Podcast: Play in new window | Embed
Giăng là tác giả sách Phúc Âm duy nhất kể lại việc Đấng Cứu Rỗi biến nước thành rượu (xin xem Giăng 2:1–11). Thậm chí ông còn cảm thấy đủ chắc chắn về kinh nghiệm đó để nói cho chúng ta biết đó là “phép lạ thứ nhất” của Đấng Cứu Rỗi (Giăng 2:11).
Về văn hóa, hậu quả của việc hết rượu có thể làm tổn hại đến vị thế xã hội của những người có liên quan. 1 Và mặc dù tôi không cho rằng một phép lạ cần phải ấn tượng hay phải thay đổi cuộc sống, nhưng tôi đã tự hỏi tại sao Giăng lại cảm thấy phép lạ này lại rất quan trọng trong số rất nhiều phép lạ vừa ấn tượng vừa thay đổi cuộc sống.
Tại Sao Lại Có Những Phép Lạ?
Tại sao các phép lạ lại quan trọng như vậy trong suốt giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi? Chắc chắn một phần là do lòng trắc ẩn của Ngài đối với những người gặp hoạn nạn (xin xem Mác 1:41). Ngoài ra, các phép lạ là bằng chứng quan trọng về quyền năng và thẩm quyền thiêng liêng của Ngài (xin xem Mác 2:5, 10–11). Các sự kiện kỳ diệu cũng có thể củng cố đức tin và khiến mọi người chú ý đến sứ điệp của Ngài (xin xem Giăng 2:11; 6:2).
Rồi một người nào đó đã chỉ cho tôi biết rằng các phép lạ của Đấng Cứu Rỗi không chỉ thu hút mọi người đến để nghe sứ điệp; mà các phép lạ này đã giúp giảng dạy sứ điệp đó.2 Khi tôi tự hỏi mình có thể học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô và sứ mệnh thiêng liêng của Ngài từ việc biến nước thành rượu, tôi bắt đầu thấy những điều mới mẻ.
Đây là ba bài học tôi đã học được từ phép lạ ở Ca Na về Đấng Cứu Rỗi và quyền năng cứu rỗi của Ngài.
1. “Giờ Ta chưa đến”
Khi Ma Ri yêu cầu Chúa Giê Su giúp đỡ, Ngài đáp rằng: “Giờ ta chưa đến” (Giăng 2:4). Do không có thêm chi tiết, nên biên sử của Giăng không nêu ra chính xác điều Ma Ri đang mong đợi hoặc ý của Chúa Giê Su khi trả lời rằng giờ của Ngài chưa đến.
Cụm từ này đột nhiên khiến tôi thấy nó có vẻ quan trọng. Có thể Chúa Giê Su đang đề cập đến một số sự kiện trong tương lai gần, chẳng hạn như thời điểm bắt đầu của giáo vụ của Ngài. Đồng thời, cụm từ này được lặp lại trong suốt biên sử của Giăng, thường chỉ đến phép lạ tột bậc về sự hy sinh chuộc tội của Ngài (xin xem Giăng 4:21–23; 5:25–29; 7:30; 8:20). Cuối cùng, cụm từ này được lặp lại một lần nữa vào cuối giáo vụ trên trần thế của Ngài, khi “Đức Chúa Giê Su biết giờ [Ngài] phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Cha đến rồi” (Giăng 13:1, sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Giăng 12:23, 27; 16:32). Và trước khi đến vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã cầu nguyện rằng, “Thưa Cha, giờ đã đến; xin làm vinh hiển Con, hầu cho Con cũng làm vinh hiển Cha” (Giăng 17:1, sự nhấn mạnh được thêm vào).
Việc thấy Giăng lặp lại cụm từ này trong suốt biên sử của ông đã giúp tôi thấy được sự cuối cùng từ lúc ban đầu. Trước hết, Chúa Giê Su đổi nước thành rượu để thỏa cơn khát thể xác. Sau đó, vào lúc cuối, Ngài đã sử dụng rượu Tiệc Thánh để tượng trưng cho máu chuộc tội của Ngài, làm cho cuộc sống vĩnh cửu có thể thành hiện thực và khiến cho những người tin nơi Ngài không bao giờ khát nữa (xin xem Giăng 4:13–16; 6:35–58; 3 Nê Phi 20:8).
2. “Người biểu chi, hãy vâng theo cả”
Sau khi yêu cầu Chúa Giê Su giúp đỡ, Ma Ri nói với những kẻ hầu bàn rằng: “Người biểu chi, hãy vâng theo cả.” (Giăng 2:5). Có một bài học trong câu nói này và trong những điểm tương đồng thú vị giữa câu chuyện này và câu chuyện về Giô Sép ở Ai Cập.
“Đoạn, cả xứ Ê Díp Tô đều bị đói, dân chúng đến kêu cầu Pha Ra Ôn xin lương. Pha Ra Ôn phán cùng bổn dân rằng: Hãy đi đến Giô Sép, rồi làm theo lời người sẽ chỉ bảo cho” (Sáng Thế Ký 41:55, sự nhấn mạnh được thêm vào).
Ma Ri có thể không có ý định liên kết với điều này, và có lẽ Giăng cũng không có ý định đó. Nhưng khi tôi nhận thấy những điểm tương đồng, thì có hai ý kiến nảy ra trong tâm trí tôi.
Trước hết, tôi đã thấy một cách mà Giô Sép và các nhân vật khác trong Kinh Cựu Ước tiên báo về Chúa Giê Su Ky Tô và sứ mệnh của Ngài. Nhưng quan trọng hơn nữa, các câu chuyện về Ê Díp Tô và Ca Na đã nhắc nhở tôi rằng không những Chúa Giê Su Ky Tô có thể cứu chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết nhờ Sự Chuộc Tội của Ngài—là điều sau này được Ngài tượng trưng bằng bánh và rượu—mà Ngài cũng có thể cứu chúng ta khỏi những thử thách về thể chất, xã hội và các thử thách khác. Khi dân chúng hết bánh, Pha Ra Ôn bảo họ làm bất cứ điều gì Giô Sép nói. Họ đã làm theo và được cho bánh và được cứu khỏi nỗi đau khổ thể xác. Khi các tôi tớ hết rượu, Ma Ri bảo họ làm bất cứ điều gì Chúa Giê Su phán. Họ đã làm theo và được cho rượu, và những người liên quan được cứu khỏi việc không làm tròn bổn phận của mình
Nếu chúng ta sẵn lòng làm bất cứ điều gì Chúa Giê Su phán bảo, thì Ngài có thể làm như vậy cho chúng ta và thực hiện những phép lạ trong cuộc sống của chúng ta (xin xem Hê Bơ Rơ 10:35–36). Được cứu rỗi là phép lạ lớn lao nhất trong tất cả các phép lạ của Ngài, và nó đòi hỏi chúng ta phải vâng lời (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 14:7; Những Tín Điều 1:3).
3. “Thì họ đổ đầy tới miệng”
Đấng Cứu Rỗi chỉ thị cho các tôi tớ đổ đầy nước vào sáu cái chén đá. “Thì họ đổ đầy tới miệng” (Giăng 2:6–7).
Mặc dù các nhà chuyên môn đã đưa ra các giả thuyết khác nhau về lượng nước, nhưng có lẽ để chắc ăn thì mỗi bình đều chứa vài lít. Tôi cũng không biết việc biến 100 lít nước thành rượu có khó hơn 1 lít nước hay không. Nhưng điều đã thay đổi cuộc sống của tôi là ý nghĩ rằng Chúa Giê Su có quyền năng để thay đổi một điều thành một điều hoàn toàn khác biệt. Ngài không chỉ làm cho nước có hương vị rượu; Ngài lấy nước, với cấu trúc phân tử đơn giản của nó, và biến nó thành rượu, một hỗn hợp phức tạp của hàng trăm hợp chất hóa học.
Nếu Ngài có thể làm điều đó, thì Ngài có thể biến những thử thách của tôi thành các phước lành—không chỉ cho tôi ánh sáng lóe lên trong cơn bão tố mà còn thật sự thay đổi bản chất của thử thách thành một điều gì đó ban phước cho tôi (xin xem Rô Ma 8:28; 2 Nê Phi 2:2).
Và nếu Ngài có thể làm điều đó với một thử thách, thì Ngài có thể làm điều đó với tất cả các thử thách. Vì vậy, khi cuộc sống dường như đầy dẫy thử thách, thì hãy nhớ rằng Ngài có thể biến nước thành rượu. Ngài có thể đổi tro bụi lấy mão hoa (xin xem Ê Sai 61:3). Ngài có thể lấy điều ác và biến chúng thành điều thiện (xin xem Sáng Thế Ký 50:20). Ngài có thể biến những lỗi lầm của tôi thành sự phát triển và mang lấy tội lỗi của tôi và thay đổi chúng từ sự kết tội sang sự tiến bộ.3
Và đối với tôi, nhận thức đó là quan trọng nhất trong tất cả mọi điều. Phép lạ mà tôi đã từng bỏ qua này đã dạy tôi rằng qua quyền năng của Ngài, nếu chúng ta có đức tin để làm theo điều Ngài phán bảo, thì Ngài có thể thay đổi chúng ta từ con người chúng ta hiện tại trở thành con người tiềm năng của chúng ta—giống như Ngài.