Podcast số 344 – Liahona tháng 1, 2024 – Sứ Điệp Tôi Nhận Được từ Chúa – David Baxter

Bài của Anh David Baxter, một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang sống tại Virginia, Hoa Kỳ

Vào năm 1993, ba ngày sau khi tôi dọn đến Polokwane, ở miền bắc Nam Phi, có ai đó gõ cửa nhà tôi. Tôi mở cửa ra và thấy hai người truyền giáo từ Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi lớn lên rất sùng đạo, và gia đình tôi luôn luôn cảnh báo tôi phải tránh xa những người truyền giáo này. Nhưng họ có vẻ tử tế và tôi lại rất thích thảo luận về tôn giáo, vì vậy tôi đã mời họ vào.

Sau buổi viếng thăm tuyệt vời, họ nói với tôi: “Chúng tôi có thể tặng cho anh một quyển Sách Mặc Môn không?”

Tôi đáp: “Chờ một chút”. “Tôi nghĩ rằng tôi đã có một quyển.”

Khi tôi cho họ xem quyển Sách Mặc Môn của mình, họ rất bất ngờ. Tôi giải thích rằng cách đây nhiều năm, ở thành phố Cape Town quê nhà của tôi, những người truyền giáo đã tặng cho tôi một quyển Sách Mặc Môn tại một buổi triển lãm. Tôi giữ gìn quyển sách đến tận bây giờ, và thỉnh thoảng tôi cũng đọc qua một vài trang.

Sau buổi viếng thăm đó, tôi đã mời những người truyền giáo trở lại. Tuy nhiên, tôi lớn lên trong một giáo hội khác, nơi mà người cha kế của tôi là một mục sư. Ý nghĩ phải chịu phép báp têm một lần nữa đã trở thành một trong những trở ngại cho sự cải đạo của tôi. Tuy nhiên, tôi bắt đầu tham dự chi nhánh nhỏ của Giáo Hội. Sau khoảng một năm rưỡi, vị chủ tịch chi nhánh gọi tôi vào văn phòng của ông.

“Chúng Tôi Muốn Anh Có Được Chứng Ngôn”

Vị chủ tịch chi nhánh nói: “David, tôi muốn trao cho anh một thử thách”. “Chúng tôi thực sự muốn anh có được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn. Tôi cảm thấy rằng anh có thể làm điều đó nếu tôi kêu gọi anh giảng dạy lớp Giáo Lý Phúc Âm. Anh đã giảng dạy tại một trường đại học, và anh không ngại việc đứng trước đám đông.”

Ngày nay, các giảng viên phải là tín hữu của Giáo Hội.1 Nhưng lúc đó, vị chủ tịch chi nhánh cảm thấy được soi dẫn để mời tôi giảng dạy. Tôi biết ơn về điều đó.

Tôi nói: “Được”.

Mỗi tối thứ Bảy, tôi thường nghiên cứu bài học một cách chi tiết để tôi có thể hiểu rõ về nó, và liên kết bài học đó với các câu chuyện và nhân vật trong Sách Mặc Môn. Đối với tôi, việc giảng dạy sách này thật sự là một cách hay để có được chứng ngôn về sách.

Một ngày Chủ Nhật, sau khi tôi đã giảng dạy được khoảng một năm, vị chủ tịch phái bộ truyền giáo từ Pretoria đã đến tham dự một đại hội và tham dự lớp Trường Chủ Nhật của tôi.

Sau đó ông nói: “Cảm ơn Anh Baxter”. “Đó là một bài học hay. Anh từ đâu đến?”

Khi tôi kể với ông là mình đến từ Cape Town, ông hỏi tôi đã tham dự tiểu giáo khu nào.

“Tôi chưa từng tham dự tiểu giáo khu nào.”

Ông hỏi: “Ý của anh là gì?”.

“Tôi là người mà các anh chị em thường gọi là người Dân Ngoại?” Tôi nói. “Tôi không phải là tín hữu của Giáo Hội.”

Ông ấy quá bất ngờ và ngay lập tức chạy đến nói chuyện với chủ tịch chi nhánh.

Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo hỏi: “Anh mời một người ngoại đạo giảng dạy thánh thư à?”

“Vâng, anh ấy có giảng dạy một cách tệ hại không?”

“Không.”

“Anh ấy có soi dẫn không?”

“Có”

“Anh ấy có giảng dạy giáo lý chân chính không?

“Có”

Họ cho phép tôi tiếp tục giảng dạy. Một vài tháng sau, tôi đi thăm gia đình tôi ở Cape Town vào mùa lễ Giáng Sinh. Khi tôi đang ở đó, mẹ tôi nói với tôi rằng bà sẽ rời bỏ nhà thờ của bà sau khi người cha kế của tôi qua đời. Vào chính lúc đó, Chúa đã giúp tôi hoàn toàn thoát khỏi cảm giác tội lỗi mà tôi đã có vì lòng trung thành với mẹ tôi và giáo hội mà tôi lớn lên.

Khi trở về nhà, tôi đã gọi điện thoại cho vị chủ tịch chi nhánh.

Tôi nói với ông ấy: “Tôi muốn được báp têm vào ngày mai”.

“David, anh có chắc không?”

Tôi đáp: “Hoàn toàn chắc chắn”. “Tôi nhận được một sứ điệp từ Chúa.”

“Chú Muốn Gửi Cho Cháu Một Thứ”

Khi tôi kể với cha ruột của mình rằng tôi đã trở thành tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi không thể hiểu tại sao ông bình tĩnh như vậy.

Ông nói: “Để cha kể cho con nghe một chút về lịch sử của cha”.

Cha tôi, là người chưa bao giờ nói chuyện với tôi về tôn giáo, đã nói với tôi rằng khi còn là thanh niên, ông đã tham dự Tiểu Giáo Khu Cumorah của Giáo Hội ở Cape Town. Ông ấy đã chơi trong đội bóng rổ của tiểu giáo khu. Ông có một vài người bạn thân là Thánh Hữu Ngày Sau. Một trong những người bạn thân nhất của ông là một người truyền giáo mà, sau khi đi truyền giáo, đã tử trận ở Việt Nam.

Nếu cha tôi không mất người bạn đó, tôi nghĩ rằng ông đã gia nhập Giáo Hội rồi. Cuộc sống của ông có lẽ đã hoàn toàn khác. Nhiều năm về sau, ông vẫn kính trọng những người Thánh Hữu Ngày Sau. Bản thân ông không thực hành bất cứ tôn giáo nào, nhưng ông hoàn toàn ủng hộ quyết định của tôi để gia nhập Giáo Hội.

Một vài tháng sau khi người cha kế của tôi qua đời, tôi nói cho mẹ tôi biết về phép báp têm của mình. Kết quả không được suôn sẻ lắm. Tuy nhiên, khi đến Hà Lan để thăm những người thân người Hà Lan bên phía mẹ tôi, tôi đã chia sẻ sự cải đạo của mình với họ. Đó là khi tôi biết được một mối liên hệ khác trong gia đình với Giáo Hội.

Trong chuyến thăm của tôi, chú của tôi đến gặp tôi. Ông nói: “Chú muốn gửi cho cháu một thứ”. Rồi ông đưa cho tôi một ấn bản đầu tiên của Sách Mặc Môn bằng tiếng Hà Lan, được xuất bản vào năm 1890.

Ông nói: “Nó thuộc về gia đình chúng ta cách đây rất lâu”. “Chú muốn cháu giữ lấy nó.”

Hai mối liên hệ trong gia đình này với Giáo Hội thật là an ủi đối với tôi. Ngày nay, tôi trân quý quyển Sách Mặc Môn bằng tiếng Hà Lan đó. Nó nhắc tôi nhớ về những người truyền giáo đầu tiên đã đến thăm tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng việc giảng dạy Sách Mặc Môn quan trọng như thế nào đối với sự cải đạo của tôi. Nó nhắc nhở tôi về lòng kính trọng của người cha quá cố của tôi đối với Giáo Hội và rằng một số tổ tiên của tôi đã chấp nhận phúc âm phục hồi.

Nó cũng nhắc nhở tôi rằng Sách Mặc Môn thật sự có quyền năng để thuyết phục cho “người Do Thái lẫn người Dân Ngoại tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu, đã biểu hiện cho tất cả quốc gia biết.”2