Podcast số 21 – Liahona tháng 4, 2020 – Sự Phục Hồi Liên Tục – LeGrand R. Curtis Jr.

Bài của Anh Cả LeGrand R. Curtis Jr.

Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương và Sử Gia và Người Ghi Chép của Giáo Hội

Sự Phục Hồi đã bắt đầu tại Khu Rừng Thiêng Liêng cách đây 200 năm và tiếp tục ngày nay—và anh chị em cùng tôi có thể là một phần trong đó.

Đây là một thời kỳ tuyệt diệu đầy hào hứng để sống trên thế gian. Chúng ta có phước lành khi được tham gia vào những sự kiện lớn lao xảy ra trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn, chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa.1 Chúng ta không chỉ dõi theo những sự kiện kỳ diệu này được hé mở mà còn là một phần của chúng.2

Đôi khi chúng ta nói về Sự Phục Hồi phúc âm như thể đây là một sự kiện mà mọi việc trong đó xảy ra cùng một lúc. Hai trăm năm trước đây, Khải Tượng Thứ Nhất đã bắt đầu tiến trình này, nhưng dĩ nhiên Sự Phục Hồi không chỉ dừng lại ở đó. Công việc của Chúa qua Joseph Smith và những người phụ giúp của ông tiếp tục với việc phiên dịch Sách Mặc Môn, phục hồi chức tư tế, tổ chức Giáo Hội, gửi đi những người truyền giáo, xây dựng các đền thờ, tổ chức Hội Phụ Nữ, và vân vân. Những sự kiện này của Sự Phục Hồi đã bắt đầu vào năm 1820 và tiếp tục trong suốt cuộc đời của Joseph Smith.

Cũng tuyệt vời như những gì mà Thượng Đế đã mặc khải qua Joseph Smith, Sự Phục Hồi chưa chấm dứt trong cuộc đời của Joseph. Qua các vị tiên tri kế nhiệm ông chúng ta nhận được những sự việc như sự phát triển liên tục của công việc đền thờ; các thánh thư bổ sung; sự phiên dịch thánh thư ra nhiều ngôn ngữ; việc mang phúc âm ra khắp thế gian; việc tổ chức Trường Chủ Nhật, Hội Thiếu Nữ, Hội Thiếu Nhi, và các nhóm túc số chức tư tế; và vô số sự điều chỉnh trong tổ chức và quy trình của Giáo Hội.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Chúng ta là các nhân chứng cho tiến trình của sự phục hồi. Nếu anh chị em nghĩ là Giáo Hội đã được phục hồi một cách trọn vẹn, thì thật ra anh chị em chỉ đang thấy sự khởi đầu. Còn nhiều điều nữa sẽ tới. … Hãy đợi sang năm sau. Và rồi năm kế tiếp nữa. Anh chị em hãy bổ sung vitamin. Hãy ngủ đủ giấc. Tương lai của Giáo Hội sẽ đầy hào hứng đó.”3

Tương ứng với lời tuyên bố của Chủ Tịch Nelson rằng Sự Phục Hồi đang tiếp diễn, chúng ta đã thấy nhiều sự điều chỉnh quan trọng trong Giáo Hội kể từ khi ông trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội. Những sự điều chỉnh đó gồm có việc tổ chức lại các nhóm túc số chức tư tế, công việc phục sự thay thế thăm viếng giảng dạy tại gia, và lập ra cách thức học tập phúc âm tập trung vào mái gia đình và được Giáo Hội hỗ trợ.4 Kể từ khi đó, chúng ta có thêm những sự điều chỉnh mới, và trong tương lai vẫn còn nữa.

Một Ví Dụ tại Tây Phi

Chứng ngôn của tôi về tính chất tiếp diễn của Sự Phục Hồi được ảnh hưởng qua năm năm mà tôi phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Tây Phi. Từ khi còn là một thiếu niên, tôi đã có một chứng ngôn về phúc âm. Nhưng khi sống tại Châu Phi, tôi đã phụ giúp một số người Tây Phi đầu tiên chấp nhận phúc âm. Tôi cũng thấy Giáo Hội phát triển nhanh chóng khắp lục địa này, với hàng trăm tiểu giáo khu và giáo khu được thành lập, các đền thờ và nhà hội không đủ chỗ cho các tín hữu trung tín, những người nam và những người nữ đón nhận phúc âm phục hồi với trọn tấm lòng họ. Trước mắt tôi, lời tiên tri của Joseph Smith đã được ứng nghiệm rằng Giáo Hội “sẽ lan tràn khắp thế gian.”5

Hai tín hữu trung tín trong số đó, James Ewudzie và Frederick Antwi, đã đi cùng tôi đến đền thờ Accra Ghana vào một ngày nọ. Một vài năm trước khi những người truyền giáo Thánh Hữu Ngày Sau đến Ghana, James đã là một thành viên của nhóm khoảng 1.000 người sử dụng Sách Mặc Môn và các tài liệu khác của Giáo Hội trong các buổi lễ thờ phượng của họ. Họ cầu nguyện cho cái ngày mà Giáo Hội sẽ đến Ghana. Ông đã đi cùng những thanh niên khác đi khắp Ghana và dạy phúc âm theo các tài liệu của chúng ta. Khi những người truyền giáo đến vào năm 1978, ông đã chịu phép báp têm vào ngày đầu tiên mà các lễ báp têm cho Các Thánh Hữu Ngày Sau được thực hiện tại Ghana.

Trong thời gian đầu khi Fred trở thành tín hữu, ông tham dự tang lễ của một người họ hàng là tù trưởng một bộ lạc. Ở đó ông biết được rằng kế hoạch của gia đình là lập ông làm vị tù trưởng mới. Biết rằng địa vị đó sẽ khiến cho ông làm những việc trái với những niềm tin phúc âm của mình, ông đã vội vàng rời đi ngay sau tang lễ và không chấp nhận địa vị mà sẽ mang lại cho ông danh vọng và tiền tài.

Khi đền thờ Accra được làm lễ cung hiến, cả James và Fred hằng tuần đã mất hơn bốn giờ đồng hồ cho chỉ một chiều đi đến đền thờ để họ có thể phục vụ trong đền thờ. Trong khi thực hiện các giáo lễ cùng với họ, tôi choáng ngợp trước cảm giác về lịch sử mà bao quanh tôi. Nhận ra lịch sử Giáo Hội tại Châu Phi mà hai người họ là đại diện, tôi cảm thấy như thể đang có John Taylor hoặc Wilford Woodruff hay những người tín hữu khác của Giáo Hội thời kỳ đầu đang ở đó và cùng tôi thực hiện các giáo lễ.

Điều tôi đã thấy, trải qua, và cảm nhận tại Tây Phi là một phần của điều mà Chúa đã phán với Hê Nóc là sẽ xảy ra: “Và ta sẽ gửi sự ngay chính từ trên trời xuống; và ta sẽ gửi lẽ thật đến thế gian, để làm chứng cho Con Độc Sinh của ta; … và ta sẽ làm cho sự ngay chính và lẽ thật quét qua thế gian như một trận lụt, để quy tụ dân chọn lọc của ta, từ bốn phương trời của thế gian” (Môi Se 7:62).

Tôi thấy sự ngay chính và lẽ thật đang lan tràn đến châu Phi và dân chọn lọc đang được quy tụ từ phần đó của thế gian. Chứng ngôn của tôi về Sự Phục Hồi được gia tăng bởi vì tôi đã thấy phần quan trọng đó của Sự Phục Hồi đang xảy ra trước mắt tôi.

Tôi cũng thấy một điều gì khác về Sự Phục Hồi liên tục: một đức tin mạnh mẽ và năng lượng thuộc linh ở giữa các tín hữu người châu Phi. Tôi đã nghe Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói rằng: “Kirtland [nơi Các Thánh Hữu sống trong những năm 1830] không chỉ là tại Ohio. Mà còn tại Châu Phi.” Nhiều người đang gia nhập vào Giáo Hội tại Châu Phi nhờ vào những kinh nghiệm thuộc linh cá nhân mạnh mẽ của họ. Các tín hữu mới này mang lại năng lượng thuộc linh và một nhu cầu học hỏi thêm về phúc âm. Đối với họ Sự Phục Hồi đang tiếp diễn theo phương diện cá nhân. Khi họ học càng nhiều về Giáo Hội, thì các lẽ thật của phúc âm tiếp tục được mở ra trước mắt họ. Nguyên tắc này cũng đúng với tất cả chúng ta khi chúng ta tiếp tục mở rộng sự hiểu biết phúc âm của mình.

Ba Cách Giúp Ích cho Sự Phục Hồi Liên Tục

Thượng Đế đã ban cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để đóng một vai trò cần thiết trong công việc này. Chúa phán rằng: “thân [của Giáo Hội] cần phải có mọi bộ phận” (Giáo Lý và Giao Ước 84:110). Tất cả các tín hữu của Giáo Hội đều có phước lành được tham gia vào Sự Phục Hồi liên tục này. Chúng ta làm điều này như thế nào?

Một cách mà chúng ta có thể tham gia là lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng. Các giáo lễ, kể cả các giáo lễ đền thờ, không có một mục đích trừ phi người ta thật sự lập và rồi tuân giữ các giao ước liên quan đến các giáo lễ đó. Chị Bonnie Parkin, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy: “Việc lập giao ước là sự biểu lộ một tấm lòng sẵn sàng; việc tuân giữ giao ước là sự bày tỏ tấm lòng trung tín.”6

Bằng cách lập và tuân giữ các giao ước, chúng ta không chỉ chuẩn bị bản thân mình cho cuộc sống vĩnh cửu, mà còn giúp chuẩn bị và củng cố những người mà Chúa gọi là “dân giao ước của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 42:36). Chúng ta lập giao ước với Thượng Đế và trở thành một phần trong dân giao ước của Ngài qua các giáo lễ báp têm, xác nhận, Tiệc Thánh, Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, và các giáo lễ đền thờ.

Cách thứ hai giúp chúng ta có thể tham dự vào Sự Phục Hồi liên tục là làm tròn những sự kêu gọi và chỉ định mà chúng ta nhận được. Đó là cách Giáo Hội tiến về phía trước. Các giảng viên tận tụy dạy phúc âm cho trẻ em, giới trẻ, và những người trưởng thành. Các anh em phục sự và các chị em phục sự chăm sóc cho cá nhân mỗi tín hữu Giáo Hội. Các chủ tịch đoàn và giám trợ đoàn hướng dẫn cho các giáo khu, giáo hạt, tiểu giáo khu, chi nhánh, nhóm túc số, tổ chức, lớp học, và các nhóm. Những người lãnh đạo giới trẻ chăm sóc cho các em thiếu nữ và thiếu niên. Các thư ký lưu giữ thông tin cần thiết mà cũng được ghi chép trên thiên thượng, và nhiều anh chị em khác giữ các vai trò thiết yếu để chuẩn bị mọi người cho cuộc sống vĩnh cửu và Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Cách thứ ba để chúng ta có thể tham gia vào Sự Phục Hồi là giúp quy tụ dân Y Sơ Ra Ên. Từ những ngày đầu của Sự Phục Hồi, đây đã là một phần then chốt của công việc này. Theo như Chủ Tịch Nelson đã dạy, chúng ta có cơ hội và bổn phận để phụ giúp trong sự quy tụ mà xảy ra ở cả hai bên bức màn che. Trong sứ điệp bế mạc đại hội trung ương đầu tiên với tư cách là Chủ Tịch Giáo Hội, Chủ Tịch Nelson đã tuyên bố ngắn gọn rằng: “Sứ điệp của chúng ta gửi cho thế giới rất giản dị và chân thành: chúng ta mời tất cả các con cái của Thượng Đế ở cả hai bên tấm màn đến cùng Đấng Cứu Rỗi của họ, tiếp nhận các phước lành của đền thờ thánh, có được niềm vui lâu dài và hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu.”7

Việc quy tụ dân Y Sơ Ra Ên ở bên này bức màn che có nghĩa là công việc truyền giáo. Tất cả những ai trong chúng ta mà có thể phục vụ công việc truyền giáo trọn thời gian nên cân nhắc kỹ cơ hội này. Tôi xem đây là một phước lành lớn lao khi tôi có thể phục vụ công việc truyền giáo tại Ý khi mà Giáo Hội còn rất mới ở đó. Các chi nhánh của chúng tôi họp mặt ở những tòa nhà được thuê lại, và chúng tôi hy vọng một ngày nào đó các giáo khu và tiểu giáo khu có thể hiện hữu ở đó. Tôi thấy những người tiền phong dũng cảm đến với Giáo Hội và đặt nền móng cho sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên ở vùng đất tuyệt vời đó.

Một trong những người này là Agnese Galdiolo. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy Thánh Linh mạnh mẽ khi giảng dạy chị ấy những bài học truyền giáo. Nhưng, ngay cả khi cảm nhận được Thánh Linh đó, chị ấy biết rằng gia đình mình sẽ phản đối mãnh liệt việc chị chịu phép báp têm. Tuy nhiên, vào một thời điểm nhất định, khi được tràn đầy Thánh Linh, chị đã đồng ý chịu phép báp têm. Nhưng chị đã đổi ý vào chính buổi sáng được hoạch định cho lễ báp têm của chị. Sớm hôm đó, chị đến tòa nhà thuê là nơi chị sẽ chịu phép báp têm để nói với chúng tôi là bởi vì áp lực từ gia đình, chị không thể chịu phép báp têm.

Trước khi rời đi, chị đồng ý nói chuyện với chúng tôi trong một vài phút. Chúng tôi đã đi vào một phòng học nơi chúng tôi đề nghị cầu nguyện cùng nhau. Sau khi quỳ xuống, chúng tôi mời chị dâng lên lời cầu nguyện. Sau lời cầu nguyện chị đứng lên với mắt ngấn lệ và nói: “Được rồi, tôi sẽ chịu phép báp têm.” Và một vài phút sau chị đã được làm báp têm. Năm kế tiếp chị kết hôn với Sebastiano Caruso, và họ đã nuôi dạy bốn người con, tất cả các con của họ đều phục vụ truyền giáo và vẫn tiếp tục phục vụ trong Giáo Hội kể từ đó.

Agnese và Sebastiano cũng phục vụ truyền giáo, với Sebastiano là chủ tịch phái bộ truyền giáo. Khi tôi phục vụ truyền giáo lần thứ hai tại Ý, 25 năm sau lần thứ nhất, tôi đã có thể thấy những gì mà Carusos và những người tiền phong khác đã làm để mở rộng vương quốc của Thượng Đế tại đó. Những người truyền giáo của tôi và tôi đã làm việc để xây dựng Giáo Hội, mơ rằng một ngày nào đó một đền thờ sẽ được xây cất tại Ý. Hãy tưởng tượng niềm vui của tôi khi thật sự biết rằng giờ đây chúng ta có Đền Thờ Rome Italy.

Ít có niềm vui nào có thể so sánh được với niềm vui của công việc truyền giáo. Thật là một phước lành lớn lao khi được sinh ra vào thời điểm mà chúng ta có thể vui vẻ tham gia vào Sự Phục Hồi liên tục bằng cách giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên!

Niềm vui của công việc truyền giáo, dĩ nhiên, không chỉ được cảm nhận bởi những người truyền giáo toàn thời gian. Mỗi chúng ta đều có thể phụ giúp cho sự cải đạo hoặc sự tích cực của các anh chị em mình bằng cách cùng làm việc với những người truyền giáo toàn thời gian. Chúng ta có cơ hội để quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bằng cách mời mọi người đến và xem và bằng cách làm bạn với những người đang tìm hiểu phúc âm.

Chính nhờ công việc đền thờ và lịch sử gia đình mà chúng ta có thể giúp quy tụ dân Y Sơ Ra Ên ở phía bên kia bức màn che. Trong nhiều năm qua chúng ta đã có trách nhiệm thiêng liêng để làm công việc này. Trước khi Joseph Smith qua đời, Các Thánh Hữu đã thực hiện các phép báp têm cho người chết, và một số người đã nhận lễ thiên ân và lễ gắn bó cho họ. Cùng với sự hoàn tất của Đền Thờ Nauvoo, lễ thiên ân dành cho người sống bắt đầu được thực hiện nhiều hơn. Những lễ thiên ân và lễ gắn bó cho các tổ tiên cũng đã được bắt đầu thực hiện trong các đền thờ tại Utah.

Eliza R. Snow, một người tham dự chủ chốt trong tiến trình được phục hồi đó, hiểu rõ tầm quan trọng của phần đó trong Sự Phục Hồi. Bà ấy đã dành nhiều thời gian trong căn nhà thiên ân, phụ giúp các giáo lễ ở đó.8 Trong một lần thăm Hội Phụ Nữ vào năm 1869, bà đã dạy các chị em: “Tôi đã suy ngẫm về công việc vĩ đại mà chúng ta phải thực hiện, kể cả giúp mang lại sự cứu rỗi cho người sống và người chết. Chúng ta muốn trở nên … những người đồng hành phù hợp với Các Thượng Đế và Các Vị Thánh.”9

Và, dĩ nhiên, các giáo lễ đền thờ nay đã trở nên dễ tiếp cận một cách đáng kể nhờ công việc xây dựng các đền thờ trên khắp thế giới, với thêm nhiều đền thờ nữa sẽ được xây cất.

Với các công cụ mà chúng ta có thể sử dụng bây giờ, công việc đền thờ và lịch sử gia đình có thể là một phần thường xuyên trong sự tham gia của chúng ta vào Sự Phục Hồi liên tục. Tôi vốn đã yêu thích và đã tham gia vào công việc lịch sử gia đình trong nhiều năm qua, nhưng các công cụ trực tuyến đã giúp gia tăng đáng kể thành công của tôi trong việc mang những cái tên trong gia đình đến đền thờ. Tôi có những ký ức thiêng liêng khi ngồi tại một cái bàn trong căn hộ của chúng tôi tại Ghana và tìm tên của các tổ tiên người Châu Âu của tôi để cho vợ chồng tôi có thể đem đến Đền Thờ Accra Ghana. Cơ hội đầy niềm vui đó đi theo chúng tôi đến những nơi khác mà chúng tôi được phái đến.

Qua Tiên Tri Joseph Smith, Thượng Đế đã bắt đầu tiến trình “phục hồi tất cả mọi điều phán ra bởi miệng của tất cả các thánh tiên tri từ lúc thế gian mới bắt đầu” (Giáo Lý và Giao Ước 27:6). Sự phục hồi đó đã tiếp tục cho đến bây giờ khi Thượng Đế “đang mặc khải” và “sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế” (Các Tín Điều 1:9). Tôi biết ơn sâu sắc rằng chúng ta có thể tham gia vào Sự Phục Hồi liên tục này.