Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh William Randall (Randy) Cone, một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang sống tại Maryland, Hoa Kỳ
Khi tôi còn là một thiếu niên trong thập niên 1960, Chiến Tranh Việt Nam đang diễn biến khốc liệt. John F. Kennedy đã bị ám sát, Martin Luther King Jr. Và Robert Kennedy cũng chịu số phận tương tự. Tôi đã chống đối cha mẹ và tất cả các truyền thống, thể chế thời bấy giờ. Tôi không muốn kết hôn hay sinh con trong một thế giới đầy bạo lực, dối trá, và đầy rối ren.
Tôi đã bỏ học cấp ba vào năm lớp 11, chuyển đến Quận Haight Ashbury ở San Francisco, California, Hoa Kỳ, và sống một cuộc sống của một người hippie từ năm 1969 đến 1972. Tôi sống trong các cộng đồng chung, nhận bất kỳ công việc nào tôi tìm được và theo đuổi một lối sống lý tưởng và khoái lạc, bao gồm cả việc lạm dụng ma túy.
Đồng thời, tôi cũng đang tìm kiếm đức tin, tình yêu thương và lẽ thật thuộc linh. Tôi thiền định và nghiên cứu nhiều tôn giáo khác nhau, rút ra những bài học mà tôi cảm thấy là chân thật hoặc có giá trị. Tuy nhiên, tất cả sự tìm kiếm ấy đều dẫn đến thất vọng. Anh trai tôi, John, biết về cuộc tìm kiếm của tôi và gửi cho tôi một quyển Sách Mặc Môn.
John, là người đã gia nhập Giáo Hội từ sớm, đã viết: “Em phải đọc cuốn sách này”.
Khi tôi bị sa thải vì đọc Sách Mặc Môn ở chỗ làm tại trạm xăng, tôi nghĩ: “Cuốn sách này chẳng có ích lợi gì.” Tôi đã ném quyển sách đó đi.
Không lâu sau đó, John nói với tôi rằng anh sẽ đến khu Vùng Vịnh San Francisco cùng một nhóm ca đoàn từ trường Brigham Young University.
Anh ấy nói: “Anh rất muốn gặp em,” gợi ý rằng chúng tôi sẽ gặp nhau tại Đền Thờ California Oakland.
Khi lái xe quanh Vùng Vịnh vào ban đêm, tôi thường thấy ngôi đền thờ ấy. Ngôi đền thờ ấy gợi lên trong tôi một niềm khao khát thuộc linh, nên tôi đã tìm hiểu và muốn vào bên trong. John và tôi gặp nhau vào sáng sớm trong khuôn viên đền thờ. Sau buổi gặp gỡ, anh ấy nói rằng đã đến lúc nhóm của anh vào đền thờ.
John nói với tôi: “Randy, em sẽ không thể vào đền thờ được”.
“Em biết, vì em là một người hippie,” tôi trả lời, “nhưng em đã nghiên cứu các tôn giáo phương Đông, em ăn chay, em sống trong một cộng đồng yêu thích việc chia sẻ mọi thứ, và em có 20 đô la trong túi đây. Cần điều gì nữa mới vào được đền thờ vậy?”
John đáp lại: “Nhiều hơn thế rất nhiều”. “Em chưa đủ tốt.”
Vào thời điểm đó, tôi tự cho mình là người có tiến bộ vượt bậc về mặt trí tuệ, triết học và tâm linh. Tại sao tôi lại không đủ tốt cơ chứ?
Tràn Đầy Hy Vọng
Trong nhiều năm, cha mẹ tôi không hề biết tôi ở đâu. Họ là những người tử tế, luôn cố gắng mang đến cho tôi nền giáo dục tốt nhất có thể, và chắc chắn đã cảm thấy thất vọng vì những lựa chọn của tôi. Khi cha tôi lâm bệnh, mẹ tôi đã thuyết phục tôi trở về nhà ở Washington, D.C. Khi tôi đến nơi, John tìm cho tôi một công việc trong đội xây dựng Đền Thờ Washington D.C.
Tôi không biết rằng anh ấy đã sắp xếp để tôi làm việc với một nhóm gồm những người đã từng đi truyền giáo trở về. Tôi ngạc nhiên khi thấy người quản đốc trưởng, John Howell, yêu cầu một thành viên trong đội cầu nguyện vào đầu mỗi ngày làm việc—một điều tôi chưa từng thấy ở các đội đoàn mà tôi đã làm việc cùng trước đây.
Một ngày nọ tại công trường, một vài người trong chúng tôi đang lắp đặt một trong những cánh cửa nặng nề của đền thờ thì cánh cửa bất chợt rơi xuống và đè bẹp ngón tay của tôi. John vội vàng chạy đến, nhìn ngón tay tôi, gọi người mang dầu được thánh hóa đến và ban phước cho tôi. Ngón tay tôi lành nhanh đến mức tôi không cần đến gặp bác sĩ.
Trong một dịp khác, tôi được đưa cho một lưỡi dao cạo và được yêu cầu cạo những mảnh vụn ra khỏi sàn bê tông.
“Tại sao lại phải cạo sàn vậy?” Tôi hỏi một thành viên trong đội. “Chẳng phải họ sẽ trải thảm lên sàn sao?”
Anh ấy trả lời rằng: “Randy, anh không biết đây là nhà của ai, phải không?” “Chúng ta đang hoàn thiện ngôi nhà này cho Đấng Toàn Hảo.”
Thế giới đang tràn ngập sự nhạo báng, cay đắng, hận thù và sợ hãi, thì tấm gương và lời giảng dạy của người thanh niên trẻ tuổi mà tôi làm việc cùng đã khiến lòng tôi tràn đầy hy vọng. Khi các thành viên trong đội chia sẻ niềm tin của họ với tôi, tôi biết rằng họ rất chân thành và trung thực. Họ đã hy sinh hai năm cuộc đời để phục vụ người khác, và họ có một sự lạc quan mang đầy hiểu biết. Tôi muốn tin những gì họ giảng dạy là thật. Tôi cảm thấy rằng mình đang dần dầ̀n đạt được sự khai sáng mà tôi luôn tìm kiếm, và rằng Chúa đang chuẩn bị phần thuộc linh cho tôi.
John Howell đề nghị tôi gặp với những người truyền giáo toàn thời gian. Thay vì thế, tôi đã chọn để anh trai mình và một người bạn của anh ấy, một người truyền giáo đã được giải nhiệm trở về, giảng dạy cho tôi. Khi họ dạy tôi, tôi muốn có bằng chứng cụ thể và không thể chối cãi rằng những điều tôi đang học là đúng thật. Tôi không muốn thảo luận thêm nếu không có bằng chứng đó.
Khi tôi hỏi làm thế nào họ biết được lẽ thật, họ đáp: “Chúng tôi đã đọc, cầu nguyện và cảm nhận được lời chứng từ Đức Thánh Linh.” Họ nói rằng tôi cũng cần có được lời chứng đó.
Tối hôm đó, tôi đi vào một khu rừng nhỏ gần khu phố của mình. Tôi không biết mình đã cầu nguyện trong bao lâu, nhưng tôi đã cầu nguyện với sự chân thành tuyệt đối. Tôi liên tục hỏi Thượng Đế bốn câu hỏi giống nhau: “Sách Mặc Môn có phải là lời của Thượng Đế không? Ngài và Vị Nam Tử của Ngài có hiện ra với Joseph Smith không? Đây có phải là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô không? Con có đủ tốt để trở thành một tín hữu không?”
Câu trả lời cho mỗi câu hỏi vang lên như lời thì thầm trong tâm hồn tôi—“Có”—bốn lần. Những lời thì thầm ấy đi kèm với những cảm giác an bình và tuyệt diệu.
Tôi cúi đầu, quỳ gối, đôi mắt nhòa lệ, rưng rưng thốt lên: “Nếu đây là câu trả lời mà Ngài ban cho con, thì con xin đón nhận và cam kết dành trọn cuộc đời mình cho Ngài và phúc âm này như Ngài đã mặc khải cho con.” Không có từ ngữ nào diễn tả được những suy nghĩ, cảm xúc và lẽ thật đã bao quanh tôi.
Lời chứng mà tôi nhận được vào đêm đó không thể bị chối cãi, và đến bây giờ lời chứng ấy vẫn mạnh mẽ như lúc đó. Kể từ lời cầu nguyện đó, Thượng Đế đã chứng minh những câu trả lời ấy cho tôi qua hàng ngàn cách thức diệu kỳ và đầy tính thực tế.
Ngọn Lửa Cháy Bừng Trong Tôi
Ngay sau khi chịu phép báp têm vào năm 1974, lần đầu tiên tôi được tham dự đại hội trung ương tại Salt Lake City cùng với anh trai tôi, John. Tôi rất ngạc nhiên khi Anh Cả Boyd K. Packer (1924–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, là người đã gặp dì tôi tại Thành Phố New York ba tuần trước kỳ đại hội, đã nhắc đến tôi và John trong bài nói chuyện buổi sáng Chủ Nhật.
Trích dẫn lời của dì tôi, Anh Cả Packer nói: “Hai cháu trai của tôi đã gia nhập Giáo Hội của anh. Tôi khó mà tin được sự thay đổi mà điều này đã mang lại trong cuộc sống của chúng”.
Nhờ sự thay đổi lớn lao đó (xin xem An Ma 5:14), một ngọn lửa đã bùng cháy trong tôi mà tôi mong muốn chia sẻ. Không lâu sau, tôi đến Idaho với tư cách là một người truyền giáo toàn thời gian. Giữa chặng đường truyền giáo của tôi, cha tôi—người hùng vĩ đại nhất và là bạn thân nhất của tôi—đã qua đời. Mẹ tôi gọi cho chủ tịch phái bộ truyền giáo của tôi và xin cho tôi về nhà để đọc điếu văn. Khi vị chủ tịch phái bộ truyền giáo cho tôi tự quyết định có về hay không, tôi nói với ông rằng tôi muốn cầu nguyện và nhịn ăn 24 giờ trước khi đưa ra quyết định.
Đêm hôm đó, tôi có một giấc mơ. Cha tôi hiện ra trước mặt tôi. Giữa những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa và sâu sắc với ông, cha nói với tôi: “Con trai, con hãy tiếp tục công việc truyền giáo của con.”
Tôi đã nghe theo lời cha và ở lại.
Sáu tháng sau khi hoàn thành công việc truyền giáo, tôi nắm tay mẹ khi bà trút hơi thở cuối cùng. Nhiều thập niên sau, vợ tôi, Lisa, tìm thấy một lá thư từ cha mẹ tôi trong một chiếc hộp cũ. Cha tôi đã viết lá thư đó cho tôi trong thời gian tôi phục vụ truyền giáo nhưng ông đã qua đời trước khi gửi lá thư đó.
“Trái tim của cha mẹ đã, đang, và sẽ mãi luôn tràn đầy tình yêu thương dành cho con. Cha hiểu rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng cuộc sống là vậy đấy. … Đấng Ky Tô không phán rằng: ‘Hãy theo ta rồi mọi việc sẽ trở nên dễ dàng.’ Ngài phán: ‘Hãy vác thập tự giá [của ngươi] mà theo ta’ [Ma Thi Ơ 16:24]. Ngài đã vác thập tự giá, nhưng tất cả chúng ta đều có cái dằm trong mắt mình. Có lẽ vị trí của chúng ta trên thiên thượng sẽ tùy thuộc vào cách chúng ta lấy cái dằm ra khỏi mắt mình. Con trai, cha mẹ yêu con rất nhiều.”
Điều Tôi Đang Tìm Kiếm
Khi lớn lên, tôi đã hành xử không đúng với cha mẹ của mình, nhưng tôi chưa bao giờ nghi ngờ tình yêu thương của họ. Kể từ khi tìm thấy Giáo Hội, tôi đã nỗ lực để cảm ơn và tôn kính họ.
Vào ngày 17 tháng Hai năm 2018, hai tuần trước khi Đền Thờ Washington D.C. đóng cửa để tu sửa, tôi đã được làm lễ gắn bó với cha mẹ tôi, 42 năm sau khi họ bước qua bức màn che để đi về nơi vĩnh cửu. Con trai cả của tôi, William, là người làm thay cho cha tôi, và Lisa làm thay cho mẹ tôi. Tôi cảm thấy rằng cha mẹ tôi, là những người đã được làm lễ gắn bó với nhau trước đây đều hiện diện ở đó trong thể linh.
Trong đền thờ, chúng ta thấy những sợi dây kết nối chúng ta vĩnh viễn với những người thân yêu của mình. Tôi tin chắc về điều đó.
Khi còn trẻ, tôi không muốn kết hôn hoặc sinh con. Nhưng giờ đây vợ, con và các cháu của tôi là những tài sản quý giá nhất của tôi. Giáo Hội là một phép lạ, và cuộc sống của tôi trong Giáo Hội thật kỳ diệu. Như Joseph Smith đã nói: “Nếu tôi đã không trải qua kinh nghiệm mà tôi có thì chính tôi cũng sẽ không tin.”
Năm mươi năm trước, tôi là một công nhân xây dựng Đền Thờ Washington D.C. Lúc đó, tôi tin chắc rằng cuộc đời mình không có tương lai hạnh phúc. Hôm nay, tôi là người thực hiện giáo lễ trong chính ngôi đền thờ ấy, sau khi đã chấp nhận lời mời của Chúa để theo Ngài, nhận lấy sự chữa lành của Ngài, tiếp nhận các giáo lễ của Ngài, và cố gắng trở nên giống như Ngài.
Giáo Hội phục hồi không phải là một lý thuyết, một triết lý, hay chỉ đơn thuần là một cộng đồng hay nền văn hóa. Đây là Giáo Hội chân chính của Chúa, Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ tìm thấy những gì tôi đang tìm kiếm ở San Francisco. Nhưng tôi chẳng tìm thấy điều gì cả. Tôi tìm thấy điều đó trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và trong ngôi nhà của Chúa, là “phần quan trọng nhất của Sự Phục Hồi.”