Podcast số 42 – Liahona tháng 9, 2021 – Đem Lại Si Ôn – Gerrit W. Gong

Bài của Anh Cả Gerrit W. Gong

Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ

Là Các Thánh Hữu Ngày Sau được ban phước với phúc âm phục hồi, chúng ta được kêu gọi để củng cố Giáo Hội và xây dựng Si Ôn.

Trong suốt lịch sử, dân của Chúa đã tìm cách đem lại một xã hội dựa trên các nguyên tắc của phúc âm nơi mà Ngài có thể ngự. Để trở thành một cộng đồng Thánh Hữu như vậy, chúng ta cần phải học cách thanh tẩy và trở nên đồng một lòng và một trí, đối xử công bằng mà không có sự tranh chấp, sống trong sự ngay chính và không có người nào nghèo khó trong số chúng ta (xin xem Môi Se 7:18).

Ví dụ, sau khi John và Maria Linford gia nhập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô ở Gravely, Anh Quốc, vào năm 1842, John trở thành chủ tịch của chi nhánh ở địa phương. Tuy vậy, họ hàng và bạn bè đã không phấn khởi trước niềm vui mà gia đình Linford tìm thấy nơi Sự Phục Hồi. Nếu họ không thể thuyết phục John từ bỏ tôn giáo mới của mình, thì họ sẽ “bỏ đói anh ta” bằng cách tẩy chay tiệm đóng giày của anh.

Năm 1856, Quỹ Di Cư Luân Lưu đã tạo cho John và Maria cơ hội để di cư đến Thung Lũng Salt Lake. Họ đi tàu tới New York cùng ba người con trai của mình. Từ đó họ hành trình đến Iowa City, Iowa, nơi mà họ đã lên đường vào tháng Bảy năm 1856 cùng với đoàn xe kéo tay xấu số James G. Willie.

Rạng sáng ngày 21 tháng Mười, gần bờ Sông Sweetwater ở Wyoming, John đã thốt lên lời nói cuối cùng.

“Anh rất mừng là chúng ta đã đến đây,” anh nói với Maria khi chị hỏi xem anh có hối tiếc là họ đã rời nước Anh ra đi không. “Anh sẽ không sống để đi đến Salt Lake, nhưng em và các con trai sẽ đến, và anh không hối tiếc tất cả những gì chúng ta đã trải qua nếu các con trai của chúng ta có thể lớn lên và nuôi nấng gia đình của chúng ở Si Ôn.”1

Si Ôn là gì?

Một vài đề tài bên ngoài sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô đã soi dẫn các vị tiên tri thời cổ đại cũng như thời hiện đại và Các Thánh Hữu nhiều hơn là sự quy tụ ngày sau của gia tộc Y Sơ Ra Ên và sự xây đắp Si Ôn trong việc chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.2

Tại sao Si Ôn quan trọng như vậy đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau—thời đó cũng như thời nay, dù dân của Chúa được tìm thấy ở đâu?

Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–85) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã tuyên bố: “Từ thời A Đam cho đến hiện nay—bất cứ khi nào Chúa có một dân tộc riêng của Ngài; bất cứ khi nào có những người lắng nghe lời Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài; bất cứ khi nào các thánh hữu của Ngài đã phục vụ Ngài hết lòng—thì ở đó có Si Ôn.”3

Thánh thư miêu tả một xã hội Si Ôn. Hê Nóc, vị tiên tri có đức tin lớn lao trong thời Nô Ê, “có xây dựng một thành phố gọi là Thành Phố Thánh Thiện, tức là Si Ôn” (Môi Se 7:19). Chúa ngự ở đó với dân Ngài, ban phước cho họ và xứ của họ (xin xem Môi Se 7:16–18). Chúa phán cùng Hê Nóc: “Này, ta là Thượng Đế; Đấng Thánh Thiện là danh ta” (Môi Se 7:35).

Một khát vọng của Si Ôn là nhằm thiết lập một nơi thống nhất của đức tin dựa trên các nguyên tắc thượng thiên, trong đó dân của Thượng Đế có thể bước đi cạnh Ngài và Chính Thượng Đế có thể ngự.

Sách Mặc Môn làm chứng rằng sau khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh đến viếng thăm Tân Thế Giới, “khắp nơi trong xứ mọi người đều được cải đạo theo Chúa. …

“Và họ xem mọi vật là của chung; vậy nên, chẳng có ai giàu hay nghèo, nô lệ hay tự do, mà trái lại tất cả mọi người đều được tự do và cùng nhau chia sẻ ân tứ thiên thượng. …

“Và chuyện rằng, trong xứ không có chuyện tranh chấp nào xảy ra, nhờ tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân” (4 Nê Phi 1:2, 3, 15).

Được Trang Bị với Sự Ngay Chính và Quyền Năng

Thời kỳ của Hê Nóc là thời kỳ có nhiều cuộc chiến tranh và đổ máu, nỗi lo sợ, bóng tối, và thù hằn—khi “quyền năng của Sa Tan ở trên khắp mặt đất” (Môi Se 7:24; xin xem thêm các câu 16, 17, 33). Nhưng Hê Nóc rất trung tín, và Chúa đã kêu gọi ông rao truyền sự hối cải.

Chúa phán cùng Hê Nóc rằng “những gian truân lớn lao” (Môi Se 7:61) tương tự sẽ đến trước Ngày Tái Lâm của Ngài. “Chắc chắn như ta hằng sống, ta sẽ đến vào những ngày cuối cùng, vào những ngày của sự tà ác và báo thù, để làm trọn lời thề mà ta đã lập với ngươi về con cái của Nô Ê” (Môi Se 7:60).

Khi nói về thời kỳ của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson mới đây đã nhận xét: “Tôi xem đại dịch [COVID-19] hiện nay chỉ là một trong nhiều vấn đề gây tai họa cho thế gian của chúng ta, gồm cả sự thù hằn, xã hội bất ổn, phân biệt chủng tộc, bạo lực, gian lận, và thiếu lễ độ.”4 Tuy thế, chúng ta có sự bảo đảm của lời tiên tri. Chủ Tịch Nelson cũng đã nói:

“Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà ‘tổ tiên chúng ta đã mỏi mắt chờ mong.’ [Giáo Lý và Giao Ước 121:27.] Chúng ta có đặc ân để tận mắt mình chứng kiến trực tiếp điều mà tiên tri Nê Phi đã thấy chỉ trong khải tượng, là ‘quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế’ sẽ giáng xuống ‘trên dân giao ước của Chúa đã bị phân tán khắp mặt đất; và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại.’ [1 Nê Phi 14:14.]

“Thưa các anh chị em, anh chị em là trong số những người nam, người nữ và trẻ em mà Nê Phi đã trông thấy.”5

Lời mời để quy tụ và ban phước những người ở cả hai bên bức màn che, xây dựng Si Ôn, và chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi bao gồm mỗi người trong chúng ta. “Trong số tất cả những người từng sống trên trái đất,” Chủ Tịch Nelson đã nói, “chúng ta là những người được tham gia vào sự kiện quy tụ cuối cùng vĩ đại này.”6

Chúng Ta Có Được Điều Đó Bằng Cách Nào?

Là Các Thánh Hữu Ngày Sau được ban phước với phúc âm phục hồi, chúng ta “được kêu gọi đến làm việc trong vườn nho của [Chúa] và xây dựng giáo hội của [Ngài], và đem lại Si Ôn.” (Giáo Lý và Giao Ước 39:13). Công việc đó đòi hỏi phải có tình yêu thương, sự đoàn kết, đức tin, sự phục vụ, sự hy sinh, và sự vâng lời.

“Khi mọi người hết lòng yêu thương Thượng Đế và nỗ lực ngay chính để trở nên giống như Ngài, thì xã hội sẽ ít có xung đột và tranh chấp hơn. Có nhiều sự đoàn kết hơn,” Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói. Ông nói thêm: “Đoàn Kết cũng là một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng chắc chắn nhất là minh chứng cho lệnh truyền lớn thứ nhất và thứ hai là yêu thương Thượng Đế và đồng bào của chúng ta. Nó cho thấy dân Si Ôn có tấm lòng và tâm trí ‘đồng tâm đoàn kết’ [Mô Si A 18:21].”7

Với tình yêu thương và sự đoàn kết, chúng ta thực hành đức tin để trông cậy vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, mà có thể chuyển hóa chúng ta khi tấm lòng và cuộc sống chúng ta trở nên thanh khiết (xin xem Mô Si A 3:19Giáo Lý và Giao Ước 97:21). Chúng ta quy tụ những người sẵn lòng đến với Chúa trong sự ngay chính. Qua các giáo lễ thiêng liêng và các nguyên tắc thượng thiên, chúng ta mời gọi quyền năng tin kính vào cuộc sống mình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 105:5). Được dâng hiến bởi sự đùm bọc trong giao ước với Thượng Đế và với nhau, chúng ta xây dựng Si Ôn và chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm.

Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói: “Lòng bác ái là tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. “Và chính là đức tin nơi Ngài và những ảnh hưởng trọn vẹn của Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài mà sẽ hội đủ điều kiện cho các [anh] chị em, cùng những người mình yêu thương và phục vụ, cho ân tứ thiêng liêng để sống trong xã hội Si Ôn đã được hứa và mong mỏi từ bấy lâu.”8

Chuẩn Bị cho Những Ngày Trước Mắt

Các vị tiên tri thời hiện đại dạy rằng việc đến cùng Đấng Cứu Rỗi là vấn đề về sự cam kết cá nhân, không phải là vấn đề về địa điểm.

“Trong những ngày đầu của Giáo Hội, việc cải đạo thường cũng có nghĩa là phải di cư,” Chủ Tịch Nelson đã giải thích. “Nhưng giờ đây sự quy tụ xảy ra ở mỗi quốc gia. Chúa đã ra lệnh thiết lập Si Ôn trong mỗi quốc gia nơi mà Ngài cho Các Thánh Hữu của Ngài được sinh ra và cư ngụ.”9

Khi chúng ta chấp nhận thử thách và phước lành của việc xây dựng Si Ôn trong gia đình, các chi nhánh, tiểu giáo khu, giáo khu, và cộng đồng của mình, thì cùng với John và Maria Linford, chúng ta mong đợi đến cái ngày mà con cái và cháu chắt chúng ta “có thể lớn lên và nuôi nấng gia đình của chúng ở Si Ôn” trong mọi quốc gia, sắc tộc, và sắc ngữ.

Khi chúng ta tìm kiếm Chúa và sự ngay chính của Ngài trước hết, chúng ta cầu nguyện “rằng vương quốc của Ngài có thể bành trướng trên thế gian, hầu cho dân cư trên trái đất có thể nhận được nó, và hãy chuẩn bị cho ngày sắp tới, là ngày mà Con của Người sẽ từ trên trời xuống, khoác trên mình vẻ sáng chói của vinh quang của Ngài, để gặp gỡ vương quốc của Thượng Đế được thiết lập trên thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 65:5).