Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Jose G. Franco, tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, hiện đang sống tại Utah, Hoa Kỳ
Khi tôi được khoảng chín tuổi, tôi đã bị đau răng nặng. Cơn đau đến mức không thể chịu đựng nổi, nhưng chúng tôi không có tiền để đi nha sĩ. Lúc đó, tôi sống với bà ngoại yêu quý của tôi ở Mexico.
Với đôi mắt rưng rưng, bà hỏi tôi: “Con có tin nơi Chúa Giê Su và rằng Ngài có thể giúp con không?”
Tôi nói với bà là tôi tin. Bà bảo tôi đi đến phòng bên cạnh, quỳ xuống, và cầu nguyện để có được một phép lạ. Tôi trút hết nỗi lòng trong lời cầu nguyện, nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Một cách bực bội, tôi ấn chặt hàm của mình và dâng lên một lời cầu nguyện thứ hai. Bỗng chốc cơn đau biến mất! Khi tôi chạy đến nói cho bà ngoại tôi biết, tôi thấy bà quỳ xuống cầu xin Thượng Đế giúp đỡ đứa cháu trai nhỏ của bà. Tôi chưa bao giờ quên cảnh tượng đó, và tôi biết ơn bà ngoại của tôi.
Những kinh nghiệm thuộc linh khác diễn ra sau đó.
Khi lên 14 tuổi, tôi chuyển đến Texas, Hoa Kỳ để sống cùng cha mẹ và các anh chị em của mình. Tôi tìm thấy một nhà thờ địa phương và bắt đầu tham dự thường xuyên. Nhờ vào những kinh nghiệm của tôi với Thượng Đế, tôi muốn chia sẻ danh Ngài và phúc âm với tất cả những người sẽ nghe tôi. Năm 15 tuổi, tôi ghi danh vào trường thánh chức để trở thành một mục sư. Trong hai năm, tôi đã tham dự các lớp Kinh Thánh vào trước, sau giờ học ở trường, và vào cuối tuần.
Một buổi sáng nọ ở trường trung học, tôi nghe tiếng ầm ĩ trong phòng thay đồ của các nam sinh. Một ai đó hét lên: “Tên Mặc Môn kia!” Tôi chưa từng nghe từ đó trước đây, nhưng nó nghe giống như một sự sỉ nhục.
Về sau, tôi biết được rằng người bị hét vào mặt đó là bạn thân của tôi, Derek.
Tôi nói: “Tôi rất buồn vì bạn bị gọi là người Mặc Môn.”
Derek mỉm cười và hỏi: “Bạn không biết người Mặc Môn là gì, phải không?”
Bạn ấy bảo tôi đó là biệt danh của các tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.
“Thế bạn là một Ky Tô hữu à?” Tôi hỏi.
Khi bạn ấy nói vâng, tôi rất hạnh phúc khi biết rằng chúng tôi cùng có chung đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
“Bạn Có Cầu Vấn Thượng Đế Không?”
Tôi tự hỏi: “Những người Mặc Môn này là ai, và họ tin tưởng điều gì?”
Tôi đã lên internet để tìm hiểu. Sau một vài phút, tôi xác định rằng rốt cuộc bạn của tôi không phải là một Ky Tô hữu và rằng bạn ấy sẽ xuống ngục giới. Thế nên, tôi bắt tay vào công việc truyền giáo để cứu rỗi bạn ấy.
Trong hai năm kế tiếp, tôi đọc mọi quyển sách mà tôi có thể tìm thấy về Giáo Hội, kể cả toàn bộ Sách Mặc Môn—hai lần. Tôi cũng đã gặp Derek và những người truyền giáo toàn thời gian để cố gắng giúp đỡ họ.
Khi tôi 17 tuổi, tôi tốt nghiệp trường thánh chức, được phong chức mục sư, và trở thành mục sư của một giáo đoàn nhỏ ở Texas. Hai tháng sau lễ truyền chức thánh của mình, tôi đã có một cuộc thảo luận khác với những người truyền giáo.
Một trong số họ hỏi: “Anh đã đọc Sách Mặc Môn, và anh đã học mọi bài học mà chúng tôi có thể đưa ra, nhưng anh có cầu vấn Thượng Đế xem sứ điệp của chúng tôi có chân chính không? Anh đã nhận ra một câu trả lời từ Ngài rồi, phải không?”
Tôi tự hào đáp: “Tất nhiên rồi.”
Người truyền giáo đáp lại: “Theo cách tôi thấy, đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi.” “Nếu anh cầu vấn Thượng Đế xem điều mà người bạn của anh tin có chân chính hay không và Thượng Đế nói không, thì anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình ngay từ lúc ban đầu. Nhưng nếu Ngài phán rằng sứ điệp của chúng tôi là chân chính, thì hãy nghĩ xem anh có thể được lợi biết bao.”
Tôi chưa từng nghĩ về điều đó theo cách này. Đêm đó, tôi quỳ trong phòng sau khi đọc Mô Rô Ni 10:3–5. Câu trả lời từ Thượng Đế thật đơn giản nhưng đầy mạnh mẽ. Bằng một giọng nhỏ nhẹ êm ái, Ngài đã trả lời tôi: “Con đã luôn biết rồi đấy.”
Một Chương Mới trong Vai Trò Làm Môn Đồ của Tôi
Giờ đây, tôi đã có chứng ngôn về phúc âm được phục hồi, còn thánh chức của tôi thì sao? Tôi vẫn còn 10 tháng trong hợp đồng với tư cách là một mục sư. Sau nhiều lần cầu nguyện và hội ý với Thượng Đế, tôi đã quyết định kết thúc công việc mục vụ của mình. Trong 10 tháng tiếp theo, tôi tiếp tục chia sẻ các lẽ thật trong Kinh Thánh truyền thống, nhưng khi nào có thể được, tôi đã thêm vào quan điểm của phúc âm phục hồi. Mọi người hiểu và thích những lẽ thật mà tôi giảng dạy, và đàn chiên nhỏ bé của tôi tăng từ 20 đến gần 150 chiên con.
Sau khi đã hoàn tất hợp đồng của mình, tôi đã được đề nghị một chức vụ cố định, nhưng tôi biết đã đến lúc chịu phép báp têm vào Giáo Hội. Đã đến lúc bắt đầu một chương mới trong cuộc hành trình làm môn đồ của tôi.
Khi tôi kể cho những người trong gia đình tôi nghe, ban đầu—họ không hài lòng. Nhưng ba tháng sau khi tôi gia nhập Giáo Hội, tôi làm phép báp têm cho mẹ tôi và hai người em của tôi. Sau khi phục vụ truyền giáo toàn thời gian trong Phái Bộ Truyền Giáo Oklahoma Oklahoma City, tôi đã làm phép báp têm cho em gái tôi.
Nếu một người nào đó hỏi tại sao tôi đã thay đổi tôn giáo của mình, thì tôi luôn trả lời rằng: “Tôi đã không thay đổi tôn giáo của mình—tôi vẫn là một Ky Tô Hữu tận tụy. Nói đúng hơn là, tôi chỉ củng cố mối quan hệ của mình với Đấng Cứu Rỗi bằng cách trở thành một tín hữu chịu phép báp têm của Giáo Hội Ngài—Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Giờ đây, tôi biết Ngài một cách cá nhân và gần gũi hơn so với trước đây nhờ vào Sự Phục Hồi phúc âm, Sách Mặc Môn, các vị tiên tri thời hiện đại, và các giáo lễ thiêng liêng về sự cứu rỗi và tôn cao có trong đền thờ.”
Hôm nay, tôi có đặc ân được làm việc với tư cách là một giảng viên toàn thời gian của lớp giáo lý. Tôi vẫn đang hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Và tôi vẫn còn nói với bất cứ ai sẽ lắng nghe về “tin lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn” (Lu Ca 2:10).