Podcast số 388 – Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ tháng 3, 2024 – Khi Nào Tôi Sẽ Ngừng Cảm Thấy Tội Lỗi và Hỗ Thẹn – Kyla Kaye Hill

Bài của Chị Kyla Kaye Hill làm việc tại Các Tạp Chí Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Khi làm điều gì đó sai, các bạn có thể có những suy nghĩ thoáng qua trong đầu rằng mình là kẻ thất bại. Rằng lẽ ra các bạn nên biết rõ hơn. Rằng các bạn không xứng đáng để được yêu thương.

Trong sâu thẳm, bạn biết rằng không có điều nào trong số đó là sự thật cả. Các bạn đã học được về giá trị của mình với tư cách là con trai hay con gái của Thượng Đế, và các bạn biết rằng sự hối cải là có thật và có thể thực hiện được. Nhưng dù vậy, sau khi đã phạm tội hoặc làm điều lầm lỗi, các bạn có thể bị cám dỗ để tự trừng phạt mình nhiều hơn bất kỳ ai khác với những ý nghĩ tội lỗi và hổ thẹn.

Ngay cả một số nhân vật yêu thích trong thánh thư của chúng ta đôi khi cũng cảm thấy như vậy.

Ngay cả Nê Phi sao?

Sau khi viết về sự qua đời của cha mình, Nê Phi đã viết. “Tuy nhiên, mặc dù với tấm lòng nhân từ bao la của Chúa, khi cho tôi thấy những công việc vĩ đại và kỳ diệu của Ngài, nhưng lòng tôi cũng không khỏi thốt nên lời: Ôi, khốn thay cho thân tôi! Phải, lòng tôi sầu khổ vì xác thịt của tôi; tâm hồn tôi phiền não vì những sự bất chính của tôi. Tôi bị bao vây bởi những cám dỗ và những tội lỗi, chúng đã quấy nhiễu tôi một cách quá dễ dàng. Và mỗi khi tôi muốn được hoan hỉ thì tim tôi lại rên rỉ vì những tội lỗi của tôi” (2 Nê Phi 4:17–19).

Đây chính là Nê Phi mà chúng ta đang nói đến—cũng chính là người đã lấy lại các bảng khắc bằng đồng từ La Ban, làm một cây cung mới trong vùng hoang dã, và đóng một chiếc tàu khi mà ông chưa từng đóng một chiếc tàu nào khác trước đây. Ông đã có một chứng ngôn về lòng nhân từ của Chúa; mặc dù vậy, ông đã cảm thấy không xứng đáng vì những tội lỗi và yếu kém của mình.

Vậy thì chúng ta phải làm gì đây? Nếu vị anh hùng trong Sách Mặc Môn của chúng ta đã vật lộn với những cảm nghĩ tội lỗi và không xứng đáng, thì chúng ta có thể làm gì khi cũng cảm thấy giống như vậy?

Bí Quyết Là Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô

Câu chuyện của Nê Phi không dừng lại ở đó. Bí quyết của Nê Phi là chuyển sự tập trung của ông vào bản thân mình sang tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong lúc Nê Phi đang than khóc, ông nói: “Tuy nhiên, tôi biết mình đã đặt lòng tin cậy nơi ai rồi. Thượng Đế của tôi là nơi nương tựa của tôi” (2 Nê Phi 4:19–20).

Sau sự thay đổi này trong ý nghĩ, người anh hùng trong thánh thư của chúng ta không còn tập trung vào nỗi đau khổ mà ông cảm thấy từ những sai lầm của mình nữa. Thay vì thế, ông vui mừng trong Đấng Cứu Rỗi của mình! Nê Phi nói, “Hãy vui lên, hỡi tâm hồn của ta, và hãy kêu cầu Chúa rằng: Hỡi Chúa, con sẽ ca ngợi Ngài mãi mãi; phải, linh hồn con sẽ hoan lạc trong Ngài, là Thượng Đế, là tảng đá cứu rỗi của con” (2 Nê Phi 4:30).

Giống như Nê Phi, các bạn có thể tìm thấy lòng thương xót, sự tha thứ, và bình an qua Chúa Giê Su Ky Tô. Có thể các bạn không cảm thấy mình có thể ban ân điển cho mình, nhưng có một Đấng sẽ làm điều đó. Anh Cả Jeffery R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Ân điển của Đấng Ky Tô ban cho chúng ta không chỉ là sự cứu rỗi khỏi buồn phiền và tội lỗi cùng cái chết mà còn là sự cứu rỗi khỏi sự tự chỉ trích dai dẳng.”1

Vậy nên, khi các bạn cảm thấy quá chán nản đến nỗi không thấy một cách thức nào để vượt qua tội lỗi và sai lầm của mình, thì hãy biết rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô chưa bao giờ ngừng yêu thương các bạn. Hãy tập trung vào Đấng Cứu Rỗi của các bạn, và Ngài có thể giúp các bạn vượt qua cả tội lỗi lẫn cảm giác tội lỗi của mình.

“Đôi khi chúng ta không biết làm thế nào để tiến về phía trước sau khi làm sai điều gì đó. Vậy nên, chúng ta hãy giống như Nê Phi, ông đã tìm thấy tình yêu thương, sự bình an và sự tha thứ qua Chúa Giê Su Ky Tô. Con đường của Chúa Giê Su Ky Tô là con đường đúng đắn duy nhất để đi theo.”

Corena U., 14 tuổi, Auckland, New Zealand