Podcast số 275 – Liahona tháng 7, 2023 – Sự Kêu Gọi của Chúng Ta để Chia Sẻ Phúc Âm của Đấng Cứu Rỗi – Quentin L. Cook

Bài của Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Là người truyền giáo trẻ ở nước Anh, tôi và người bạn đồng hành của mình giảng dạy một người đàn ông đã trải qua những sự kiện khủng khiếp, đe dọa tính mạng trong Chiến Tranh Thế Giới thứ Hai. Anh ta đã tham gia vào những cuộc xung đột vũ trang ở đất liền và sau đó đã sống sót sau một cuộc tấn công tàn khốc vào con tàu mà anh ta đã ở trên đó trước khi trở về quê hương ở nước Anh. Cuối cùng khi trở về nước Anh, anh ta tràn ngập quá nhiều cảm xúc và lòng biết ơn vì được trở về nhà an toàn đến mức anh ta đã quỳ xuống, hôn lên mặt đất, và dâng lời tạ ơn.

Khi tôi dạy anh ta về Sự Phục Hồi và mô tả Khải Tượng Đầu Tiên của Joseph Smith, anh ta đã khóc. Nước mắt rưng rưng, anh ta mô tả sự làm chứng choáng ngợp mà anh ta đã nhận được. Anh ta giải thích rằng sứ điệp về Sự Phục Hồi đã mang đến cho anh ta cảm giác tương tự như cảm giác anh ta có được khi được an toàn trở về đất Anh. Anh ta cảm thấy rằng anh ta có một sứ mệnh vĩnh cửu.

Sự Kêu Gọi của Chúng Ta với Tư Cách là Tôi Tớ của Thượng Đế

Với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta là các tôi tớ của Thượng Đế. Với tư cách là tôi tớ của Ngài, sứ mệnh của chúng ta là để chia sẻ với người khác—giống như những người tôi đã dạy ở nước Anh—niềm hy vọng mà Đấng Cứu Rỗi ban cho qua cuộc đời, những lời giảng dạy, Sự Chuộc Tội, và phúc âm phục hồi của Ngài (xin xem 3 Nê Phi 27:13–14). Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng trong một thế giới đầy dẫy sự nghi ngờ, tuyệt vọng, và bóng tối, nhưng phúc âm phục hồi mang đến chính ánh sáng mà con cái của Thượng Đế cần trong những thời kỳ hỗn loạn.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã tuyên bố rằng thế gian cần phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vào lúc này hơn bao giờ hết: “Phúc âm của Ngài là câu trả lời duy nhất khi nhiều người trên thế gian đang choáng váng vì sợ hãi. Điều này nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách đối với chúng ta là tuân theo lời chỉ dạy của Chúa cho các môn đồ của Ngài là phải “đi khắp thế gian, giảng tin lành cho mọi người’ [Mác 16:15, sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Ma Thi Ơ 28:19]. Chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng là chia sẻ quyền năng và sự bình an của Chúa Giê Su Ky Tô với tất cả những ai chịu lắng nghe và chịu để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của họ.” Chủ Tịch Nelson nói thêm: “Mỗi người chúng ta đều có một vai trò trong sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên.”1

Một cách thức chúng ta làm tròn vai trò đó là bằng cách chấp nhận sự kêu gọi để phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian. Chúng ta biết, như Chủ Tịch Nelson mới đây đã nhấn mạnh, rằng trách nhiệm đối với công việc truyền giáo toàn thời gian chủ yếu thuộc về các thanh niên nam mà đã được gìn giữ cho sự quy tụ ngày sau. Đối với họ, công việc truyền giáo là “trách nhiệm của chức tư tế.” Mặc dầu công việc truyền giáo không phải là bắt buộc đối với các thiếu nữ, Chủ Tịch Nelson đã yêu cầu họ cũng hãy cầu vấn Chúa xem Ngài có muốn họ phục vụ hay không. “Những gì các em đóng góp cho công việc này thật là tuyệt vời!” ông đã nói với họ. Và dĩ nhiên, Chúa cần các cặp vợ chồng cao niên phục vụ nếu hoàn cảnh của họ cho phép. “Những nỗ lực của họ,” theo như lời của Chủ Tịch Nelson, “hoàn toàn không thể thay thế được.”2

Một cách mà chúng ta làm tròn vai trò của mình trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên là ghi nhớ giao ước của mình để “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu” (Mô Si A 18:9). Chúng ta không cần một sự kêu gọi truyền giáo toàn thời gian để đứng làm nhân chứng. Khi chúng ta sống theo phúc âm, yêu thương và phục vụ người khác, đứng vững trước cám dỗ và sự ngược đãi, và chia sẻ chứng ngôn bằng lời nói và hành động, chúng ta sẽ thu hút người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô.

Chia sẻ phúc âm có thể dễ nản chí, ngay cả đối với những ai đã phục vụ truyền giáo. Nhưng khi chúng ta có một chứng ngôn mạnh mẽ về Đấng Cứu Rỗi và Sự Phục Hồi, thì chúng ta không thể nào không chia sẻ lời chứng về những gì chúng ta biết.

Tầm Quan Trọng của Chứng Ngôn

Làm thế nào để chúng ta củng cố chứng ngôn của mình để có thể trở thành những người truyền giáo hữu hiệu? Chúng ta chỉ cần tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri tại thế của chúng ta. Chứng ngôn của chúng ta phát triển khi chúng ta:

  • Thúc đẩy đà thuộc linh của chúng ta.3
  • Dành thời gian cho Chúa.4
  • Củng cố nền tảng thuộc linh của chúng ta.5
  • Để Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta.6
  • Nghe lời Ngài!7

Khi chúng ta học những lời của Chủ Tịch Nelson và lưu ý đến lời khuyên bảo của ông, chúng ta sẽ củng cố chứng ngôn của mình nơi Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài, vai trò mà Tiên Tri Joseph Smith đóng trong Sự Phục Hồi, sự xác thật của Sách Mặc Môn, và sự kêu gọi của các vị tiên tri và sứ đồ tại thế. Một chứng ngôn được củng cố sẽ chuẩn bị chúng ta—và gia tăng ước muốn của chúng ta—lưu ý đến sự kêu gọi tiên tri của Chủ Tịch Nelson để quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che.

Để chia sẻ phúc âm một cách hiệu quả, chúng ta không cần phải là một nhà hùng biện tài năng. Chúng ta không cần phải biết mọi dấu chấm hay nét phẩy của giáo lý phúc âm. Chúng ta không cần phải thuộc lòng hàng chục câu thánh thư. Chúng ta thậm chí không cần phải có học thức cao. Những điều này giúp chúng ta chia sẻ sứ điệp của mình, nhưng quyền năng cải đạo thực sự đến từ một tấm lòng khiêm nhường, một chứng ngôn hùng mạnh, và một lời chứng khẳng định từ Đức Thánh Linh.

“Không có ai,” Tiên Tri Joseph Smith đã nói, “có thể thuyết giảng phúc âm mà không có Đức Thánh Linh.”8

“Lửa trong Xương Tôi”

Năm 1830, sau khi lắng nghe những người truyền giáo giảng dạy sứ điệp của phúc âm phục hồi, Brigham Young đã tự mình muốn biết lẽ thật về những điều họ đang giảng dạy. Một cách có phương pháp, ông đã học Sách Mặc Môn cũng như đặc điểm của những người làm chứng về sách đó và về Tiên Tri Joseph Smith.

Có điều gì đó về những người truyền giáo thời kỳ đầu này đã làm cảm động tấm lòng và tâm hồn của Brigham. “Chứng ngôn của họ giống như lửa trong xương tôi,” ông nói.9

Một trong những người truyền giáo này, Eleazer Miller, trở thành tín hữu Giáo Hội chỉ mới bốn tháng.10 Ông đã là, theo cách nói riêng của người truyền giáo ngày nay, một “lính mới”, và ông không phải là người giỏi nói chuyện trước công chúng. Nhưng những điều này không quan trọng.

Nhiều năm về sau, Chủ Tịch Brigham Young đã tuyên bố: “Khi tôi thấy một người đàn ông không có tài hùng biện, hay tài nói chuyện trước công chúng, mà chỉ có thể nói: ‘Tôi biết bằng quyền năng của Đức Thánh Linh rằng Sách Mặc Môn là đúng thật [và] rằng Joseph Smith là một vị tiên tri của Chúa [,]’ [Đ]ức Thánh Linh phát ra từ cá nhân đó [đã] soi sáng sự hiểu biết của tôi, và ánh sáng, sự vinh quang, và sự bất diệt [đang] ở trước tôi.”

Chủ Tịch Young nói rằng ông đã được bao quanh và tràn ngập bởi ánh sáng và sự vinh quang đó và ông đã tự mình biết được rằng chứng ngôn của Eleazer là chân thật.

“Thế gian, với tất cả sự khôn ngoan và quyền năng của nó, với tất cả sự vinh quang, và sự phô trương bề ngoài về sự giàu có của các vị vua và các nhà cầm quyền,” Chủ Tịch Young đã nói, “đang đắm chìm vào sự vô nghĩa khi so sánh với chứng ngôn đơn giản, không rườm rà của một tôi tớ của Thượng Đế.”11

Niềm Vui của Chúng Ta Lớn Lao Biết Bao

Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố: “Sau khi tất cả mọi điều đã được nói rồi thì bổn phận lớn nhất và quan trọng nhất là thuyết giảng Phúc Âm.”12

Việc tôn trọng các giao ước của chúng ta với tư cách là tín hữu trong vương quốc của Thượng Đế gồm có chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chia sẻ phúc âm là một trong những cách thể hiện mạnh mẽ nhất về việc yêu thương người lân cận như chính mình (xin xem Ma Thi Ơ 22:37–39). Chia sẻ phúc âm là nhiệm vụ lớn lao của Đấng Cứu Rỗi.

Những người trong chúng ta mà đã giúp mang nhiều người đến với Đấng Ky Tô đã nếm trải niềm vui vĩnh cửu được hứa với những người lao nhọc để cứu con cái của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:15–16). Tôi vẫn nghĩ về công việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian của tôi với tư cách một người truyền giáo trẻ ở nước Anh—những người bạn đồng hành mà tôi đã phục vụ cùng, những người tôi đã gặp, những người con trai và con gái quý báu của Thượng Đế mà chúng tôi đã giúp mang vào đàn chiên của Ngài. Cuộc sống của tôi không bao giờ như trước nữa sau đó.

Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi lặp lại lời hứa của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn với những người “mang đến cho thế gian lẽ thật này,”13 cho dù ở trong nhà hay ở ngoài nhà: “Chúa sẽ tưởng thưởng và ban phước lành dồi dào cho anh chị em khi anh chị em khiêm nhường và thành tâm phục vụ Ngài. Nhiều hạnh phúc lớn lao đang chờ đợi các anh chị em hơn các anh chị em đã từng trải qua khi các anh chị em lao nhọc ở giữa các con cái của Ngài.”14