Podcast số 312 – Liahona tháng 5, 2003 – Tôi Có Thể Cầu Nguyện lên Cha Thiên Thượng Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Nơi Đâu – Sidney S. Reynolds

Bài của chị Sydney S. Reynolds, Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi vào năm 2003 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Tôi biết rằng chúng ta có thể cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, và tôi rất biết ơn là chúng ta có thể làm điều đó.

Các em thân mến của tôi, các em có thể nghĩ về lần cuối trước đây mà các em đã nhận được câu trả lời cho những lời cầu nguyện của các em không? Đó là lúc các em đánh mất một vật gì đó chăng? Đó là lúc mà các em đang sợ hãi chăng? Có thể lúc các em đang bệnh hay một người nào đó mà các em yêu mến bị bệnh. Tôi, cũng vậy, đã cầu nguyện trong những lúc đó.

Các em đang ở đâu khi các em cầu nguyện lần cuối trước đây? Tôi đã cầu nguyện ở nhiều nơi. Tôi đã cầu nguyện trên bãi biển, trên núi, ở nhà thờ, trong sân chơi. Tôi đã cầu nguyện trong nhà mình, trên phi cơ và tại bệnh viện. Tôi biết rằng tôi có thể cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Tôi biết Ngài lắng nghe lời tôi.

Để tôi kể cho các em nghe một câu chuyện về hai đứa trẻ—một bé trai khoảng sáu tuổi và một bé gái mới được bảy tuổi. Vào một ngày hè nóng nực nọ, hai em này đi chơi với người cha của hai em trong chiếc xe Jeep cũ của ông nội hai em. Họ lái xe trong một tiếng rưỡi, và chiếc xe Jeep bắt đầu có tiếng kêu kỳ lạ. Nó ngừng chạy hoàn toàn khi họ lái vào một cây xăng nơi thị trấn kế bên. Người thợ máy nói: “Chúng tôi có thể sửa được,” và ông chỉ cho họ đi bộ ngang qua thị trấn để đến một cửa tiệm bán đồ phụ tùng. Khi ở bên trong tiệm, hai em thấy rất nhiều đồ để nhìn, và hai em không thấy cha của hai em đi ra ngoài sau với người quản lý cửa tiệm. Hai em chỉ biết rằng hai em không thể thấy cha của mình được. Hai em nhìn ra ngoài và thấy một người đang đi dưới đường đội cái nón giống như cái nón của cha hai em.—Người ấy vừa đi rẽ vào một góc phố, nên hai em chạy theo sau la lên: “Cha! Cha!”

Đến lúc hai em biết được người ấy không phải là cha của mình thì hai em đã đi lạc. Hai em không thể tìm ra cửa tiệm, hai em không biết mình đang ở đâu, và hai em không quen biết một ai trong thành phố đó. Đứa bé gái muốn đi đường này; đứa bé trai nghĩ rằng hai em nên đi đường kia. Làm sao hai em có thể tìm được cha của mình, hoặc ít nhất chiếc xe Jeep? Đứa bé gái nói: “Chúng ta cần phải cầu nguyện.” Đứa bé trai cảm thấy ngượng ngùng về việc cầu nguyện nơi công cộng, nhưng sau khi hai em cầu nguyện xong, cả hai bắt đầu đi cùng một hướng. Hai em tìm ra cây xăng, bò vào ngoài sau chiếc xe Jeep của mình, và chờ đợi. Sau một khoảng thời gian ngắn—mà dường như là rất lâu đối với hai em—cha của các em đi đến. Ông cũng đã cầu nguyện là ông sẽ tìm ra hai em và tìm ra hai em một cách nhanh chóng.

Trong thánh thư có rất nhiều câu chuyện về sự đáp ứng cho lời cầu nguyện. Các em có nhớ những câu chuyện này không? Nê Phi được phán bảo cách thức đóng một chiếc tàu và tìm ra thức ăn ở đâu; Đa Ni Ên cầu nguyện để được che chở khỏi các con sư tử; Ê Nốt cầu nguyện nguyên ngày và đêm để các tội lỗi của ông được tha thứ; An Ne cầu xin để bà có thể có con. Câu chuyện ưa thích nhất của tôi trong số tất cả các câu chuyện về sự cầu nguyện là câu chuyện về một thiếu niên muốn biết một điều gì đó. Cậu muốn biết giáo hội nào chân chính mà cậu phải gia nhập. Bạn bè và gia đình của cậu đang tìm kiếm các giáo hội để gia nhập. Cậu không biết được giáo hội nào là chân chính. Cậu chỉ mới 14 tuổi.

Một ngày nọ, Joseph Smith đang đọc Kinh Thánh và đây là điều mà cậu đã đọc: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia Cơ 1:5). Đoạn thánh thư đó có tác động mạnh đối với cậu! Cậu chưa từng bao giờ cầu nguyện lớn tiếng trước đây, nhưng cậu cần một câu trả lời và cậu tin đoạn thánh thư ấy. Lòng đầy chân thành, cậu đi vào khu rừng gần nhà, và cậu quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện. Đây là một lời cầu nguyện thật quan trọng đến nỗi quyền lực bóng tối đe dọạ chế ngự người thiếu niên nhà nông trẻ tuổi và vững mạnh này, nhưng cậu đã kêu cầu Thượng Đế xin giúp đỡ. Trong khi cậu đang kêu cầu Thượng Đế thì một luồng ánh sáng hạ xuống và bóng tối tan biến. Joseph thấy hai nhân vật đứng trong luồng ánh sáng. Một vị trỏ tay vào vị kia mà phán cùng cậu rằng: “Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17). Đó là Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi tôi nghĩ đến câu chuyện đó, tôi nghĩ đến các con của tôi. Tất cả đều phục vụ truyền giáo ngoài Hoa Kỳ. Mỗi người trong số họ cần phải học hỏi một ngôn ngữ mới. Một trong những điều mà họ đã học hỏi để chia sẻ các ngôn ngữ mới của mình là câu chuyện về sự cầu nguyện của Joseph Smith. Tại sao họ phải học hỏi điều đó? Bởi vì những người mà họ giảng dạy cần phải biết rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su đã chọn Joseph Smith để làm vị tiên tri mà sẽ phục hồi phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian một lần nữa.  người ta cần phải biết rằng cũng giống như Joseph Smith đã nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của ông, họ có thể cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng và nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của họ. Ngài cũng sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của các em. Tôi biết rằng chúng ta có thể cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, và tôi biết ơn rất nhiều là chúng ta có thể làm được như thế.

Đây là chứng ngôn của tôi được đếm trên đầu ngón tay của bàn tay này:

  1. Tôi biết rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta.
  2. Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.
  3. Joseph Smith là tiên tri của Thượng Đế. Ông đã phiên dịch Sách Mặc Môn qua ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.
  4. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội của Chúa trên thế gian ngày nay.
  5. Vị tiên tri tại thế là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley.

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.