Podcast số 164 – Liahona tháng 4, 2010 – Ngài Sẽ Nhận Lấy Những Sự Yếu Đuối của Họ – Jean A. Tefan

Bài của Anh Cả Jean A. Tefan

Phục vụ với tư cách là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng từ năm 2000 đến năm 2009 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky

Một vài năm sau khi vợ tôi, Gisèle, và tôi trở về từ chức vụ chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Fiji Suva, thì Gisèle được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày. Cuối cùng thử thách đó gồm có ba cuộc giải phẫu gay go và biến chứng do việc cắt bỏ toàn bộ dạ dày của bà. Chính trong thời gian chứng kiến vợ tôi chịu đựng đau đớn nhất đã đưa tôi đến việc hiểu rõ hơn Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi nhớ đã cảm thấy hoàn toàn bất lực trước điều mà Gisèle đang trải qua. Bà đã làm gì để phải chịu khổ sở như vậy? Bà đã chẳng phục vụ Chúa một cách trung tín sao? Bà đã chẳng sống theo Lời Thông Sáng sao? Tại sao Ngài đã không thể ngăn chặn được căn bệnh này? Tại sao?

Một đêm nọ, tôi đã trút cạn tâm hồn và cảm nghĩ vào lời cầu nguyện khi tôi dâng lên Chúa tất cả tâm trạng thất vọng của tôi. Tôi thưa cùng Ngài: “Con không thể nào chịu nổi việc nhìn người vợ yêu quý của con chịu đựng nỗi đau đớn như vậy được nữa!” Rồi tôi quyết định giở đến thánh thư. Tôi bắt gặp những câu thánh thư đầy an ủi này về Chúa Giê Su Ky Tô trong An Ma 7:11–12:

“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.

“Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.”

Cho đến giây phút đó, tôi đã không nghĩ về tất cả những gì được gồm vào Sự Chuộc Tội kỳ diệu của Đấng Cứu Rỗi. Tôi đã thật sự không nhận biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang lấy nỗi đau đớn của Gisèle—hoặc của tôi. Tôi đã chuyển nỗi đau đớn và sợ hãi của tôi lên Ngài là Đấng mang lấy “những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.” Với sự hiểu biết mới mẻ này, tôi cảm thấy gánh nặng đã được nâng lên!

Ngày nay, Gisèle đã khỏe hẳn thể như bà chưa bao giờ mắc bệnh ung thư. Khi bà đi khám sức khỏe tổng quát thường lệ, bác sĩ của bà nói với bà rằng bà là “một phép lạ.” Tôi biết ơn biết bao về sự chữa lành thể xác của bà nhưng tôi cũng biết ơn về sự chữa lành mà tôiđã trải qua, một sự chữa lành tâm hồn. Sự an ủi chỉ có sẵn qua Đấng Cứu Rỗi đã mang đến cho tôi một sự bảo đảm bình an rằng mọi việc rồi sẽ được ổn thỏa.

Giờ đây, bất cứ lúc nào tôi bị đau khổ thì ý nghĩ của tôi luôn hướng đến bài học mạnh mẽ đó và đến điều mà Chúa đã phán bảo Tiên Tri Joseph Smith: “Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?” (GLGƯ 122:8). Việc ghi nhớ sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô lúc nào cũng an ủi tôi.

Tôi vĩnh viễn biết ơn sự sẵn lòng của Đấng Cứu Rỗi để thực hiện điều mà Ngài đã chịu đựng một cách đau khổ cùng cực. Tôi làm chứng về tình yêu thương, lòng thương xót và sự chăm sóc giữ gìn dành cho các con cái của Ngài. Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và tôi yêu mến Ngài.