Podcast số 285 – Liahona tháng 5, 2003 – Mẹ Có Nói Cho Con Biết Chưa …? – Susan W. Tanner

Bài của Chị Susan W. Tanner, Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ vào năm 2003 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Cách đây gần ba năm, một trong những đứa con gái của chúng tôi lập gia đình và lập tức dọn đi với chồng nó để theo học trường y khoa ở một thành phố xa. Nó đã rời bỏ sự an toàn của tổ ấm để khởi sự một gia đình của riêng mình. Tôi đã tự hỏi: Tôi có dạy cho nó tất cả mọi điều mà nó cần biết chăng? Nó có biết điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống này không? Nó có chuẩn bị để xây dựng một mái gia đình hạnh phúc không?

Trong khi nhìn nó lái xe ra đi, tôi đã nhớ đến một quyển nhật ký nhỏ tôi đã cho nó lúc sinh nhật thứ 17 của nó. Quyển tập ấy có tựa đề “Mẹ Có Nói Cho Con Biết Chưa … ?” Trong đó, tôi chép lại lời khuyên mà tôi thường đưa ra cho nó trong những lúc chuyện trò trong đêm khuya của chúng tôi. Trong khi nó và người chồng mới của nó hướng đến cuộc sống chung của chúng, tôi nghĩ về ba điều ghi chép mà tôi muốn thêm vào quyển nhật ký nhỏ đó để giúp nó làm một cuộc chuyển tiếp mà quan trọng và khó khăn hơn là việc dọn đến một thành phố khác: sự chuyển tiếp để khởi đầu một mái ấm gia đình của riêng nó. Tôi xin chia sẻ những điều ghi chép này cho nó và cho tất những người trẻ trong Giáo Hội, để giảng dạy và làm chứng về tầm quan trọng của gia đình.

Trước hết, mẹ có nói cho con biết chưa … cách thức để làm cho nhà của con thành một nơi an toàn và một pháo đài vững mạnh khỏi những ảnh hưởng của thế gian? Con nên noi theo mẫu mực mà con thấy khi con bước vào ngôi nhà của Chúa, để “dựng lên một ngôi nhà … nguyện, nhà nhịn ăn, nhà của đức tin, nhà để học hỏi, … nhà của trật tự” (GLGƯ 109:8). Khi chúng ta noi theo mẫu mực này, sự bình an lớn lao sẽ ngự bên trong nhà của chúng ta trong một thế giới đầy hỗn loạn gia tăng.

Hãy trông vào tấm gương của mái gia đình của các ông bà của con. Cả hai ông bà nội ngoại đã nuôi nấng “con cái mình trong sự sáng và lẽ thật” (GLGƯ 93:40). Nhà của Cha con là một ngôi nhà để học hỏi. Cha con đã nói tại buổi tang lễ của cha mình rằng cha con chưa bao giờ học một nguyên tắc phúc âm nào tại một buổi họp nhà thờ mà cha con chưa học được tại nhà mình. Giáo Hội là một phần bổ túc cho nhà của cha con. Nhà của mẹ là một ngôi nhà của trật tự. Việc chúng ta ăn sáng và ăn tối với nhau là điều quan trọng tột bậc (mặc dù có nhiều thời khóa biểu bận rộn). Bữa ăn chung gia đình có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ ăn uống. Đó là thời gian quyết định cho việc nuôi dưỡng tinh thần cũng như thể xác.

Những việc nhỏ nhặt làm cho gia đình hạnh phúc—những việc như cầu nguyện, nói “xin lỗi,” bày tỏ lòng biết ơn, cùng đọc chung một quyển sách hay. Con còn nhớ chúng ta đã cười và khóc như thế nào khi chúng ta dựng cái hàng rào sau vườn không? Con còn nhớ bao nhiêu lần chúng ta vừa lái xe vừa hát để chúng ta không cãi nhau không? Con còn nhớ chúng ta đã nhịn ăn như thế nào cho quyết định quan trọng của một người trong gia đình và cho một bài thi khó của người khác? Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình lặp lại điều này: “Các gia đình thành công được thiết lập trên các nguyên tắc của đức tin, cầu nguyện, hối cải, tha thứ, kính trọng, yêu thương, thương xót, việc làm và những sinh hoạt lành mạnh” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 1998, 24).

Trong thời niên thiếu của con, con đã tạo ra các thói quen cầu nguyện, và đọc thánh thư. Hãy lợi dụng các thói quen đó cũng như những kỹ năng mà con học được về việc nấu ăn, và dự thảo ngân sách. Với ước muốn ngay chính của con và những khả năng nội trợ của con, con sẽ xây dựng một mái ấm gia đình thành một nơi bình an và một pháo đài vững mạnh khỏi những ảnh hưởng của thế gian.

Kế đến, mẹ có cho con biết … rằng “Con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà ra” (Thi Thiên 127:3) không? Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình nói rằng: “Lệnh truyền của Thượng Đế cho con cái của Ngài là phải sinh sôi nẩy nở và làm cho dẫy đầy trái đất, thì vẫn còn hiệu lực” (Liahona, tháng Mười năm 1998, 24). Chúng ta hy vọng rằng Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho con để có con cái. Nhiều người trên thế gian không thấy được niềm vui và thấy con cái chỉ mang đến phiền phức. Vai trò làm cha mẹ thì làm hao mòn sức khỏe, kiệt quệ tình cảm, và làm bận rộn tâm trí. Không một ai sẽ tưởng thưởng con về những gì con làm với vai trò người mẹ. Đôi khi con có thể tự hỏi: “Tôi có làm điều này đúng chăng? Có đáng bõ công không?”

Đáng bõ công lắm chứ! Tất cả các vị tiên tri ngày sau đã làm chứng về vai trò thiêng liêng của người mẹ. Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói: “Các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau cần phải hiểu rằng Chúa coi vai trò làm mẹ và những người mẹ rất thiêng liêng và trong sự quý trọng nhất” (“Privileges and Responsibilities of Sisters,” Ensign, tháng Mười Một năm 1978, 105). Thánh Linh làm chứng cùng tâm hồn mẹ rằng đây là sự thật.

Con sẽ tiến đến việc hiểu biết, như mẹ hiểu biết, rằng vai trò làm cha mẹ không những đầy thử thách, mà còn cung ứng cho đời những niềm vui lớn nhất. Niềm vui đến khi mà buổi tối họp gia đình một đứa con năm tuổi kể một câu chuyện thánh thư với những chi tiết đầy đủ và đúng, hay khi một đứa con đọc Sách Mặc Môn một cách trung tín mỗi đêm. Mẹ cảm thấy vui mừng khi con gái của mẹ, là người nhảy trong đoàn cổ vũ đã có can đảm để cho nhóm mình biết rằng điệu nhảy cổ vũ mới mà họ đang học thì có những động tác không thích hợp, và khi đứa con gái đang đi truyền giáo viết về chứng ngôn của nó về phúc âm. Niềm vui đến khi mẹ nhìn đứa con gái đọc sách cho một phụ nữ mù và đứa con trai phục vụ trong đền thờ. Trong những giây phút đó, mẹ cảm thấy giống như Giăng, Môn Đồ Dấu Yêu “Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa” (3 Giăng 1:4). Mẹ có nói cho con biết … rằng trong tâm can của mẹ, mẹ rất yêu thích được làm mẹ không?

Cuối cùng, mẹ có nói cho con biết … rằng tình yêu thương là đức tính chính yếu trong việc xây dựng một mái gia đình vững mạnh không? Cha Trên Trời của chúng ta đề ra mẫu mực mà chúng ta phải noi theo. Ngài yêu thương, giảng dạy chúng ta, kiên nhẫn với chúng ta, và giao phó cho chúng ta quyền tự quyết. Chủ Tịch Hinckley đã nói: “Tình yêu thương có thể tạo ra sự khác biệt—tình yêu thương được ban cho một cách rộng rãi trong thời ấu thơ và đạt đến suốt những năm tháng vụng dại của thời niên thiếu … và sự khuyến khích mà nhanh chóng khen ngợi và chậm chỉ trích” (“Bring Up a Child in the Way He Should Go,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, 60). Đôi khi kỷ luật (có nghĩa là dạy dỗ) bị nhầm lẫn với chỉ trích. Con cái (cũng như mọi người ở mọi lứa tuổi) sẽ cải tiến thái độ của mình nhờ vào tình yêu thương và lời khuyến khích hơn là lời chê bai bắt bẻ.

Khi một thanh niên mà mẹ quen biết để tóc dài trong lúc còn niên thiếu, thay vì chú trọng vào việc đó, cha mẹ của người đó đã quyết định tập trung vào việc thiện của nó và lòng tử tế của nó đối với những người túng thiếu. Cuối cùng, tự nó đã chọn cắt tóc mình. Nó tiếp tục đi học, phục vụ trong Giáo Hội, và trong gia đình của nó noi theo mẫu mực yêu thương con cái trong việc làm điều phải.

Chúng ta cho thấy tình yêu thương của mình đối với những người trong gia đình bằng cách không những dạy họ một cách khẳng định mà còn cho họ thời giờ của chúng ta. Cách đây không lâu, mẹ có đọc một bài báo có tựa đề là “Con Cái Không Phải Là Ưu Tiên,” kể về những cha mẹ nói về con cái họ giống như cách thức họ lập thời khóa biểu cho một buổi hội họp: lúc nào có thể, thì dành ra 15 phút ban đêm cho con cái, lập ra thời khóa biểu chơi một tuần một lần, và vân vân (bài của Mary Eberstadt, Wall Street Journal, ngày 2 tháng Năm, năm 1995). Đối chiếu điều đó với người mẹ mà đã hứa là sẽ dành cho con cái mình không những thời gian về phẩm mà còn về lượng nữa. Người ấy đã nhận biết rằng một mối quan hệ đầy thương yêu thì đòi hỏi luôn luôn có những giây phút cùng trò chuyện, chơi đùa, cười giởn và làm việc. Mẹ cũng tin rằng cha mẹ và con cái cần phải cùng tham gia và chia sẻ những giây phút về các kinh nghiệm thông thường, hằng ngày của nhau. Như vậy, mẹ sẽ biết lúc nào con có bài thi trong trường; con biết về sự chuẩn bị bài học của mẹ. Mẹ tham dự các cuộc thi đấu thể thao của con; con phụ mẹ trong nhà bếp để chuẩn bị bữa ăn tối. Chúng ta là những phần tử quan trọng trong cuộc sống của nhau, tiếp nhận tình yêu thương qua những kinh nghiệm hằng ngày.

Và tình yêu thương tồn tại qua những gian khổ của đời sống. Sứ Đồ Phao Lô đã dạy: “Tình yêu thương hay nhịn nhục… . Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” (1 Cô Rinh Tô 13:4, 7, 8). Mẹ đã quan sát tình yêu thương nhịn nhục của một người mẹ đối với đứa con say sưa rượu chè của bà. Bà không bao giờ ngừng cầu nguyện cho con và luôn sẵn sàng với con. Khi người con lớn lên, thì cuối cùng “tỉnh ngộ” (Lu Ca 15:17), có được một việc làm đáng kính và dùng kỹ năng cơ khí của mình để sửa chữa nhà cho mẹ mình.

Nhiều gia đình vất vả, với con cái ương ngạnh. Chúng ta có thể tìm sự an ủi trong “những mối gắn bó vĩnh cửu của các bậc cha mẹ trung tín” là điều sẽ mang con cái trở lại cùng đàn chiên của Thượng Đế” (Orson F. Whitney, trong Conference Report, tháng Tư năm 1929, 110). Chúng ta đừng bao giờ ngừng yêu thương chúng, cầu nguyện cho chúng và tin cậy nơi mối quan tâm của Cha Thiên Thượng .

Vậy thì cùng con gái của tôi, và cùng tất cả những người trẻ trong Giáo Hội, trong khi các em di chuyển đến giai đoạn mới này trong cuộc sống của mình, tôi cho các em biết về những điều này. Tôi làm chứng … rằng trong kế hoạch cứu rỗi vĩnh cửu, điều thiết yếu và thỏa mãn nhất mà các em sẽ làm là xây dựng một mái gia đình thiêng liêng và nuôi dưỡng một gia đình vững mạnh trong tình yêu thương. Đơn vị gia đình này sẽ ban phước cho xã hội và tồn tại suốt thời vĩnh cửu. Tôi làm chứng như vậy, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.