Podcast số 337 – Liahona tháng 9, 2023 – Phát Triển Khả Năng Thấu Cảm và Bày Tỏ Sự Thấu Cảm – Matthew L. Rasmussen

Bài của Anh Matthew L. Rasmussen làm việc tại Sở Lịch Sử của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Anh chị em sẽ nhận được gì nếu kết hợp một chiếc máy bay nhỏ với một người mẹ đang cảm thấy choáng ngợp và một bé trai cáu kỉnh? Một tình huống rất căng thẳng. Từ một vài hàng ghế phía sau, tôi chứng kiến diễn biễn đầy kịch tính. Tình huống đó là như sau:

Bé trai: Con đói quá!

Người mẹ: Ừ thì xem trong túi mẹ có gì ăn không.

Bé trai: Không!

Người mẹ: Nhưng con không đói sao?

Bé trai: Cho con cái đó!

Người mẹ: Cho con cái gì?

Bé trai: Cái đó!

Người mẹ: Con yêu ơi, con không thể lấy dây chuyền của mẹ được.

Bé trai: Con muốn cái đó!

Anh chị em hiểu rồi đấy. Trong 20 phút sau đó, người mẹ dùng đủ loại chiến thuật để cố gắng giúp đứa con bình tĩnh lại: dỗ dành, đánh lạc hướng, pha trò, thậm chí một hoặc hai lời dọa nạt. Nhưng chẳng hiệu quả. “Chỉ là một chuyến bay ngắn thôi mà,” tôi tự nhủ. “Chị ấy sẽ ổn thôi.”

Nhưng chị ấy không hề ổn. Chị ấy còn cảm thấy căng thẳng hơn nữa, và bắt đầu lau nước mắt trên khóe mi. Mặc dù tôi không quen biết chị ấy, nhưng tôi cảm thấy rất muốn giúp đỡ chị ấy. Theo phản xạ, tôi bắt đầu cầu nguyện cho mẹ con chị ấy.

Tôi không phải là hành khách duy nhất chứng kiến cảnh tượng đó. Ngay khi cảm xúc căng thẳng của chị ấy lên đến đỉnh điểm, thì một hành khách khác đã đến giúp đỡ. Đó là một phụ nữ lớn tuổi hơn nhiều, ngồi ở ngay bên kia lối đi. Với lòng tử tế lan tỏa, người phụ nữ ấy quay sang người mẹ trẻ, khẽ nói vài lời trấn an, và nắm tay chị ấy. Chỉ thế thôi. Và như thế là đủ rồi.

Hai người phụ nữ nắm tay nhau ngang qua lối đi trong suốt chặng còn lại của chuyến bay. Mặc dầu đứa bé trai vẫn tiếp tục kêu la tới mức độ bất thường, nhưng mẹ cậu dường như rất bình tĩnh. Đó là một phép lạ.

Sự Thấu Cảm và Lòng Trắc Ẩn: Hai Đức Tính của Vai Trò Làm Môn Đồ

Trong vốn từ vựng hiện đại của chúng ta, phép lạ này được gọi là: sự thấu cảm. Theo định nghĩa, thấu cảm là hành động nhạy cảm của việc gián tiếp trải nghiệm những suy nghĩ, cảm giác, và kinh nghiệm của người khác. Thấu cảm là một thuật ngữ hiện đại; anh chị em sẽ không tìm thấy từ đó ở bất cứ đâu trong thánh thư. Nhưng các nhà ngôn ngữ học đã lưu ý rằng sự thấu cảm liên kết chặt chẽ với lòng trắc ẩn. Và có rất nhiều câu thánh thư đề cập đến lòng trắc ẩn.

Thấu cảm là khả năng để liên kết với nỗi đau của người khác, và lòng trắc ẩn là hành động bác ái bắt nguồn từ khả năng đó. Chúa Giê Su Ky Tô cho thấy sự thấu cảm lẫn lòng trắc ẩn khi Ngài phục sự, ban phước, chữa lành, và chuộc tội. Là môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta cần phải học cách trở nên thấu cảm và bày tỏ lòng trắc ẩn. Đây là một trong số các đặc tính có tính chất xác định của vai trò môn đồ.

Khi sự thấu cảm mang lại hiệu quả tuyệt diệu nhất, nó giúp chúng ta thấu hiểu rồi sau đó đáp ứng với nỗi đau, nhu cầu, nỗi sợ hãi, hoặc buồn phiền của người khác. Trong trường hợp người mẹ trẻ này, một phụ lớn tuổi hơn mà có lẽ đã có hàng chục năm kinh nghiệm chăm sóc con cháu có thể mang đến niềm an ủi bởi vì chính bản thân bà cũng từng trải qua những khó khăn tương tự. Nhờ kinh nghiệm cá nhân của mình, người phụ nữ này đã đủ điều kiện để đóng vai trò làm một người an ủi.

Điều gì làm cho Chúa Giê Su Ky Tô đủ điều kiện để an ủi chúng ta? Anh Cả Neal A. Maxwell (1926–2004) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Chúa Giê Su biết chính xác cách giúp đỡ chúng ta giữa lúc buồn phiền và bệnh tật bởi vì Chúa Giê Su đã từng chịu đựng nỗi buồn phiền và bệnh tật của chúng ta [xin xem An Ma 7:11–12]. Ngài đích thân biết được những điều này; vì thế Ngài đã phát triển được khả năng thấu cảm.”1

Phát Triển Khả Năng Thấu Cảm và Giúp Đỡ Người Khác

Anh chị em đã trải qua những khó khăn nào mà nhờ đó “phát triển được” khả năng để thấu cảm với người khác và bày tỏ lòng trắc ân đối với họ? Anh chị em đã chịu đựng những ảnh hưởng của cảnh nghèo đói, sự lạm dụng, thiếu hiểu biết, bệnh tật, bị bỏ bê, tội lỗi, hoặc những nỗi khó khăn trong bất cứ hình thức nào không? Nếu có, thì anh chị em có thể đã vượt qua những nỗi đau khổ của mình như một người khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn, và nhạy bén hơn.

Tóm lại, anh chị em đã phát triển được khả năng thấu cảm. Anh chị em đã tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của những người đau khổ. Phải bắt đầu từ đâu? Tôi có hai gợi ý:

Thứ nhất, hãy cố gắng để nhận thức rõ hơn nỗi đau khổ của người khác. Buồn thay, chúng ta có thể ở cùng với ai đó đang đau đớn mà không nhận thức được nỗi đau khổ của họ. Làm thế nào chúng ta có thể trở nên nhạy cảm hơn? Tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô có thể dạy chúng ta.

Sau Sự Phục Sinh của Ngài, khi Chúa Giê Su thăm viếng dân Nê Phi, Ngài giải thích giáo lý của Ngài và giảng dạy họ phúc âm của Ngài. Khi Ngài ngừng lại, Ngài nhìn dân chúng và phán: “Ta nhận thấy các ngươi còn yếu kém, các ngươi không thể hiểu được tất cả những lời mà ta … nói” (3 Nê Phi 17:2). Rồi Chúa Giê Su mời họ hãy trở về nhà, nghỉ ngơi, suy ngẫm về những lời giảng dạy của Ngài, và trở lại ngày hôm sau với tinh thần tỉnh táo và sẵn sàng để được giảng dạy thêm (xin xem 3 Nê Phi 17:3).

Câu chuyện kết thúc, phải không? Không hẳn. Cảm nhận của Chúa Giê Su lúc đó trở nên sâu sắc hơn khi Ngài xem xét khuôn mặt của các tín đồ mình:

“Và chuyện rằng, sau khi Chúa Giê Su đã phán như vậy, Ngài lại đưa mắt nhìn quanh đám đông, và Ngài nhận thấy đám đông đang rơi lụy và chăm chú nhìn Ngài như muốn cầu xin Ngài ở nán lại với họ lâu hơn chút nữa.

“Và Ngài phán cùng họ rằng: Này, lòng ta đầy sự thương hại đối với các ngươi” (3 Nê Phi 17:5–6). Khi Ngài nhìn họ một cách chăm chú hơn, Ngài cảm nhận được suy nghĩ và cảm xúc sâu thẳm nhất của họ. Và điều đó đã khơi dậy lòng trắc ẩn của Ngài.

Trong một thế giới sa ngã đầy những con người sa ngã, vây quanh chúng ta là vô vàn con cái đang đau khổ của Cha Thiên Thượng. Nhưng chúng ta thật sự phải nhìn. Giống như, Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể chọn để nhìn mọi người qua quan điểm về nhu cầu của họ. Và khi chúng ta có thể nhìn ra, thì chúng ta có thể phục vụ.

Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã lưu ý rằng “khi chúng ta cố gắng kết hợp một thái độ trắc ẩn vào lối sống của mình, như tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn đối với nhu cầu của mọi người. Khi sự nhạy cảm càng gia tăng, những cảm nghĩ về mối quan tâm và tình yêu thương chân thành sẽ ngày càng gia tăng trong mỗi hành động của chúng ta.”2

Thứ hai, hãy đề nghị sự giúp đỡ mà chỉ có anh chị em mới đủ khả năng để mang đến. Sau khi Chúa Giê Su nhận thấy các nhu cầu của dân Nê Phi ở xứ Phong Phú, Ngài ra dấu cho họ lại gần hơn. Sau đó Ngài chữa lành con cái bị bệnh của họ và ban phước cho chúng. Ngài làm những điều mà chỉ có Đấng Cứu Rỗi của thế gian mới có thể làm được.

Tương tự như vậy, anh chị em và tôi có thể điều chỉnh những kinh nghiệm và khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu của người khác. Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề của tất cả mọi người, nhưng chúng ta có thể làm nhẹ gánh nặng của những người mà chúng ta có thể thông cảm với những nỗi đau khổ của họ. Chúng ta có thể không chữa lành cho người bị bệnh phong, nhưng chúng ta có thể an ủi người bệnh. Chúng ta có thể không giúp đỡ người nào đó thoát khỏi cảnh nghèo khó, nhưng chúng ta có thể chia sẻ những nguyên tắc về lối sống biết dự phòng, chia sẻ một bữa ăn, và hiến tặng một của lễ nhịn ăn rộng rãi hơn. Chúng ta có thể không thể tha thứ tội lỗi, nhưng chúng ta có thể tha thứ cho người xúc phạm chúng ta.

Biến Sự Thấu Cảm thành Hành Động

Anh chị em sẽ nhận được gì nếu kết hợp một chiếc máy bay nhỏ với một người mẹ đang cảm thấy choáng ngợp và một bé trai cáu kỉnh? Một cơ hội để bày tỏ sự thấu cảm và lòng trắc ẩn.

Máy bay của chúng tôi hạ cánh và người mẹ trẻ đi ra khỏi máy bay, một tay xách va li, tay kia bồng đứa bé trai. Hóa ra chị ấy còn có một chuyến bay khác nữa để đi và sắp lỡ chuyến bay. Tôi nhìn thấy chị ấy hoảng loạn trên sân bay khi hành lý của chị ấy được chuyền ra. Tôi nhìn đống hành lý của chị ấy: xe đẩy em bé, ghế ngồi ô tô cho em bé, va li, va li xách tay, túi đựng tã. Chị ấy đang cần giúp đỡ. Sự thấu cảm của tôi cần phải được thể hiện bằng hành động trắc ẩn.

Không dừng lại để tự giới thiệu, tôi với tay ra đống hành lý của chị ấy và nói: “Tôi sẽ xách mấy cái này. Chị bế cháu. Chạy đến cửa máy bay của chị đi. Tôi sẽ đi theo chị.” Chị đón nhận đầy biết ơn, và chúng tôi chạy thật nhanh qua sân bay. Khi chúng tôi tới cửa máy bay, tôi thấy một chị phụ nữ khác đang nài xin tiếp viên hàng không cho máy bay chờ thêm vài phút nữa. Chúng tôi gần như kiệt sức nhưng đã tới nơi kịp lúc. Người mẹ trẻ và chị phụ nữ này ôm lấy nhau trong những giọt nước mắt vui mừng và nhẹ nhõm trước khi lên máy bay.

Hành động phục vụ nhỏ nhặt này không làm thay đổi thế giới, nhưng nó ban phước một cách đầy ý nghĩa cho cuộc sống của một người con của Thượng Đế đang cần được giúp đỡ. Cũng giống như nó đã giúp người bạn mới của tôi tiến tới điểm đến thực tại của chị ấy, nó đã giúp tôi tiến tới điểm đến thuộc linh của mình. Việc chọn thể hiện sự cảm thông và lòng trắc ẩn đã giúp tôi trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn một chút. Và điều này làm tôi hạnh phúc.

Bất kể chúng ta ở đâu—ở nơi làm việc hay ở trường học, ở nhà thờ hay ở trên máy bay—chúng ta có thể trở thành những người đại diện đầy cảm thông của Đấng Cứu Rỗi. Ai là người mà Đấng Cứu Rỗi muốn anh chị em bày tỏ lòng trắc ẩn ngày hôm nay?