Podcast: Play in new window | Embed
Một cách diễn đạt ngắn gọn về mục đích của cuộc sống chúng ta có thể được tìm thấy trong những lời giảng dạy của tiên tri Lê Hi về sự khởi đầu của cuộc sống con người trên thế gian. Trong Vườn Ê Đen, A Đam và Ê Va sống trong một trạng thái ngây thơ. Nếu họ vẫn ở trong tình trạng đó, thì họ sẽ không có sự vui sướng, vì họ đâu biết sự khổ sở, họ không làm điều gì lành, vì họ đâu biết thế nào là tội lỗi” (2 Nê Phi 2:23). Do đó, như Lê Hi đã giải thích: “A Đam sa ngã để loài người sinh tồn, và loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi2:25, xin xem thêm Môi Se 5:10–11).
Khi lớn lên trong một thế giới sa ngã, chúng ta học được sự khác biệt giữa điều thiện và điều ác qua những gì chúng ta được giảng dạy và những kinh nghiệm chúng ta trải qua. Chúng ta “nếm mùi cay đắng, để [chúng ta] có thể hiểu giá trị của điều thiện” (Môi Se 6:55). Niềm vui đến khi chúng ta bỏ đi điều cay đắng và càng ngày càng trân quý và bám chặt vào điều thiện.
Tìm Kiếm Niềm Vui
Vì tình yêu thương hoàn hảo của Ngài dành cho chúng ta, nên Cha Thiên Thượng thiết tha chia sẻ niềm vui trọn vẹn của Ngài với chúng ta, cả bây giờ lẫn trong thời vĩnh cửu. Đó là động cơ thúc đẩy của Ngài trong mọi điều từ lúc ban đầu, kể cả trong kế hoạch hạnh phúc vinh quang của Ngài và việc hy sinh Con Trai Độc Sinh của Ngài để cứu chuộc chúng ta.
Thượng Đế không cố gắng áp đặt niềm vui hay hạnh phúc lên chúng ta, nhưng Ngài dạy chúng ta cách tìm thấy điều đó. Ngài cũng cho chúng ta biết nơi nào không thể tìm thấy được niềm vui—vì “sự tà ác [không phải và] có bao giờ là hạnh phúc đâu” (An Ma 41:10). Chính là qua các lệnh truyền của Ngài mà Cha Thiên Thượng của chúng ta mặc khải cho chúng ta con đường dẫn đến niềm vui.
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mô tả niềm vui theo cách này:
“Nhưng đây là lẽ thật vĩ đại: trong khi thế gian khăng khăng cho rằng quyền lực, của cải, sự nổi tiếng và thú vui xác thịt mang lại hạnh phúc, thì không phải vậy! Không thể như vậy! Điều mà các thứ này mang đến chỉ là một sự thay thế trống rỗng cho ‘trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế’ [Mô Si A 2:41].
“Sự thật là điều đó còn gây mệt mỏi hơn nhiều khi tìm kiếm hạnh phúc ở nơi mà anh chị em không bao giờ có thể tìm thấy nó! Tuy nhiên, khi anh chị em gánh ách của mình với Chúa Giê Su Ky Tô và làm công việc thuộc linh cần thiết để thắng thế gian, thì Ngài, và chỉ một mình Ngài, mới có quyền năng để nâng anh chị em lên khỏi những cám dỗ của thế gian này.”1
Do đó, niềm vui lâu dài được tìm thấy trong việc tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, và các giáo lệnh của Thượng Đế được tìm thấy trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nhưng đó là sự chọn lựa của chúng ta. Nếu trong sự yếu kém của mình, chúng ta thất bại trong một thời gian để tuân giữ các lệnh truyền, thì chúng ta vẫn có thể quay lại, bỏ đi điều cay đắng, và một lần nữa theo đuổi điều thiện. Tình yêu thương của Thượng Đế không bào chữa cho tội lỗi—vì nếu vậy, lòng thương xót sẽ cướp đi công lý—nhưng qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô ban cho sự cứu chuộc khỏi tội lỗi:
“A Mu Léc … đã nói rằng: Chúa chắc chắn sẽ đến để cứu chuộc dân Ngài, nhưng Ngài sẽ không đến để cứu chuộc họ trong tội lỗi của họ, mà để cứu chuộc họ khỏi tội lỗi của họ.
“Và Ngài được Đức Chúa Cha ban cho quyền năng để cứu chuộc họ khỏi tội lỗi của họ nhờ sự hối cải; do đó Ngài đã phái các thiên sứ đi rao truyền tin mừng về những điều kiện hối cải, là những điều kiện dẫn đến quyền năng của Đấng Cứu Chuộc và dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn họ” (Hê La Man 5:10–11; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Chúa Giê Su phán:
“Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.
″Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta ở trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn” (Giăng 15:10-11).
Đây là điều Lê Hi đã cảm thấy trong giấc mơ của ông khi ông nếm trái của cây sự sống—mà tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế. Ông nói: “Khi ăn trái cây ấy, nó làm cho tâm hồn cha chan hòa một niềm hân hoan cực độ” (1 Nê Phi 8:12, xin xem thêm 11:21–23).
Lê Hi cũng đã mặc khải một cách thứ hai mà chúng ta có thể mang niềm vui vào cuộc sống của mình khi ông nói: “Vậy nên, cha bèn muốn cho cả gia đình mình cũng được nếm trái ấy” (1 Nê Phi 8:12).
Giúp Người Khác Tìm Thấy Niềm Vui
Giống như dân của Vua Bên Gia Min, chúng ta “tràn đầy hân hoan” khi nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình và có được “sự yên ổn trong lương tâm” (Mô Si A 4:3). Chúng ta cảm thấy điều đó một lần nữa khi nhìn ra bên ngoài và tìm cách giúp những người trong gia đình và những người khác nhận được cùng niềm vui và sự bình an đó.
Khi còn trẻ, An Ma đã tìm kiếm hạnh phúc trong những điều trái ngược với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau khi bị một thiên sứ khiển trách, ông đã chuyển từ trạng thái “cay đắng” sang “thiện [lành]” nhờ biết hối cải “lúc hầu như gần kề sự chết” (Mô Si A 27:28) và ân điển dồi dào của Đấng Cứu Rỗi. Nhiều năm sau, An Ma hân hoan tuyên bố với con trai Hê La Man của ông:
“Và ô kìa, sự vui mừng biết bao, và cha đã được trông thấy một ánh sáng kỳ diệu làm sao; phải, tâm hồn cha tràn đầy nỗi vui mừng quá lớn lao chẳng khác chi sự đau đớn mà cha đã trải qua vậy. …
“Phải, và từ đó đến giờ, cha đã lao lực không ngừng, để cha có thể mang nhiều linh hồn đến sự hối cải; để cha có thể mang họ đến để nếm được nỗi vui mừng khôn tả như cha đã được nếm qua. …
“Phải, và giờ đây, này, hỡi con trai của cha, Chúa đã ban cho cha một niềm vui quá lớn nhờ thành quả của bao công lao của cha.
“Vì nhờ lời của [phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô] mà Ngài đã ban phát cho cha, này, nên có nhiều người đã được Thượng Đế sinh ra, và đã nếm được như cha đã được nếm qua” (An Ma 36:20, 24–26).
Vào một dịp khác, An Ma đã làm chứng:
“Đây là sự khoe khoang của tôi, mà nhờ đó tôi có thể trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế để đem một linh hồn nào đó tới sự hối cải; và đó là điều vui mừng của tôi vậy.
“Và này, khi tôi trông thấy nhiều đồng bào của tôi thực sự biết ăn năn, và đến với Chúa, Thượng Đế của họ, thì tâm hồn tôi tràn ngập nỗi vui mừng” (An Ma 29:9–10).
An Ma tiếp tục bộc lộ niềm vui tràn ngập mà ông cảm thấy khi những người khác thành công trong việc mang những linh hồn đến cùng Đấng Ky Tô:
“Nhưng không phải tôi chỉ vui mừng cho sự thành công của riêng tôi, mà niềm vui của tôi lại càng được trọn vẹn hơn nhờ sự thành công của các anh em tôi [các con trai của Mô Si A] khi họ lên xứ Nê Phi.
“Này, họ đã lao nhọc quá nhiều, và đã đem lại rất nhiều thành quả; và phần thưởng của họ sẽ lớn lao biết bao!
“Giờ đây, mỗi khi tôi nghĩ tới sự thành công của các anh em tôi, thì tâm hồn tôi lại quá hân hoan sung sướng đến độ dường như nó rời xa khỏi thể xác tôi, như vậy là sự vui sướng của tôi thật lớn lao vô cùng” (An Ma 29:14–16).
Chúng ta có thể tìm thấy niềm vui đó khi chúng ta yêu thương người khác với “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:47; xin xem thêm câu 48), chia sẻ lẽ thật phục hồi với họ, và mời họ quy tụ với dân giao ước.
Niềm Vui Giữa Cơn Hoạn Nạn
Chúng ta không nên e sợ rằng những khó khăn và thử thách mà chúng ta chắc chắn phải đối phó trên trần thế sẽ ngăn cản hoặc hủy diệt niềm vui của chúng ta. An Ma là một trong những người vì phục vụ vô vị kỷ cho những người khác mà phải trả giá đắt. Ông bị cầm tù, trong một thời gian dài chịu đói khát, bị đánh đập, bị đe dọa mạng sống, và nhiều lần bị chế giễu và bị chối bỏ. Tuy nhiên, tất cả đều “bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô” (An Ma 31:38). Có lẽ nỗi đau khổ của An Ma đã làm cho niềm vui theo sau đó còn lớn lao hơn nữa.
Chủ Tịch Nelson nhắc nhở chúng ta rằng niềm vui đóng một vai trò trong nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi—“vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, [Ngài] chịu lấy thập tự giá” (Hê Bơ Rơ 12:2).
“Hãy suy nghĩ về điều đó! Để chịu đựng được kinh nghiệm cay nghiệt nhất mà chưa người nào trên thế gian từng phải chịu đựng như vậy, Đấng Cứu Rỗi đã tập trung vào niềm vui!
“Và sự vui mừng đã đặt trước mặt Ngài là gì? Chắc chắn sự vui mừng đó gồm có niềm vui thanh tẩy, chữa lành, và củng cố chúng ta; niềm vui của việc chuộc trả tội lỗi của tất cả những người sẽ hối cải; niềm vui mà làm cho anh chị em và tôi có thể trở về nhà—trong sạch và xứng đáng—để sống với Cha Mẹ Thiên Thượng và gia đình của mình.
“Nếu chúng ta tập trung vào niềm vui mà sẽ đến với mình, hoặc với những người mình yêu thương, thì chúng ta có thể chịu đựng điều gì mà hiện tại dường như quá sức chịu đựng, đau đớn, sợ hãi, không công bằng, hoặc đơn giản là không thể thực hiện được không?2
“Để chịu đựng được kinh nghiệm cay nghiệt nhất mà chưa người nào trên thế gian từng phải chịu đựng như vậy, Đấng Cứu Rỗi đã tập trung vào niềm vui!”
Chủ Tịch Russell M. Nelson
Niềm vui lâu dài sẽ đến khi chúng ta kiên trì trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và giúp những người khác cũng làm như vậy. Niềm vui lâu dài sẽ đến khi chúng ta ở trong tình yêu thương của Thượng Đế, tuân theo các giáo lệnh của Ngài và tiếp nhận ân điển của Đấng Cứu Rỗi. Trên con đường phúc âm, có niềm vui trong cuộc hành trình cũng như niềm vui vào cuối chặng đường. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là con đường của niềm vui hằng ngày.