Podcast số 234 – Liahona tháng 2, 2015 – Chứng Ngôn và Sự Cải Đạo – Henry B. Eyring

Bài của Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Có sự khác biệt giữa việc nhận được một chứng ngôn về lẽ thật và việc thật sự được cải đạo. Ví dụ, Sứ Đồ Phi E Rơ vĩ đại đã làm chứng với Đấng Cứu Rỗi rằng ông biết Chúa Giê Su là Vị Nam Tử của Thượng Đế.

“[Chúa Giê Su] phán rằng: Còn các ngươi thì xưng ta là ai?

“Si Môn Phi E Rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Ky Tô, con Đức Chúa Trời hằng sống.

“Bấy giờ, Đức Chúa Giê Su phán cùng người rằng: Hỡi Si Môn, con Giô Na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy” (Ma Thi Ơ 16:15–17).

Tuy nhiên về sau, trong lệnh truyền của Ngài cho Phi E Rơ, Chúa đã ban cho ông và cho chúng ta một lời hướng dẫn để trở nên thực sự cải đạo và kéo dài sự cải đạo cho cả cuộc đời. Chúa Giê Su đã phán như thế này: “Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình” (Lu Ca 22:32).

Chúa Giê Su đã dạy Phi E Rơ rằng để có được một chứng ngôn thì cần phải còn có một sự thay đổi lớn hơn để có thể suy nghĩ, cảm nhận và hành động như là các môn đồ đã thực sự được cải đạo của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là sự thay đổi lớn lao mà chúng ta đều tìm kiếm. Một khi đạt được điều đó, chúng ta cần phải tiếp tục sự thay đổi đó cho đến khi cuối cuộc sống hữu diệt của mình (xin xem An Ma 5:13–14).

Chúng ta biết từ kinh nghiệm của mình và từ việc quan sát những người khác rằng việc có một vài giây phút tuyệt vời của sức mạnh thuộc linh thì sẽ không đủ. Phi E Rơ chối không biết Đấng Cứu Rỗi ngay cả sau khi ông đã nhận được một sự làm chứng của Thánh Linh rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Ba Nhân Chứng về Sách Mặc Môn đã nhận được chứng ngôn trực tiếp rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế, nhưng sau đó họ đã nao núng về khả năng của họ để tán trợ Joseph Smith với tư cách là Vị Tiên Tri của Giáo Hội của Chúa.

Chúng ta cần một sự thay đổi trong tâm hồn mình, như đã được mô tả trong sách An Ma: “Và rồi tất cả đều rao truyền cho dân chúng những lời giống nhau rằng—lòng họ nay đã thay đổi, họ không còn mong muốn làm điều ác nữa” (An Ma 19:33, xin xem thêm Mô Si A 5:2).

Chúa đã dạy chúng ta rằng khi chúng ta được thực sự cải đạo theo phúc âm của Ngài, thì lòng chúng ta sẽ thay đổi từ mối quan tâm ích kỷ đến việc mong muốn phục vụ để nâng đỡ những người khác khi họ tiến tới cuộc sống vĩnh cửu. Để có được sự cải đạo đó, chúng ta có thể cầu nguyện và cố gắng trong đức tin để trở thành một con người mới mà có thể thực hiện được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách cầu nguyện nhằm có được đức tin để hối cải về tính ích kỷ và để có được ân tứ chăm sóc cho những người khác nhiều hơn là cho bản thân mình. Chúng ta có thể cầu nguyện nhằm có được sức mạnh để từ bỏ tính kiêu ngạo và ghen tị.

Việc cầu nguyện cũng sẽ là thiết yếu để nhận được ân tứ về sự yêu thích lời của Thượng Đế và về tình yêu mến Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 7:47–48). Hai tình yêu mến này được kết hợp với nhau. Khi đọc, suy ngẫm, và cầu nguyện về lời của Thượng Đế, chúng ta sẽ trở nên yêu thích lời nói đó. Chúa đặt lời nói đó vào tâm hồn của chúng ta. Khi cảm nhận được sự yêu thích đó, chúng ta sẽ bắt đầu yêu mến Chúa càng nhiều hơn. Cùng với điều đó, chúng ta cần có tình yêu thương đối với những người khác để củng cố những người mà Thượng Đế đặt trên con đường của chúng ta.

Ví dụ, chúng ta có thể cầu nguyện để nhận ra những người mà Chúa sẽ để cho những người truyền giáo của Ngài giảng dạy. Những người truyền giáo toàn thời gian có thể cầu nguyện với đức tin để biết qua Thánh Linh xem họ phải giảng dạy và làm chứng về điều gì. Họ có thể cầu nguyện với đức tin rằng Chúa sẽ cho họ cảm thấy tình yêu thương của Ngài dành cho tất cả mọi người mà họ gặp. Những người truyền giáo sẽ không đem tất cả mọi người họ gặp đến hồ nước báp têm và đến ân tứ Đức Thánh Linh. Nhưng họ có thể có Đức Thánh Linh là một người bạn đồng hành. Qua sự phục vụ của họ và với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, lòng của những người truyền giáo sẽ được thay đổi khi đến lúc.

Sự thay đổi đó sẽ được nhiều lần đổi mới khi họ và chúng ta tiếp tục một cách không ích kỷ trong suốt cuộc đời để hành động trong đức tin nhằm củng cố những người khác với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự cải đạo sẽ không phải là một sự kiện đơn lẻ hoặc một điều gì đó mà sẽ kéo dài chỉ trong một thời gian cụ thể trong cuộc đời nhưng sẽ là một tiến trình liên tục. Cuộc sống có thể trở nên sáng tỏ hơn cho đến ngày hoàn toàn, khi chúng ta sẽ nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi và thấy rằng chúng ta đã trở thành giống như Ngài. Chúa đã mô tả cuộc hành trình này như sau: “Những gì của Thượng Đế đều là ánh sáng; và kẻ nào nhận được ánh sáng, và bền lòng nơi Thượng Đế, thì sẽ nhận được thêm ánh sáng; và ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn” (GLGƯ 50:24).

Tôi hứa với các anh chị em rằng mỗi người chúng ta đều có thể nhận được điều đó.