Podcast: Play in new window | Embed
Khi tuân giữ các giao ước của mình bằng đức tin, chúng ta có thể dẫn dắt người khác đến với nguồn hy vọng.
Chúng ta có thể trở nên giống Đấng Cứu Rỗi hơn khi chúng ta học cách phục sự như Ngài đã làm. Bằng cách áp dụng theo tấm gương của Đấng Ky Tô và các môn đồ của Ngài trong Kinh Tân Ước, chúng ta sẽ học cách phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà có thể giúp chúng ta trong các nỗ lực của mình để phục sự giống như Đấng Cứu Rỗi.
Trong sách Phúc Âm của Mác, chúng ta đọc một câu chuyện đầy cảm động về “một người đờn bà bị bịnh mất huyết đã mười hai năm.” Chúng ta biết được rằng bà “bấy lâu chịu khổ sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao tốn hết tiền của, mà không thấy đỡ gì; bịnh lại càng nặng thêm (Mác 5:25–26).
Mười hai năm là một khoảng thời gian dài để chịu đựng. Bà đã tiêu tốn hết mọi thứ bà có. Và bà ấy chẳng còn gì ngoài căn bệnh ngày càng tồi tệ hơn. Nếu ai đó có quyền để cảm thấy tuyệt vọng, thì đó chính là người đàn bà này.
Tuy nhiên, “khi bà nghe tin về Đức Chúa Giê Su, [bà] bèn lẩn vào đằng sau [Ngài], mà rờ áo Ngài,” vì bà tin rằng: “Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành.”
Mác đã kể rằng nhờ vào đức tin của bà, “Cùng một lúc ấy, huyết lậu liền cầm lại; người nghe trong mình đã được lành bịnh” (Mác 5:27–29).
Hy vọng và đức tin của người đàn bà nơi Chúa Giê Su đã được đáp ứng bằng một phước lành. “Đức Chúa Giê Su phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin con đã cứu con; hãy đi cho bình an và được lành bịnh” (Mác 5:34).
Trong bất cứ thử thách nào, bất kể mức độ khó khăn hoặc thời gian bao lâu đi nữa, thì hy vọng là điều vô cùng cần thiết. Sợ hãi và tuyệt vọng có thể làm cho chúng ta tê dại đi. Nhưng hy vọng và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mời quyền năng và các phước lành của Ngài vào cuộc sống của chúng ta.
Áp Dụng Hy Vọng và Đức Tin vào việc Phục Sự
Là những anh chị em phục sự, chúng ta sẽ cần phải cầu xin cùng một niềm hy vọng và đức tin đó. Việc phục sự có thể vừa bổ ích vừa đầy thử thách. Khi chúng ta muốn giúp đỡ một ai đó mà dường như họ không muốn, thì chúng ta có thể dễ bị nản lòng. Giờ đây, có lẽ anh chị em đang đối mặt với tình huống này với một người trong gia đình, một người bạn, hoặc một người nào đó mà anh chị em hiện đang được chỉ định để giúp đỡ. Có lẽ, giống như người đàn bà bị bệnh mất huyết, chỉ có Chúa mới biết anh chị em đã dành ra bao nhiêu thời gian và nỗ lực để cố gắng tìm ra một điều gì đó giúp ích. Nhưng cũng giống như người đàn bà đó, nếu chúng ta sẵn lòng tìm kiếm hy vọng để tiếp tục hướng đến đức tin, thì quyền năng của Đấng Cứu Rỗi có thể tạo ra một sự khác biệt.
Đôi khi thử thách này là việc phục sự cho những người đang đấu tranh với bản thân mình để cảm thấy đủ hy vọng để thực hành đức tin. Có một số người, giống như người đàn bà trong sách Mác, có thể đối mặt với những căn bệnh mãn tính, những mất mát về tài chính, hoặc những thử thách dường như quá sức chịu đựng nào. Việc biết rằng họ không đơn độc trong những khó khăn của mình có thể là một nguồn hy vọng mạnh mẽ. Chúng ta có thể giúp họ tìm thấy hy vọng này khi chúng ta cho thấy sự sẵn lòng để mang gánh nặng của họ, than khóc với họ, an ủi họ, và đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế (xin xem Mô Si A 18:9–10).1
Phát Triển Niềm Hy Vọng và Đức Tin
Làm thế nào chúng ta có thể phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô về hy vọng và đức tin? Sau đây là một số ý kiến:
- Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng hy vọng là tin tưởng rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ làm tròn những lời hứa của Ngài với anh chị em.2 Bởi vì “hy vọng là một ân tứ của Thánh Linh [xin xem Mô Rô Ni 8:26],”3 nên đó là một điều mà chúng ta có thể cầu xin (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:7–9).
- Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng việc gia tăng đức tin đòi hỏi phải có hành động. Ông chia sẻ cách chúng ta có thể gia tăng đức tin của mình qua việc học hỏi, chọn để tin tưởng, hành động trong đức tin, dự phần vào các giáo lễ thiêng liêng một cách xứng đáng, và cầu xin Cha Thiên Thượng giúp đỡ.4