Podcast: Play in new window | Embed
Có những lúc trong cuộc sống chúng ta khi chúng ta hy vọng và cầu nguyện cho các phép lạ. Đó có thể là cho một người thân yêu hoặc vì lợi ích của chính chúng ta. Hy vọng của chúng ta là để cho những lời cầu khẩn của mình được đáp ứng, tình trạng đổ vỡ được khắc phục, tấm lòng sầu khổ được mềm dịu, và các phép lạ của Chúa mang đến giải pháp chúng ta mong muốn. Khi kết quả không phải như chúng ta kỳ vọng hoặc không theo thời biểu mà chúng ta cầu xin, thì chúng ta thường tự hỏi tại sao.
Mô Rô Ni dạy: “Hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, tôi muốn khuyên nhủ các người hãy nhớ rằng Ngài lúc nào cũng vậy, hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi về sau, và tất cả các ân tứ mà tôi vừa nói đó, là các ân tứ thuộc linh, sẽ không bao giờ bị cất bỏ, một khi thế gian này còn tồn tại, chỉ trừ khi nào vì sự vô tín ngưỡng của con cái loài người” (Mô Rô Ni 10:19).
Các ân tứ và phép lạ này mà đã được chép trong thánh thư vẫn còn có trong thời kỳ chúng ta không? Làm thế nào chúng ta có thể đủ điều kiện nhận được các phước lành đó? Đấng Cứu Rỗi có biết rõ những gì đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta và sẵn sàng giải cứu chúng ta khỏi những thử thách của chúng ta không?
Tôi muốn dựa vào phép lạ của Đấng Cứu Rỗi làm sáng mắt cho người mù để trả lời những câu hỏi này. (Ví dụ, xin xem Ma Thi Ơ 9:27–31; 12:22–23; Mác 8:22–26; 10:46–52; Giăng 9:1–11.)
Chúng Ta Có Thể Học Được Điều Gì về Đấng Cứu Rỗi từ Các Phép Lạ của Ngài?
Để hiểu tác động của phép lạ đến chúng ta và trong cuộc sống của chúng ta, hãy bắt đầu bằng cách định nghĩa phép lạ là gì. Phép lạ “được dự định làm bằng chứng cho người Do Thái rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. … Nhiều trong số các phép lạ đó cũng mang tính biểu tượng, giảng dạy … các lẽ thật thiêng liêng. … Các phép lạ đã và đang là một sự đáp ứng cho đức tin và niềm khích lệ tốt nhất cho đức tin. Nếu không có lời cầu nguyện, cảm thấy cần thiết, và đức tin thì cũng không bao giờ có phép lạ.”1
Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói một cách đơn giản và rất hay:
“Các phép lạ là những hành động, biểu hiện và biểu lộ thiêng liêng về quyền năng vô hạn của Thượng Đế và lời khẳng định rằng Ngài “vẫn như ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi” [Mô Rô Ni 10:19]. …
“… Phép lạ là phần mở rộng của kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế; phép lạ là một đường dây thiết yếu từ thiên thượng đến thế gian.”2
Do vậy, một cách hữu ích để học về các phép lạ của Đấng Cứu Rỗi và học hỏi từ chúng là để ghi nhớ rằng mỗi phép lạ đều hướng tới một điều gì đó to lớn hơn chính sự kiện đó và để tìm kiếm các lẽ thật cụ thể về Thượng Đế và công việc của Ngài.
Hãy thảo luận một vài trong số các lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ các phép lạ của Đấng Cứu Rỗi trong việc làm cho người mù sáng mắt. Chúng có thể được chia thành bốn bài học như sau.
1. Việc Làm Cho Người Mù Sáng Mắt Là một Dấu Hiệu về Đấng Mê Si
Các vị tiên tri thời xưa mà đã làm chứng về sự xuất hiện của Đấng Mê Si đã nói về các phép lạ Ngài sẽ thực hiện, kể cả việc cho người mù thấy lại.
Đối với Vua Bên Gia Min, một thiên sứ đã nói rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ “đi giữa loài người để thực hiện những phép lạ lớn lao, như chữa lành người bệnh, cứu sống kẻ chết, làm cho kẻ què đi được, kẻ đui thấy được.” (Mô Si A 3:5; xin xem thêm Ê Sai 35:4–5).3
Do đó, các phép lạ của việc làm cho người mù sáng mắt xác nhận những lời tiên tri này về sự xuất hiện của Đấng Cứu Rỗi và việc phục sự của Ngài cho các con cái của Thượng Đế.
2. Chúa Giê Su là Sự Sáng của Thế Gian
Lẽ thật này đã được tuyên bố rõ ràng khi Chúa Giê Su bắt gặp một người đàn ông bị mù bẩm sinh (xin xem Giăng 9:1–11). Khi các môn đồ hỏi liệu người đàn ông đó có bị mù vì tội lỗi hay không, Chúa Giê Su phán là không phải, “nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (câu 3). Lúc đó, trước khi làm sáng mắt cho người đàn ông đó, Đấng Cứu Rỗi đã tuyên phán: “Đương khi ta còn ở thế gian, ta là sự sáng của thế gian” (câu 5).
Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích: “Trước khi mở mắt người mù ra, về mặt thể chất, Chúa Giê Su nhắc nhở những người đến nghe Ngài về lời tuyên phán trước đó của Ngài: ‘Ta là sự sáng của thế gian,’ như thể để dạy rằng: ‘Dù ngươi có nhớ rằng ta đã mở đôi mắt mù, về mặt thể chất, thì cũng hãy nhớ rằng ta đã đến để mang ánh sáng cho đôi mắt, về mặt thuộc linh.’”4
Chúng ta cần nhớ là thánh thư thường cho rằng tội lỗi là sự mù quáng về mặt đạo đức và sự giải cứu khỏi tội lỗi là loại bỏ sự mù quáng này. Chính Đấng là “sự sáng của thế gian” đang sử dụng sự kiện này để làm biểu tượng cho công việc cao cả hơn mà Ngài đã đến thế gian để hoàn thành.
3. Đức Tin Đi Trước Phép Lạ
Khi Chúa Giê Su đi qua các con đường ở Ca Bê Na Um, hai người mù đi theo Ngài, kêu cầu: “Hỡi con cháu vua Đa Vít, xin thương chúng tôi cùng.” Ngài bèn phán cùng họ, hỏi họ rằng: “Hai ngươi tin ta làm được điều hai ngươi ao ước sao?” Họ thưa rằng: “Lạy Chúa, được.”
Bằng chứng về niềm tin của họ rằng Chúa có thể giúp họ là ở sự kiên trì của họ để noi theo Ngài và lời tuyên bố nhanh chóng và chân thành về niềm tin đó khi được hỏi. Ngài bèn rờ mắt hai người mà phán rằng: “Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy.” Hiệu quả là ngay lập tức: “mắt hai người liền mở” (Ma Thi Ơ 9:27–31).
Anh Cả McConkie nhận xét: “Thông thường khi làm cho người mù sáng mắt, Chúa Giê Su, như ở đây, phán truyền lệnh của Ngài với một số hành động thể chất. Vào dịp này và các dịp khác, Ngài đã chạm vào đôi mắt mù lòa.”
Tại sao Đấng Cứu Rỗi làm điều đó? “Không có hành động bất thường nào trong số những hành động này là thiết yếu đối với việc thực hành quyền năng chữa lành,” Anh Cả McConkie giải thích. Nhưng chúng ta biết rằng đức tin đi trước phép lạ, và do đó “mục đích hiển nhiên của Đấng Thầy là để củng cố đức tin của người mù hoặc người điếc.”5
4. Phép Lạ Đôi Khi Đến Từng Hàng Chữ Một
Ở Bết Sai Đa, dân chúng dẫn một người bị mù đến với Chúa Giê Su. Sau khi đưa người đàn ông ấy ra khỏi làng, Chúa Giê Su “thấm nước miếng trên mắt người, đặt tay trên người.” Thị lực của người đàn ông ấy chỉ mới được khôi phục một phần vào lúc này, và vì thế Đấng Cứu Rỗi “lại đặt tay trên mắt người,” mang lại sự phục hồi hoàn toàn. (Xin xem Mác 8:22–26.)
Anh Cả McConkie nêu ra các lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ sự kiện này:
“Có vẻ như các ví dụ liên tiếp về sự tiếp xúc với thân thể Chúa Giê Su đã có hiệu quả là mang đến nhiều niềm hy vọng, sự bảo đảm, và đức tin cho người mù.
“… Con người cần tìm kiếm ân điển chữa lành của Chúa với tất cả sức mạnh và đức tin của họ, mặc dầu làm như thế chỉ đủ cho sự chữa lành một phần mà thôi. … Họ sau đó có thể nhận được thêm sự bảo đảm và đức tin để được lành lặn và khỏe mạnh hoàn toàn. Con người cũng thường được chữa lành khỏi những căn bệnh thuộc linh một cách dần dần, từng bước một khi họ sống cuộc sống của họ phù hợp với các kế hoạch và mục đích của Thượng Đế.”6
Bằng cách thực hiện phép lạ này trong hai bước riêng biệt, Chúa đã giúp người mù chuẩn bị để nhận được phước lành trọn vẹn. Chúng ta cũng có thể thấy mẫu mực này trong việc tìm kiếm các phép lạ cho chính mình—một điều gì đó chúng ta cần làm, hoặc không cần làm, trước khi trở nên sẵn sàng cho sự giúp đỡ từ trên cao không?
Đức Tin để Không Được Chữa Lành
Mặc dù chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của đức tin để hoàn thành các phép lạ, là điều quan trọng để nhận thấy rằng đôi khi Các Thánh Hữu trung thành nhất sẽ không có những mong muốn và khẩn nài của mình được đáp ứng .
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy chúng ta:
“Sự ngay chính và đức tin chắc chắn là công cụ để dời núi—nếu việc dời núi hoàn thành mục đích của Thượng Đế và phù hợp với ý muốn của Ngài. Sự ngay chính và đức tin chắc chắn là công cụ chữa lành người bệnh, người điếc và người què—nếu sự chữa lành đó hoàn thành mục đích của Thượng Đế và phù hợp với ý muốn của Ngài. Do vậy, dù chúng ta có đức tin mạnh mẽ thì nhiều núi cũng sẽ không được dời. Và không phải tất cả những người bệnh tật và ốm yếu sẽ được chữa lành. Nếu mọi sự chống đối đều bị hạn chế, nếu tất cả các căn bệnh quái ác đều bị loại bỏ, thì mục đích chính trong kế hoạch của Cha sẽ bị thất bại.
“Nhiều trong số các bài học chúng ta cần học trong cuộc sống trần thế chỉ có thể nhận được qua những điều chúng ta trải nghiệm và đôi khi phải chịu đựng. Và Thượng Đế kỳ vọng và tin cậy chúng ta đối phó với nghịch cảnh tạm thời trên trần thế với sự giúp đỡ của Ngài để chúng ta có thể học hỏi những gì mình cần học hỏi và cuối cùng trở thành con người chúng ta cần trở thành trong thời vĩnh cửu.”7
Tôi muốn thêm chứng ngôn của tôi vào chứng ngôn của các vị tiên tri thời xưa và thời hiện đại. Các phép lạ vẫn đang diễn ra ở giữa chúng ta. Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của mọi quyền năng, ánh sáng, và sự khuây khỏa. Tôi làm chứng rằng qua đức tin của chúng ta nơi Ngài, chúng ta có thể được chữa lành, và trong trường hợp chúng ta không được chữa lành, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sự bình an qua Hoàng Tử Bình An, Sự Sáng của Thế Gian, và Đấng Chữa Lành Tột Bậc.