Podcast số 171 – Liahona tháng 1, 2010 – Hãy Bám Chặt Lâu Hơn Nữa – Dieter F. Uchtdorf

Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Một trong các bài học về lòng kiên trì trong thời kỳ Kirtland là phần thuộc linh của chúng ta cần được nuôi dưỡng liên tục. Chúng ta cần phải noi theo lời giảng dạy của Chúa mỗi ngày nếu chúng ta muốn sống sót qua nghịch cảnh mà chúng ta đều phải đương đầu.

Hè vừa qua vợ tôi và tôi đưa hai đứa cháu trai sinh đôi của chúng tôi đi Kirtland, Ohio. Đó là một cơ hội đặc biệt và quý báu để chúng tôi dành thời giờ với chúng trước khi chúng đi truyền giáo.

Trong chuyến tham quan đó, chúng tôi học cách biết rõ hơn hoàn cảnh của Tiên Tri Joseph Smith và Các Thánh Hữu sống ở Kirtland. Kỷ nguyên đó của lịch sử Giáo Hội được biết là một thời kỳ thử thách nghiêm trọng nhưng cũng là các phước lành quý báu.

Ở Kirtland, Chúa đã ban cho một số biểu hiện phi thường và thiêng liêng nhất cùng các ân tứ thuộc linh mà thế gian này từng kinh nghiệm được. Tiết 65 của sách Giáo Lý Giao Ước đã nhận được ở Kirtland và những khu vực phụ cận—những điều mặc khải mà mang đến ánh sáng và sự hiểu biết mới về các đề tài như Ngày Tái Lâm, chăm sóc người túng thiếu, kế hoạch cứu rỗi, thẩm quyền chức tư tế, Lời Thông Sáng, tiền thập phân, đền thờ, và luật dâng hiến.1

Đó là một thời kỳ tăng trưởng thuộc linh độc nhất vô nhị. Quả thật, Thánh Linh của Thượng Đế giống như lửa đang bùng cháy. Môi Se, Ê Li và nhiều nhân vật thiên thượng khác nữa đã hiện đến trong thời kỳ này, kể cả Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử, Đấng Cứu Rỗi của thế gian, Chúa Giê Su Ky Tô.2

Một trong nhiều điều mặc khải mà Joseph đã nhận được ở Kirtland là một điều mặc khải ông gọi là “lá ô liu… được hái ra từ Cây ở Thiên Đàng, là sứ điệp hòa bình của Chúa gửi đến chúng ta” (phần giới thiệu của GLGƯ 88). Điều mặc khải phi thường này gồm có lời mời gọi cao quý: “Hãy lại gần ta, rồi ta sẽ đến gần các ngươi; hãy tận tụy tìm kiếm ta, rồi các ngươi sẽ tìm thấy ta” (GLGƯ 88:63). Khi Các Thánh Hữu ở Kirtland lại gần Chúa thì Ngài thật sự đến gần họ, trút các phước lành của thiên thượng lên những người trung tín.

Sự Trút Xuống Thánh Linh

Có lẽ cực điểm của những biểu hiện thuộc linh này xảy đến trong lúc làm lễ cung hiến Đền Thờ Kirland vào ngày 27 tháng Ba năm 1836. Một trong những người hiện diện ở đó là William Draper 28 tuổi, là người mô tả ngày này như là “ngày lễ Ngũ Tuần.” Anh viết: “Có một lúc như vậy với sự trút xuống Thánh Linh của Chúa, mà tôi không có đủ chữ để viết xuống hoặc đủ lời để nói về điều đã xảy ra. Nhưng tôi sẽ nói ở đây rằng Thánh Linh đã trút xuống và đến như một cơn cuồng phong mạnh và tràn đầy trong nhà, rằng nhiều người hiện diện đã nói tiếng lạ, có khải tượng và thấy thiên sứ cùng nói tiên tri, đồng thời có một kinh nghiệm hân hoan chung chưa từng biết được trong thế hệ này.”3

Những biểu hiện thiêng liêng này đã không giới hạn chỉ cho những người ở bên trong đền thờ không mà thôi, vì “những người lân cận cùng chạy đến (khi nghe một tiếng động lạ thường ở bên trong, và thấy một luồng ánh sáng như một cột lửa ở trên Đền Thờ) và rất ngạc nhiên trước điều đang xảy ra.”4

Lorenzo Snow (1814–1901), về sau là Chủ Tịch của Giáo Hội, sống ở Kirtland trong thời kỳ được phước này. Ông nhận xét: “Một người sẽ nghĩ rằng sau khi nhận được những biểu hiện kỳ diệu này thì sẽ không có cám dỗ nào có thể tấn công Các Thánh Hữu nữa.”5

Nhưng dĩ nhiên, những kinh nghiệm thuộc linh lớn lao không làm cho chúng ta được miễn khỏi sự chống đối và thử thách. Chỉ một vài tháng sau lễ cung hiến đền thờ, một khủng hoảng kinh tế làm lung lay Hoa kỳ và Kirtland cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các ngân hàng bị thất bại, làm cho nhiều người lâm vào cảnh khó khăn tài chính. Tình hình càng tồi tệ hơn khi nhiều Thánh Hữu di cư đến Kirtland với rất ít của cải và không biết rằng họ sẽ làm gì một khi đến nơi hoặc làm thế nào để sống sót.

Chẳng bao lâu, sự ngược đãi nổi lên và đám đông khủng bố họp lại chống lại Các Thánh Hữu. Tín hữu của Giáo Hội—ngay cả một số người thân cận nhất với Vị Tiên Tri, nhiều người trong số họ đã hiện diện tại lễ cung hiến đền thờ—đã bội giáo và lên án Joseph là một vị tiên tri sa ngã.

Khi tôi đi gần đến Kirtland với vợ và hai đứa cháu trai, tôi suy nghĩ về việc một số người không còn trung tín ngay cả sau những biểu hiện thuộc linh mà họ đã chứng kiến. Thật đáng buồn biết bao khi họ không thể kiên trì chịu đựng lời nhạo báng và chỉ trích của những kẻ không tin. Thật đáng buồn biết bao, khi đương đầu với thử thách tài chính hoặc những vất vả gian nan khác, họ đã không thể tìm đến nội tâm của mình và tìm ra sức mạnh để luôn được trung tín. Thật là đáng tiếc biết bao khi thấy rằng vì một lý do nào đó, họ đã quên đi kết quả thuộc linh nhiệm mầu tại lễ cung hiến đền thờ.

Các Bài Học

Chúng ta có thể học được gì từ kỷ nguyên phi thường này trong lịch sử của Giáo Hội?

Một trong những bài học quan trọng và kiên trì của thời kỳ Kirtland là linh hồn của chúng ta cần được nuôi dưỡng liên tục. Như Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973) dạy: “Chứng ngôn không phải là điều mà các anh chị em có ngày hôm nay và giữ được mãi mãi. Chứng ngôn sẽ phải tăng trưởng đến một mức độ chắc chắn, hoặc nó phải giảm dần đến con số không, tùy thuộc vào điều chúng ta hành động với chứng ngôn đó. Tôi nói rằng chứng ngôn mà chúng ta đạt được lại mỗi ngày chính là điều cứu chúng ta khỏi hầm bẫy của kẻ nghịch thù.”6 Chúng ta cần phải tuân theo những lời giảng dạy của Chúa mỗi ngày nếu chúng ta muốn sống sót qua khỏi nghịch cảnh mà chúng ta đều phải đối phó.

Trong một số cách thức, thế giới của chúng ta ngày nay tương tự với Kirtland của thập niên 1830. Chúng ta cũng sống trong những thời kỳ khốn cùng về tài chính. Có những người ngược đãi và lăng mạ Giáo Hội cùng các tín hữu của Giáo Hội. Đôi khi những thử thách riêng của cá nhân và tập thể cũng có thể dường như quá mạnh.

Hơn bao giờ hết đó là lúc chúng ta cần đến gần Chúa. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ dần dần biết ý nghĩa của việc được Chúa đến gần chúng ta. Khi tìm kiếm Ngài một cách siêng năng hơn, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra Ngài. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng Chúa không bỏ rơi Giáo Hội hoặc Các Thánh Hữu trung tín của Ngài. Mắt của chúng ta sẽ được mở ra và chúng ta sẽ thấy Ngài mở những cửa sổ thiên thượng và trút xuống chúng ta nhiều ánh sáng của Ngài hơn. Chúng ta sẽ tìm ra sức mạnh thuộc linh để sống sót ngay cả trong những lúc đen tối nhất.

Mặc dù một số Thánh Hữu ở Kirtland đã quên đi những kinh nghiệm thuộc linh mà họ đã có, nhưng đa số Các Thánh Hữu khác đều không như vậy. Đa số, kể cả William Draper, đã bám chặt vào sự hiểu biết thuộc linh mà Thượng Đế đã ban cho họ và tiếp tục tuân theo Vị Tiên Tri. Trong cuộc sống của mình, họ trải qua những thử thách gian nan hơn, nhưng cũng có sự tăng trưởng thuộc linh tuyệt vời cho đến cuối cùng, khi những người kiên trì chịu đựng đến cùng thì được “thu nhận vào … một trạng thái hạnh phúc bất tận” (Mô Si A 2:41).

Các Anh Chị Em Có Thể Bám Chặt

Nếu các anh chị em bị cám dỗ để trở nên chán nản hay mất đức tin thì hãy nhớ đến Các Thánh Hữu trung tín đó vẫn luôn luôn trung thành ở Kirtland. Hãy bám chặt lâu hơn một chút nữa. Các anh chị em có thể làm điều này! Các anh chị em là một phần của thế hệ đặc biệt. Các anh chị em được chuẩn bị và gìn giữ để sống vào thời kỳ quan trọng này trên hành tinh xinh đẹp của chúng ta. Các anh chị em có một dòng dõi thiêng liêng và do đó đều có những tài năng cần thiết để làm cho cuộc sống của mình thành một câu chuyện thành công vĩnh cửu.

Chúa đã ban phước cho các anh chị em với một chứng ngôn về lẽ thật. Các anh chị em đã cảm nhận được ảnh hưởng và chứng kiến quyền năng của Ngài. Và nếu các anh chị em tiếp tục tìm kiếm Ngài thì Ngài sẽ tiếp tục ban cho các anh chị em những kinh nghiệm thiêng liêng. Với những ân tứ này cùng các ân tứ khác, các anh chị em sẽ không những có thể thay đổi làm cho cuộc sống của chính mình được tốt hơn mà còn ban phước nhà cửa, tiểu giáo khu hoặc chi nhánh, cộng đồng, thành phố, tiểu bang và quốc gia của mình với lòng thiện lành.

Đôi khi, có thể rất khó để thấy nhưng hãy bám chặt lâu hơn một chút, vì “ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài” và chờ đợi Ngài (1 Cô Rinh Tô 2:9; xin xem thêm GLGƯ 76:10133:45).

Tôi làm chứng về lẽ thật của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và lẽ thật của Giáo Hội Ngài. Tôi hết lòng và hết tâm hồn làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống, Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Ngài và đứng đầu Giáo Hội vĩ đại này. Một lần nữa chúng ta có một vị tiên tri trên thế gian, chính là Chủ Tịch Thomas S. Monson.

Cầu xin cho chúng ta nhớ mãi bài học về Kirland và bám chặt lâu hơn một chút nữa—ngay cả khi những sự việc trông đen tối. Hãy biết và nhớ điều này: Chúa yêu thương các anh chị em. Ngài nhớ các anh chị em. Và Ngài sẽ mãi mãi hỗ trợ những người “kiên trì trong đức tin cho đến cùng” (GLGƯ 20:25).