Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Jan E. Newman
Trách nhiệm đặt trọn vẹn trên vai mỗi chúng ta là phải noi theo tấm gương của Đức Thầy và giảng dạy giống như Ngài.
Các Giảng Viên Phi Thường
Cách đây một vài tháng, một người bạn học cũ từ quê tôi ở Overton, Nevada, đã đề nghị rằng chúng tôi cùng nhau làm một món quà Giáng Sinh cho giáo viên mẫu giáo yêu quý của chúng tôi, người vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 98 của bà. Bà ấy đã dạy chúng tôi phải tử tế, tầm quan trọng của một giấc ngủ ngon, niềm vui khi được uống sữa và ăn bánh quy giòn, và phải yêu thương lẫn nhau. Xin cảm ơn, Chị Davis, vì đã là một giáo viên tuyệt vời.
Tôi có một giảng viên phi thường khác trong lúc đang theo học trường Ricks College nhiều năm trước đây. Lúc ấy, tôi đang chuẩn bị phục vụ truyền giáo và nghĩ rằng việc tham dự một lớp chuẩn bị phục vụ truyền giáo sẽ rất hữu ích. Những gì tôi trải nghiệm đã thay đổi cuộc đời tôi.
Từ buổi học đầu tiên, tôi đã nhận ra rằng mình đang ở trong sự hiện diện của một giảng viên bậc thầy. Người giảng viên đó là Anh F. Melvin Hammond. Tôi biết Anh Hammond yêu thương Chúa và yêu thương tôi. Tôi có thể nhìn thấy điều đó trên gương mặt anh và nghe được nó trong giọng nói của anh. Khi anh ấy giảng dạy, Thánh Linh đã soi sáng tâm trí tôi. Anh ấy đã giảng dạy giáo lý, nhưng đồng thời cũng mời tôi tự học hỏi giáo lý. Lời mời đó đã giúp tôi thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tự mình học hỏi giáo lý của Chúa. Kinh nghiệm đó đã thay đổi tôi mãi mãi. Xin cảm ơn, Anh Hammond, vì đã giảng dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi.
Thưa các anh chị em, tất cả mọi người đều xứng đáng có được kinh nghiệm học hỏi như vậy cả ở nhà lẫn ở nhà thờ.
Lời giới thiệu của tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta cho chúng ta thấy trước được thành quả của việc giảng dạy giống như Đấng Ky Tô. Tài liệu này dạy rằng: “Mục tiêu của toàn bộ việc học hỏi và giảng dạy phúc âm là nhằm làm cho sự cải đạo của chúng ta được sâu sắc hơn và giúp chúng ta trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn. … Cách học hỏi phúc âm mà củng cố đức tin của chúng ta và dẫn đến phép lạ của sự cải đạo không diễn ra ngay lập tức. Nó vượt ra ngoài lớp học để đi vào lòng và nhà của mỗi cá nhân.”1
Thánh thư đã cho thấy rằng giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi ở Châu Mỹ thời xưa đã có ảnh hưởng mạnh mẽ và phổ biến đến nỗi “tất cả dân chúng khắp nơi trong xứ đều được cải đạo theo Chúa, cả người Nê Phi lẫn người La Man, và không có một sự bất hòa hay tranh luận nào xảy ra giữa họ. Mọi người đều đối xử với nhau rất công bình.”2
Việc giảng dạy của chúng ta có thể có ảnh hưởng tương tự đến những người thân yêu của mình như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể giảng dạy giống như Đấng Cứu Rỗi hơn và giúp người khác trở nên cải đạo một cách sâu đậm hơn? Xin cho phép cho tôi đưa ra một vài gợi ý.
Bắt Chước Đấng Cứu Rỗi
Trước hết và quan trọng nhất, hãy tự mình tìm hiểu tất cả những gì có thể về chính Đức Thầy. Ngài đã thể hiện tình yêu thương người khác như thế nào? Họ đã cảm nhận điều gì khi Ngài giảng dạy? Ngài đã giảng dạy điều gì? Ngài đã trông đợi điều gì nơi những người mà Ngài giảng dạy? Sau khi anh chị em đã khám phá những câu hỏi như vậy, hãy đánh giá và điều chỉnh cách thức giảng dạy của mình để trở nên giống như của Ngài hơn.
Giáo Hội cung cấp nhiều tài liệu giảng dạy trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm và trên trang mạng ChurchOfJesusChrist.org. Một tài liệu trong số đó có tựa đề là Giảng Dạy theo Cách Của Đấng Cứu Rỗi. Tôi mời anh chị em hãy đọc và nghiên cứu kỹ càng tài liệu đó. Các nguyên tắc trong tài liệu đó sẽ hỗ trợ anh chị em trong nỗ lực của mình để giảng dạy giống như Đấng Ky Tô hơn.
Phát Động Sức Mạnh của Gia Đình
Lời gợi ý tiếp theo của tôi có thể được minh họa bằng một kinh nghiệm tôi có cách đây một vài tháng khi tôi ghé thăm một người bạn thân. Tôi có thể nghe được vợ anh ấy đang nói chuyện với một ai đó, nên tôi nhanh chóng ra về để anh ấy có thể trở lại với gia đình mình.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, tôi nhận được tin nhắn này từ vợ anh ấy: “Anh Newman, cảm ơn anh đã ghé thăm. Chúng tôi đáng lẽ đã mời anh vào, nhưng tôi muốn chia sẻ với anh về điều mà lúc đó chúng tôi đang làm. Kể từ khi cơn đại dịch xảy ra, chúng tôi đã thảo luận tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta với những đứa con lớn của mình qua Zoom vào mỗi Chủ Nhật. Việc đó thực sự đã làm nên điều kỳ diệu. Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên con gái của chúng tôi tự mình đọc Sách Mặc Môn. Hôm nay là bài học cuối cùng về Sách Mặc Môn, và chúng tôi vừa kết thúc khi anh ghé thăm. … Tôi nghĩ rằng anh sẽ quan tâm đến cách mà tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta, Zoom, và cơn đại dịch đã mang lại cơ hội vào đúng thời điểm để thay đổi tấm lòng một người. … Điều làm tôi tự hỏi có bao nhiêu phép lạ nhỏ bé đã xảy ra trong thời gian kỳ lạ này.”
Điều này đối với tôi giống như một sự ứng nghiệm lời hứa mà Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra vào tháng Mười năm 2018. Ông đã nói rằng việc học phúc âm được Giáo Hội hỗ trợ và đặt trọng tâm vào mái gia đình “có tiềm năng phát động sức mạnh của các gia đình, khi mỗi gia đình đều tuân theo kỹ và tận tình để biến ngôi nhà của họ thành nơi trú ẩn của đức tin. Tôi hứa rằng khi anh chị em siêng năng cố gắng tổ chức lại nhà cửa của mình thành một trung tâm học tập phúc âm, thì cuối cùng ngày Sa Bát của anh chị em sẽ thực sự là một ngày vui thích. Con cái của anh chị em sẽ hứng thú để học hỏi và sống theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. … Những thay đổi trong gia đình của anh chị em sẽ rất đáng kể và bền bỉ.”3 Thật là một lời hứa tuyệt vời!
Để thực sự thay đổi cuộc sống, sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô phải bao trùm lấy toàn bộ tâm hồn chúng ta và thấm nhuần vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Đây là lý do tại sao nó phải được tập trung vào tại trung tâm của cuộc sống chúng ta—gia đình và mái nhà của chúng ta.
Nhớ Rằng Sự Cải Đạo Là Cá Nhân
Gợi ý cuối cùng của tôi là hãy nhớ rằng sự cải đạo phải đến từ bên trong. Như được minh họa trong câu truyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh, chúng ta không thể cho người nào khác dầu của sự cải đạo của mình, dù chúng ta có muốn đến đâu đi nữa. Như Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Số dầu quý báu này kiếm được từng giọt một … một cách nhẫn nại và kiên trì. Không có cách nào nhanh hơn mà lại đòi hỏi ít nỗ lực hơn đâu; không thể nào có nỗ lực chuẩn bị bất ngờ vào phút chót đâu.”4
Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta được dựa trên lẽ thật đó. Tôi so sánh tài liệu đó với việc thiên sứ đã giúp Nê Phi học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách nói rằng: “Xem kìa!”5 Cũng giống như thiên sứ đó, tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta mời gọi chúng ta tìm kiếm trong thánh thư và trong lời của các vị tiên tri thời hiện đại để tìm thấy Đấng Cứu Rỗi và lắng nghe Ngài. Cũng giống như Nê Phi, mỗi cá nhân chúng ta sẽ được Thánh Linh hướng dẫn khi đọc và suy ngẫm lời của Thượng Đế. Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta là bàn đạp giúp mỗi người chúng ta lặn sâu vào nguồn nước sống của giáo lý Đấng Ky Tô.
Trách nhiệm của cha mẹ cũng tương tự theo nhiều cách. Con cái được thừa hưởng nhiều thứ từ cha mẹ chúng, nhưng chứng ngôn không phải là một trong số đó. Chúng ta không thể cho con cái mình chứng ngôn, cũng như chúng ta không thể làm một hạt giống tăng trưởng. Nhưng chúng ta có thể cung cấp một môi trường đầy đủ dưỡng chất, với đất tốt, không có gai nhọn mà có thể “làm cho nghẹt ngòi đạo.” Chúng ta có thể cố gắng tạo nên những điều kiện lý tưởng để con cái chúng ta—và những người khác mà chúng ta yêu thương—có thể tìm ra nơi cho hạt giống, “[lắng nghe] lời và [hiểu] lời ấy”6 và tự họ khám phá ra rằng ”đây là hạt giống tốt.”7
Cách đây vài năm, con trai tôi là Jack và tôi đã có cơ hội chơi golf tại sân Old Course ở St. Andrews, Scotland, là nơi bắt đầu môn chơi golf. Điều đó thật tuyệt vời! Khi trở về, tôi đã cố gắng truyền đạt cho những người khác về kinh nghiệm ấy. Nhưng tôi đã không làm được. Những hình ảnh, đoạn video, và lời diễn tả hay nhất của tôi cũng hoàn toàn không đủ. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng cách duy nhất để một ai đó biết về sự vĩ đại của St. Andrews là phải trải nghiệm nó—để nhìn thấy những khu đường bóng rộng lớn, hít thở không khí, cảm nhận luồng gió trên mặt họ, và đánh một vài đường bóng hỏng vào những hố cát và bụi cây rậm rạp, mà chúng tôi đã đánh rất hiệu quả.
Lời của Thượng Đế cũng giống như vậy. Chúng ta có thể dạy, rao truyền, giải thích về lời đó. Chúng ta có thể thảo luận, miêu tả, thậm chí làm chứng về lời đó. Nhưng khi một người chưa cảm nhận được lời thiêng liêng của Thượng Đế nhỏ giọt xuống tâm hồn họ như những giọt sương từ thiên thượng qua quyền năng của Thánh Linh8 thì điều đó cũng giống như việc nhìn vào một tấm bưu thiếp hoặc các bức ảnh về một kỳ nghỉ của một người nào đó. Anh chị em phải tự mình đến đó. Sự cải đạo là một cuộc hành trình cá nhân—một cuộc hành trình để quy tụ.
Tất cả những ai giảng dạy tại nhà và ở nhà thờ đều có thể mang đến cho người khác cơ hội để có được những kinh nghiệm thuộc linh của riêng họ. Qua những kinh nghiệm này, họ sẽ tự mình “biết được lẽ thật của tất cả mọi điều”.9 Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Nếu có những câu hỏi chân thành về phúc âm hoặc về Giáo Hội, trong khi chọn để Thượng Đế ngự trị thì anh chị em sẽ được dẫn dắt để tìm kiếm và thông hiểu những lẽ thật tuyệt đối, vĩnh cửu mà sẽ hướng dẫn cuộc sống của anh chị em và giúp anh chị em kiên định ở trên con đường giao ước.”10
Cải Thiện Việc Giảng Dạy Một Cách Vượt Bậc
Tôi xin mời những người lãnh đạo và giảng viên trong mọi tổ chức của Giáo Hội cùng hội ý với các bậc cha mẹ và giới trẻ để có thể cải thiện việc giảng dạy một cách vượt bậc ở mọi cấp độ—ở giáo khu, tiểu giáo khu, và ở nhà. Điều này sẽ đạt được bằng cách giảng dạy giáo lý và bắt đầu những cuộc thảo luận đầy Thánh Linh về những lẽ thật mà Đức Thánh Linh đã giảng dạy chúng ta trong những phút yên lặng khi chúng ta học hỏi riêng cá nhân.
Thưa các bạn thân mến của tôi trong Đấng Ky Tô, trách nhiệm đặt trọn vẹn trên vai mỗi chúng ta là phải noi theo tấm gương của Đức Thầy và giảng dạy giống như Ngài. Đường lối của Ngài là đường lối chân chính! Chúng ta noi theo Ngài, “để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy; ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy. ”11 Trong tôn danh của Ngài là Đấng đã phục sinh, chính là Đức Thầy, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.