Podcast số 331 – Trang Mạng tháng 2, 2024 – Quyền Năng của Việc Học Thánh Thư Suốt Đời – Michael John Teh

Bài của Anh Cả Michael John Teh, Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Châu Á của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Việc thường xuyên nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô là điều cần thiết cho tinh thần của chúng ta cũng như việc ăn uống đối với thể xác vậy. Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng chú trọng việc nuôi dưỡng thể xác hơn là tinh thần. Đó là một trong những thử thách của cuộc sống hữu diệt.


Thực Phẩm Chính
Giống như nhiều quốc gia Châu Á khác, gạo là lương thực chính ở Philippines. Chúng tôi ăn cơm ba bữa một ngày. Tôi đã có dịp dành thời gian với những người bạn đến từ Philippines khi họ tham gia khóa huấn luyện kéo dài một tuần ở Utah. Sau vài ngày không có cơm, hầu như ai cũng nói: “Tôi phải ăn cơm. Tôi chẳng thể no nếu chỉ ăn bánh mì hoặc khoai tây.” Tôi chắc chắn rằng họ không thiếu thức ăn và cũng không bị đói. Tuy nhiên, đối với một người lớn lên bằng cơm trong mỗi bữa ăn, thì cảm giác quen thuộc và sự mãn nguyện của việc ăn cơm đã không còn nữa. Tôi tin rằng việc học thánh thư là một trong những món ăn chính cho tinh thần chúng ta. Nếu không có thói quen học thánh thư hằng ngày, thì tinh thần của chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn.

“Nó Bắt Đầu trở nên Ngon Ngọt đối với Ta”
Anh chị em có bao giờ cảm thấy rằng việc học thánh thư đôi khi có thể nhàm chán không? Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đã từng và thỉnh thoảng có những cảm giác đó. Nếu thế, thì hãy kiên trì và “áp dụng tất cả các thánh thư vào cuộc sống của chúng ta”, cho đến khi chúng ta phát triển sự yêu thích học hỏi thánh thư.

Khởi đầu nhỏ. Đôi khi muốn thay đổi, chúng ta thường muốn điều đó xảy ra ngay lập tức, và rồi cảm thấy thất vọng. Việc phát triển thói quen học hỏi thánh thư thường xuyên không phải chuyện một sớm một chiều. “Từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một.” Có lẽ anh chị em nên bắt đầu bằng việc đọc 15 phút mỗi ngày và rồi bắt đầu tăng dần. Điều quan trọng là phải kiên định. Cam kết thực hiện điều đó mỗi ngày mà không bỏ cuộc. Đây chính là mục đích của “21 ngày thử thách.” Một lần nữa, tôi mời anh chị em hãy thực hiện thử thách này. Anh chị em sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng mình có nhiều khả năng hơn và mong ước lớn lao hơn để “Nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô” khi kết thúc 21 ngày. Thánh thư và lời của các vị tiên tri tại thế “bắt đầu trở thành ngon ngọt đối với (anh chị em).”

Ngôn ngữ của Thánh Thư
Anh chị em có bao giờ cảm thấy rằng ngôn ngữ của thánh thư dường như xa lạ và khó hiểu không? Chủ Tịch Boyd K. Packer đã khuyên dạy: “Nếu thoạt tiên lời lẽ của kinh thánh dường như là xa lạ đối với các anh chị em, thì cứ tiếp tục đọc. Chẳng bao lâu các anh chị em sẽ dần dần nhận ra vẻ đẹp và quyền năng được tìm thấy trên các trang đó.” (“Chìa Khóa cho Sự Bảo Vệ Thuộc Linh,” Liahona tháng Mười Một, năm 2013, trang 27)

Tôi nhớ từng khoảnh khắc của hai đứa cháu của tôi khi chúng cố gắng phát âm vài từ đầu tiên. Tôi cảm thấy rất tệ vì không thể hiểu được những gì chúng nói. Cứ như thể ngôn ngữ của chúng là thứ ngôn ngữ cổ xưa và đã tuyệt chủng rồi. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là mẹ của chúng, con gái tôi, lại hiểu được từng lời nói đó vì con bé thường xuyên ở bên chúng và quen thuộc với ngôn ngữ của chúng.

Sách Hướng Dẫn Sử Dụng
Khi còn là người truyền giáo trẻ tuổi, tôi bắt đầu khám phá ra niềm vui và phước lành của việc học hỏi thánh thư. Tôi trân trọng những giờ học được phân bổ trong lịch trình hằng ngày của chúng tôi. Chúng tôi cũng được đưa cho một danh sách những đoạn thánh thư then chốt mà chúng tôi được khuyến khích nắm rõ và học thuộc nếu có thể. Những đoạn thánh thư này rất hữu ích khi chúng tôi giảng dạy phúc âm và giúp bạn bè của mình giải quyết những mối bận tâm của họ. Sau này, tôi biết được rằng những đoạn thánh thư đó không chỉ dành cho bạn bè của mình. Thật biết ơn làm sao, những đoạn thánh thư đó đã trở thành những nguồn lẽ thật thiêng liêng mạnh mẽ đối với tôi cho đến ngày nay. Một trong những điều đó có trong bức thư đầy tình yêu thương của Sứ Đồ Phao Lô gửi đến người bạn đồng hành của ông là Ti Mô Thê.

“Và từ khi còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ. Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (2 Ti Mô Thê 3:15-17)

Là một người mới bắt đầu học thánh thư, đoạn này có tác động mạnh mẽ đến tôi. Nó khiến tôi có ấn tượng sâu sắc hơn về việc thánh thư có thể hướng dẫn chúng ta trong cuộc hành trình trần thế này. Nó dạy tôi rằng ngoài cảm giác tuyệt vời khi học tập, tôi còn có thể nhận được sự soi dẫn. Tôi có thể nhận được sự chỉnh sửa. Tôi được hướng dẫn về sự ngay chính và được giúp đỡ để trở nên “khôn ngoan để được cứu.” Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy: “Cuối cùng, mục đích chính yếu của tất cả thánh thư là làm tràn đầy tâm hồn chúng ta với đức tin nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha và nơi Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô.” (“Phước Lành của Thánh Thư”, Ensign tháng Năm năm 2010)

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Tất cả chúng ta đều cần được hướng dẫn trong cuộc sống. Chúng ta tiếp nhận điều đó tốt nhất từ các tác phẩm tiêu chuẩn và từ những lời giảng dạy của các vị tiên tri của Thượng Đế. Với sự cố gắng chăm chỉ, chúng ta có thể đạt được sự hướng dẫn đó và do đó hội đủ điều kiện nhận được tất cả các phước lành mà Thượng Đế dành sẵn cho con cái trung tín của Ngài.” (“Sống Theo Sự Hướng Dẫn của Thánh Thư”, Ensign tháng Mười Một năm 2010)

Tôi làm chứng rằng quyền năng của thánh thư sẽ thấm nhuần trong cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta nghiên cứu học hỏi chúng trong suốt cuộc hành trình trần thế của mình.