Podcast số 130 – Liahona tháng 3, 2008 – Chúa Giê Su Ky Tô là Ai? – Boyd K. Packer (1924-2015)

Quyền Chủ Tịch của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ năm 2008

Khi họp mặt với Mười Hai Vị tại Sê Sa Rê Phi Líp, thì Chúa Giê Su phán hỏi: “Còn các ngươi thì xưng ta là ai?” Si Môn Phi E Rơ, vị Sứ Đồ trưởng đáp: “Chúa là Đấng Ky Tô, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma Thi Ơ 16:15õ16). Về sau, Phi E Rơ làm chứng rằng Chúa Giê Su “đã định sẵn trước buổi sáng thế” (1 Phi E Rơ 1:20). Ngài “từ lúc khởi đầu [Ngài] đã ở cùng Đức Chúa Cha, và [Ngài] là Con Đầu Lòng” (GLGƯ 93:21).

Khi kế hoạch của Đức Chúa Cha—kế hoạch cứu rỗi và hạnh phúc (xin xem An Ma 34:9)—được đưa ra (xin xem An Ma 42:5, 8), thì cần có một người chuộc tội để cung ứng sự cứu chuộc và lòng thương xót cho tất cả những người chấp nhận kế hoạch đó (xin xem An Ma 34:16; 39:18; 42:15). Đức Chúa Cha hỏi: “Ta sẽ phái ai đi đây?” Đấng mà được biết là Chúa Giê Su đã tự nguyện và sẵn lòng chọn câu trả lời: “Tôi đây, xin phái tôi đi” (Áp Ra Ham 3:27). “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên, vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi” (Môi Se 4:2).

Để chuẩn bị, trái đất đã được tạo dựng. Đức Chúa Cha đã phán: “Ta sáng tạo [trái đất] qua Vị Nam Tử, tức là Con Độc Sinh của ta” (Môi Se 1:33; xin xem thêm Ê Phê Sô 3:9; Hê La Man 14:12; Môi Se 2:1).

Các Danh Xưng của Chúa Giê Su Ky Tô

Ngài được các vị tiên tri thời Cựu Ước biết là Đức Giê Hô Va (xin xem Áp Ra Ham 1:16; Xuất Ê Díp Tô Ký 6:3). Các vị tiên tri được cho thấy sự giáng thế của Ngài: “Hãy nhìn xem Chiên Con của Thượng Đế, phải, Vị Nam Tử của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu!” (1 Nê Phi 11:21; xin xem thêm Giăng 1:14). Mẹ của Ngài đã được cho biết: “Đặt tên là Giê Su … Con trai ấy … được xưng là Con của Đấng rất cao” (Lu Ca 1:31–32).

Nhiều danh xưng và danh hiệu mô tả sứ mệnh và giáo vụ thiêng liêng của Ngài. Chính Ngài đã dạy rằng: “Ta là sự sáng và sự sống của thế gian. Ta là An Pha và Ô Mê Ga, tức là ban đầu và cuối cùng” (3 Nê Phi 9:18). “Ta là Đấng biện hộ cho các ngươi với Đức Chúa Cha” (GLGƯ 29:5; xin xem thêm GLGƯ 110:14). “Ta là người chăn hiền lành” (Giăng 10:11). “Ta là Đấng Mê Si, Vua của Si Ôn, Tảng Đá Trời” (Môi Se 7:53). “Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát” (Giăng 6:35). “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho” (Giăng 15:1). “Ta là sự sống lại và sự sống” (Giăng 11:25). “Ta là … sao mai sáng chói” (Khải Huyền 22:16), “Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của các ngươi, Đấng Hằng Hữu Vĩ Đại” (GLGƯ 29:1).1

Ngài là Đấng Trung Gian (xin xem 1 Ti Mô Thê 2:5), Đấng Cứu Rỗi (xin xem Lu Ca 2:11), Đấng Cứu Chuộc (xin xem GLGƯ 18:47), Đấng Đứng Đầu Giáo Hội (xin xem Ê Phê Sô 5:23), Viên Đá Nền của Giáo Hội (xin xem Ê Phê Sô 2:20). Vào ngày cuối cùng, “Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê Su Ky Tô mà xét đoán … loài người, y theo Tin lành” (Rô Ma 2:16; xin xem thêm Mặc Môn 3:20).

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài” (Giăng 3:16); “vậy nên, sự cứu chuộc sẽ đến trong và qua Đấng Mê Si Thánh; vì Ngài đầy ân điển và lẽ thật” (2 Nê Phi 2:6).

Tiên Tri Joseph Smith thường được hỏi rằng: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo của ông là gì?”

“Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng tôi là chứng ngôn của Các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri, về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài đã chết, được chôn cất và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng tôi thì chỉ là bổ sung cho chứng ngôn đó mà thôi.”1

Sự Khiêm Nhường của Chúa Giê Su Ky Tô

Vào lúc Ngài bị bắt trước khi bị đóng đinh, Chúa đã đến từ Ghết Sê Ma Nê. Vào lúc Ngài bị phản bội, Phi E Rơ đã rút gươm ra chống lại Man Chu, một tôi tớ của thầy cả thượng phẩm. Chúa Giê Su phán rằng:

“Hãy nạp gươm vào võ… .

“Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?” (Ma Thi Ơ 26:52–53).

Trong suốt thời gian bị châm chọc, lăng mạ, đánh roi, và cuối cùng bị hành hạ bởi sự đóng đinh, Chúa vẫn giữ im lặng và nhịn nhục—ngoại trừ một sự kiện mãnh liệt trong một khoảnh khắc mà cho thấy cốt lõi của giáo lý Ky Tô giáo. Khoảnh khắc đó đến trong lúc xử án. Phi Lát, bấy giờ rất sợ hãi, đã nói cùng Chúa Giê Su: “Ngươi chẳng nói chi với ta hết sao? Ngươi há chẳng biết rằng ta có quyền buông tha ngươi?” (Giăng 19:10).

Người ta chỉ có thể tưởng tượng được vẻ uy nghi trầm lặng khi Chúa phán: “Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta” (Giăng 19:11). Điều gì đã xảy ra sau đó không phải vì Phi Lát có được quyền áp đặt mà bởi vì Chúa đã có ý muốn chấp nhận điều xảy ra.

Chúa phán: “Ta phó sự sống mình để được lấy lại.

“Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại” (Giăng 10:17–18).

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Trước và sau khi Chúa bị đóng đinh, nhiều người đã sẵn lòng hy sinh mạng sống của mình trong những hành động anh hùng đầy vị tha. Nhưng không có một người nào đã đối phó những điều mà Đấng Ky Tô đã chịu đựng. Gánh nặng của tất cả sự phạm giới của nhân loại, tất cả tội lỗi của nhân loại đè lên vai Ngài. Và kết quả là phải có Sự Chuộc Tội. Nhờ vào hành động sẵn sàng của Ngài mà lòng thương xót và công lý đã có thể được hòa giải, luật pháp vĩnh cửu đã được duy trì, và sự điều đình dàn xếp đó đã đạt được mà nếu không có nó thì con người trần thế không thể được cứu chuộc.

Ngài đã chọn chấp nhận hình phạt thay cho tất cả nhân loại vì toàn bộ tất cả mọi điều tà ác và đồi bại; vì sự tàn bạo, vô luân, trụy lạc, và bại hoại; vì sự nghiện ngập; vì những sự giết chóc, tra tấn và khủng bố—vì đã có tất cả những điều này hoặc tất cả những điều này hiện diện trên thế gian này. Khi chọn như vậy, Ngài đã đối phó với quyền lực đáng kinh sợ của quỷ dữ, là kẻ không bị hạn chế trong thể xác cũng không bị đau đớn thể xác. Đó là Vườn Ghết Sê Ma Nê!

Chúng ta không biết Sự Chuộc Tội được thực hiện như thế nào. Không có một người trần thế nào đã nhìn thấy khi điều xấu bỏ đi và ẩn mình trong nỗi nhục trước Ánh Sáng của Đấng ấy. Tất cả sự tà ác không thể dập tắt Ánh Sáng đó. Khi mọi sự đã làm xong, thì giá chuộc đã được trả. Cả cái chết lẫn ngục giới đều từ bỏ quyền đòi hỏi của chúng đối với tất cả những người chịu hối cải. Cuối cùng, con người được tự do. Rồi mỗi người từng sống thì có thể chọn Ánh Sáng đó và có thể được cứu chuộc.

Qua sự hy sinh vô hạn này, “nhờ Sự Chuộc Tội [này] của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm” (Những Tín Điều 1:3).

“Sự Chuộc Tội” trong Thánh Thư

Từ tiếng Anh atonement (sự chuộc tội) thật sự gồm có ba từ: at-one-ment, có nghĩa là làm cho tương thích; hiệp một với Thượng Đế; hòa giải, điều hòa, đền chuộc.

Nhưng các anh chị em có biết rằng từ atonement chỉ được thấy có một lần trong Kinh Tân Ước tiếng Anh không? Chỉ có một lần thôi! Tôi trích dẫn từ bức thư của Phao Lô gửi cho người Rô Ma:

“Đấng Ky Tô vì chúng ta chịu chết.

“… [Chúng ta] đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào.

“Nào những thế thôi, chúng ta lại còn khoe mình trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê Su Ky Tô chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã được sự hòa thuận [sự chuộc tội] (Rô Ma 5:8, 10–11; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Từ atonement (sự chuộc tội) chỉ được thấy có một lần đó thôi trong Kinh Tân Ước tiếng Anh. Từ atonement, trong tất cả các từ! Đó không phải là một từ xa lạ, vì nó được dùng rất nhiều trong Kinh Cựu Ước liên quan đến luật Môi Se, nhưng chỉ có một lần trong Kinh Tân Ước. Tôi thấy rằng điều đó đáng chú ý lắm.

Tôi biết chỉ có một lời giải thích. Đối với lời giải thích đó thì chúng ta giở đến Sách Mặc Môn. Nê Phi làm chứng rằng Kinh Thánh đã từng “chứa đựng phúc âm trọn vẹn của Chúa, là Đấng đã được mười hai vị sứ đồ làm chứng;” và rằng “sau khi [những lời này] truyền từ dân Do Thái qua dân Ngoại nhờ bàn tay của mười hai vị sứ đồ của Chiên Con, ngươi sẽ thấy sự thành lập của giáo hội vĩ đại và khả ố đó, là giáo hội khả ố hơn tất cả các giáo hội khác; vì này, họ đã lấy đi nhiều phần minh bạch và quý giá nhất trong phúc âm của Chiên Con; và họ cũng lấy đi nhiều giao ước của Chúa nữa” (1 Nê Phi 13:24, 26).

Gia Cốp định nghĩa giáo hội vĩ đại và khả ố bằng những lời này: “Vậy nên, kẻ này chống lại Si Ôn, cả người Do Thái lẫn dân Ngoại, nô lệ cũng như tự do, nam cũng như nữ, đều sẽ bị diệt vong; vì những kẻ đó là gái điếm của toàn thể thế gian; vì kẻ nào không theo ta tức là chống ta, Thượng Đế của chúng ta phán vậy” (2 Nê Phi 10:16).

Nê Phi cũng nói: “Vì nhiều điều minh bạch và quý báu bị lấy đi khỏi sách, … nên có rất nhiều người bị vấp ngã, phải, đến đỗi Sa Tan có quyền năng lớn lao đối với họ” (1 Nê Phi 13:29). Rồi ông tiên tri rằng sẽ có những điều quý báu sẽ được phục hồi (xin xem 1 Nê Phi 13:34–35).

Và những điều này đã được phục hồi. Từ atone (chuộc tội) với hình thái và cách chia động từ khác nhau đã được thấy 39 lần trong Sách Mặc Môn. Tôi trích dẫn chỉ một câu từ sách An Ma: “Và này, kế hoạch thương xót không thể được mang lại nếu sự chuộc tội không được thực hiện; vậy nên, chính Thượng Đế sẽ chuộc tội lỗi cho thế gian, để mang lại kế hoạch thương xót, và để thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý , ngõ hầu Thượng Đế mới có thể là một Thượng Đế hoàn hảo, công bình, và cũng là một Thượng Đế đầy lòng thương xót” (An Ma 42:15; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Chỉ có một lần trong Kinh Tân Ước nhưng 39 lần trong Sách Mặc Môn. Có lời chứng nào tốt hơn mà cho thấy rằng Sách Mặc Môn quả thật là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô không?

Và điều đó cũng chưa phải là hết. Những từ atone, atoneth, và atonement được thấy năm lần trong sách Giáo Lý và Giáo Ước và hai lần trong sách Trân Châu Vô Giá. Bốn mươi bảy lần nhắc đến tầm quan trọng siêu việt. Và đó cũng chưa phải là hết! Hằng trăm câu thánh thư khác giúp giải thích về Sự Chuộc Tội.

Quyền Tự Quyết

Cái giá của Sự Chuộc Tội mà Chúa đã chịu một cách tự nguyện, vì quyền tự quyết là một nguyên tắc tối thượng. Theo kế hoạch thì quyền tự quyết cần phải được tôn trọng. Nó đã như vậy từ lúc bắt đầu, từ Vườn Ê Đen.

“Chúa phán với Hê Nóc: Hãy nhìn xem những anh em này của ngươi; chúng là tác phẩm của bàn tay ta, và ta cũng ban cho chúng sự hiểu biết, và ngày ta sáng tạo ra chúng; và trong Vườn Ê Đen, ta đã ban cho loài người quyền tự quyết ” (Môi Se 7:32).

Bất cứ điều gì khác đã xảy ra trong Vườn Ê Đen, trong giây phút thử thách cùng cực của ông, A Đam đã có một sự chọn lựa. Sau khi Chúa đã truyền lệnh cho A Đam và Ê Va phải sinh sôi nẩy nở và làm tràn đầy trái đất và truyền lệnh cho họ không được ăn quả cây của sự hiểu biết về điều thiện và điều ác, Ngài phán: “Tuy nhiên, ngươi có thể tự chọn lựa, vì quyền đó được ban cho ngươi, nhưng nên nhớ rằng ta đã cấm việc ấy, vì ngày nào ngươi ăn quả cây ấy thì chắc chắn ngươi phải sẽ chết” (Môi Se 3:17).

Có quá nhiều điều tranh cãi trong việc giới thiệu con người với trần thế bằng vũ lực bắt buộc. Điều đó thường vi phạm vào chính luật thiết yếu của kế hoạch. Kế hoạch quy định rằng mỗi con cái linh hồn của Thượng Đế phải nhận được một thể xác hữu diệt và mỗi người phải được thử thách. A Đam đã thấy rằng điều đó phải là như thế và đã chọn lựa. “A Đam sa ngã để loài người được sinh tồn, và loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25).

A Đam và Ê Va tiến hành việc sinh sôi nẩy nở và làm cho dẫy đầy trái đất như họ đã được truyền lệnh phải làm. Sự sáng tạo thể xác của họ theo hình ảnh của Thượng Đế, với tính cách là một sự sáng tạo riêng biệt thì không giống nhau, là thiết yếu cho kế hoạch đó. Sự Sa Ngã sau đó của họ là cần thiết nếu tình trạng hữu diệt phải có và kế hoạch phải được tiến hành.

Sự Chuộc Tội là Cần Thiết

Nê Phi đã mô tả điều sẽ xảy ra cho thể xác và linh hồn của chúng ta trừ phi có sự “chuộc tội vô hạn” được thực hiện. Ông nói: “Linh hồn của chúng ta ắt phải … trở thành quỷ dữ.” (Xin xem 2 Nê Phi 9:7–10.)

Ít khi tôi dùng từ tuyệt đối. Từ đó rất ít khi thích hợp. Bây giờ tôi dùng từ đó—hai lần:

Vì Sự Sa Ngã, nên Sự Chuộc Tội là tuyệt đối cần thiết cho sự phục sinh được thực hiện và khắc phục cái chết thể xác.

Sự Chuộc Tội là tuyệt đối cần thiết cho loài người để tự gột rửa khỏi tội lỗi và khắc phục cái chết thứ nhì, cái chết thuộc linh, tức là sự tách rời khỏi Cha Thiên Thượng, vì thánh thư cho chúng ta biết tám lần rằng không có vật gì nhơ bẩn mà có thể bước vào nơi hiện diện của Thượng Đế (xin xem 1 Nê Phi 10:21; 15:34; An Ma 7:21; 11:37; 40:26; Hê La Man 8:25; 3 Nê Phi 27:19; Môi Se 6:57).

Những lời này của thánh thư, “Ngươi có thể tự chọn lựa, vì quyền đó được ban cho ngươi” (Môi Se 3:17), đã dẫn dắt A Đam và Ê Va cùng con cháu của họ đến với tất cả những rủi ro của cuộc sống hữu diệt. Trong cuộc sống hữu diệt, loài người được tự do chọn lựa, và mỗi sự chọn lựa dẫn đến một kết quả. Sự chọn lựa của A Đam tác động mạnh mẽ đến luật pháp của công lý , mà đòi hỏi rằng hình phạt cho sự bất tuân sẽ là cái chết.

Nhưng những lời phán ra tại phiên tòa xử án, “Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta” (Giăng 19:11), đã chứng tỏ lòng thương xót cũng rất quan trọng. Một Đấng Cứu Chuộc đã được phái đến để trả nợ và giải phóng con người được tự do. Kế hoạch là như thế.

Con trai của An Ma là Cô Ri An Tôn đã nghĩ rằng việc mà sự trừng phạt cần phải đi theo sau tội lỗi, rằng cần phải có một sự trừng phạt là điều bất công. Trong một bài học sâu sắc, An Ma đã giảng dạy kế hoạch cứu chuộc cho con trai của ông và cũng như cho chúng ta. An Ma đã nói về Sự Chuộc Tội: “Này, sự hối cải không thể đến với loài người nếu không có sự trừng phạt ” (An Ma 42:16).

Nếu sự trừng phạt là cái giá mà sự hối cải đòi hỏi thì cái giá đó chẳng đáng là bao nhiêu để trả cho cái giá của sự hối cải. Những hậu quả, ngay cả những hậu quả đau đớn, cũng bảo vệ chúng ta. Đơn giản như việc một đứa trẻ khóc vì đau đớn khi ngón tay của nó sờ vào lửa cũng có thể giảng dạy cho chúng ta điều đó. Nếu không nhờ vào nỗi đau đớn đó thì đứa trẻ còn có thể bị nguy hại hơn.

Phước Lành của Sự Hối Cải

Tôi sẵn sàng thú nhận rằng tôi sẽ không tìm thấy sự bình an, cũng như hạnh phúc và sự an toàn, trong một thế giới mà không có sự hối cải. Tôi không biết tôi sẽ làm gì nếu không có một cách nào cho tôi để xóa bỏ những lỗi lầm của mình. Nỗi thống khổ sẽ nhiều hơn tôi có thể chịu được. Nó có thể khác đối với các anh chị em, nhưng không khác đối với tôi.

Sự Chuộc Tội đã được thực hiện, luôn luôn mang đến sự tha thứ cho sự phạm giới và khắc phục cái chết nếu chúng ta chịu hối cải. Sự hối cải là điều khoản khắc phục sự phạm giới và cái chết. Sự hối cải là chìa khóa mà chúng ta có thể mở cửa ngục giới từ bên trong. Chúng ta cầm chiếc chìa khóa đó trong tay mình, và chúng ta có quyền tự quyết để sử dụng nó.

Sự tự do thì quý báu biết bao; quyền tự quyết thì quý giá biết dường nào.

Lu Xi Phe trong những cách thức tài tình làm thao túng những sự chọn lựa của chúng ta, lừa gạt chúng ta về tội lỗi và những hậu quả. Nó và những quỷ sứ của nó cám dỗ chúng ta sống không xứng đáng, thậm chí tà ác nữa. Nhưng nó không thể—nó không thể trong suốt thời vĩnh cửu, nó không thể với tất cả quyền hành của nó—hoàn toàn hủy diệt chúng ta, nếu không có sự ưng thuận của chúng ta. Nếu quyền tự quyết đến với loài người mà không có Sự Chuộc Tội thì chắc hẳn đó là một ân tứ nguy hại.

Được Tạo Dựng theo Hình Ảnh của Ngài

Chúng ta được giảng dạy trong Sáng Thế Ký , Môi Se, Áp Ra Ham, Sách Mặc Môn, và trong lễ thiên ân rằng thể xác hữu diệt của con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thượng Đế trong một sự sáng tạo riêng biệt. Nếu Sự Sáng Tạo được thực hiện bằng một cách khác thì đã không có thể có Sự Sa Ngã.

Nếu loài người chỉ là loài động vật thì sẽ có sự lập luận ủng hộ sự tự do mà không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Tôi biết rất rõ rằng trong số những người trí thức thì có những người đã tìm kiếm ở các loài động vật và đá để tìm kiếm nguồn gốc của loài người. Họ không nhìn vào bên trong con người mình để tìm ra linh hồn ở đó. Họ tự huấn luyện để đo lường các vật bằng thời gian, bằng hằng ngàn và hằng triệu năm, và nói rằng các loài động vật được gọi là con người này đều hiện hữu vì sự ngẫu nhiên. Và họ đã được tự do để làm điều này, vì họ có quyền tự quyết.

Nhưng chúng ta cũng có quyền tự quyết. Chúng ta nhìn lên, và trong vũ trụ chúng ta thấy được công trình của Thượng Đế và đo lường bằng kỷ nguyên, bằng thời đại, bằng gian kỳ, bằng vĩnh cửu. Nhiều điều mà chúng ta không biết thì chúng ta chấp nhận bằng đức tin.

Nhưng điều này thì chúng ta biết! Mọi điều đều đã được trù định “trước khi thế gian được tạo dựng” (GLGƯ 38:1; xin xem thêm GLGƯ 49:17; 76:13, 39; 93:7; Áp Ra Ham 3:22–25). Những sự kiện từ Sự Sáng Tạo đến khung cảnh cuối cùng, kết thúc đều không phải là những điều ngẫu nhiên; mà từ sự chọn lựa mà ra! Nó đã được hoạch định như thế.

Điều này thì chúng ta biết! Lẽ thật giản dị này! Nếu không có Sự Sáng Tạo và Sự Sa Ngã, thì sẽ không cần đến bất cứ Sự Chuộc Tội, hoặc một Đấng Cứu Chuộc nào để làm trung gian cho chúng ta. Vậy thì, cũng không cần đến Đấng Ky Tô.

Các Biểu Tượng về Sự Chuộc Tội

Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên Đồi Sọ, máu của Đấng Cứu Rỗi đã đổ ra. Nhiều thế kỷ trước, lễ Vượt Qua đã được đưa ra như là một biểu tượng và một điều sẽ xảy đến. Đó là một giáo lễ để được gìn giữ vĩnh viễn. (Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 12.)

Khi bệnh dịch chết chóc giáng xuống Ai Cập, mỗi gia đình Y Sơ Ra Ên được truyền lệnh phải bắt một con chiên con—con chiên đầu lòng, con đực, không tì vết. Con chiên này bị giết chết mà không bị gãy xương, máu của nó được dùng đánh dấu trên cửa nhà. Chúa hứa rằng thiên sứ hủy diệt sẽ đi ngang qua những căn nhà được đánh dấu và sẽ không giết những người ở bên trong. Họ sẽ được cứu nhờ vào máu của chiên con.

Sau khi Chúa bị đóng đinh, luật hy sinh không còn đòi hỏi sự đổ máu nữa. Vì điều đó đã được thực hiện, như Phao Lô đã dạy cho những người Hê Bơ Rơ, “một lần đủ cả … đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ” (Hê Bơ Rơ 10:10, 12). Từ đó sự hy sinh là một trái tim đau khổ và một tâm hồn thống hối—sự hối cải.

Và lễ Vượt Qua sẽ được kỷ niệm mãi mãi như là Tiệc Thánh, mà trong đó chúng ta tái lập giao ước báp têm của mình và dự phần trong sự tưởng nhớ đến thể xác của Chiên Con của Thượng Đế và máu của Ngài, đã đổ ra vì chúng ta.

Không phải là điều nhỏ nhặt mà biểu tượng này được thấy lại trong Lời Thông Sáng. Ngoài lời hứa rằng Các Thánh Hữu trong thế hệ này là những người biết vâng lời thì sẽ nhận được sức khỏe và những sự hiểu biết lớn lao và quý báu, còn có lời hứa này: “Ta là Chúa sẽ ban cho họ lời hứa rằng thiên sứ hủy diệt sẽ đi qua họ, giống như các con cái của Y Sơ Ra Ên, mà không giết họ” (GLGƯ 89:21).

Tôi cảm thấy rất xúc động khi nói cho các anh chị em biết cảm nghĩ của tôi về Sự Chuộc Tội. Lòng tôi xúc động sâu xa với sự biết ơn và bổn phận. Tâm hồn tôi tìm kiếm Ngài là Đấng đã thực hiện Sự Chuộc Tội—Đấng Ky Tô này, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, mà tôi là một nhân chứng về Ngài. Tôi làm chứng về Ngài. Ngài là Chúa, Đấng Cứu Chuộc, Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha. Ngài đã chuộc chúng ta bằng máu của Ngài.

Tôi khiêm nhường cầu xin Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Tôi không thấy xấu hổ khi quỳ xuống trong việc thờ phượng Đức Chúa Cha của chúng ta và Vị Nam Tử của Ngài. Vì tôi có quyền tự quyết, và tôi đã chọn để làm như vậy!