Podcast: Play in new window | Embed
Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, trước hết, và mãi mãi, là nguồn hạnh phúc lâu dài, sự bình an thật sự, và niềm vui cho mọi người trong những ngày sau này. Các phước lành đến từ phúc âm và lòng nhân từ vô hạn của Đấng Ky Tô không bao giờ dành riêng cho một số ít người được chọn, vào cả thời xưa lẫn thời hiện đại.
Bất kể chúng ta cảm thấy không xứng đáng đến đâu, và mặc cho những tội lỗi mà có thể làm chúng ta tạm thời xa cách Ngài, Đấng Cứu Rỗi vẫn bảo đảm với chúng ta rằng “Ngài đưa tay ra cho [chúng ta] suốt ngày” (Gia Cốp 6:4), để mời gọi tất cả chúng ta đến cùng Ngài và cảm nhận được tình yêu thương của Ngài.
Các Phước Lành của Phúc Âm dành cho Tất Cả Thế Gian
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã “được phục hồi trong những ngày sau này để đáp ứng … nhu cầu của mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc trên thế gian.”1 Phúc âm vượt qua tất cả mọi quốc tịch và màu da và đồng thời vượt qua mọi ranh giới văn hóa để dạy rằng “tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế” (2 Nê Phi 26:33).2 Sách Mặc Môn là một chứng thư phi thường về lẽ thật này.
Biên sử vĩ đại này làm chứng rằng Đấng Ky Tô nhớ tới tất cả các quốc gia (xin xem 2 Nê Phi 29:7) và sẽ biểu hiện “cho tất cả những ai biết tin nơi Ngài, … [và thực hiện] những phép lạ lớn lao, những điềm triệu và những điều kỳ diệu giữa con cái loài người” (2 Nê Phi 26:13). Trong số những phép lạ lớn lao, những điềm triệu, và những điều kỳ diệu này là sự rao giảng phúc âm. Vì vậy, chúng ta gửi những người truyền giáo đi khắp thế gian để làm chứng về phúc âm đó. Chúng ta cũng chia sẻ phúc âm với những người xung quanh mình. Việc sử dụng các chìa khóa được phục hồi của chức tư tế cho người sống và người chết bảo đảm rằng sự trọn vẹn của phúc âm sẽ có sẵn cho mỗi người con trai và con gái của cha mẹ thiên thượng—trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai.
Trọng tâm của phúc âm này—sứ điệp chính yếu của mỗi vị tiên tri và sứ đồ từng được kêu gọi để làm công việc này—là việc Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và rằng Ngài đã đến để ban phước cho mọi người. Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta tuyên bố rằng sự hy sinh chuộc tội của Ngài là dành cho tất cả thế gian.
Sự Cần Thiết phải có Sự Chuộc Tội Vô Hạn và Vĩnh Cửu
Trong thời gian đi khắp thế giới, tôi đã phỏng vấn nhiều tín hữu Giáo Hội từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tôi được soi dẫn khi nghe cách họ cảm nhận được các phước lành từ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của họ, ngay cả khi họ thú nhận một số tội lỗi trong quá khứ. Thật tuyệt vời biết bao khi sự an ủi mang tính thanh tẩy từ Sự Chuộc Tội của Ngài luôn luôn có sẵn cho tất cả chúng ta!
A Mu Léc đã tuyên bố: “Vì điều cần thiết là sự chuộc tội phải được thực hiện, nếu không, tất cả loài người sẽ không tránh khỏi bị diệt vong.” Chúng ta sẽ mãi mãi bị “sa ngã và … lạc lối, … ngoại trừ một sự chuộc tội thích đáng được thực hiện,” mà đòi hỏi “một sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu.” Vì “không có gì ngoài sự chuộc tội vô hạn mới có thể đầy đủ được cho các tội lỗi của thế gian” (An Ma 34:9, 10, 12).
Vị tiên tri vĩ đại Gia Cốp cũng dạy rằng vì “sự chết đã đến với tất cả loài người, … nên cần phải có một quyền lực phục sinh,” để mang chúng ta trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế (2 Nê Phi 9:6).
Cả tội lỗi lẫn cái chết đều cần phải được khắc phục. Đây là sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi, mà Ngài đã can đảm hoàn thành cho tất cả con cái của Thượng Đế.
Sự Hy Sinh của Đấng Cứu Rỗi
Vào đêm cuối cùng của Ngài trên trần thế, Chúa Giê Su Ky Tô đã bước vào Vườn Ghết Sê Ma Nê. Ở đó, Ngài quỳ xuống giữa các cây ô liu và bắt đầu cảm nhận vực thẳm đau đớn mà các anh chị em và tôi sẽ không bao giờ hiểu được.
Ở đó, Ngài tự bắt đầu gánh lấy tội lỗi của thế gian. Ngài đã cảm nhận được mọi nỗi đau đớn, buồn phiền, và Ngài đã chịu đựng tất cả mọi nỗi thống khổ mà các anh chị em, tôi, cũng như tất cả mọi người đã từng hoặc sẽ phải trải qua. Nỗi đau khổ lớn lao và vô hạn này “đã khiến [Ngài], … Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông” (Giáo Lý và Giao Ước 19:18). Chỉ có Ngài mới có thể làm điều này.
Không có ai khác đủ ngay chính
Để trả cái giá của tội lỗi.
Chỉ có Ngài mới có thể mở cánh cổng
Của thiên thượng và cho phép chúng ta vào.3
Sau đó, Chúa Giê Su đã bị đưa đến Đồi Sọ, và trong giây phút bi thảm bất công nhất trong lịch sử của thế gian này, Ngài đã bị đóng đinh. Không ai có thể lấy đi mạng sống của Ngài. Là Con Độc Sinh của Thượng Đế, Ngài có quyền năng để chiến thắng cái chết thể xác. Ngài đã có thể cầu nguyện lên Cha Ngài, và các đạo quân thiên sứ sẽ đến để đánh bại những kẻ đang hành hạ Ngài và cho thấy quyền thống trị của Ngài trên vạn vật. Chúa Giê Su đã hỏi điều này khi Ngài bị phản bội: “Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?” (Ma Thi Ơ 26:54).
Vì vâng theo Cha Ngài một cách trọn vẹn—và trọn vẹn thương yêu chúng ta—Chúa Giê Su sẵn lòng phó mạng sống của Ngài và hoàn thành sự hy sinh chuộc tội vô hạn và vĩnh cửu, mà có hiệu lực cả cho quá khứ lẫn suốt thời vĩnh cửu.
Chiến Thắng của Đấng Cứu Rỗi
Chúa Giê Su đã truyền lệnh cho các Sứ Đồ của Ngài phải tiếp tục công việc của Ngài sau khi Ngài chết. Họ sẽ làm điều đó bằng cách nào? Một vài người trong số họ chỉ là những người đánh cá tầm thường, và không ai được huấn luyện trong các nhà hội cho giáo vụ này. Vào lúc đó, Giáo Hội của Đấng Ky Tô dường như chắc chắn sẽ bị tan rã. Nhưng các Sứ Đồ đã tìm thấy sức mạnh để gánh vác sự kêu gọi của họ và định hình lịch sử của thế gian.
Điều gì đã giúp mang lại sức mạnh từ sự yếu kém rõ rệt đó? Một học giả và lãnh đạo trong giáo hội Anh Giáo, Frederic Farrar, đã nói: “Chỉ có một câu trả lời khả thi duy nhất—sự phục sinh từ cõi chết. Tất cả cuộc cách mạng to lớn này là do quyền năng từ sự phục sinh của Đấng Ky Tô.”4 Với tư cách là các nhân chứng của Chúa phục sinh, các Sứ Đồ biết rằng không có điều gì có thể ngăn chặn công việc này tiến triển. Chứng ngôn của họ là nguồn sức mạnh hỗ trợ để Giáo Hội thời kỳ đầu vượt qua mọi khó khăn.
Vào mùa lễ Phục Sinh này, với tư cách là một trong các nhân chứng đã được sắc phong của Ngài, tôi tuyên bố rằng vào sáng sớm của ngày Chủ Nhật tuyệt vời đó, Chúa Giê Su Ky Tô đã sống lại để củng cố chúng ta và cắt đứt những dây trói buộc của sự chết cho tất cả mọi người. Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống! Nhờ vào Ngài nên cái chết không phải là kết thúc của chúng ta. Sự Phục Sinh là ân tứ được ban cho một cách rộng rãi và phổ biến của Đấng Ky Tô dành cho tất cả mọi người.
Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô
Phúc âm và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là dành cho tất cả mọi người—có nghĩa là, mỗi người. Cách duy nhất để chúng ta cảm nhận trọn vẹn được các phước lành của sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi là bằng cách tự mình chấp nhận lời mời của Ngài: “Hãy đến cùng ta” (Ma Thi Ơ 11:28).
Chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô khi chúng ta thực hành đức tin nơi Ngài và hối cải. Chúng ta đến cùng Ngài khi chúng ta chịu phép báp têm trong danh Ngài và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Chúng ta đến cùng Ngài khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh, tiếp nhận các giáo lễ, tôn trọng các giao ước, trân trọng những kinh nghiệm trong đền thờ, và sống như các môn đồ của Đấng Ky Tô.
Đôi khi, anh chị em sẽ đối mặt với nỗi chán nản và thất vọng. Anh chị em sẽ cảm thấy đau lòng cho bản thân hoặc cho một người thân. Anh chị em có thể bị đè nặng bởi tội lỗi của người khác. Những lỗi lầm mà anh chị em đã phạm—có thể là những lỗi lầm nghiêm trọng—có thể làm cho anh chị em sợ hãi rằng sự bình an và hạnh phúc đã ra đi mãi mãi. Vào những lúc như vậy, hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi không chỉ làm vơi đi gánh nặng của tội lỗi mà còn “[đã] chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ” (An Ma 7:11), kể cả của anh chị em! Vì những gì Ngài đã trải qua cho anh chị em, nên Ngài biết rõ cách giúp đỡ anh chị em khi anh chị em chấp nhận lời mời gọi sâu sắc của Ngài: “Hãy đến cùng ta.”
Tất Cả Đều Được Chào Đón
Chúa Giê Su Ky Tô đã nói rõ rằng tất cả con cái của Cha Thiên Thượng đều có quyền bình đẳng để nhận được các phước lành từ phúc âm và Sự Chuộc Tội của Ngài. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi người “đều hưởng một đặc quyền như nhau, và không một ai bị cấm đoán cả” (2 Nê Phi 26:28).
“Ngài đã kêu gọi mọi người hãy đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài; Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài, dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ” (2 Nê Phi 26:33).
“Ngài đã kêu gọi tất cả mọi người“—điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta! Chúng ta không nên gán ghép những nhãn hiệu nông cạn và những sự phân biệt giả tạo lên bản thân mình hoặc lên những người khác. Chúng ta đừng bao giờ ngăn cản tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi hoặc nghĩ rằng chúng ta hoặc những người khác vượt quá tầm tay của Ngài. Như tôi đã nói trước đây: “[Không ai] có thể chìm sâu hơn ánh sáng vô tận của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô mà ánh sáng đó không tới được.”5
Thay vì thế, như Chị Holland và tôi đã dạy chỉ một vài tháng trước khi bà qua đời, chúng ta được truyền lệnh phải “có lòng bác ái, mà lòng bác ái đó là tình thương yêu” (2 Nê Phi 26:30).6 Đây là tình yêu thương mà Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta thấy, vì “Ngài không làm việc gì trừ phi có lợi ích cho thế gian; vì Ngài rất yêu mến thế gian, đến đỗi Ngài phải bỏ mạng sống của mình để lôi kéo tất cả loài người đến với Ngài.” (2 Nê Phi 26:24).
Tôi làm chứng rằng phúc âm và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là dành cho tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện rằng anh chị em sẽ vui vẻ chấp nhận các phước lành Ngài mang đến.