Podcast số 482 – Liahona tháng 7, 2025 – Trả Lời Câu Hỏi Quan Trọng: Về Đấng Ky Tô, Các Người Nghĩ Thể Nào – Nathan H. Williams

Bài của Anh Nathan H. Williams, Giáo Sư Khoa Giáo Dục Tôn Giáo tại trường Brigham Young University, Provo, Hoa Kỳ

Tiết 76 của sách Giáo Lý và Giao Ước đưa ra một tầm nhìn tập trung vào Đấng Ky Tô, mời gọi tất cả con cái của Thượng Đế suy ngẫm về câu hỏi sâu sắc: Về Đấng Ky Tô, các ngươi nghĩ thể nào?” (Ma Thi Ơ 22:42). Anh Cả Neal A. Maxwell (1926–2004) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của câu trả lời của chúng ta, khi nói rằng: “Chúng ta có thể trả lời bằng cả mạng sống lẫn lời nói của mình: ‘Chúa là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống’ không? (Ma Thi Ơ 16:16.) Cho đến khi chúng ta có thể, bất cứ điều gì khác chúng ta nói và làm, thì cuối cùng, sẽ chẳng tạo nên sự khác biệt gì.

Trong khi suy ngẫm về ý nghĩa của Giăng 5:29, Joseph Smith và Sidney Rigdon đã nhận được một khải tượng từ thiên thượng về sự phục sinh của con cái Thượng Đế và các vương quốc vinh quang mà họ nhận được dựa trên sự đáp lại của họ về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm trường cửu của Ngài.

Chúa Giê Su Ky Tô Là Ai?

Khải tượng được mô tả trong Giáo Lý và Giao Ước 76 nhấn mạnh đến các lẽ thật chính yếu về Chúa Giê Su Ky Tô:

  • “Chúa là Thượng Đế, và ngoài Ngài ra chẳng có Đấng Cứu Rỗi nào khác” (câu 1).
  • Ngài “đầy lòng thương xót và nhân từ đối với những ai biết kính sợ [Ngài], và thích tôn vinh những ai biết phục vụ [Ngài] trong sự ngay chính” (câu 5).
  • “Ngài đã đến với thế gian … để mang tội lỗi của thế gian, và để thánh hóa thế gian, và tẩy sạch nó khỏi mọi sự bất chính; rằng nhờ Ngài mà tất cả đều có thể được cứu rỗi, những người mà Đức Chúa Cha đã đặt vào quyền năng của Ngài và đã do Ngài tạo ra” (câu 41–42).
  • Và cuối cùng, Chúa Giê Su Ky Tô “đã làm nên sự chuộc tội hoàn hảo này bằng sự đổ máu của chính Ngài” (câu 69).

Một Nhân Chứng Đặc Biệt

Joseph và Sidney mạnh dạn làm chứng về tính xác thực và tầm quan trọng của Chúa Giê Su Ky Tô:

“Ngài hằng sống!

“Vì chúng tôi đã trông thấy Ngài, ngay cả ở bên tay phải của Thượng Đế; và chúng tôi đã nghe được tiếng nói làm chứng rằng Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha—

“Rằng, bởi Ngài, qua Ngài và do Ngài mà các thế giới đã và đang được sáng tạo và dân cư trên ấy là con trai và con gái của Thượng Đế sinh ra” (các câu 22–24).

Các Con Trai Diệt Vong

Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cứu “tất cả ngoại trừ [những đứa con trai diệt vong]” (Giáo Lý và Giao Ước 76:44). Họ đã trả lời đầy đủ câu hỏi “Về Đấng Ky Tô, các ngươi nghĩ thể nào?” bằng cách chối bỏ Đức Thánh Linh, phủ nhận và không tuân theo Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng của Ngài sau khi Ngài được biểu lộ cho họ (xin xem câu 43). Khi làm như vậy, họ đã “đóng đinh Ngài trên thập tự giá cho mình và bắt Ngài chịu sự tủi nhục công khai” (câu 35).

Vinh Quang Hạ Thiên

Những người ở hạ thiên giới trả lời như thế nào cho câu hỏi “Về Đấng Ky Tô, các ngươi nghĩ thể nào?” Họ chọn chối bỏ phúc âm và “chứng ngôn về Chúa Giê Su” (Giáo Lý và Giao Ước 76:82, 101), và họ chối bỏ các lệnh truyền của Ngài, vì họ là “những kẻ dối trá, những kẻ đồng bóng, và những kẻ ngoại tình, và những kẻ gian dâm” (câu 103).

Tuy nhiên, họ nhận được sự phục sinh và một đẳng cấp vinh quang mà “vượt khỏi mọi sự hiểu biết” (câu 89). Họ tuân thủ ít nhất một luật pháp của hạ thiên giới (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:36) đòi hỏi tất cả mọi người phải “quỳ xuống, và mọi lưỡi sẽ phải thú tội với Đấng mà ngồi trên ngai mãi mãi và đời đời” (Giáo Lý và Giao Ước 76:110).

Vinh Quang Trung Thiên

Những người ở trung thiên giới trả lời như thế nào cho câu hỏi “Về Đấng Ky Tô, các ngươi nghĩ thể nào?” Mặc dù họ có một “chứng ngôn về Chúa Giê Su,” nhưng họ “không quả cảm” về chứng ngôn đó; “vậy nên họ không nhận được mão triều thiên của vương quốc của Thượng Đế chúng ta” (câu 79). Họ được ban phước khi “nhận được sự hiện diện của Vị Nam Tử, nhưng không nhận được sự trọn vẹn của Đức Chúa Cha” (câu 77).

Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm trường cửu của Ngài thử thách chúng ta không chỉ để biết mà còn hành động và trở thành. Để nhận được sự trọn vẹn của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, một người phải tiếp nhận các giáo lễ đền thờ và trung thành với các giao ước đó. Tiên Tri Joseph Smith làm sáng tỏ: “Nếu một người nhận được chức tư tế trọn vẹn của Thượng Đế, thì người ấy phải nhận được nó trong cùng một cách thức mà Chúa Giê Su Ky Tô đã nhận được, và đó là bằng cách tuân giữ tất cả các lệnh truyền và tuân theo tất cả các giáo lễ trong nhà của Chúa.” Các nhân vật ở trung thiên giới không sẵn lòng nhận được sự trọn vẹn của Đức Chúa Cha.

Vinh Quang Thượng Thiên

Những người trong thượng thiên giới trả lời như thế nào cho câu hỏi “Về Đấng Ky Tô, các ngươi nghĩ thể nào?” Họ nhận được “chứng ngôn về Chúa Giê Su”; họ tin “danh Ngài;” họ “chịu báp têm theo thể cách mai táng của Ngài, nghĩa là được chôn xuống nước trong danh Ngài” (câu 51). Họ tuân giữ “các giáo lệnh [để] họ có thể được gột rửa và tẩy sạch khỏi tất cả tội lỗi của mình, và nhận được Đức Thánh Linh qua phép đặt tay bởi người được sắc phong và được đóng ấn với quyền năng này” (câu 52). Họ “nhờ đức tin [nơi Chúa Giê Su Ky Tô] mà khắc phục, và được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh hứa hẹn” (câu 53). Chúng ta “được vẹn lành nhờ Giê Su là Đấng trung gian của giao ước mới, Đấng đã làm nên sự chuộc tội hoàn hảo này bằng sự đổ máu của chính Ngài” (câu 69).

Chúa Giê Su Ky Tô hiểu rõ vai trò của Ngài trong kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Không một ai nhận được vinh quang thượng thiên hoặc sự trọn vẹn của Đức Chúa Cha mà không chấp nhận tất cả những gì Đấng Cứu Rỗi ban cho qua Sự Chuộc Tội của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:37–38): tình yêu thương, quyền năng, lòng thương xót, lòng nhân từ, các tôi tớ, công lý, các lệnh truyền, các giáo lễ và các giao ước của Ngài.

Chủ Tịch Russell M. Nelson nhấn mạnh vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô trong việc giúp con cái của Thượng Đế nhận được cuộc sống vĩnh cửu: “Mục tiêu của Giáo Hội trong nhiều năm nay là phụ giúp tất cả các tín hữu gia tăng đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi Sự Chuộc Tội của Ngài, để phụ giúp họ lập và tuân giữ các giao ước của họ với Thượng Đế, và củng cố cùng làm lễ gắn bó gia đình của họ.”

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyến khích chúng ta hãy đặt vương quốc thượng thiên làm mục tiêu vĩnh cửu, “cân nhắc kỹ mỗi quyết định của [chúng ta] trong khi còn ở trên thế gian sẽ đưa [chúng ta] đến đâu trong thế giới mai sau.” Bằng cách đáp ứng lời mời gọi này, chúng ta sẽ được chuẩn bị để trả lời cho câu hỏi quan trọng “Về Đấng Ky Tô, các ngươi nghĩ thể nào?”

Khải tượng về các đẳng cấp vinh quang bảo đảm với chúng ta rằng không những quyền tự quyết là có thật mà sự lựa chọn cũng thực sự quan trọng nữa. Khải tượng này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta “được cứu chuộc khỏi sự sa ngã” và “đã được tự do mãi mãi … lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người; hay là lựa chọn cảnh tù đày và sự chết” (2 Nê Phi 2:26–27). Chúng ta sẽ chọn điều gì đây? Tương lai của chúng ta trong cuộc sống này và số mệnh vĩnh cửu của chúng ta cũng rực rỡ như đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô.