Podcast số 195 – Liahona tháng 4, 2019 – Đưa Ra Các Quyết Định: Quyền Tự Quyết so với Sự Mặc Khải – Erin Rider

Tác giả hiện sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Khi đến lúc đưa ra các quyết định quan trọng, chúng ta cần phải trông cậy bao nhiêu vào Thượng Đế để cho chúng ta biết phải làm gì?

Mỗi ngày, mỗi người chúng ta đều gặp phải nhiều quyết định. Một số quyết định thông thường như là: “Mình nên mặc gì?” “Mình nên ăn gì vào bữa trưa?” “Đã đến lúc mua một chiếc xe mới hay mình có thể tiếp tục sử dụng chiếc xe cũ của mình lâu hơn một chút nữa không?” Nhưng thỉnh thoảng chúng ta lại gặp một quyết định quan trọng—“Mình có nên đi học lại không?” “Mình có nên chấp nhận việc làm này không?” “Mình có nên dọn đến một thành phố mới không?” “Mình có nên mua nhà không?” “Mình có nên hẹn hò với người này không?” “Mình có nên kết hôn với người này không?” và vân vân.

Khi đương đầu với những quyết định quan trọng, chúng ta hay mất thời gian lâu hơn một chút để lựa chọn—một cách thích hợp. Chúng ta làm theo lời khuyên được ban cho Oliver Cowdery trong Giáo Lý và Giao Ước 9:8–9, là nơi mà Chúa phán:

“Nhưng này, ta nói cho ngươi hay rằng, ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi ngươi phải hỏi ta xem điều đó có đúng không; và nếu đúng thì ta sẽ làm cho tâm can ngươi hừng hực trong ngươi, như vậy, ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng.

“Nhưng nếu điều đó không đúng thì ngươi sẽ không có những cảm giác như vậy, mà ngươi sẽ cảm thấy tâm trí như tê dại, làm cho ngươi quên đi những gì sai lầm.”

Khi tới lúc phải đưa ra những quyết định quan trọng, mặc dù chắc chắn đây là lời khuyên hay, nhưng đôi khi chúng ta trông cậy hơi quá nhiều vào phần mà Thượng Đế nói với chúng ta điều gì là đúng và không đủ, vào phần mà Ngài bảo chúng ta phải nghiên cứu trong tâm trí của mình. Chúng ta trở nên quá lo lắng chờ đợi Thượng Đế xác nhận các quyết định của mình đến nỗi chúng ta bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời. Thậm chí chúng ta còn có thể nhận ra vai trò của quyền tự quyết, nhưng chúng ta sợ hãi khi đưa ra một quyết định mà có thể đưa chúng ta ra khỏi “kế hoạch” đã định trước của mình và cuối cùng cho rằng bất cứ điều gì khác ngoài cảm giác hừng hực trong tâm can hoặc một tiếng nói từ thiên thượng đều có nghĩa rằng quyết định của chúng ta là sai. Đối với nhiều người trong chúng ta, sự căng thẳng ngầm giữa quyền tự quyết và sự mặc khải cá nhân dẫn đến một câu hỏi quan trọng: Vai trò của Thượng Đế trong việc giúp chúng ta đưa ra quyết định là gì?

Vai trò của Thượng Đế trong Việc Đưa Ra Quyết Định của Chúng Ta

Có lẽ câu hỏi này được giải đáp hay nhất là qua câu chuyện về anh của Gia Rết. Có một mẫu mực thú vị về sự tăng trưởng trong câu chuyện này mà dạy chúng ta về cách Thượng Đế hy vọng chúng ta phải đưa ra quyết định. Sau khi các ngôn ngữ đã bị Chúa làm cho lộn xộn ở Tháp Ba Bên, Gia Rết nhờ anh trai của mình cầu vấn Chúa xem liệu họ có nên rời khỏi xứ không, và nếu có, thì họ nên đi đâu (xin xem Ê The 1:36–43). Anh của Gia Rết cầu vấn và Chúa dẫn họ đến bờ biển. Trong khi họ đang đi, Chúa nói chuyện với họ trong một đám mây và hướng dẫn mỗi bước đi trong cuộc hành trình của họ. Cuối cùng họ đến bờ biển, nơi mà họ ở lại bốn năm.

Vào cuối bốn năm đó, Thượng Đế phán với anh trai của Gia Rết phải đóng thuyền và sẵn sàng để vượt đại dương. Khi anh trai của Gia Rết nhận thấy các con thuyền sẽ không có không khí, thì ông đi theo cùng một mẫu mực quen thuộc là đến với Thượng Đế để hỏi xem ông nên làm gì. Đúng như dự đoán, Chúa đáp ứng bằng cách ban cho ông những chỉ dẫn chi tiết để đục lỗ trên đỉnh và đáy của thuyền. Hãy lưu ý đến mẫu mực mặc khải cho đến nay: Thượng Đế ban cho họ một kế hoạch, họ đặt ra những câu hỏi về cách hoàn thành kế hoạch đó và Thượng Đế đáp ứng với những câu trả lời chi tiết và chắc chắn.

Nhưng sau khi đục lỗ thuyền, anh của Gia Rết nhận ra rằng thuyền sẽ không có ánh sáng. Một lần nữa, ông cầu vấn Thượng Đế về điều ông nên làm. Tuy nhiên, thay vì trả lời, Thượng Đế hỏi: “Ngươi muốn ta làm gì cho các ngươi có ánh sáng trong thuyền?” (Ê The 2:23). Thay vì ban cho những chỉ dẫn chi tiết như Ngài đã làm trước đây, lần này Chúa chờ anh của Gia Rết quyết định phải làm gì.

Loại câu trả lời này từ Chúa có lẽ là khó hiểu nhất khi cố gắng đưa ra quyết định. Chúng ta được dạy phải cầu nguyện và chờ một sự đáp ứng, vì vậy là điều tự nhiên nếu chúng ta lo lắng khi không nghe thấy sự đáp ứng nào cả. Chúng ta thường tự hỏi liệu việc thiếu một câu trả lời rõ ràng có phải là do “tâm trí như tê dại” và cho thấy rằng điều lựa chọn của mình là sai không. Những lần khác, chúng ta tự hỏi liệu điều đó có nghĩa là chúng ta không ngay chính đủ để nghe được câu trả lời hoặc chúng ta không cầu vấn với “chủ ý thật sự” hay không (xin xem Mô Rô Ni 10:4). Nhưng có một sự lựa chọn thứ ba mà đôi khi chúng ta không nghĩ tới—có thể, giống như với anh của Gia Rết, Thượng Đế đang chờ chúng ta đưa ra quyết định của riêng mình.

Đưa Ra một Quyết Định

Gần đây tôi đã gặp phải một tình huống đầy thử thách về cách tôi suy nghĩ về quyền tự quyết và sự mặc khải cá nhân. Khi sắp học xong cao học, tôi đã có một vài lời mời làm việc khác nhau ở các thành phố khác nhau và không thể quyết định nên chọn lời mời nào. Giống như anh của Gia Rết, tôi đã trải qua nhiều giây phút mà tôi đã cầu nguyện về một quyết định quan trọng và Thượng Đế đã đáp ứng với một câu trả lời khá chắc chắn. Dựa vào những kinh nghiệm trước đó, tôi bắt đầu cầu nguyện và cầu xin Thượng Đế giúp tôi quyết định tôi nên nhận việc làm nào. Tôi cũng đã làm phần vụ của mình bằng cách tìm hiểu về từng cơ hội việc làm và bàn thảo với nhiều người. Nhưng cho dù tôi đã cầu nguyện hay nhịn ăn bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không nhận được câu trả lời.

Gần đến thời hạn để đưa ra quyết định và tôi bắt đầu hoảng sợ. Chắc chắn đây là loại quyết định mà Chúa cần phải quan tâm, vậy mà tại sao Ngài đã không trả lời? Có lẽ Ngài không quan tâm đến việc làm nào tôi đã chọn, nhưng Ngài phải quan tâm đến thành phố nào tôi dọn đến chứ vì chắc chắn là nó sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Chúa đã luôn luôn quan tâm đến các quyết định của tôi trước đây, vậy tại sao Ngài không quan tâm đến quyết định này chứ?

Vậy mà, cho dù tôi đã cố gắng nhiều đến mấy đi nữa thì tôi vẫn không nhận được câu trả lời. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu tôi có xa cách Thượng Đế quá nhiều đến nỗi tôi không thể nghe được câu trả lời của Ngài chăng. Tôi cũng tự hỏi liệu tôi có thể không nghe được vì trong tiềm thức, tôi đã không muốn nghe câu trả lời chăng. Cuối cùng, một ngày trước thời hạn, tôi biết tôi phải lựa chọn, vì vậy tôi đã dùng óc xét đoán của mình để đưa ra quyết định. Buổi tối hôm đó, tôi chỉ cầu nguyện, cầu vấn xem Ngài có nói cho tôi biết là câu trả lời của tôi là sai không. Vẫn không có câu trả lời nào được ban cho nên tôi cứ nhận việc làm.

Vài tháng sau, tôi vẫn còn nghi ngờ về quyết định của mình nên tôi đã xin một phước lành chức tư tế để nhận được sự yên tâm. Trong phước lành này, tôi được cho biết rằng tôi không nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của tôi vì Chúa đã hài lòng với bất kỳ quyết định nào tôi đã đưa ra. Phước lành này đã củng cố lời khuyên đã được chủ tịch phái bộ truyền giáo của tôi đưa ra cho tôi. Ông đã nói với tôi rằng đôi khi quyết định nào mà chúng ta đưa ra cũng không quan trọng. Thượng Đế muốn chúng ta học cách dựa vào bản thân mình và quyết định cách chúng ta sống cuộc sống của mình. Chủ tịch phái bộ truyền giáo của tôi cũng nhắc tôi nhớ rằng Thượng Đế, là Cha Thiên Thượng của chúng ta, sẽ không trừng phạt chúng ta và lấy đi những cơ hội đã hứa nếu chúng ta chân thành cố gắng tìm hiểu điều phải làm.

Có lẽ anh của Gia Rết đã đề nghị hầu như bất cứ giải pháp nào để thắp sáng những chiếc thuyền và Chúa cũng sẽ chấp nhận. Mục đích của kinh nghiệm đó không phải chỉ dành cho anh của Gia Rết để củng cố đức tin của ông mà còn để ông tìm hiểu cách đưa ra quyết định.

Thực Hành Quyền Tự Quyết

Từ một quan điểm vĩnh cửu, việc thực hành quyền tự quyết là một thành phần cần thiết cho sự tăng trưởng của cá nhân. Nếu không, chúng ta không thể đưa ra các quyết định mà sẽ giúp chúng ta đạt được tiềm năng trọn vẹn của mình. Sự tăng trưởng, giống như mọi điều khác trong phúc âm, đến “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một” (2 Nê Phi 28:30). Thượng Đế muốn chúng ta trở thành một dân tộc sẵn sàng, chứ không phải là một dân tộc sợ phải hành động và Ngài kỳ vọng chúng ta sẽ sử dụng quyền tự quyết của mình để cố gắng hết sức sống cuộc sống của mình một cách tốt nhất.

Một khi chúng ta học được cách tìm kiếm sự cân bằng giữa quyền tự quyết và sự mặc khải thì chúng ta có thể cảm nhận được sự tăng trưởng thực sự về phần thuộc linh. Đây là điều đã xảy ra cho anh của Gia Rết. Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, ông đã nấu chảy một tảng đá và đúc ra mười sáu viên đá cùng cầu xin Thượng Đế chạm tay vào chúng và làm cho chúng chiếu sáng (xin xem Ê The 3:1–5). Lần này, khi Thượng Đế đáp ứng, mọi sự việc đều thay đổi. Thay vì nghe tiếng nói của Thượng Đế trong một đám mây, anh của Gia Rết thực sự nhìn thấy Chúa là Đấng không những chỉ đích thân hiện đến mà còn cho anh của Gia Rết thấy những khải tượng lạ thường của thế giới và mọi điều sẽ xảy ra (xin xem Ê The 3:6–26). Có thể là anh của Gia Rết sẽ không được chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận khải tượng đó nếu trước hết ông không trải qua sự tăng trưởng cá nhân mà đến từ việc tự mình đưa ra quyết định.

Khi đưa ra quyết định, chúng ta chắc chắn nên làm theo lời khuyên của An Ma để “hội ý với Chúa trong mọi việc làm của mình” (An Ma 37:37). Khi Chúa cần chúng ta đưa ra một quyết định cụ thể, Ngài sẽ cho chúng ta biết và giúp ngăn ngừa chúng ta đi lạc lối. Nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng để đứng lên và tiến bước trong đức tin, cho dù câu trả lời có đến hay không. Chừng nào chúng ta còn tuân giữ các giao ước của mình và vẫn trung thành với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta có thể cảm thấy tin tưởng nơi các quyết định ngay chính và sự yên tâm của mình rằng Chúa hài lòng với những nỗ lực của chúng ta.