Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Xin hãy dành một khoảnh khắc yên tĩnh và ở nơi thuộc linh khi các em đọc sứ điệp này.
Thế giới của chúng ta rất thường ồn ào, nhiễu loạn với sự giả tạo và kiêu ngạo. Nhưng khi chúng ta cởi mở, trung thực và chân thành tiếp nhận những yếu kém của bản thân và những ảnh hưởng của Thượng Đế, thì niềm hy vọng và lời hứa về lễ Phục Sinh nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ trở thành hiện thực. Trong những giây phút như vậy, chúng ta cầu xin:
“Làm thế nào tôi có thể gặp lại những người trong gia đình, bạn bè, người thân yêu của tôi?”
“Trong một thế giới với đầy những mối quan hệ ngắn ngủi đầy ‘ích kỷ’, tôi có thể tìm thấy và cảm thấy sự bình an, hy vọng và sự giao tiếp với Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:19), với những người xung quanh tôi và chính tôi ở đâu?”
“Có người nào tôi có thể yêu thương—và ai sẽ thực sự yêu thương tôi? Liệu các mối quan hệ giao ước có thể phát triển và bền vững, không phải như một câu chuyện cổ tích mà với những mối ràng buộc mạnh mẽ hơn dây trói của tử thần, thực sự hạnh phúc và mãi mãi về sau?”
“Tôi có thể giúp đóng góp cho sự bình yên, sự hòa hợp và sự hiểu biết về Chúa Giê Su Ky Tô, về phúc âm phục hồi và Giáo Hội của Ngài tại những nơi đang phải chịu nhiều đau khổ, phiền muộn và bất công bằng cách nào?”
Vào mùa lễ Phục Sinh này, tôi chia sẻ chứng ngôn của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô và về lời hứa và hy vọng của Ngài.
Lời Hứa về Sự Thuộc Về Giao Ước và Mục Đích
Thượng Đế, Cha Thiên Thượng Vĩnh Cửu của chúng ta; Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai Yêu Dấu của Ngài; và Đức Thánh Linh rất gần gũi với chúng ta. Ánh sáng vô hạn và vĩnh cửu, lòng trắc ẩn và tình yêu thương cứu chuộc của hai Ngài được đan xen trong mục đích của sự sáng tạo và các yếu tố về sự tồn tại của chúng ta (xin xem An Ma 30:44; Môi Se 6:62–63).
Trong Hội Đồng tiền dương thế trên Thiên Thượng, “các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai [con gái] Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng” (Gióp 38:7). Chúng ta đã chọn quyền tự quyết. Giờ đây, chúng ta bước đi bằng đức tin. Qua kinh nghiệm của mình, chúng ta khám phá ra vẻ đẹp, sự rõ ràng, niềm vui và mục đích mà Thượng Đế đã hứa giữa những điều không chắc chắn, nản lòng và thử thách của cuộc sống trần thế.
Chúng ta không cần phải sống cuộc sống mà không hiểu mục đích và phương hướng của mình. Chúng ta có thể giao tiếp với thiên thượng, xây đắp đức tin và sự gắn bó trong gia đình chúng ta, cũng như trong hộ gia đình và toàn thể cộng đồng Các Thánh Hữu, và trở thành con người chân chính nhất, tự do nhất, chân thực nhất, vui vẻ nhất của mình qua sự sẵn lòng và vui vẻ tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế. Sự Chuộc Tội—sự hiệp một—trong Chúa Giê Su Ky Tô và qua Ngài sẽ mang đến sự thuộc về giao ước này.
Hy Vọng về Cuộc Đời và Sứ Mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô
Mỗi ngày, hy vọng và lời hứa về lễ Phục Sinh gồm có các phước lành và những lời giảng dạy mà Chúa Giê Su Ky Tô đã được chia sẻ trong suốt giáo vụ trần thế hoàn hảo của Ngài. Được tiền sắc phong từ lúc ban đầu, Chúa Giê Su Ky Tô đã giáng sinh làm Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế (xin xem Gia Cốp 4:5; An Ma 12:33–34; Môi Se 5:7, 9). Ngài khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta (Lu Ca 2:52). Chỉ tìm cách làm theo ý muốn của Cha Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã tha thứ tội lỗi, chữa lành bệnh tật, làm người chết sống lại, và an ủi những người đau yếu và cô đơn.
Sau khi nhịn ăn 40 ngày, Ngài đã làm chứng rằng, “Thần của Chúa ngự trên ta; vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để chữa lành cho những tấm lòng tan vỡ, rao cho kẻ bị [giam] cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do” (Lu Ca 4:18; xin xem thêm Ê Sai 61:1).
Đó chính là mỗi người chúng ta.
Trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Chúa Giê Su Ky Tô đã rửa chân cho các môn đồ của Ngài (xin xem Giăng 13:4–8). Trong cả Cựu Thế Giới và Tân Thế Giới, chính Ngài là “nước sự sống” và “bánh sự sống” , đã thiết lập Tiệc Thánh. Trong giáo lễ Tiệc Thánh thiêng liêng, chúng ta kêu cầu lên Đức Chúa Cha và giao ước mang danh Chúa Giê Su Ky Tô, luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, để chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta (xin xem Lu Ca 22:19–20; 3 Nê Phi 18:7, 10–11).
Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Chúa Giê Su đã chịu đau khổ nhiều hơn những gì loài người có thể chịu đựng để cứu chuộc và chuộc tội cho chúng ta. Máu chảy ra từ mọi lỗ chân lông. Ngài đã chịu đựng những nỗi đau đớn này cho tất cả mọi người, để chúng ta không phải chịu đau khổ nếu chúng ta chịu hối cải (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:11; 19:16).
Khi bị phản bội và vu oan, Chúa Giê Su Ky Tô bị nhạo báng và đánh đập, và một mão gai đã được đội lên trên đầu của Ngài, Đấng khiêm nhường nhận lấy (xin xem Ma Thi Ơ 27:26, 29; Mác 15:15, 17, 20, 31; Lu Ca 22:63; Giăng 19:1–2). “Vì sự gian ác chúng ta mà bị thương … bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh” (Ê Sai 53:5). Ngài đã “bị treo lên trên thập tự giá” để mang chúng ta đến với Ngài (xin xem 3 Nê Phi 27:14–15). Tuy nhiên, ngay cả trên thập tự giá, Chúa Giê Su Ky Tô đã tha thứ [cho họ] (xin xem Lu Ca 23:34). Ngài đã nhờ Giăng chăm sóc cho mẹ của Ngài (xin xem Giăng 19:26–27). Ngài đã cảm thấy bị bỏ rơi (xin xem Ma Thi Ơ 27:46; Mác 15:34). Hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Ngài phán rằng: Ngài khát (xin xem Giăng 19:28). Khi tất cả đã được hoàn tất, chính Ngài đã “thì tắt hơi” (Lu Ca 23:46; xin xem thêm Giăng 10:17–18).
Chúa Giê Su Ky Tô biết cách giúp đỡ chúng ta trong những bệnh tật, yếu đuối, cô đơn, cô lập và gian khổ (xin xem An Ma 7:12). Những đau khổ như vậy thường xảy đến như là hậu quả từ sự lựa chọn của người khác. Ngài cũng biết làm thế nào để hân hoan cùng chúng ta trong niềm vui và lòng biết ơn, biết cách khóc cùng chúng ta khi niềm vui của chúng ta trọn vẹn. Ngài dịu dàng kêu gọi chúng ta vào đàn chiên của Ngài trong danh Ngài, bằng tiếng nói của Ngài. Ngài kêu gọi mọi người ở khắp mọi nơi. Ngài mời gọi chúng ta nhìn nhận và hiểu cuộc sống trần thế qua một quan điểm vĩnh cửu. Khi chúng ta bước đi ngay thẳng và tuân giữ các giao ước của mình, Ngài hứa rằng tất cả mọi việc đều có thể hiệp lại với nhau vì lợi ích của chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 90:24; Rô Ma 8:28).
Theo kỳ định và cách thức của Ngài, sự phục hồi sẽ đến—không chỉ khôi phục mọi thứ về trạng thái ban đầu mà còn đạt đến trạng thái tiềm năng cao nhất của chúng. Quả thật, Chúa Giê Su Ky Tô có thể giải thoát chúng ta khỏi dây trói buộc và tội lỗi, khỏi cái chết và ngục giới, và có thể giúp chúng ta làm tròn nguồn gốc thiêng liêng của mình khi chúng ta trở thành con người tốt hơn chúng ta có thể tưởng tượng được, qua đức tin và sự hối cải.
Lời Hứa về Sự Giải Thoát
Nhờ Chúa Giê Su Ky Tô nên cái chết không phải là kết thúc. Vào Lễ Phục Sinh, chúng tôi tuyên bố:
Chúa thắng cái chết cho nhân loại.
Nhờ lệnh truyền và quyền năng từ Cha Ngài, Chúa Giê Su có thể phó sự sống của Ngài và lấy lại nó (xin xem Giăng 10:17). Trong khi xác Ngài nằm trong ngôi mộ, Chúa Giê Su Ky Tô đã phục sự và tổ chức trong thế giới linh hồn, tuyên phán “sự cứu chuộc họ ra khỏi những dây trói buộc của sự chết.” (Giáo Lý và Giao Ước 138:16).
Vào sáng ngày thứ ba, Ngài sống lại từ ngôi mộ. Ngài phán bảo với Ma Ri. Ngài hiện đến với hai môn đồ trên đường đi đến Em Ma Út, Các Sứ Đồ của Ngài, và những người khác. (Xin xem Ma Thi Ơ 28; Mác 16; Lu Ca 24; Giăng 20.)
Trong lời chứng chéo, Ngài mời các môn đồ của Ngài thả lưới bên kia thuyền; lần này, mặc dù lại đầy cá, nhưng lưới không bị đứt (xin xem Giăng 21:6–11; Lu Ca 5:3–7). Ngài cho các môn đồ ăn và ba lần yêu cầu Phi E Rơ chăn chiên của Ngài (xin xem Giăng 21:12–17). Ngài thăng lên trời, phán rằng các môn đồ của Ngài lúc đó và tất cả chúng ta bây giờ nên chia sẻ tin mừng vinh quang của lễ Phục Sinh và phúc âm của Ngài với mọi quốc gia, sắc tộc và dân tộc (xin xem Ma Thi Ơ 28:19–20; Mác 16:15).
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Chăn Hiền Lành và Chiên Con của Thượng Đế. Ngài đã phó mạng sống mình cho đàn chiên của Ngài. Trong khu vườn và trên thập tự giá, Ngài đã mang những điều không thể chịu đựng được và chuộc tội cho chúng ta. Trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu, Ngài cho chúng ta thấy qua ví dụ về cách mà “cái chết mở con đường vào nơi vĩnh viễn thượng thiên.”
Qua quyền năng của Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô, thể xác và linh hồn của chúng ta sẽ được tái hợp trong sự phục sinh thể xác. Chúng ta sẽ được vinh quang, được phục hồi trong diện mạo và thể xác, từ chi này đến chi khác. Ngay cả tóc trên đầu của chúng ta cũng sẽ được phục hồi. Chúng ta sẽ thoát khỏi những đau khổ của cuộc sống trần thế, bệnh tật, tai nạn thể xác và mất khả năng trí tuệ. Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô có thể ban phước cho chúng ta để khắc phục mọi hình thức tách rời của phần thuộc linh và cái chết thuộc linh. Với điều kiện là phải hối cải, chúng ta được giải thoát khỏi mọi tội lỗi và mọi đau khổ và mở ra một tình yêu thương và niềm vui vĩnh cửu, trọn vẹn. Thanh khiết, trong sạch, tự do, chúng ta có thể trở lại trong các mối quan hệ gia đình trân quý nhất của mình với sự hiện diện vinh quang, thiêng liêng của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô.
Chúng ta sẽ gặp lại những người thân yêu của mình. Khi đoàn tụ với những người mình yêu thương, chúng ta sẽ nhìn thấy nhau bằng quan điểm vĩnh cửu—với tình yêu thương, sự thông cảm và lòng nhân từ nhiều hơn. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta ghi nhớ điều gì quan trọng và quên đi điều không quan trọng. Việc nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi và các mối quan hệ với đức tin và lòng biết ơn lớn lao hơn sẽ mang lại sự bình an, giúp đỡ người khác làm nhẹ gánh nặng của họ, hòa giải các tấm lòng, và đoàn kết các gia đình trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.
Niềm Hy Vọng về Sự Dư Dật và Niềm Vui
Lễ Phục Sinh trong Chúa Giê Su Ky Tô có cả các phước lành dồi dào từ thượng thiên, các phước lành được gia tăng, và đất đai trở nên tốt lành. Lễ Phục Sinh trong Chúa Giê Su Ky Tô gồm có việc an ủi và chăm sóc các quả phụ và trẻ mồ côi, người đói khát và bơ vơ, những người sợ hãi, bị ngược đãi hoặc vô tình rơi vào bước đường nguy hiểm. Chúa Giê Su Ky Tô nhận biết hết mỗi người, đặc biệt là những ai đang cần giúp đỡ, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy nhìn nhận và phục sự với tình yêu thương và lòng trắc ẩn, như Ngài đã làm.
Chúa Giê Su Ky Tô phục hồi dồi dào tất cả những điều tốt lành, (xin xem Giăng 10:10; An Ma 40:20–24). Ngài hứa rằng “trái đất tràn đầy, và nó đầy đủ và còn dư nữa” (Giáo Lý và Giao Ước 104:17). Sự phục hồi tất cả mọi điều của Ngài bao gồm phúc âm trọn vẹn của Ngài, thẩm quyền và quyền năng chức tư tế của Ngài, và các giáo lễ và giao ước thiêng liêng được tìm thấy trong Giáo Hội của Ngài, được gọi trong danh Ngài, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.
Lễ Phục Sinh trong Chúa Giê Su Ky Tô gồm cả việc mang nhiều ngôi nhà thánh của Chúa hơn đến gần con cái của Thượng Đế hơn ở nhiều nơi, giúp chúng ta cảm nhận và hiểu rõ giáo lý về “các kẻ giải cứu trên núi Si Ôn” (xin xem Áp Đia 1:21). Chúa cung ứng một cách thánh hóa và vô vị kỷ cho chúng ta để thực hiện các giáo lễ đền thờ trên thế gian thay cho những người thân yêu đã qua đời cần và mong muốn có được trong thời vĩnh cửu mà họ không thể tự thực hiện được.
Đó là hy vọng, lời hứa và chứng ngôn của tôi. Tôi làm chứng về Thượng Đế Đức Chúa Cha của chúng ta; Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đức Thánh Linh. Vào lễ Phục Sinh và mỗi ngày, cầu xin cho chúng ta tìm thấy niềm hy vọng và lời hứa vĩnh cửu trong kế hoạch hạnh phúc thiêng liêng của Thượng Đế, với con đường giao ước của sự biến đổi thiêng liêng từ cuộc sống hữu diệt thành bất diệt và vĩnh cửu. Cầu xin cho chúng ta mỗi ngày có sự chắc chắn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô nâng đỡ gánh nặng của chúng ta, giúp chúng ta an ủi những người khác trong nỗi buồn khổ của họ, và giải thoát tâm hồn chúng ta để nhận được niềm vui trọn vẹn của Ngài.
Qua niềm hy vọng và lời hứa về lễ Phục Sinh, Chúa Giê Su Ky Tô đáp ứng những khát khao trong lòng chúng ta và giải đáp những thắc mắc trong tâm hồn chúng ta.