Podcast số 252 – Liahona tháng 4, 2014 – Chúng Ta Là Đôi Tay của Chúa – Neil K. Newell

Bài của Anh Neil K. Newell thuộc Các Dịch Vụ An Sinh của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Trong những ngày đầu của Thời Kỳ Đại Suy Thoái, sáu chủ tịch giáo khu từ thung lũng Salt Lake Valley cùng nhau đối phó với những đám mây đen tối của cảnh nghèo khó và đói khát đang đe dọa giáng xuống rất nhiều tín hữu của Giáo Hội.1 Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến mọi người ở khắp nơi, nhưng đặc biệt là Utah đã bị tàn phá thảm khốc.2

Vào lúc đó, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã có rất ít phương tiện để giúp đỡ những người gặp hoạn nạn. Dĩ nhiên, họ có thể sử dụng quỹ các của lễ nhịn ăn, nhưng nhu cầu dài lâu thì nhiều hơn bất cứ điều gì họ đã từng trải qua. Dưới sự hướng dẫn của Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, Phòng Tìm Việc Làm Deseret đã được thành lập vào đầu thập niên 1900. Nhưng phòng này đã không được trang bị đầy đủ để giải quyết nhu cầu lớn như vậy.

Sáu vị lãnh đạo chức tư tế này biết rằng nếu các tín hữu trong giáo khu của họ cần phải được giúp đỡ, thì họ không thể chờ đợi được. Họ phải hành động ngay lập tức. Họ bắt đầu bằng cách cho mọi người công việc làm. Họ tổ chức và đưa những người đàn ông đến các cánh đồng để những người này có thể thu hoạch mùa màng. Để đổi lấy sức lao động của họ, những người nông dân biết ơn đã rộng rãi biếu tặng thực phẩm cho những người đàn ông này. Số thặng dư được mang tới một nhà kho và phân phối cho những người đang đói. Trong khi những khoản tặng dữ gia tăng, Các Thánh Hữu bắt đầu đóng hộp thực phẩm để bảo quản. Đây là khởi đầu của chương trình an sinh hiện đại ngày nay.

Tám thập niên sau, các vị lãnh đạo Giáo Hội ngày nay trên toàn thế giới nhìn vào giáo đoàn của mình và cảm thấy cũng có quyết tâm như thế để tìm đến những người gặp hoạn nạn.

Trong đại hội trung ương vào tháng Mười năm 2011, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, nói: “Chúng ta thường thấy nhu cầu xung quanh mình với hy vọng rằng sẽ có một người từ xa xuất hiện một cách nhiệm mầu để đáp ứng những nhu cầu đó. Có lẽ chúng ta chờ cho các chuyên viên hiểu biết về chuyên môn đến giải quyết các vấn đề cụ thể. Khi làm như vậy, chúng ta bỏ lỡ cơ hội phục vụ người lân cận của mình, và chúng ta cũng bỏ lỡ cơ hội phục vụ. Mặc dù việc các chuyên viên đến giúp không có gì là sai cả, nhưng hãy thực tế: sẽ không có đủ chuyên viên để giải quyết tất cả các vấn đề. Thay vì thế, Chúa đã ban cho chúng ta chức tư tế và tổ chức của chức tư tế ở khắp nơi trên thế giới nơi nào Giáo Hội đã được thành lập.”3

Lời kêu gọi này cho các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương và các tín hữu phải hành động như được Đức Thánh Linh soi dẫn đã dẫn dắt nhiều người trên khắp thế giới “[tự mình] tìm hiểu,” như Chủ Tịch Uchtdorf đã nói.4 Họ đã xắn tay áo lên và quyết tâm “nhớ tới những kẻ nghèo khó và những kẻ túng thiếu, những người bệnh tật và những người đau buồn” (GLGƯ 52:40).

Ecuador

Trong khi Giám Trợ Johnny Morante ở Guayaquil, Ecuador, để ý quan sát các tín hữu trong tiểu giáo khu của mình, lòng ông nặng trĩu nỗi buồn. Có quá nhiều gia đình đang vất vả để có được những nhu yếu phẩm tối thiểu cho cuộc sống. Ông muốn giúp đỡ họ nên ông bàn bạc với những người lãnh đạo trong tiểu giáo khu và mang vấn đề đó trình lên Chúa.

Vì cơ hội việc làm trong khu vực rất khan hiếm nên ông bắt đầu làm việc với một nhóm gồm 11 chị phụ nữ, khuyến khích họ theo đuổi khả năng có được một cơ hội kinh doanh nhỏ. Các chị phụ nữ này nhận thấy rằng có một nhu cầu về những vật dụng chùi rửa nhà cửa có chất lượng tốt, giá rẻ nên họ tự hỏi là họ có thể sản xuất và bán các vật dụng này trong cộng đồng của họ không. Nhưng làm thế nào họ biết được cách làm các vật dụng này?

Vào lúc này, Giám Trợ Morante trở nên ý thức được rằng có một chị phụ nữ thất nghiệp trong tiểu giáo khu của ông là người đã từng làm việc với tư cách là một nhà hóa học dược phẩm. Khi 11 chị phụ nữ này hỏi chị ấy có giúp đỡ họ được không, thì chị ấy đã vui vẻ dạy họ cách làm các vật dụng an toàn có chất lượng tốt.

Họ vạch ra một kế hoạch kinh doanh, sắp xếp các khu vực trong cộng đồng mà mỗi chị em sẽ làm việc, chọn các sản phẩm mà họ sẽ làm, và thiết kế bao bì và nhãn.

Trong một vài tháng, họ đã lập một danh sách khách hàng và mang lại doanh thu đủ để giảm nghèo và giúp cung cấp nhu cầu cho gia đình họ.

Khi các giám đốc của một công ty dược phẩm địa phương biết được về doanh nghiệp này, họ đã trở nên quan tâm đến câu chuyện về nhà hóa học dược phẩm thất nghiệp. Cuối cùng họ phỏng vấn và thuê chị phụ nữ ấy để lãnh đạo công việc chế tạo sản phẩm riêng của họ.

Nga

Trong Tiểu Giáo Khu Rechnoy ở Moscow, Nga, Galina Goncharova là người đang phục vụ với tư cách là nhà viết sử của tiểu giáo khu, chị đã bị trượt chân ngã trên nước đóng băng và bị gẫy cả hai cánh tay. Chị được đưa vào bệnh viện, và phải bó bột cả hai cánh tay. Chị không thể tự ăn uống hay mặc quần áo. Chị không thể tự chải tóc hoặc thậm chí không thể trả lời điện thoại.

Khi những người đồng tín hữu của chị trong tiểu giáo khu biết được điều đã xảy ra, họ ngay lập tức đáp ứng. Những người nắm giữ chức tư tế ban cho chị một phước lành và cộng tác với các chị Hội Phụ Nữ để lập ra một lịch trình để trông nom chị phụ nữ hiền lành này và giúp đỡ chị.

Người lãnh đạo công việc truyền giáo trong tiểu giáo khu là Vladimir Nechiporov nói: “Chúng tôi nhớ lại một bài nói chuyện đưa ra trong đại hội trung ương về một bức tượng của Đấng Ky Tô bị thiếu mất đôi tay.5 Dưới bức tượng, một người nào đó đã đặt một tấm bảng viết rằng: ‘Các ngươi là đôi tay ta.’ Trong mấy tuần đó khi chị phụ nữ hiền lành này bị mất năng lực, các tín hữu của Tiểu Giáo Khu Rechnoy cảm thấy gần gũi với câu chuyện đó. Theo nghĩa đen, chúng tôi đã trở thành đôi tay của chị ấy.”

Philippines

Khi Trận Bão Nhiệt Đới Washi giáng xuống Philippines vào năm 2011, thì nó đã làm ngập lụt khu vực này với mưa to và gió lớn. Khoảng 41.000 ngôi nhà bị hư hại, và hơn 1.200 người thiệt mạng.

Trước khi lũ lụt, chủ tịch Giáo Khu Cagayan de Oro Philippines là Max Saavedra, đã cảm thấy được thúc giục phải lập ra một đội đáp ứng tình trạng khẩn cấp trong giáo khu. Ông đã tổ chức các ủy ban để hoàn thành nhiều chỉ định khác nhau—mọi thứ từ cuộc tìm kiếm và giải cứu đến cấp cứu để cung cấp thực phẩm, nước và quần áo.

Khi nước lụt rút xuống đến mức an toàn, các vị lãnh đạo Giáo Hội và các tín hữu đều được huy động. Họ lưu tâm đến sự an toàn của mỗi tín hữu và đánh giá thiệt hại. Một tín hữu đã cung cấp bè cao su để mang các tín hữu đến nơi an toàn. Các nhà hội được mở cửa để cung cấp nơi tạm trú cho tất cả những người cần thức ăn, quần áo, chăn mền, và một nơi tạm thời để ở. Nước sạch là một nhu cầu quan trọng, vì vậy Chủ Tịch Saavedra liên lạc với một doanh nghiệp địa phương có sở hữu một chiếc xe cứu hỏa, và họ chở nước sạch đến các trung tâm di tản ở nhà hội. Các tín hữu có kinh nghiệm chuyên môn về y tế đã đáp ứng với những người bị thương.

Một khi các tín hữu Giáo Hội đã được tìm ra đủ rồi, Chủ Tịch Saavedra và đội của ông đã đến thăm các trung tâm di tản khác trong thành phố và đề nghị giúp đỡ. Chủ Tịch Saavedra và đội ngũ của ông mang thực phẩm và các đồ tiếp liệu khác đến cho họ. Mặc dù đã mất nhà cửa, nhưng nhiều tín hữu đã phục vụ người khác ngay lập tức đầy vị tha sau cơn bão. Khi những cơn mưa đã ngừng và mặt đất đã khô, những người tình nguyện của nhóm Bàn Tay Giúp Đỡ của Người Mặc Môn từ ba giáo khu bắt đầu phân phối đồ tiếp liệu cũng như giúp dọn dẹp.

Brazil

Ở bên trong thành phố Sete Lagoas, Brazil, là một nơi tạm trú cho phụ nữ bị khuyết tật có cuộc sống bị ảnh hưởng vì tình trạng lạm dụng ma túy. Mỗi ngày họ phải tranh đấu để sống còn. Họ có một lò nướng nhỏ họ sử dụng để cho ra lò khoảng 30 ổ bánh mì mỗi ngày. Mặc dù các phụ nữ này đã nhận được một số trợ giúp từ một hiệp hội nhân đạo địa phương, nhưng họ khó có đủ để nuôi sống bản thân. Khi biết được nhu cầu của các phụ nữ này, thì các vị lãnh đạo Giáo Hội từ Giáo Khu Sete Lagoas Brazil muốn giúp đỡ.

Họ nói chuyện với các phụ nữ này về các nhu cầu của các phụ nữ này. Các phụ nữ này nói rằng nếu họ có thể sản xuất thêm bánh mì, thì họ có thể không những nuôi sống bản thân họ tốt hơn mà có lẽ còn có thể bán một vài ổ bánh và kiếm được một số thu nhập rất cần thiết.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội và các tín hữu đã làm việc với quân cảnh địa phương và một trường học địa phương để cải thiện tình trạng cho các phụ nữ này. Với sự giúp đỡ của một khoản trợ cấp của Giáo Hội và những người tình nguyện từ Giáo Hội và cộng đồng, họ đã có thể lập ra một tiệm bánh mới—một tiệm bánh mà cho phép các phụ nữ này cho ra lò 300 ổ bánh mì hàng ngày.

Với số tiền họ đã nhận được, các phụ nữ tại tiệm bánh này đã có thể thuê nhân viên đầu tiên của họ—một trong số các phụ nữ tại nơi tạm trú.

Công Việc An Sinh

Như các vị lãnh đạo đầy soi dẫn của Giáo Hội cách đây nhiều thập niên, là những người đã thấy nhu cầu rất lớn xung quanh họ và không chịu quay lưng đi, các vị lãnh đạo và tín hữu Giáo Hội trên khắp thế giới hiện nay cũng đang làm việc đó trong các khu vực riêng của họ và theo cách riêng của họ.

Khi Chủ Tịch Uchtdorf ngỏ lời cùng Giáo Hội về việc chăm sóc người khác, ông nói: “Cách của Chúa không phải là ngồi bên con suối và chờ cho dòng nước chảy qua trước khi chúng ta vượt qua con suối. Chúng ta phải cùng nhau đến, xắn tay áo lên, đi làm việc, và xây một cây cầu hay đóng một chiếc tàu để vượt qua dòng nước thử thách.”6

Việc tìm kiếm những người nghèo khó và phục sự những người đau khổ là một phần rất cần thiết của ý nghĩa làm môn đồ của Đấng Ky Tô. Đó là việc mà chính Chúa Giê Su Ky Tô đã làm khi Ngài phục sự cho những người trong thời của Ngài. Chủ Tịch Uchtdorf kết luận: “Công việc lo liệu theo cách của Chúa này hoàn toàn không phải chỉ là một mục khác trong bản liệt kê các chương trình của Giáo Hội.” “Công việc này không thể bị bỏ qua hay bị gạt sang một bên. Đó là trọng tâm của giáo lý chúng ta; đó là điều cốt yếu của tôn giáo chúng ta.”7