Podcast: Play in new window | Embed
Cha tôi mất vì bệnh ung thư khi tôi được 4 tuổi. Tôi lớn lên tự hỏi tại sao ông phải chết. Tôi nghi ngờ Thượng Đế và thắc mắc tại sao cuộc sống lại quá bất công. Mười năm sau, khi tôi 14 tuổi, tôi đã gặp những người truyền giáo. Khi họ giảng dạy chúng tôi, mẹ tôi cảm thấy rằng họ đang giảng dạy lẽ thật và chúng tôi nên lắng nghe. Khi chúng tôi gia nhập Giáo Hội, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và một sự thấu hiểu về kế hoạch cứu rỗi đã đến với cuộc sống tôi vào lúc mà tôi thực sự cần nó nhất.
Về sau, khi tôi được làm lễ gắn bó với cha mẹ tôi trong đền thờ, mẹ tôi thì thầm với tôi: “Mẹ cảm thấy sự hiện diện của cha con.” Khi tôi nghĩ về các phước lành của việc được làm lễ gắn bó, tôi biết rằng Chúa biết rõ gia đình tôi và rằng Ngài thường xuyên ở bên chúng tôi, thậm chí khi chúng tôi không nhận thấy.
Anh chị em đã bao giờ tự hỏi liệu Đấng Cứu Rỗi có biết rõ mình không? Ngài có biết về những nỗi vất vả và lo âu của anh chị em không? Ngài sẽ nói gì với anh chị em nếu anh chị em có thể cùng đi và trò chuyện với Ngài?
Ngài Đã Cùng Đi với Họ
Ba ngày sau khi Chúa Giê Su Ky Tô chết, hai trong số các môn đồ của Ngài đang đi trên con đường đến làng Em Ma Út, cách Giê Ru Sa Lem khoảng bảy dặm (12 km). Họ đang mải mê với những suy nghĩ và lo lắng của riêng mình, thì họ được một người lạ mặt tháp tùng.
Người lạ mặt hỏi: “Các ngươi đương đi đường, nói chuyện gì cùng nhau … [và] buồn bực lắm [vậy]?”
Các môn đồ kể về các sự kiện mới đây về “[Chúa Giê Su] ở Na Xa Rét.” Họ tin rằng Chúa Giê Su đã đến để cứu chuộc Y Sơ Ra Ên, nhưng Ngài đã bị kết tội đầy bất công và bị đóng đinh. Họ cũng nói rằng những người biết rõ Đấng Ky Tô nhất nói rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết.
Người lạ mặt nói với họ rằng họ “có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói.” Người ấy xem lại những điều thánh thư dạy và cách Đấng Ky Tô đã làm ứng nghiệm lời tiên tri. Điều này đã khiến các môn đồ tràn ngập niềm vui.
Khi họ đến tới Em Ma Út, các môn đồ đã yêu cầu người lạ mặt hãy “xin ở lại với [họ].” Trong bữa tối, người lạ mặt ban phước bánh và bẻ bánh ra. Bỗng nhiên, các môn đồ nhận ra rằng người lạ mặt không hề lạ mặt gì hết mà chính là Đấng Cứu Rỗi! (Xin xem Lu Ca 24:13–32.)
Ngài Ở Cùng Chúng Ta
Chúng ta có thể tự hỏi tại sao hai môn đồ không biết Đấng Cứu Rỗi đã bước đi cùng họ. Vậy mà có bao lần chúng ta không hiểu được rằng Ngài bước đi cùng chúng ta? Chúng ta thường quá tập trung vào những thử thách, và thậm chí cả niềm vui, trong cuộc sống hằng ngày của mình đến mức chúng ta không thấy rằng Đấng Cứu Rỗi đang ở bên cạnh chúng ta.
Chúng ta có thể không thấy được cách Ngài ở lại với chúng ta, cố gắng với chúng ta, lao nhọc cùng chúng ta, và than khóc cùng chúng ta. Thậm chí trong những khoảnh khắc buồn khổ nhất, nếu chúng ta để ý, chúng ta có thể cảm thấy Ngài ở bên chúng ta và nghe thấy lời Ngài: “Hãy yên lặng, và biết rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 46:10, sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 101:16).
Con Đường của Riêng Cá Nhân Chúng Ta
Mỗi chúng ta đều có một mục đích để đạt được trong cuộc sống này. Đôi khi trong cuộc hành trình của mình, chúng ta có thể phải đối mặt với bệnh tật hoặc chúng ta có thể phải vận lộn với những nhược điểm riêng của mình. Chúng ta có thể có vấn đề về tiền bạc hoặc những thử thách đến từ sự thành công, giàu có, và kiêu ngạo.
Khi chúng ta hành trình trên con đường của riêng mình đến Em Ma Út, chúng ta không bao giờ bước đi một mình. Chúng ta có thể mời Đấng Cứu Rỗi ở lại với chúng ta. Đây là năm sinh hoạt đơn giản mà sẽ giúp chúng ta đến gần Ngài hơn.
1. Cầu Nguyện Mỗi Ngày
Cầu nguyện nên được ưu tiên trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện có thể giúp chúng ta nhận được sự đồng hành và chỉ dẫn của Cha Thiên Thượng. Chúng ta có thể cầu xin có được sức mạnh để noi theo Vị Nam Tử của Ngài và có được quyền năng của Thánh Linh, đặc biệt là trong những lúc khi ý nghĩ của chúng ta có thể khiến chúng ta phạm tội.
Thiếu niên Joseph Smith, khi đang khẩn cầu Thượng Đế trong lời cầu nguyện, đã tìm thấy kẻ nghịch thù đang cố gắng ngăn cản mình (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:16). Giống như Joseph, chúng ta cần phải kiên trì cầu nguyện và tin cậy rằng Cha Thiên Thượng không bao giờ chán nghe chúng ta. Ngài sẽ giúp chúng ta hiểu kỳ định của Ngài và câu trả lời của Ngài.
2. Nuôi Dưỡng Lời Trong Thánh Thư
Đấng Cứu Rỗi nêu gương cho chúng ta bằng cách học thánh thư. Ngài thường xuyên trích dẫn trong thánh thư trong khi Ngài giảng dạy. Việc học thánh thư thường xuyên giúp chúng ta có đầu óc trong sáng và cởi mở, tấm lòng dễ thụ cảm mà trân quý lời của Thượng Đế, và bàn tay sẵn sàng để phục vụ.
Khi chúng ta học thánh thư, Thánh Linh có thể làm tràn ngập chúng ta với ước muốn để làm điều thiện. Thánh thư giúp chúng ta xem xét sự việc với một quan điểm vĩnh cửu mà mắt thường của chúng ta không thấy được. Thánh thư giúp chúng ta nhận biết nhu cầu của những người xung quanh. Chúng ta sẽ được ban phước noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi để an ủi những ai cần được an ủi (xin xem Mô Si A 18:8–9). Rồi khi chúng ta đối phó với những công việc trong ngày, chúng ta sẽ không bao giờ đơn độc. Đấng Cứu Rỗi sẽ đi cùng chúng ta từng bước một.
3. Noi Theo Các Vị Tiên Tri Tại Thế
Chúng ta cần tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, và các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải khác. Rồi chúng ta sẽ thấy rằng đường đến Em Ma Út của chúng ta sẽ được an toàn và rõ ràng. Họ sẽ an toàn chỉ dẫn chúng ta và giúp đỡ chúng ta biết được Đấng Cứu Rỗi đang ở cùng chúng ta.
4. Mời Ngài ở Bên Cạnh
Khi chúng ta học về Chúa Giê Su Ky Tô và khi chúng ta tuân theo các lệnh truyền của Ngài, chúng ta mời Đấng Cứu Rỗi ở cùng chúng ta. Chúng ta học cách nhận ra ảnh hưởng của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.
Hai môn đồ trên đường đến Em Ma Út đã đi cùng với Đấng Cứu Rỗi, trò chuyện với Ngài, và cảm thấy tâm can của họ hừng hực (xin xem Lu Ca 24:32). Lời khẩn nài của họ lên Ngài: “Xin ở với chúng tôi” (Lu Ca 24:29), cũng nên là lời khẩn nài của chúng ta.
Khi các môn đồ nhận ra Đấng Cứu Rỗi, bỗng nhiên Ngài biến mất khỏi tầm nhìn của họ. Các môn đồ lập tức trở về Giê Ru Sa Lam và làm chứng với các Vị Tiên Tri rằng Đấng Cứu Rỗi đã sống lại. Trong khi họ làm chứng, Chúa một lần nữa đã “đứng giữa họ” (Lu Ca 24:36). Chúng ta cũng có thể cảm nhận được Ngài khi Ngài đang ở giữa chúng ta.
5. Thường Xuyên Tái Lập Các Giao Ước
Các giáo lễ và giao ước của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể thay đổi bản chất chúng ta. Chủ Tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói: “Sự thờ phượng và áp dụng các nguyên tắc vĩnh cửu mang chúng ta đến gần Thượng Đế hơn và làm vinh hiển khả năng của chúng ta để yêu thương.”1 Ví dụ, phép báp têm cho phép Chúa thanh tẩy chúng ta. Thậm chí nếu chúng ta trung tín và vâng lời, các giao ước và giáo lễ đền thờ chuẩn bị cho chúng ta một ngày nào đó sống trong sự hiện diện của cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.
Tiệc Thánh giúp chúng ta ghi nhớ và cho phép chúng ta tái lập các giao ước của mình, để hối cải và thử lại. Khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh, chúng ta biểu lộ sự sẵn lòng của chúng ta để mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô và tái cam kết để tưởng nhớ đến Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Sau đó chúng ta được hứa rằng Thánh Linh của Ngài sẽ luôn luôn ở cùng với chúng ta. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79.) Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ các giáo lễ và các giao ước mà chúng ta đã lập.
Đấng Cứu Rỗi Sẽ Ở Gần Kề
Trên con đường của riêng chúng ta đến Em Ma Út, Đấng Cứu Rỗi đầy nhân từ mời chúng ta đến cùng Ngài và vui vẻ trong Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện mỗi ngày, nuôi dưỡng lời trong thánh thư, noi theo các vị tiên tri tại thế, mời Ngài ở cùng chúng ta, và lái lập cùng tôn trọng các giao ước của chúng ta, Ngài sẽ ở gần chúng ta. Rồi chúng ta sẽ tiến đến việc biết, giống như các môn đồ trên đường đến Em Ma Rút đã tiến đến việc biết rằng, Chúa Giê Su Ky Tô đã sống lại và rằng Ngài thật sự hằng sống và yêu thương chúng ta.
Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngài tha thiết muốn ở bên chúng ta và an toàn chỉ dẫn chúng ta trên con đường của chúng ta.