Podcast số 427 – Trang Mạng tháng 12, 2024 – Chúng Ta Có Niềm Hy Vọng – Wai Hung Mak

Bài của Anh Cả Wai Hung Mak thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Khi tôi còn là một cậu bé, Giáng Sinh không có ý nghĩa gì nhiều đối với tôi, vì tôi không biết Chúa Giê Su Ky Tô là ai và Ngài đã làm gì cho chúng ta.

Tất cả những gì tôi biết là có một ông già Noel đã mang quà cho trẻ em vào đêm Giáng Sinh. Vào buổi sáng hôm sau, tôi nhận ra rằng đây chỉ là một câu chuyện đẹp đẽ được tưởng tượng ra, nhưng nó vẫn là sự tưởng tượng và hy vọng hàng năm. Suy cho cùng, điều này đã xảy ra trong thời đại nghèo đói và khan hiếm vật chất.

Nhưng khi lớn lên, tôi nhận ra rằng Giáng Sinh còn có nhiều ý nghĩa nhiều hơn là những món quà. Qua việc trở thành một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi đã học được rằng thay vì những điều đó thì Giáng Sinh là khoảng thời gian về lòng sẻ chia, sự hân hoan, tình yêu thương, lòng trắc ẩn, lòng biết ơn và lòng bác ái. Vì chính trong tinh thần thực sự của Giáng Sinh mà Cha Thiên Thượng của chúng ta, trong tình yêu thương thiêng liêng của Ngài, đã ban cho chúng ta Vị Nam Tử yêu quý của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, như là một ân tứ vì sự an lạc của tất cả nhân loại.

Lời dạy của Chủ Tịch Nelson rất quan trọng: “Niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung của cuộc sống chúng ta. Khi điểm tập trung của cuộc sống chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô cùng phúc âm của Ngài, … thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình. Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài. Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi niềm vui.” (Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh”, Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 84.)

Qua sự giáng sinh của Ngài, chúng ta được bảo đảm rằng niềm hy vọng và hòa bình đều có thể đạt được. Chỉ qua Ngài mà chúng ta mới có thể khám phá ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống, kiên cường khi đối mặt với những thử thách, và đạt được những giải pháp hòa bình cho những thử thách và gian khổ của thế gian này. Tình yêu thương của Chúa và lòng thương xót của Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi nhiều hình thức gian ác và tà ác trên thế gian. Nơi nào Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh, thì hy vọng được sinh ra. Nơi nào Chúa Giê Su Ky Tô được sinh ra, thì hòa bình và tình yêu thương được sinh ra, và nơi nào hòa bình và tình yêu thương được sinh ra, thì không còn chỗ cho hận thù, gian ác, ý nghĩ xấu xa, tin đồn về các cuộc chiến và chiến tranh. Sự hiểu biết này mang lại sự sống và hy vọng cho thế giới. Chúa Giê Su Ky Tô đến để giải cứu, để cứu rỗi, để chữa lành, và làm cho loài người được đẹp lòng với Thượng Đế (Ê Sai 61:1; Lu Ca 4:17–21). Đó là điều mang đến niềm vui lớn lao!

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tiếp tục giảng dạy thế giới về sự ra đời của Đấng Ky Tô đã mang lại sự sống và hy vọng cho thế giới như thế nào. Một sáng kiến như vậy là “Thắp Sáng Thế Gian”. Trọng tâm của sáng kiến này là nhằm nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự giáng sinh của Đấng Ky Tô bằng cách chia sẻ những sứ điệp đầy soi dẫn hàng ngày về Đấng Cứu Rỗi, mang niềm vui đến cho một người nào đó mỗi ngày trong tháng Mười Hai. Một hoạt động quan trọng khác là “Các Đại Hội Củng Cố Gia Đình”, tập trung vào việc gắn kết các gia đình qua niềm hy vọng nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy rằng “Chúa Giê Su Ky Tô là sự sáng của thế gian vì Ngài là nguồn ánh sáng ‘từ nơi hiện diện của Thượng Đế chiếu ra để làm tràn ngập khoảng mênh mông của không gian’ (GLGƯ 88:12). Sự sáng của Ngài là ‘sự sáng thật soi sáng cho mọi người sinh ra ở thế gian này’ (GLGƯ 93:2). Đây là sự sáng thúc đẩy sự hiểu biết của chúng ta (GLGƯ 88:11). Đó là ‘sự sáng mà nhờ đó [chúng ta] có thể xét đoán’ (Mô Rô Ni 7:18). ‘Nó được ban cho mọi người, để họ có thể biết phân biệt được thiện và ác’ (Mô Rô Ni 7:16).

Chủ Tịch Oaks nói tiếp: “Chúa Giê Su Ky Tô là sự sáng của thế gian vì tấm gương và những lời giảng dạy của Ngài soi sáng con đường chúng ta nên bước đi để trở về nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng. Trước khi Chúa Giê Su giáng sinh, Xa Cha Ri đã tiên tri rằng Chúa Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên sẽ đến viếng thăm dân Ngài “để soi những kẻ ngồi chỗ tối tăm và trong bóng sự chết, cùng đưa chân [họ] đi đường bình an”. (Lu Ca 1:79) (Dallin H. Oaks, ” The Light and Life of the World”, Liahona, tháng Mười năm 1987, trang 63)

Sống mà không có hy vọng tức là không còn sống nữa!

Niềm hy vọng sống này là niềm hy vọng và lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu (Tít 1:2) qua Chúa Giê Su Ky Tô, “sự trông cậy chúng ta” (1 Ti Mô Thê 1:1). Chúng ta có niềm hy vọng vì Chúa Giê Su đã đến như một người trần thế, đã sống, đã chết và đã sống lại.

Cầu xin cho Giáng Sinh này sẽ là một mùa để cho đi, thay vì nhận lấy! Chúng ta hãy là bàn tay của Đấng Cứu Rỗi để nâng đỡ, khích lệ, và làm tràn đầy tấm lòng với niềm hy vọng, tình yêu thương, lòng bác ái, sự phục vụ và tình đoàn kết! Cầu xin cho hành động của chúng ta sẽ diễn tả ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh và tập trung vào Chúa Giê Su, Đấng đã sinh ra ở Bết Lê Hem để cứu chúng ta. Tôi làm chứng rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, là sự sáng và sự sống của thế gian.

Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.