Podcast số 273 – Liahona tháng 3, 2023 – Noi Gương Đấng Ky Tô: Chăm Sóc Cho Những Người Hoạn Nạn – Kellie Christensen

Bài của chị Kellie Christensen thuộc Dịch Vụ An Sinh Phúc Lợi và Tự Lực Cánh Sinh của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Là các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô cố gắng sống theo hai giáo lệnh lớn: yêu mến Thượng Đế và yêu thương người lân cận của chúng ta (xin xem Ma Thi Ơ 22:37–39). Việc tuân theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô và hai giáo lệnh lớn này đã hướng dẫn cho Giáo Hội và các tín hữu của Giáo Hội trong việc chăm sóc những người hoạn nạn.

Vậy Giáo Hội giúp chăm sóc cho những người hoạn nạn như thế nào? Và làm thế nào mà các tín hữu có thể tham gia vào công việc vĩ đại này?

Những Cách để Giúp Đỡ

Là tín hữu Giáo Hội, chúng ta cố gắng tìm kiếm những người hoạn nạn và giúp đỡ tất cả con cái của Thượng Đế bất kể họ thuộc chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo nào.

Chúng ta chăm sóc cho những người hoạn nạn bằng nhiều cách, gồm có:

  • Nhịn ăn và sử dụng các của lễ nhịn ăn.
  • Phục sự lẫn nhau.
  • Các chương trình tự lực cánh sinh.
  • Các chương trình về thực phẩm, giáo dục, nước sạch, và chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
  • Ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
  • Các dự án tình nguyện trong cộng đồng.

Mặc dù một số nỗ lực nhân đạo của Giáo Hội đều có quy mô lớn, nhưng ngay cả những nỗ lực nhỏ cũng có thể cùng nhau tạo ra một ảnh hưởng lớn lao. Sau đây là một số ví dụ về cách mà các tín hữu Giáo Hội giúp đỡ những người hoạn nạn.

Phục Sự giữa Sự Xung Đột

RaeAnn và Sterling Jarvis—các tín hữu Giáo Hội ở Warsaw, Ba Lan—không biết điều gì sẽ xảy ra khi họ chọn đón tiếp những người tị nạn vào sống trong nhà của họ. Nhưng họ sẵn lòng giúp đỡ bằng mọi cách có thể.

Ngay sau khi xung đột bắt đầu nổ ra ở Châu Âu, một gia đình người Ukraine gồm năm người đã đến trước cửa nhà gia đình Jarvis vào lúc 1 giờ sáng. Họ đã di chuyển gần 800 kilômét để tìm kiếm sự an toàn. Gia đình Jarvis đã đón tiếp chị Maryna và anh Serhii Bovt cùng ba đứa con của họ vào nhà. Theo thời gian, họ đã phát triển tình yêu thương và sự quan tâm thực sự đối với gia đình Bovt. Maryna nói về tấm gương phục vụ của gia đình Jarvis: “Khi ta chia sẻ tình yêu thương thì tình yêu thương sẽ phát triển.” “Điều này mang chúng ta lại gần nhau và đến gần Chúa hơn.”

Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta cố gắng noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi bằng cách phục sự những người xung quanh mình. Một người không nhất thiết phải chạy trốn khỏi chiến tranh hay sự ngược đãi thì mới cần được giúp đỡ. Mỗi hành động tử tế của chúng ta—cho dù nhỏ nhặt ra sao—cũng đều có thể ảnh hưởng tốt đến cuộc sống của một người nào đó.

Cộng Đồng Chia Sẻ

Tại Trang Trại Lương Thực Laie Hawaii thuộc sở hữu của Giáo Hội, có hơn 310 gia đình trồng trọt hoa màu để hỗ trợ các hộ gia đình của họ. Trên mảnh đất rộng 1,25 mẫu Anh (0,5 héc ta) đó, những gia đình này trồng khoai môn, khoai mì, khoai lang, cây sa kê, ổi, và các loại hoa màu khác trên đảo.

Nông trại được một cặp vợ chồng truyền giáo quản lý và được những người truyền giáo và các tín hữu khác phụ giúp thêm. Những tình nguyện viên này giúp phát quang đất đai, chuẩn bị đất cho việc trồng trọt, và dạy các kỹ năng canh tác cơ bản.

Nhờ những người truyền giáo, các tín hữu và tình nguyện viên này, nên nhiều người thiếu thốn lương thực ở Hawaii có thể tự trang trải cuộc sống tốt hơn khi công việc làm khan hiếm. Cộng đồng vững mạnh hơn khi mọi người cùng nhau làm việc để chăm sóc nông trại và chia sẻ những gì họ trồng được.

Các dự án nhân đạo của Giáo Hội giúp cung cấp các dịch vụ an ninh lương thực, giáo dục, nước sạch, và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Giáo Hội cũng cung cấp nhiều nguồn lực để nâng cao khả năng tự lực cánh sinh, bao gồm các nhà kho của giám trợ, các trung tâm tìm việc làm, các cửa hàng Deseret Industries, tham vấn Dịch Vụ Gia Đình, các khóa học tự lực cánh sinh, các trang trại và vườn cây ăn trái do Giáo Hội sở hữu như Trang Trại Lương Thực Laie Hawaii. Các dự án này thường được các tín hữu và những người truyền giáo hỗ trợ, là những người đóng góp hết mình về thời gian, tài năng, và các nguồn lực khác tạo ra sự khác biệt lớn lao cho những người hoạn nạn.

Một Hành Động của Tình Thân Hữu

Vào năm 2021, khoảng 200 tín hữu của Giáo Hội đã đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ. Họ đã đi đến các trung tâm ở Đức, Hoa Kỳ, và những nơi khác để giúp đỡ khoảng 55.000 người tị nạn từ Afghanistan.

Nhiều tình nguyện viên đã phục vụ tại các trung tâm này trong hai hoặc ba tuần, và một số người còn ở lại lâu hơn nữa. Các tín hữu của Giáo Hội đã đáp ứng các nhu cầu cấp bách của những người tìm nơi tị nạn bằng cách cung cấp thực phẩm, quần áo, và các vật dụng khác.

Các chị em trong Hội Phụ Nữ ở Đức nhận thấy một số phụ nữ Afghanistan đang sử dụng áo của chồng để che đầu thay cho khăn trùm đầu truyền thống của họ mà đã bị mất hoặc rách trong sự hỗn loạn điên cuồng ở sân bay. Các chị em trong Hội Phụ Nữ này tập trung lại để may trang phục Hồi Giáo truyền thống cho những chị em phụ nữ đang cần này—cho thấy sự tử tế và tôn trọng người khác, bỏ qua sự khác biệt về tín ngưỡng của họ.

Chị Sharon Eubank, giám đốc của tổ chức Latter-day Saint Charities (Tổ Chức Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau) đã nói rằng: “Các nỗ lực cá nhân của chúng ta không nhất thiết phải cần đến tiền bạc hay các địa điểm xa xôi; mà những nỗ lực đó cần phải có sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và một tấm lòng sẵn sàng thưa với Chúa: ‘Có tôi đây; xin hãy sai tôi’ [Ê Sai 6:8].”1

Ước muốn để phục vụ khi thiên tai xảy ra là lý do tại sao Giáo Hội thường là một trong những nhóm đầu tiên đáp ứng—cả với sự cứu trợ tạm thời lẫn giúp đỡ lâu dài. Việc làm của các tín hữu Giáo Hội và những người truyền giáo giúp những người hoạn nạn cảm thấy an toàn, nhận được sự chăm sóc về thể chất và tinh thần, và cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế qua sự tử tế của người khác.

Được Kêu Gọi để Làm Công Việc của Ngài 

Giáo Lý và Giao Ước 4:3 nêu rằng: “Nếu các ngươi mong muốn phục vụ Thượng Đế thì các ngươi được kêu gọi để làm công việc của Ngài.” Với tất cả những gì Giáo Hội làm, thì có nhiều cách để phục vụ.

Nhiều nỗ lực được Giáo Hội thiết lập nhằm giúp những người hoạn nạn chỉ có thể thực hiện được với sự phục vụ của những người truyền giáo và các tín hữu. Không phải ai cũng có thể đón nhận một gia đình tị nạn vào nhà, lo liệu cho nhu cầu vật chất của người khác, hoặc ngưng mọi công việc để đến giúp đỡ trong một trận thiên tai. Nhưng mỗi người đều có một phần vụ riêng, và sự đóng góp của mỗi người đều được cảm nhận và trân quý.

Một trong những cách thức quan trọng nhất mà các tín hữu dành cho công việc này là thông qua các của lễ nhịn ăn và các khoản hiến tặng nhân đạo. Những khoản hiến tặng thiêng liêng này được sử dụng để giúp đỡ những người khó khăn nhất và có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của những người được giúp đỡ. Các tín hữu của Giáo Hội có thể phục vụ các sứ mệnh nhân đạo, tạo điều kiện cho các khóa học tự lực cánh sinh, và làm tình nguyện viên tại nhà kho của giám trợ và tại các cửa hàng Deseret Industries. Anh chị em cũng có thể chăm sóc cho những người hoạn nạn qua sự phục vụ ở địa phương, hiến máu, những chỉ định phục sự, cầu nguyện, và hơn thế nữa.

Chúng ta đều được kêu gọi để làm công việc này. Chúng ta được kêu gọi để noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô và yêu mến Thượng Đế, yêu thương người lân cận mình. Chúng ta chỉ cần sẵn lòng.