Podcast: Play in new window | Embed
Là một phần kinh nghiệm trần thế của chúng ta, chúng ta đều lệ thuộc vào không chỉ một bức màn che của sự lãng quên mà còn ở trong tình trạng hay quên. Bức màn che của sự lãng quên khiến chúng ta quên đi những cảnh tượng và lẽ thật mà mình đã biết trong cuộc sống tiền dương thế. Tình trạng hay quên của chúng ta khiến chúng ta quên lãng và lạc khỏi các lẽ thật mà mình đã học được hoặc được học lại trong cuộc sống này. Nếu chúng ta không vượt qua được trạng thái sa ngã của sự quên lãng, thì chúng ta sẽ tự nhiên trở nên “nhạy làm điều bất chính, nhưng chậm nhớ đến Chúa [của chúng ta]” (1 Nê Phi 17:45).
Những Sự Nhắc Nhở về Đấng Ky Tô
Với mỗi lệnh truyền Ngài ban cho, Thượng Đế hứa “chuẩn bị sẵn một đường lối [cho chúng ta] để [chúng ta] có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền” (1 Nê Phi 3:7). Để chúng ta có thể vâng theo lệnh truyền phải nhớ đến Ngài, Chúa đã chuẩn bị những điều nhắc nhở.
Quả thật, tất cả mọi sự việc đều được sáng tạo và tạo nên để làm chứng và nhắc nhở chúng ta về Đấng Ky Tô (xin xem Môi Se 6:63; xin xem thêm An Ma 30:44). Điều này đã được dự định, ví dụ, rằng chúng ta nhớ đến Ngài khi “muôn chim vui mừng ca vang lên khắp chốn rừng thẳm, bát ngát thênh thang ngàn lá xanh non chập chùng.”1 Đá cũng có thể kêu lên như là một chứng ngôn và để nhắc nhở về Chúa Giê Su (xin xem Lu Ca 19:40). Thật ra, cả trái đất là sự làm chứng tuyệt vời về Ngài qua âm thanh và cảnh vật nhắc nhở chúng ta nhớ đến Đấng Sáng Tạo.
Những lời nhắc nhở dường như ngẫu nhiên trong mọi tạo vật được tăng thêm bởi những điều nhắc nhở trang trọng hơn mà chúng ta tìm thấy trong các giáo lễ thiêng liêng. A Bi Na Đi dạy rằng dân Y Sơ Ra Ên thời xưa đã được ban cho các giáo lễ nghiêm ngặt để thực hiện “để giữ cho họ nhớ tới Thượng Đế và bổn phận của mình đối với Ngài” (Mô Si A 13:30). Các vị tiên tri thời hiện đại cũng đã dạy giống như vậy. Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) tuyên bố: “Tôi cho là sẽ không bao giờ có sự bội giáo, sẽ không bao giờ có tội ác, nếu mọi người đều ghi nhớ, thực sự ghi nhớ, những gì họ đã giao ước trong nước báp têm hoặc tại bàn Tiệc Thánh và trong đền thờ.”2
Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô là dành cho tất cả mọi người lẫn cho cá nhân. Những lời nhắc nhở của Ngài cũng vậy. Do đó, ngoài các giáo lễ đồng nhất được ban cho tất cả mọi người, Ngài còn ban cho chúng ta nhiều lời nhắc nhở khác nhau và cho riêng cá nhân về Ngài. Ví dụ, đất sét hoặc bùn thông thường không có khả năng khiến nhiều người nhớ tới Chúa Giê Su hoặc dâng trào cảm xúc và lòng biết ơn đối với Ngài. Nhưng người đàn ông mà đã được làm cho sáng mắt khi Chúa Giê Su đắp bùn vào mắt ông có lẽ đã nhớ tới Chúa Giê Su một cách đầy yêu thương mỗi khi ông ta nhìn thấy đất sét—hay bùn! (xin xem Giăng 9:6–7). Liệu có thể nào để Na A Man nhìn thấy một dòng sông, đặc biệt là sông Giô Đanh, mà lại không nghĩ đến Chúa là Đấng đã chữa lành cho ông ở đó (xin xem 2 Các Vua 5:1–15). Mỗi người chúng ta đều đã được ban cho một hoặc nhiều điều nhắc nhở cá nhân về Đấng Ky Tô. Hãy dựa vào những điều này và nhớ đến Ngài.
Chia Sẻ Chứng Ngôn về Đấng Ky Tô
Các biên sử và lịch sử là những tài liệu bổ sung mà Chúa đã cho chuẩn bị nhằm giúp chúng ta vâng theo giáo lệnh của Ngài để ghi nhớ. Thánh thư—những biên sử về sự giao tiếp của Thượng Đế với con cái Ngài—thường đề cập đến việc chia sẻ chứng ngôn, hoặc “làm chứng,” về Ngài (xin xem 2 Cô Rinh Tô 8:3; 1 Giăng 5:7; 1 Nê Phi 10:10; 12:7; Giáo Lý và Giao Ước 109:31; 112:4).
Các biên sử thiêng liêng, kể cả nhật ký cá nhân, giúp chúng ta chia sẻ chứng ngôn. Những khoảnh khắc sâu sắc với Thánh Linh là ân tứ mà, trong khoảnh khắc đó, chúng ta tin rằng mình sẽ không bao giờ quên. Nhưng tình trạng hay quên của chúng ta khiến cho ảnh hưởng mạnh mẽ của chính trải nghiệm sâu sắc đó phai nhạt theo thời gian. Một mục nhật ký, một bức ảnh, hoặc một hồ sơ có thể giúp chúng ta không chỉ nhớ tới những khoảnh khắc sâu sắc mà còn gợi lại những cảm xúc và Thánh Linh mà chúng ta đã cảm nhận được. Không có gì ngạc nhiên khi lệnh truyền đầu tiên vào lúc đó, sau khi Giáo Hội được thiết lập trong gian kỳ này là: “Một biên sử phải được lưu giữ giữa các ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 21:1). Biên sử được lưu giữ đúng cách sẽ mở rộng tâm trí chúng ta, thuyết phục được chúng ta biết được lỗi lầm của mình và đưa chúng ta đến với Thượng Đế (xin xem An Ma 37:8).
Dĩ nhiên, rốt cuộc thì chúng ta có thể chia sẻ chứng ngôn về lẽ thật bởi vì chúng ta đã nhận được một lời chứng về lẽ thật từ Đức Thánh Linh, là Đấng “làm chứng của thiêng thượng” (Môi Se 6:61). Trong vai trò này, Đức Thánh Linh ghi chép lẽ thật “trên lòng [chúng ta]” (2 Cô Rinh Tô 3:3). Ngài giúp chúng ta nhớ đến Đấng Ky Tô và mọi điều mà Ngài đã dạy chúng ta (xin xem Giăng 14:26).
Sự liên quan giữa Chúa Giê Su, các biên sử, Đức Thánh Linh, và việc ghi nhớ được cho thấy trong Mô Rô Ni 10:3–5. Chúng ta được hứa rằng nếu chúng ta đọc Sách Mặc Môn, một biên sử thiêng liêng, trong tinh thần tưởng nhớ và cầu vấn Thượng Đế trong danh Chúa Giê Su Ky Tô bằng một tấm lòng chân thành, với chủ ý thực sự và đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Đức Thánh Linh sẽ biểu lộ cho chúng ta tính trung thực của biên sử này. Và nếu biên sử cụ thể đó là đúng thật, thì Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.
Ghi Nhớ Để Được Cứu Chuộc
Việc nhớ đến Chúa Giê Su dẫn đến sự cứu chuộc và cứu rỗi. Hãy cân nhắc vai trò của việc ghi nhớ trong sự cứu chuộc của An Ma con. Khi thiên sứ hiện đến cùng An Ma, vị ấy đưa ra lệnh truyền cho An Ma là hãy “đừng tìm cách phá hoại giáo hội nữa.” Nhưng thậm chí trước khi ban hành sắc lệnh đó, vị thiên sứ đã tuyên bố: “Hãy nhớ sự tù đày của các tổ phụ ngươi … và hãy nhớ những điều [Đấng Ky Tô] đã làm cho họ thật vĩ đại biết bao; vì họ bị ở trong vòng nô lệ, và đã được Ngài giải thoát” (Mô Si A 27:16; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Mệnh lệnh của thiên sứ để ghi nhớ không chỉ đơn giản là một chỉ thị khôn ngoan với sự áp dụng rộng rãi. Đối với An Ma, đó là một manh mối cụ thể, một gợi ý đầy yêu thương, về cách ông có thể sống sót qua kinh nghiệm gần kề cái chết mà ông suýt nữa trải qua.
Hơn hai mươi năm sau, An Ma chia sẻ với con trai mình là Hê La Man, những chi tiết đầy ấn tượng về những gì ông đã trải qua khi ông nằm tê liệt và bị câm trong 3 ngày, “hối cải lúc hầu như gần kề sự chết” (Mô Si A 27:28). Sau khi thiên sứ rời khỏi, An Ma chắc hẳn đã nhớ lại, khá rõ; nhưng điều ông nhớ nhiều nhất là các tội lỗi của ông.
An Ma nhớ lại: “Nhưng cha đã bị một cực hình vĩnh cửu xâu xé. ‘Phải, cha đã nhớ lại tất cả những tội lỗi và những điều bất chính của mình, và vì thế cha phải bị giày vò với những nỗi đau đớn của ngục giới’” (An Ma 36:12–13). Chỉ cần nghĩ tới việc đứng trước Thượng Đế đã khiến An Ma tràn đầy cảm giác “xâu xé tâm hồn” đến mức ông đã nghĩ đến việc bỏ trốn, không chỉ đơn thuần là chết đi mà còn trở nên “tắt lịm đi, cả tâm hồn lẫn thể xác” (An Ma 36:14–15).
Chúng ta nên dừng lại để hiểu chỗ này: An Ma không chỉ đơn thuần trả giá bằng ba ngày khủng khiếp nào đó mà đã được định trước là hậu quả thích hợp cho tội lỗi của mình. Không, ngay từ lúc ban đầu—ba ngày đầu—ông đã “bị bao vây bởi xiềng xích vĩnh viễn của cõi chết” (An Ma 36:18; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Chắc chắn là ông sẽ tiếp tục ở trong tình trạng khủng khiếp này lâu hơn ba ngày—mãi mãi—nếu không vì sự thật là, một cách đầy thương xót, bằng cách nào đó, từ một nơi nào đó, ông đã nhớ là cha mình đã tiên tri “về sự hiện đến của một Đức Chúa Giê Su Ky Tô, một vị nam tử của Thượng Đế, để chuộc tội lỗi cho thế gian.” Rồi ông nói:
“Bấy giờ, khi tâm trí cha vừa nghĩ đến điều đó, thì cha liền kêu cầu trong lòng mà rằng: Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con là kẻ đang ở trong mật đắng và đang bị bao vây bởi xiềng xích vĩnh viễn của cõi chết.
“Và bấy giờ, này, cha vừa nghĩ xong điều ấy, thì cha không còn nhớ đến những sự đau đớn nữa; phải, cha không còn bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới các tội lỗi của mình nữa” (An Ma 36:17–19).
An Ma đã tuân theo lệnh truyền của thiên sứ là phải ghi nhớ. Ông đã nhớ đến Chúa Giê Su. Và cũng giống như Chúa Giê Su đã giải cứu các tổ phụ của An Ma khỏi nơi tù đày của họ, Ngài đã giải cứu An Ma khỏi nơi tù đày của ông.
An Ma đã tuân theo lệnh truyền của vị thiên sứ là phải ghi nhớ. Ông đã nhớ đến Chúa Giê Su.
Thật là sự thương xót dịu dàng và sự giải cứu vĩ đại biết bao! Thật là một sự thay đổi đáng kinh ngạc trong tấm lòng và tâm trí! An Ma, người mà chỉ trước đó không lâu thậm chí còn nghĩ tới việc lẩn trốn khỏi sự hiện diện của Thượng Đế bằng cách trở nên tắt lịm, bây giờ đã hình dung về Thượng Đế và các thiên sứ thánh của Ngài và “hết sức khao khát được đến đó” (An Ma 36:22).
Sự biến đổi kỳ diệu này đã được khơi dậy chỉ bằng một sự ghi nhớ. Kinh nghiệm của An Ma mang đến ý nghĩa thực sự cho những lời cuối cùng trong bài giảng cuối cùng của Vua Bên Gia Min: “Và giờ đây, hỡi loài người, hãy ghi nhớ và đừng để cho mình phải bị diệt vong” (Mô Si A 4:30).
Ngài Nhớ Đến Chúng Ta
Khi chúng ta cố gắng luôn luôn nhớ đến Chúa Giê Su, điều quan trọng là phải nhớ rằng Ngài luôn luôn nhớ đến chúng ta. Ngài đã chạm vào chúng ta trong lòng bàn tay Ngài (xin xem Ê Sai 49:16). Hãy nghĩ về điều đó—Chúa Giê Su nhân từ sẽ không, không thể quên chúng ta, nhưng Ngài rất dễ dàng và sẵn lòng quên đi tội lỗi của chúng ta là điều cũng đã làm Ngài bị bầm tím.
Điều đó thật đáng để làm.