Podcast số 69 – Liahona tháng 9, 2021 – Chúa Giê Su Ky Tô Thấu Hiểu Nỗi Đau mà Chúng Ta Cảm Thấy Xuất Phát từ Thành Kiến – Sonia N.

Tác giả sống ở Tỉnh Gauteng, Nam Phi.

Mục tiêu của tôi là nhìn nhận mọi người giống như Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận họ.

Tôi đã từng bị thành kiến hoặc bị phân biệt đối xử bằng cách này hay cách khác trong gần 20 năm.

Sau khi gia nhập Giáo Hội ở Mozambique, tôi chuyển đến Nam Phi. Đó là một quốc gia tuyệt đẹp, một trong những quốc gia thịnh vượng nhất ở Châu Phi. Vẻ đẹp của đất nước này nổi bật là nhờ sự đa chủng tộc của người dân và văn hóa giàu đẹp.

Nam Phi là một đất nước vẫn còn đang hồi phục khỏi một lịch sử bị lu mờ bởi nạn phân biệt chủng tộc. Mặc dù chế độ A-Pac-Thai (Apartheid) ở Nam Phi đã chính thức được bãi bỏ vào năm 1994, nhưng những vết thương từ chính sách trước đây về sự phân biệt chủng tộc do chính phủ thực hiện vẫn còn tồn tại.

Là một phụ nữ Da Đen người Mozambic Thánh Hữu Ngày Sau sống ở Nam Phi trong 18 năm qua, tôi đối phó với tình trạng phân biệt đối xử và bị loại trừ, thường được thể hiện bằng sự xúc phạm tinh vi. Tình trạng phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp, phân biệt bộ lạc, phân biệt giới tính, và chủ nghĩa bài ngoại là một vài ví dụ về nạn phân biệt mà xã hội này vẫn phải đối mặt. Có một điều gì đó bên trong con người thiên nhiên mà dường như muốn chia rẽ xã hội và làm chúng ta tin rằng việc trở nên khác biệt là không tốt.

Chúng Ta Cố Gắng để Làm Điều Gì

Các tín hữu Giáo Hội có dễ thiên về cách suy nghĩ này không? Nhất định rồi. Chúng ta đều cần phải cởi bỏ con người thiên nhiên trong nỗ lực suốt đời của mình để trở thành các thánh hữu qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô (xin xem Mô Si A 3:19).

Bất cứ khi nào con cái tôi và tôi cảm thấy bị cô lập, bị coi nhẹ, bị định kiến, hoặc bị xem là lập dị, thì chúng tôi về nhà và nói về điều đó. Chúng tôi nói: “Có chuyện gì vừa xảy ra vậy? Hãy giải quyết vấn đề này. Hãy nói về lý do tại sao người ta cư xử như thế.” Việc nói về vấn đề đó giúp kìm nén cảm giác nội tâm của chúng tôi.

Tôi cố gắng dạy cho con cái tôi rằng sự tốt lành của chúng ta được quyết định bằng cách chúng ta đối xử với những người bị gạt ra ngoài hoặc bị tẩy chay trong xã hội (xin xem Ma Thi Ơ 25:40). Điều đó có thể có nghĩa là tìm kiếm cách thức để tìm đến những người khác để chúng ta không loại trừ họ.

Tôi Cố Gắng Được Giống như Chúa Giê Su

Cũng khó khăn như một số kinh nghiệm, những bài học chúng tôi đang học đang làm cho con cái tôi trở thành người tốt hơn. Và tôi cũng thế. Những nỗi thất vọng của chúng tôi đã giúp chúng tôi phát triển lòng trắc ẩn và cảm thông đối với người khác.

Những kinh nghiệm với sự thành kiến mang đến cho tôi cơ hội để lựa chọn. Tôi sẽ mỉa mai và trả đũa, hay là tôi sẽ cho người đó không chỉ một cơ hội khác mà còn cơ hội thứ hai, thứ ba, và thứ tư nữa? Tôi sẽ coi xã hội là một nơi khủng khiếp, hay là tôi sẽ trở thành một ảnh hưởng mạnh mẽ cho sự thay đổi tích cực?

Đấng Cứu Rỗi cũng đương đầu với sự thành kiến vì Ngài là ai, những điều Ngài tin tưởng, và Ngài từ đâu tới (xin xem Giăng 1:46). Nhưng Ngài đã không đáp lại bằng bạo lực, tức giận, cay đắng, hay thù ghét. Ngài đã giảng dạy trái ngược với tất cả những điều này và hành động trong tình yêu thương và lẽ thật. Ngài dạy rằng uy quyền và ảnh hưởng có được là nhờ sự thuyết phục, sự nhịn nhục, sự hiền dịu, nhu mì, và tình thương yêu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:41). Ngài dạy rằng khi chúng ta bị xúc phạm, chúng ta hãy tìm đến người anh em của mình và cùng nhau giải hòa với nhau (xin xem Ma Thi Ơ 18:15). Ngài dạy chúng ta phải cầu nguyện cho kẻ bắt bớ chúng ta (xin xem Ma Thi Ơ 5:38–48). Và khi Ngài bị xét xử một cách bất công và bị treo trên thập tự giá cho đến chết, Ngài dạy chúng ta hãy tha thứ (xin xem Lu Ca 23:34).

Cuối cùng, chính là tình yêu thương của Ngài mà sẽ thay đổi chúng ta và thế giới (xin xem 2 Nê Phi 26:24).

Và Tôi Sẽ Tiếp Tục Cố Gắng

Tôi không phải là người hoàn hảo; không phải lúc nào tôi cũng tha thứ ngay sau khi có người nào đó sỉ nhục mình. Phải mất thời gian, phải cần sự chữa lành, và phải cần có Đức Thánh Linh phụ giúp tôi. Đôi khi tôi chọn để bị xúc phạm, và tôi không chấp nhận những thúc giục của Ngài ngay lập tức. Nhưng nếu tôi mở rộng lòng với Ngài, Thánh Linh sẽ kiên nhẫn ở cùng với tôi cho đến khi tôi có thể hiểu được điều mà Cha Thiên Thượng muốn tôi làm với tình huống đó.

Mục tiêu của tôi là thực sự nhìn nhận mọi người giống như Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận họ. Để làm điều đó, chúng ta cần phải sẵn lòng thừa nhận rằng chúng ta không có tất cả mọi câu trả lời. Khi chúng ta sẵn lòng nói: “Tôi không hoàn hảo đâu, tôi còn phải học hỏi nhiều. Tôi có thể học được điều gì từ quan điểm của người khác?”—đó là lúc chúng ta thực sự có thể nghe được. Đó là lúc chúng ta thực sự có thể nhìn nhận được.

Khi tôi trải qua cuộc hành trình này, nó giúp tôi nhớ rằng tôi đến đây vì một mục đích, rằng những thử thách của cuộc sống là tạm thời—một phần thiết yếu của cuộc sống trần thế—và rằng tôi không cô đơn. Qua mọi thử thách, tôi đều cố gắng được giống như Chúa Giê Su! Cố gắng là chủ động, và khi chúng ta vấp ngã, chúng ta có thể thử lại lần nữa.