Podcast số 76 – Liahona tháng 12, 2015 – Dành Thời Gian cho Đấng Cứu Rỗi – Thomas S. Monson (1927-2018)

Một mùa lễ Giáng Sinh nữa sắp đến với chúng ta và chẳng bao lâu cũng sẽ bắt đầu một năm mới. Dường như là chỉ vừa mới hôm qua chúng ta kỷ niệm sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi và đặt ra các quyết tâm.

Trong số các quyết tâm của mình trong năm nay, chúng ta có quyết tâm để dành thời gian trong cuộc sống và dành ra chỗ trong lòng mình cho Đấng Cứu Rỗi không? Cho dù chúng ta có thể đã được thành công như thế nào đi nữa với một quyết tâm như vậy thì tôi cũng tin rằng tất cả chúng ta đều muốn làm tốt hơn. Mùa lễ Giáng Sinh này là thời điểm lý tưởng để xem xét và làm mới lại các nỗ lực của chúng ta.

Trong cuộc sống đầy bận rộn, khi luôn luôn có rất nhiều điều khác mà chúng ta cũng cần phải chú ý tới thì điều thiết yếu là chúng ta có một nỗ lực có ý thức, đầy cam kết để mang Đấng Ky Tô vào cuộc sống và vào nhà của chúng ta. Và điều thiết yếu là giống như Các Nhà Thông Thái từ phương Đông, chúng ta vẫn luôn luôn tập trung vào việc đi theo ngôi sao chỉ đường để tìm Ngài và “đến đặng thờ lạy Ngài.”1

Trong suốt lịch sử, sứ điệp từ Chúa Giê Su đều giống nhau. Ngài phán cùng Phi E Rơ và Anh Rê ở mé biển Ga Li Lê: “Các ngươi hãy theo ta.”2 Phi Líp được kêu gọi: “Hãy theo ta.”3 Người Lê Vi đang ngồi tthâu thuế nhận được chỉ thị: “Hãy theo ta.”4 Và cũng lời mời gọi đó sẽ đến với các anh chị em và tôi, nếu chúng ta chịu lắng nghe: “Đi cùng ta.”5

Khi đi theo chân Ngài ngày hôm nay và noi theo gương Ngài, thì chúng ta sẽ có cơ hội để ban phước cho cuộc sống của những người khác. Chúa Giê Su mời gọi chúng ta hy sinh bản thân mình: “Chúa đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí”6

Có một người nào đó mà các anh chị em nên phục vụ trong mùa lễ Giáng Sinh này không? Có người nào đang chờ được các anh chị em đến thăm không?

Cách đây nhiều năm, vào một mùa lễ Giáng Sinh, tôi đến thăm một bà lão góa. Trong khi tôi đang ở đó, thì chuông cửa reo. Một vị bác sĩ rất bận rộn và nổi tiếng đang đứng ở cửa. Vị bác sĩ này đã không được mời đến; thay vì thế, chỉ cảm thấy được thúc giục để đến thăm một bệnh nhân cô đơn.

Trong mùa lễ này, tấm lòng của những người không thể ra khỏi nhà đều vô cùng khao khát có được ai đó đến thăm vào dịp lễ Giáng Sinh. Trong khi đến thăm một trung tâm dưỡng lão vào một mùa lễ Giáng Sinh nọ, tôi ngồi nói chuyện với năm bà lão, người lớn tuổi nhất trong số đó là 101 tuổi. Bà bị mù, nhưng vẫn nhận ra tiếng nói của tôi.

Bà nói: “Thưa giám trợ, năm nay giám trợ đến hơi trễ đấy!” “Tôi đã tưởng là giám trợ sẽ không bao giờ đến nữa.”

Chúng tôi đã có một thời gian tuyệt vời bên nhau. Tuy nhiên, một bệnh nhân âu yếm nhìn ra ngoài cửa sổ và lặp đi lặp lại: “Tôi biết là con trai tôi sẽ đến thăm tôi hôm nay.” Tôi tự hỏi người con trai đó có đến không, vì đã có nhiều mùa lễ Giáng Sinh khác người ấy đã không bao giờ đến.

Vẫn còn thời gian trong năm nay để dang rộng bàn tay giúp đỡ, tấm lòng yêu thương, và tinh thần sẵn sàng—Nói cách khác, là noi theo gương do Đấng Cứu Rỗi nêu lên và phục vụ như Ngài muốn chúng ta phục vụ. Khi phục vụ Ngài, chúng ta sẽ không bỏ mất cơ hội của mình như người chủ quán trọ thời xưa,7 để dành thời gian cho Ngài trong cuộc sống của chúng ta và chỗ cho Ngài trong tim chúng ta.

Chúng ta có thể hiểu được lời hứa tuyệt vời chứa đựng trong sứ điệp của vị thiên sứ đưa ra cho các mục đồng đang ở ngoài đồng: “Ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn. … Ấy là hôm nay … đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Đấng Ky Tô, là Chúa”?8

Khi chúng ta trao đổi quà vào lễ Giáng Sinh, cầu xin cho chúng ta ghi nhớ, biết ơn, và tiếp nhận ân tứ lớn nhất của tất cả các ân tứ—ân tứ của Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc để chúng ta có thể có được cuộc sống vĩnh cửu.

“Vì nó có ích lợi gì cho một người nếu một ân tứ được ban cho kẻ đó, và kẻ đó không chấp nhận ân tứ ấy? Này, kẻ đó không vui sướng với điều được ban cho và cũng chẳng vui với Đấng ban ân tứ cho mình.”9

Cầu xin cho chúng ta có thể noi theo Ngài, phục vụ Ngài, tôn vinh Ngài, và tiếp nhận trong cuộc sống của chúng ta các ân tứ Ngài ban cho chúng ta, để chúng ta có thể theo lời của Tổ Phụ Lê Hi: “được bảo bọc vĩnh viễn trong vòng tay thương yêu của Ngài.”10