Podcast số 189 – Liahona tháng 5, 2005 – Một Tiếng Nói Êm Dịu Nhỏ Nhẹ và Một Trái Tim Đập Rộn Ràng- Richard Edgley

Giám Trợ Richard C. Edgley

Đệ Nhất Cố Vấn trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa năm 2005 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Chính tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và tiếng đập rộn ràng của trái tim đã làm chứng về phép lạ của Sự Phục Hồi.

Vào năm 1995, tôi được mời để đưa ra lời chào mừng và một vài lời nhận xét khai mạc tại một hội nghị chuyên đề khoa học ở Thành Phố Salt Lake về đề tài dinh dưỡng trẻ em. Có chín mươi sáu khoa học gia từ 24 quốc gia tham dự. Khi quan sát cử tọa trong lúc tôi nói chuyện, tôi rất cảm kích trước sự hiện diện của rất nhiều quốc gia, biểu hiệu bằng lối phục sức, màu da, ngôn ngữ, và nhiều đặc điểm khác.

Ba hoặc bốn tháng sau, tôi tham dự một đại hội giáo khu ở Bờ Biển miền Đông của Hoa Kỳ. Khi tôi ngồi trên bục chủ tọa để chuẩn bị cho phiên họp giới lãnh đạo chức tư tế, một người đàn ông Phi Châu bước vào giáo đường và ngồi xuống cạnh lối đi giữa. Người ấy trông ngờ ngợ quen, nhưng tôi không tài nào nhớ nổi tôi đã từng thấy người ấy ở đâu. Tôi nghiêng người qua bên và hỏi vị chủ tịch giáo khu người ấy là ai. Vị chủ tịch giáo khu đáp: “Ồ, người ấy không phải tín hữu của Giáo Hội. Người ấy là giáo sư thỉnh giảng từ Phi Châu đang giảng dạy tại một đại học có uy tín trong vùng. Cách đây một vài tháng, người ấy có tham dự một loại hội nghị chuyên đề khoa học nào đó ở Thành Phố Salt Lake. Người ấy kiếm được một quyển sách nhỏ nói về Giáo Hội, mà đã đưa người ấy đến việc đọc mọi điều mà người ấy có thể tìm ra được về Giáo Hội. Giờ đây người ấy tham dự mọi buổi họp nếu có thể được.” Rồi nửa đùa nửa thật, vị chủ tịch giáo khu nói: “Ngay cả người đó có lẽ còn tham dự các buổi họp Hội Phụ Nữ nữa chứ.”

Sau buổi họp giới lãnh đạo chức tư tế, tôi tự giới thiệu một lần nữa với vị giáo sư thỉnh giảng. Người ấy xác nhận nỗi phấn khởi của mình về nguồn lẽ thật mới khám phá này. Người ấy giải thích rằng gia đình của người ấy, vẫn còn ở Phi Châu, đang học hỏi với những người truyền giáo và sẽ sang đoàn tụ với người ấy khoảng bốn tuần nữa, vào lúc đó họ sẽ cùng nhau chịu phép báp têm.

Lúc kết thúc phiên họp cho người lớn vào tối thứ Bảy, người đàn ông này vội chạy lên bục giảng và, vỗ vào ngực mình, mà phấn khởi nói: “Tim tôi đập rộn ràng giống y như vầy. Tôi khó lòng chịu được trong cơ thể mình. Tôi không biết tôi có thể chờ nổi bốn tuần nữa để cùng gia đình tôi chịu phép báp têm không.” Tôi đề nghị người ấy nên từ từ với trái tim mình và chờ cho vợ con của người ấy, để tất cả đều có thể cùng chịu phép báp têm.

Khi Ê Li đang chạy trốn để sống còn khỏi tay của bà hoàng Giê Sa Bên tà ác ở Phoenix, thì Chúa hướng dẫn ông đến một ngọn núi cao nơi mà ông trải qua một kinh nghiệm khác thường nhất. Khi Ê Li đứng trên núi trước mặt Chúa, ông thấy “một ngọn gió mạnh thổi dữ tợn … nhưng không có Đức Giê Hô Va trong trận gió. Sau trận gió có cơn động đất; nhưng không có Đức Giê Hô Va trong cơn động đất. Sau cơn động đất có đám lửa; nhưng không có Đức Giê Hô Va trong đám lửa. Sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ” (1 Các Vua 19:11–12).

Thỉnh thoảng tôi thường được hỏi bởi những người không thuộc vào tín ngưỡng của chúng ta lý do tại sao Giáo Hội của chúng ta tăng trưởng nhanh chóng như thế, về cả số tín hữu lẫn sự sinh hoạt, trong khi những giáo hội khác thì được tường trình là giảm sụt cả hai phương diện đó. Câu trả lời cho câu hỏi đó giản dị là một tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và một trái tim đập rộn ràng. Trong thế giới đầy bận rộn, hỗn loạn, và ồn ào này, thì nó không giống như cơn gió, không giống như ngọn lửa, không giống như trận động đất, mà là một tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ, nhưng rõ mồn một và nó làm trái tim đập rộn ràng. Đó là cảm giác hừng hực trong lòng để biết rằng đây là phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, với tất cả giáo lý của phúc âm này, chức tư tế, và các giao ước mà đã thất lạc qua nhiều thế kỷ tăm tối và sai lạc. Vâng, chính tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và tiếng đập rộn ràng của trái tim đã làm chứng về phép lạ của Sự Phục Hồi.

Chính tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và tiếng đập rộn ràng của trái tim đã là động cơ thúc đẩy hằng triệu tín hữu noi theo cuộc sống của Chúa Giê Su bằng lời nói, hành động, và sự phục vụ. Chính tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và tiếng đập rộn ràng của trái tim đã là động cơ thúc đẩy hằng ngàn cặp vợ chồng về hưu đi phục vụ truyền giáo trong 18 tháng hay lâu hơn. Họ để qua một bên những tiện nghi của cuộc sống để đi ra thế gian phục vụ những người khác bằng tiền túi của họ mà một số người đã nghĩ rằng đó là sự hy sinh lớn lao, thường phục vụ trong những phần đất hẻo lánh của thế giới nơi mà nước nóng và cái giường êm là thứ xa hoa thì đã trở thành ký ức.

Chính tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và tiếng đập rộn ràng của trái tim đã khiến cho hằng trăm ngàn thanh niên thiếu nữ rời bỏ những nghề nghiệp đầy triển vọng, trì hoãn sự học vấn của họ (đôi khi bỏ lại những học bổng thuộc thể thao và những học bổng khác), hoặc trì hoãn tình cảm lãng mạn để đi phục vụ Chúa—và tất cả điều này bằng tiền túi của họ—nhằm rao giảng Sự Phục Hồi của phúc âm. Chính tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và tiếng đập rộn ràng của trái tim đã cho những người trẻ tuổi của chúng ta ước muốn và sự can đảm để bênh vực cho sự thanh sạch, lương thiện, và nguyên tắc, ngay cả phải trả giá bằng việc đôi khi bị chế nhạo và chối bỏ. Chính tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và tiếng đập rộn ràng của trái tim đã là động cơ thúc đẩy một người vui vẻ tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và chia sẻ những gánh nặng của những người kém may mắn hơn. Vâng, có quyền năng trong tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và tiếng đập rộn ràng của trái tim.

An Ma có cách thức riêng của ông để hỏi về tình trạng thuộc linh của tâm hồn chúng ta. Ông hỏi: “Các người đã được Thượng Đế sinh ra trong thể thuộc linh chưa?” Và rồi: “Các người đã thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình chưa? Các người đã có nhận thấy sự thay đổi lớn lao này trong lòng mình chưa” (An Ma 5:14; sự nhấn mạnh được thêm vào). Nói cách khác, trái tim của các anh chị em có đang đập rộn ràng với chứng ngôn của Chúa Giê Su Ky Tô không?

Tôi xin được kể cho các anh chị em biết chỉ ba trong số nhiều điều mà đã làm cho trái tim tôi đập rộn ràng. Trước hết, trái tim của tôi đập rộn ràng với sự hiểu biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của tôi và rằng tình yêu thương của Ngài đối với tôi thì đủ đến nỗi Ngài chịu nỗi đau đớn không thể tượng tưởng được và ngay cả cái chết. Trái tim tôi đập rộn ràng trong lúc vắng vẻ mà tôi ngồi suy ngẫm sâu xa thì tôi ý thức được rằng tôi có thể được tẩy sạch, thanh tẩy, và cứu chuộc qua huyết của Chúa Giê Su Ky Tô. Trái tim tôi đập rộn ràng khi tôi suy ngẫm về cái giá được trả—nỗi đau đớn xảy ra cho Ngài để cứu tôi khỏi nỗi đau đớn cá nhân tương tự cho tội lỗi và sự phạm giới của tôi.

Thứ nhì, trái tim tôi đập rộn ràng với sự hiểu biết rằng một thiếu niên, chỉ 14 tuổi, đã đi vào khu rừng và từ một lời cầu nguyện giản dị, khiêm nhường, các tầng trời đã mở ra, Thượng Đế và Đấng Ky Tô hiện đến, và các thiên sứ đã giáng xuống. Và như thế, sự trọn vẹn của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được phục hồi với tất cả chức tư tế, các giao ước, và sự thanh khiết của giáo lý . Trái tim tôi đập rộn ràng khi tôi suy ngẫm điều mà thiếu niên tiên tri này đã chịu đựng để mang đến sự trọn vẹn của phúc âm phục hồi. Trong khi các thiên sứ giáng xuống, thì các quỷ sứ của Sa Tan cũng bắt tay vào việc. Những sự ngược đãi bắt đầu và giống như các tiên tri thời xưa, cuộc sống của Joseph chấm dứt với sự tuẫn đạo của ông. Trong suốt tất cả những thử thách và ngược đãi của ông, vị tiên tri trẻ tuổi đã luôn luôn bền chí và kiên quyết.

Nhờ vào Tiên Tri Joseph Smith, tôi hiểu một cách trọn vẹn hơn tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Nhờ vào Tiên Tri Joseph, tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa của Vườn Ghết Sê Ma Nê—một chỗ đầy đau khổ khi Đấng Ky Tô mang lấy nỗi đau khổ riêng của chúng ta không những vì tội lỗi của chúng ta, mà còn vì đau đớn, sự yếu đuối, thử thách, và thảm kịch của chúng ta. Tôi hiểu về tính chất vô hạn và vĩnh cửu của sự hy sinh lớn lao và cuối cùng của Ngài. Tôi hiểu rõ hơn về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi đã được tiêu biểu trong hành động cứu chuộc cuối cùng của Ngài. Nhờ vào Joseph Smith, tình yêu thương và lòng biết ơn của tôi đối với Đấng Cứu Rỗi được phát triển và sự thờ phượng của tôi có thêm ý nghĩa hơn. Trong số nhiều bài trong sách thánh ca của chúng ta do W. W. Phelps sáng tác là bài ca quen thuộc với những lời “Ca khen người đã giao tiếp với Đức Giê Hô Va!” (“Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 50). Trái tim tôi đập rộn ràng khi tôi hát bài ca ấy.

Vâng, bởi vì chúng ta hát với sự nhiệt tình và thích thú, “Ca khen người đã giao tiếp với Đức Giê Hô Va,” chúng ta hát về Đấng Cứu Rỗi ngay cả với nhiều nghiêm trang, xúc động, và biết ơn hơn với những lời: “Bởi quá thương yêu loài người Chúa đã hy sinh và chịu khổ đau chết trên thập tự Chúa chẳng bao giờ hối tiếc đã quên mình vì ta!” (“Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 193). Trái tim tôi đập rộn ràng về sự soi sáng mà Tiên Tri Joseph đã mang đến cho cuộc sống của tôi liên quan đến hiệu quả cá nhân của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi của tôi.

Thứ ba, trái tim tôi đập rộn ràng khi tôi học hỏi và suy ngẫm các thánh thư trong Sách Mặc Môn, và những điều bổ túc của sách ấy cho Kinh Thánh và làm chứng thêm về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Thế. Nhờ vào sách đồng hành thiêng liêng này với Kinh Thánh, sự hiểu biết của tôi về giáo lý của Đấng Ky Tô được phát triển, như vậy nhiều câu hỏi bỏ qua không trả lời trong Kinh Thánh được giải thích cho sự toại nguyện trọn vẹn của tôi. Sách Mặc Môn đưa ra bằng chứng hiển nhiên rõ ràng rằng Joseph là vị tiên tri của Thượng Đế, Đấng Ky Tô đã thực sự hiện đến cùng ông, và phúc âm đã được phục hồi với sự tinh khiết và trọn vẹn của nó.

Trái tim tôi đập rộn ràng chỉ để suy ngẫm phép lạ của sự hiện hữu của Sách Mặc Môn—siêng năng khắc chữ lên trên các bảng khắc bằng kim khí, canh giữ cẩn thận qua nhiều thế kỷ bởi những người do Thượng Đế chọn, và sự phiên dịch đầy nhiệm mầu. Điều đó thật sự tương xứng với định nghĩa hoàn hảo của thánh thư. Nhờ vào tình yêu thương trang trọng của Thượng Đế cho chúng ta, Ngài đã cung ứng bằng chứng này để chúng ta có thể sử dụng, đọc kỹ, nghiên cứu, và ngay cả chúng ta có thể thách thức được. Nhưng, quan trọng hơn hết, Thượng Đế yêu thương tôi nhiều đến nỗi Ngài sẽ ban cho tôi và bất cứ người nào khác mà thành thật tìm kiếm một sự mặc khải cá nhân về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn—bằng chứng hiển nhiên về Sự Phục Hồi và rằng Joseph Smith là một vị tiên tri chân chính.

Khi nói về sự hiểu biết thiêng liêng này, vị tiên tri An Ma của Sách Mặc Môn làm chứng: “Các người không có cho rằng tôi đã tự mình biết được những điều này phải không? Này, tôi xin làm chứng rằng, tôi biết những điều tôi nói ra đây là thật. Và các người có cho rằng làm sao tôi biết chắc về những điều này không?

“Này, tôi nói cho các người hay rằng, những điều này đã được Đức Thánh Linh của Thượng Đế biểu lộ cho tôi biết. Này, tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày để tự mình biết được những điều này. Và bây giờ tôi tự biết rằng những điều này là thật; vì Đức Chúa Trời đã biểu lộ những điều này cho tôi biết bằng Đức Thánh Linh của Ngài, và đó là tinh thần mặc khải” (An Ma 5:45–46).

Giống như An Ma thời xưa, mỗi người chúng ta, các tín hữu cũng như những người tầm đạo thật lòng, có thể biết chắc rằng những điều này là thật. Đó là đặc ân lớn lao của chúng ta để biết được. Đó còn hơn là một đặc ân; đó là trách nhiệm của chúng ta để biết. Đó là sự mất mát to tát của chúng ta để không biết được khi nào thì đặc ân như thế được ban cho. Chúa đã phán: “Hãy gõ cửa, sẽ mở cho” (Ma Thi Ơ 7:7). Tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn nói: “Đến với một tấm lòng cương quyết” (Gia Cốp 6:5). Chúng ta không cần phải trông cậy vào khả năng hiểu biết hoặc thể xác của mình. Chúng ta học hỏi, cầu nguyện, và, giống như An Ma thời xưa, chúng ta còn có thể nhịn ăn, và rồi sẽ có một tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ và tiếng đập rộn ràng của trái tim. Hãy tưởng tượng một sự mặc khải cá nhân từ Thượng Đế rằng những điều này là có thật. Chỉ nghĩ đến điều đó cũng làm cho trái tim tôi đập rộn ràng. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.