Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Chị Becca Aylworth Wright làm việc tại Các Tạp Chí của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Một số lời chỉ dẫn sớm nhất của Chúa dành cho con cái của Ngài là về sự làm việc và sự tự lực cánh sinh. Trong Kinh Cựu Ước, Ngài đã phán bảo A Đam và Ê Va rằng: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (Sáng Thế Ký 3:19). Và Ngài phán cùng dân Y Sơ Ra Ên: “Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:9).
Ngày nay, các nhóm tự lực cánh sinh do Giáo Hội bảo trợ trên khắp thế giới đang giúp con cái của Thượng Đế cải thiện học vấn của họ, trở nên kiên cường hơn về mặt cảm xúc, tìm việc làm tốt hơn, bắt đầu kinh doanh, và—như những kinh nghiệm sau đây cho thấy—quản lý tài chính của họ tốt hơn.
Đóng Tiền Thập Phân trên một Khoản Thu Nhập Eo Hẹp
Khi còn kết hôn, Deborah, đến từ Michigan, Hoa Kỳ, chưa bao giờ gặp rắc rối trong việc quản lý tài chính của chị ấy. Nhưng sau khi vợ chồng chị ấy ly thân, các hóa đơn trở nên khó trả hơn. Mặc dù Deborah rất thích tham dự đền thờ thường xuyên, nhưng chị bắt đầu gặp khó khăn để đóng tiền thập phân và ngừng đi đền thờ.
Chị tìm kiếm sự giúp đỡ từ vị giám trợ, là người đã nói cho chị biết về lớp học tự lực cánh sinh của Giáo Hội về cách quản lý tài chính cá nhân, mà đang được tổ chức trong giáo khu của chị. Deborah đồng ý đi, nhưng thoạt đầu chị không thấy lý do để tham dự: “Thực ra mà nói, tôi đã tự nhủ rằng, ‘Tôi chẳng biết tại sao mình đến đây. Tôi biết cách lập ngân sách chi tiêu. Từ trước đến nay tôi đều có ngân sách chi tiêu.’”
Deborah họp với cả nhóm và một điều phối viên. Trong hai giờ mỗi tuần, họ đã học về cả các khía cạnh vật chất của sự ổn định tài chính (như tổ chức một ngân sách) lẫn các khía cạnh thuộc linh của sự ổn định tài chính (giống như là một người quản gia trung thành đối với thu nhập). Deborah tâm sự: “Tôi chưa bao giờ liên kết cả hai khía cạnh lại với nhau theo cách mà lớp học này đã làm”.
Deborah cảm thấy rằng sự kết nối giao ước của chị với Cha Thiên Thượng đã giúp chị ấy học cách để gồm Ngài vào các quyết định tài chính của mình. “Cha Thiên Thượng luôn ở cùng tôi. … Tôi phải bao gồm Ngài trong mọi điều.”
Khi Deborah hành động theo những thúc giục và hướng dẫn mà chị nhận được từ nhóm tự lực cánh sinh của mình, chị ấy đã có thể đóng tiền thập phân, trả các hóa đơn của mình, và thậm chí còn để dành tiền, mặc dù thu nhập của chị ấy vẫn không tăng.
Chủ Tịch Heber J. Grant (1856–1945) làm chứng rằng nhiều điều có thể được thực hiện với phần thu nhập còn lại sau khi đóng tiền thập phân hơn là có thể được thực hiện với toàn bộ số tiền trước khi đóng tiền thập phân: “Tôi làm chứng … rằng những người nam và người nữ hoàn toàn trung thực với Thượng Đế, là những người đã đóng tiền thập phân của họ … làm chứng … rằng Thượng Đế đã ban cho họ sự thông sáng mà nhờ đó họ đã có thể sử dụng chín phần mười còn lại, và nó có giá trị lớn lao hơn đối với họ, và họ đã đạt được nhiều thành quả hơn là khi họ không trung thực với Chúa.”1
Deborah nhận được các phước lành “cả vật chất lẫn tinh thần” (Mô Si A 2:41) khi chị ấy tuân giữ luật thập phân và áp dụng các nguyên tắc phúc âm vào ngân sách của mình. Sự hướng dẫn từ nhóm tự lực cánh sinh của chị và sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh đã cung ứng một cách thức để chị có được giấy giới thiệu đi đền thờ và trở lại đền thờ. Chị làm chứng: “Mọi điều tôi đã nói là tôi không thể làm được, Ngài đã cho tôi thấy rằng tôi có thể làm được và còn nhiều hơn nữa”. “Điều anh chị em làm hôm nay xác định tương lai của anh chị em, và tôi muốn rằng trong tương lai, tôi có thể bước vào Đền Thờ Detroit và bắt đầu làm công việc cho tổ tiên của tôi một lần nữa.”
Thoát Khỏi Nợ Nần
Berry Chu thuộc Giáo Khu Middle Taipei ở Đài Loan cần sự khôn ngoan vượt quá sự hiểu biết của chị sau khi việc đầu tư của chị không thuận lợi, dẫn đến một món nợ lớn. Tình huống đó trong một thời gian ngắn đã làm cho Berry không thể tiến triển. Nhưng Berry đã khiêm nhường và cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng. Từ lời cầu nguyện đó, chị đã có được can đảm để nói cho chồng chị biết điều đã xảy ra. Với lòng dịu dàng và khiêm nhường, chồng của Berry, Light Tsai, đã trấn an chị rằng họ sẽ tìm ra cách khắc phục nợ nần. Cùng với nhau, Light và Berry đã cầu nguyện để tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa.
Berry và Light cảm thấy rằng họ có thể được lợi ích từ khóa học tự lực cánh sinh của Giáo Hội về tài chính cá nhân. Mặc dù nợ nần chồng chất, nhưng họ đã tạo ra một kế hoạch trả nợ. Với sự giúp đỡ từ khóa học, họ đã học cách “ưu tiên đóng tiền thập phân và … quản lý tài chính theo ý Chúa”, Berry nói. “Chúng tôi cũng đã học cách lập ngân sách và chỉ ưu tiên các chi phí dành cho nhu yếu phẩm mà thôi.”
Không những Berry và Light học cách lập ngân sách có trách nhiệm, mà nhóm tài chính cá nhân của họ còn soi dẫn cho Berry chuyển đổi công việc làm. Sự chuyển đổi này dẫn đến một mức lương cao hơn, mà chị ấy có thể dùng để trả khoản nợ của mình.
Hiệp nhất trong mục tiêu của họ, Berry và Light đã sử dụng tất cả tiền thưởng, tiền đầu tư, và thu nhập thêm từ các công việc làm toàn thời gian và bán thời gian của họ để trả hết nợ của Berry. Với sự giúp đỡ từ Chúa, họ đã trang trải tất cả các chi phí của họ, và quan trọng nhất, vẫn đóng tiền thập phân và hiến tặng các của lễ khác.
Chúa đã phán: “Và mục đích của ta là lo liệu cho các thánh hữu của ta. … Nhưng việc đó cần phải được thực hiện theo cách thức riêng của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 104:15–16). Các cá nhân và gia đình trên khắp thế giới đang khám phá cách Ngài cung ứng cho họ khi họ thực hành các nguyên tắc tự lực về mặt tài chính và thuộc linh.
Giảng Dạy “Cách Thức”, Chứ Không Chỉ “Ý Nghĩa”
Curtis và Pshaunda Scott, từ Texas, Hoa Kỳ, cả hai đều muốn khôn ngoan về tài chính của mình, nhưng họ không thống nhất về cách làm. Pshaunda biết rằng họ cần bảo hiểm y tế, nhưng Curtis biết rằng họ không đủ khả năng để mua. Mặc dù họ yêu thương nhau, nhưng những quan điểm tài chính khác nhau của họ làm cho hôn nhân của họ trở nên căng thẳng. Pshaunda nhớ lại: “Khi nói về tài chính, quan điểm của chúng tôi rất khác nhau.”
Curtis đồng ý. “Tiền bạc luôn luôn là một đề tài đầy bực bội, và chúng tôi đã bỏ lỡ nhiều cuộc thảo luận quan trọng.”
Vị giám trợ của họ đề nghị rằng Pshaunda và Curtis bắt đầu tham dự khóa học tự lực cánh sinh về tài chính cá nhân trong giáo khu của họ.
Curtis rất ngạc nhiên vì hình thức thảo luận mở trong lớp học của họ đã rất hữu hiệu đối với anh ấy. Anh ấy đã có thể giải thích suy nghĩ của mình và có thêm hiểu biết từ những người hiểu được hoàn cảnh của gia đình anh. Các cuộc thảo luận trong nhóm đã giúp Curtis khám phá ra không chỉ các nguyên tắc phúc âm mà còn những cách thực tiễn để áp dụng các nguyên tắc đó nữa. Trong sáu năm kể từ khi chịu phép báp têm, Curtis thường được dạy rằng anh nên gia tăng đức tin, cải thiện việc cầu nguyện, và đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn, nhưng anh ấy cảm thấy rằng chính khóa học tự lực cánh sinh đã dạy cho anh cách thức cải thiện những điều đó.
Khi Curtis học cách áp dụng các nguyên tắc phúc âm vào tài chính của mình ở nhà và trong công việc kinh doanh, anh ấy đã khám phá nhiều hơn về tình yêu thương của Chúa dành cho mình. Anh ấy nói: “Điều đó thực sự củng cố niềm tin và sự hiểu biết của tôi về sự chăm sóc và mối quan tâm mà Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta”.
Pshaunda cảm thấy rằng khía cạnh thuộc linh của khóa học tự lực cánh sinh đã giúp chị hiểu làm thế nào mà ngay cả những vấn đề tài chính cũng được bao gồm trong kế hoạch của Thượng Đế. “ Điều đó đã củng cố chứng ngôn của tôi … từng bước một, từng hàng chữ một.”
Việc bao gồm những lời giảng dạy của Chúa trong các quyết định tài chính của họ cuối cùng đã thống nhất quan điểm của Curtis và Pshaunda. Pshaunda nói: “Chúng tôi về cùng một đội”. “Tôi không có ý nói rằng chúng tôi giàu có hoặc chúng tôi có nhiều tiền hơn trước, nhưng chắc chắn là chúng tôi đang đi đúng hướng.”