Podcast số 340 – Liahona tháng 9, 2023 – Phục Sự với Lòng Kiên Nhẫn

Trong 2 Cô Rinh Tô 12:7–8, Phao Lô nói về việc cầu nguyện ba lần để được cất bỏ “một cái giằm xóc vào thịt”. Nhưng lời cầu nguyện của ông đã không được đáp ứng bằng việc chữa lành cơn đau ngay lập tức. Thay vì thế, Chúa phán với ông: “Ân điển của ta đủ cho ngươi rồi.” Phao Lô cho thấy lòng kiên nhẫn và đức tin trong cách ông trả lời: “Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng [Ky Tô] ở trong tôi” (câu 9).

Chúa cũng đã dạy Mô Rô Ni rằng qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể học hỏi và tăng trưởng trong sức mạnh: “Nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27).

Phục Sự với Lòng Kiên Nhẫn

Giống như Phao Lô, hầu hết chúng ta đã cầu nguyện để được trợ giúp nhiều lần trong cuộc đời của mình—đôi khi nhiều hơn ba lần. Đôi khi đó là thời điểm thích hợp để phước lành đó được ban cho, và những lúc khác, giống như Phao Lô, chúng ta đang được giảng dạy và được củng cố. Vào những lúc này, chúng ta có thể học tính kiên nhẫn và học cách chờ đợi kỳ định của Chúa.

Chúng ta cũng cần thuộc tính kiên nhẫn giống như Đấng Ky Tô khi phục sự. Chúng ta có thể phục sự những người có nhiều thử thách và trình độ hiểu biết phúc âm khác nhau, và cần phải có lòng kiên nhẫn và tình yêu thương để phục sự những người có thể không dễ lĩnh hội.

Phát Triển Tính Kiên Nhẫn

Khi chúng ta tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ biết rõ hơn những gì Ngài sẽ làm để phục sự khi ở vị thế của chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể phát triển thuộc tính kiên nhẫn giống như Đấng Ky Tô?

  • Hãy nhận ra rằng cuộc sống trần thế có đầy dẫy những tình huống thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta và đôi khi việc cảm thấy thất vọng cũng là điều hiển nhiên. Hãy nhớ rằng với sự thực hành và đức tin nơi Chúa, chúng ta có thể cải thiện phản ứng của mình đối với những tình huống căng thẳng. Hãy kiên nhẫn với những nỗ lực của anh chị em để kiên nhẫn hơn!
  • Hãy cầu xin Thượng Đế giúp đỡ khi anh chị em cảm thấy mình đang gặp khó khăn để kiên nhẫn. Một hơi thở sâu và một lời cầu nguyện có thể giúp mang lại sự bình tĩnh và bình an.
  • Việc lắng nghe âm nhạc nâng cao tinh thần mà mang đến một tâm trạng bình an có thể giúp anh chị em vượt qua những cảm nghĩ thiếu kiên nhẫn.
  • Hãy nhìn nhận kỳ định của Chúa trong cuộc sống của anh chị em. Ý muốn và ước muốn của chúng ta cần phải điều chỉnh theo thời gian biểu của Ngài.
  • Có được lòng kiên nhẫn là một lối suy nghĩ. Hãy nhớ rằng cảm giác hốt hoảng hoặc đang ở trong trạng thái hối hả triền miên hiếm khi cải thiện cuộc sống của chúng ta.

Những Ý Kiến để Phục Sự với Lòng Kiên Nhẫn

Đôi khi nhiệm vụ phục sự của chúng ta là giúp người khác có được lòng kiên nhẫn qua những thử thách. Sau đây là một số cách thức chúng ta có thể giúp đỡ:

  • Cho người đó hoặc gia đình thấy rằng chúng ta yêu thương và quan tâm đến họ bất kể thử thách mà họ đang gặp phải, cho dù họ nghĩ, vì bất cứ lý do nào, rằng họ không đáng để được yêu thương.
  • Chia sẻ những kinh nghiệm với họ khi anh chị em phải học tính kiên nhẫn và anh chị em hiểu được điều đó có thể khó khăn biết bao. Giúp họ cảm thấy rằng họ không đơn độc nếu họ cảm thấy thiếu kiên nhẫn hoặc thất vọng.
  • Hãy cầu nguyện để họ có thể có được lòng kiên nhẫn qua những thử thách khó khăn và cho họ biết rằng Cha Thiên Thượng sẽ nghe lời cầu nguyện của họ để họ có thể cảm nhận được sức mạnh đó.
  • Hãy lắng nghe khi họ cần một người nào đó để nói chuyện. Việc có một người bạn thông cảm là một trong những cách tốt nhất để chịu đựng một thử thách hoặc tình huống khó khăn.