Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Keith J. Wilson
Phó Giáo Sư khoa Thánh Thư Cổ Xưa, trường Brigham Young University, Provo, Utah, Hoa Kỳ
Đặc biệt là khi cảm thấy bị bỏ quên hoặc bị làm ngơ, chúng ta cần phải nhớ rằng: Chúa Giê Su đã đến trợ giúp người đàn bà góa đúng lúc bà đang gặp hoạn nạn và Ngài cũng sẽ đến với chúng ta.
Đôi khi trong những thăng trầm của cuộc sống, chúng ta có thể cảm thấy như Thượng Đế không hoạt động tích cực trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Các mẫu mực của chúng ta dường như khá tẻ nhạt và nhàm chán. Không có nhiều thay đổi, và đôi khi khó có thể nhận ra một lãnh vực mà Thượng Đế đã trực tiếp can thiệp vào hoàn cảnh của chúng ta. Bất cứ khi nào tôi có những cảm nghĩ về sự vô nghĩa này trong cuộc sống của mình thì tôi thường nghĩ về một người đàn bà trong Kinh Tân Ước mà có thể đã cảm thấy như vậy. Người ta không biết được tên của bà mà chỉ biết tên ngôi làng và tình trạng hôn nhân của bà.
Người đàn bà này là người đàn bà góa ở thành Na In, và chỉ có tác giả phúc âm Lu Ca ghi lại câu chuyện tuyệt vời này của bà ấy. Đối với tôi, bà ấy tiêu biểu cho thực chất của giáo vụ được cá nhân hóa của Đấng Cứu Rỗi và cách Ngài tìm đến những người dân thường đang nản lòng trong xã hội của Ngài. Câu chuyện này giải đáp rõ ràng vấn đề về việc liệu Thượng Đế có biết chúng ta và quan tâm đến chúng ta hay không.
Bản tóm tắt sơ lược về phép lạ từ sách Lu Ca chương 7 mô tả Chúa Giê Su chặn đường một đám người đi đưa đám ma và làm phép lạ cho một thanh niên đã chết được sống lại. Nhưng còn có thêm nhiều điều nữa để hiểu về bối cảnh đó. Cũng như với tất cả các phép lạ, nhưng đặc biệt là với phép lạ này, khung cảnh là thiết yếu để hiểu tình tiết này. Vì đã giảng dạy tại Trung Tâm Brigham Young University Jerusalem, tôi sẽ chia sẻ với anh chị em một số hiểu biết riêng về phép lạ này.
Na In là một làng nông nghiệp nhỏ vào thời của Chúa Giê Su, nép mình trên Núi Moreh, ở phía đông của Thung Lũng Jezreel. Tự thị trấn đó là một nơi hẻo lánh. Chỉ có một con đường độc nhất đi tới đó. Trong thời của Chúa Giê Su, khu đất này thường là nhỏ và tương đối nghèo nàn, và nó vẫn như vậy kể từ lúc đó. Có những khi trong lịch sử, thị trấn này chỉ có 34 ngôi nhà và 189 người dân.1 Ngày nay, nơi đây có khoảng 1.500 dân cư.
Lu Ca bắt đầu bài tường thuật của mình bằng cách ghi nhận rằng Chúa Giê Su ở tại Ca Bê Na Um vào ngày hôm trước và đã chữa lành người tôi tớ của Thầy Đội (xin xem Lu Ca 7:1–10). Rồi chúng ta biết rằng “bữa sau” (câu 11; sự nhấn mạnh được thêm vào), Đấng Cứu Rỗi đi vào một thành tên là Na In, cùng với một nhóm đông môn đồ. Tình tiết này rất là quan trọng. Ca Bê Na Um nằm trên bờ biển phía bắc Biển Ga Li Lê, 183 mét dưới mực nước biển. Na In nằm khoảng 48 kilômét về phía tây nam Ca Bê Na Um ở 213 mét trên mực nước biển, do đó việc leo lên Na In rất gian khổ, khó khăn. Thường mất ít nhất một hoặc hai ngày để đi từ Ca Bê Na Um đến Na In. Mới đây, một nhóm sinh viên trẻ tuổi của Trung Tâm BYU Jerusalem đã mất 10 tiếng để đi lộ trình này trên các con đường trải nhựa. Điều này có nghĩa là Chúa Giê Su có lẽ đã phải dậy rất sớm hoặc thậm chí có thể đi bộ vào ban đêm để “bữa sau”chặn đường đám người đưa quan tài đi chôn cất.”2
Khi Đấng Ky Tô đi đến gần thành phố sau một cuộc hành trình vất vả, một thanh niên có lẽ ở độ tuổi 203 được khiêng trên một tấm phên để chôn cất. Lu Ca cho chúng ta biết rằng người thanh niên này là con trai độc nhất của một người đàn bà góa, và một số học giả giải thích văn bản bằng tiếng Hy Lạp để ám chỉ rằng bà ấy không có con cái nào khác.4 Một nhóm đông dân làng đi cùng bà ấy trong thảm kịch gia đình đáng tiếc nhất này.
Hiển nhiên, việc có một đứa con trai chết thường là một thảm kịch cho bất cứ ai, nhưng hãy xem xét những ý nghĩa của việc này đối với người đàn bà góa ấy. Việc một người đàn bà góa không có người thừa kế ở thời Y Sơ Ra Ên cổ xưa thì có ý nghĩa gì về mặt xã hội, tinh thần và tài chính? Trong văn hóa thời Cựu Ước, người ta tin rằng khi một người chồng qua đời khi chưa già thì đó là dấu hiệu Thượng Đế đang đoán phạt vì tội lỗi. Do đó, một số người tin rằng Thượng Đế đang trừng phạt người đàn bà góa còn sống này. Trong sách Ru Tơ, khi Na Ô Mi trở thành góa bụa lúc còn trẻ, bà đã than khóc: “Đức Giê Hô Va đã giáng họa cho tôi, và Đấng Toàn Năng khiến tôi bị khốn khổ” (Ru Tơ 1:21, Phiên Bản Chuẩn Quốc Tế).5
Không phải chỉ có nỗi đau tinh thần và tình cảm mà người đàn bà góa ở thành Na In này còn đang gặp phải sự tiêu tan tiền bạc—có lẽ còn phải đối phó với cảnh đói khát trước mặt nữa.6 Khi kết hôn, một người phụ nữ được giao cho việc bảo vệ tài chính của gia đình bên chồng. Nếu người chồng chết, thì đứa con trai thừa kế được giao cho nhiệm vụ chăm sóc người phụ nữ ấy. Giờ đây, đứa con trai thừa kế và độc nhất của người đàn bà góa này đã chết thì bà ấy không còn được bảo vệ về mặt tài chính nữa. Nếu con trai của bà ở độ tuổi 20 thì có lẽ bà là một phụ nữ trung niên, sống trong một thị trấn nông nghiệp nhỏ hẻo lánh, và giờ đây thấy mình nghèo nàn về mặt tinh thần, xã hội và tài chính.
Đúng vào thời gian ngắn ngủi đó khi dân làng khiêng con trai của người đàn bà này đi chôn cất thì Chúa Giê Su đã gặp đoàn người đi đưa đám ma và đã “động lòng thương xót người” (Lu Ca 7:13). Thực ra, đây có thể là lời nói chưa diễn tả đúng mức của Lu Ca. Bằng cách nào đó Chúa Giê Su đã cảm nhận hoàn cảnh hoàn toàn tuyệt vọng của người đàn bà góa này. Có lẽ bà ấy đã nằm suốt đêm trên sàn đất của mình, cầu xin Cha Thiên Thượng cho bà biết lý do tại sao. Có lẽ bà ấy thậm chí còn hỏi thẳng lý do tại sao Ngài bắt bà phải sống lâu hơn nữa trên thế gian này. Hoặc có lẽ bà ấy đang kinh hãi cảnh cô đơn sắp tới mà bà sẽ trải qua. Chúng ta không biết. Nhưng chúng ta biết rằng Đấng Cứu Rỗi đã chọn rời khỏi Ca Bê Na Um ngay lập tức, có nghĩa là điều đó có thể đòi hỏi Ngài phải đi suốt đêm để có thể chặn đường đoàn người đi đưa đám ma ngay trước khi họ chôn thi hài xuống đất.
Vâng, khi Ngài nhìn thấy khuôn mặt đẫm nước mắt của bà ấy khi bước đi sau đoàn người đi đưa đám ma, Chúa Giê Su đã cảm thấy lòng trắc ẩn lớn lao đối với người đàn bà này— nhưng dường như lòng trắc ẩn của Ngài xuất phát từ những cảm nghĩ Ngài đã có từ lâu trước khi Ngài “tình cờ” chặn đường đoàn người đi đưa đám ma. Hiển nhiên, Ngài đã hoạch định để có mặt ở đó trong giây phút hoạn nạn của bà ấy.
Rồi Chúa Giê Su phán bảo người đàn bà góa “đừng khóc” (câu 13). Ngài không sợ sự ô uế của nghi thức chôn cất, nên Ngài “rờ quan tài,” và đoàn người đi đưa đám ma “dừng lại.” Rồi Ngài truyền lệnh: “Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy.
“Người chết vùng ngồi dậy và khởi sự nói. Đức Chúa Giê Su giao người lại cho mẹ” (các câu 14–15). Tất nhiên, đám đông dân làng và những người đi theo Chúa Giê Su kinh ngạc khi nỗi đau buồn họ đang chia sẻ đã trở thành niềm vui hoàn toàn. Họ đều “ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Có đấng tiên tri lớn đã dấy lên giữa chúng tôi” (câu 16). Nhưng phép lạ này cũng là nhằm giải cứu một người đang tuyệt vọng. Chúa Giê Su biết rằng người đàn bà này bị đối xử bất công—một người bị khinh thường trong văn hóa của họ. Hoàn cảnh của bà ấy đã làm cho Ngài chú ý ngay lập tức mặc dù Ngài đã phải đi rất xa để đến đó đúng lúc. Ngài biết hoàn cảnh tuyệt vọng của bà và Ngài đã đến thật nhanh. Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã nói về lẽ thật không thể phủ nhận rằng: “Một ngày nào đó, khi nhìn lại những điều dường như là trùng hợp trong cuộc sống của mình thì chúng ta sẽ nhận biết rằng có lẽ xét cho cùng những điều đó không phải ngẫu nhiên như vậy.”7
Giờ đây, với tình tiết nâng cao tinh thần này, đối với chúng ta, đây phải là tuyệt vời hơn một câu chuyện thú vị trong Kinh Thánh. Nó xác minh một cách chắc chắn rằng Chúa Giê Su đã biết về người đàn bà góa nghèo khổ, bị bỏ quên và cơ cực này. Đặc biệt là khi cảm thấy bị bỏ quên hoặc bị làm ngơ hay bị khinh thường, chúng ta cần phải nhớ rằng: Chúa Giê Su đã đến với người đàn bà góa trong lúc bà gặp hoạn nạn và Ngài cũng sẽ đến với chúng ta. Ngoài ra, một bài học thứ hai mà chúng ta có thể học được từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi là tầm quan trọng của việc tìm đến ban phước cho những người xung quanh mình. Thỉnh thoảng nhiều người mà anh chị em quen biết sẽ bị nản lòng. Nếu anh chị em có thể kể cho họ nghe câu chuyện về “chị phụ nữ ở Na In” và cách Chúa biết chính xác sự nản lòng và khủng hoảng cá nhân lớn lao của bà ấy, thì điều đó có thể thay đổi hoàn toàn. Hãy nhớ tới lời nhận xét đầy cảm động của Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985): “Quả thật Thượng Đế có để ý đến chúng ta, và Ngài trông nom chúng ta. Nhưng Ngài thường đáp ứng những nhu cầu của chúng ta qua một người khác.”8
Trong tất cả các phép lạ của Chúa Giê Su trong thời Ngài còn sống trên thế gian, đối với tôi, rất ít người đã dịu dàng và có lòng trắc ẩn như việc Ngài phục sự người đàn bà góa ở thành Na In. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là quan trọng đối với Ngài và Ngài sẽ không bao giờ quên chúng ta. Chúng ta không thể quên điều đó.