâu xa. Rất khó để hối cải, để thừa nhận rằng ta đã sai lầm dựa vào đức tin không mà thôi, trước khi sự hiển nhiên của một cảm giác được tha thứ và ánh sáng sẽ đến. Tuy nhiên đó là như vậy. Trước hết phải có sự vâng lời và rồi sẽ đến những sự bảo đảm vững chắc, sự mặc khải về lẽ thật, và phước lành của ánh sáng.”