Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Diego Torres, một tín hữu hiện đang sống tại Manchester, nước Anh
Việc bước vào tuổi thành niên thật là thú vị đối với tôi. Tôi đã chuẩn bị để bắt đầu xây đắp cuộc sống mà tôi luôn mong muốn. Tôi đã phục vụ truyền giáo ở Brazil và sau đó theo học đại học khi tôi về nhà. Tôi tốt nghiệp đại học, tìm được một việc làm tốt, và cố gắng sống với tư cách là một môn đồ của Đấng Ky Tô.
Và tôi vẫn còn ở trong giai đoạn này của cuộc sống. Chỉ đang cố gắng hết sức để noi theo Ngài.
Tôi rất biết ơn về những cơ hội và phước lành mà tôi đã có. Tuy nhiên, khi nhìn lại và thấy rằng tôi đã lập tất cả các giao ước có thể cho đến thời điểm này (ngoài hôn nhân) và đạt được những sự kiện quan trọng mà tôi luôn luôn hoạch định, đôi khi tôi cảm thấy hơi bế tắc—không chắc phải tiến triển như thế nào, nhất là về phần thuộc linh.
Tôi cũng đã chứng kiến những người thành niên trẻ tuổi xung quanh mình gặp khó khăn. Một số thậm chí đã rời bỏ Giáo Hội vì họ cảm thấy không có phương hướng hoặc có những kỳ vọng chưa được đáp ứng. Những hành động của họ thường làm tôi thắc mắc về cuộc sống.
Tuy nhiên, ngay bây giờ, những thắc mắc lớn nhất của tôi dành cho Cha Thiên Thượng là: Làm thế nào tôi có thể khắc phục được cảm giác bị mất phương hướng thuộc linh? Tôi làm gì bây giờ?
Khi vật lộn với những câu hỏi này, tôi đã học được một vài lẽ thật quan trọng mà đã giúp tôi vượt qua thời điểm bấp bênh này.
Đừng Để Cho Những Điều Gây Xao Lãng Làm Anh Chị Em Phân Tâm
Trong thời gian này khi không biết phải hướng về đâu hoặc kỳ vọng điều gì, tôi đã thấy cách mà những điều xao lãng của thế gian có thể dễ dàng bắt đầu được ưu tiên hơn những điều thuộc linh. Chị Rebecca L. Craven, Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã nói: “Thế giới đầy những thứ làm xao lãng mà có thể đánh lừa cả người chọn lọc, khiến họ trở nên tùy tiện trong việc sống theo các giao ước của họ.”1
Tôi đã thấy những người thành niên trẻ tuổi khác gặp khó khăn với chứng ngôn của họ sau khi đi truyền giáo về. Tôi cũng đã thấy cách mà một số người đạt được những thành tích như tốt nghiệp đại học hoặc kết hôn và cuối cùng bị xao lãng khỏi những điều quan trọng nhất khi họ không dành chỗ cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong nề nếp mới của mình.
Tôi cũng đã trải qua những thăng trầm về mặt thuộc linh. Đôi khi thật khó để có động lực và không lười biếng để thực hiện các thói quen thuộc linh, đặc biệt là khi một số phước lành nào đó không đến sớm như tôi hy vọng. Tôi luôn luôn muốn tiến bộ và cải thiện—tôi không muốn trì trệ về phần thuộc linh. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy như mình chỉ sống thụ động mà không có mục đích.
Tuy nhiên, khi tôi dành ra thời gian cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mỗi ngày, nhất là trong những cách thức nhỏ nhặt tầm thường (xin xem An Ma 37:6), tôi cảm thấy sự an ủi và ổn định mà phúc âm của Ngài mang đến cho tôi, ngay cả khi thế gian quá bất ổn.
Chủ Tịch Russell M. Nelson nói: “Tôi khẩn nài với anh chị em hãy để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của anh chị em. Hãy chia sẻ với Chúa một phần thời gian của anh chị em. Khi anh chị em làm vậy, hãy để ý xem điều gì sẽ xảy ra cho cái đà thúc đẩy thuộc linh tích cực của anh chị em.”2 Khi tôi chủ tâm chọn có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mỗi ngày và dành thời gian cho những thói quen thuộc linh nhằm kết nối tôi với Ngài, thì tôi nhớ lại những giây phút thuộc linh quan trọng của mình và cảm thấy một ý thức mới về mục đích, hy vọng cho tương lai, và đức tin.
Tìm Kiếm Những Ảnh Hưởng Tốt
Một lần khác khi tôi cảm thấy mất phương hướng là trong năm cuối đại học của mình. Cuộc sống rất khó khăn. Đó là trong thời gian đại dịch, vì vậy tôi đã bị trầm cảm trong khi bị mắc kẹt ở nhà để hoàn tất các lớp học. Tôi cảm thấy thiếu sự hướng dẫn và sự kết nối trong cuộc sống của tôi.
Tôi còn gặp khó khăn trong việc tham dự nhà thờ lúc đó. Tôi thường phải tự ra khỏi giường trong bộ đồ ngủ của mình để lắng nghe buổi lễ Tiệc Thánh trực tuyến vì đó là tất cả động lực mà tôi có.
Trong thời kỳ đen tối này, tôi đã tìm đến gia đình và bạn bè của mình và giải thích cho họ biết tôi cảm thấy mất phương hướng và chán nản như thế nào. Tôi không cảm thấy như mình có bất cứ hy vọng nào cho tương lai và không biết mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hay không. Và đó là khi họ nói với tôi rằng họ đang cầu nguyện cho tôi và hỗ trợ tôi mặc dù họ ở rất xa.
Khi tìm đến những người thân yêu có đức tin sâu đậm và khi tôi cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng với chỉ một ít động lực thuộc linh, tôi cảm thấy sự hỗ trợ và tình yêu thương bền bỉ.
Tôi nhận thấy rằng khi tôi quá tập trung vào những kỳ vọng không được làm tròn, những nỗi nghi ngờ, hoặc những khó khăn của mình, thì đức tin của tôi bị suy yếu. Tôi quên đi các phước lành trong cuộc sống của mình. Nhưng bằng cách tích cực vây quanh mình với điều tốt lành bằng cách đọc phước lành tộc trưởng của mình, lắng nghe các sứ điệp trong đại hội trung ương, và dành thời gian với những người thân yêu có ảnh hưởng tốt đến tôi, tôi tập trung trở lại vào sự khác biệt kỳ diệu mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô tạo ra trong cuộc sống của mình.
Thậm chí đôi khi anh chị em không có hướng đi rõ ràng trước mặt mình hoặc khi mọi việc không diễn ra theo kế hoạch, thì vẫn còn có rất nhiều điều tốt lành trong cuộc sống của anh chị em và có rất nhiều cơ hội có sẵn để giúp anh chị em tiến triển trên con đường giao ước. Luôn luôn có thêm nhiều điều để học hỏi và cơ hội để phát triển, nhất là về phần thuộc linh. Hãy cầu xin Cha Thiên Thượng để được hướng dẫn. Ngài sẽ giúp anh chị em tìm kiếm những ảnh hưởng và cơ hội tốt lành để phát triển và học hỏi xung quanh anh chị em (xin xem Những Tín Điều 1:13).
Tiếp Tục Cố Gắng
Mức độ thuộc linh cá nhân của chúng ta đôi khi giống như những cơn sóng—lúc lên lúc xuống. Nhiều lúc, chúng ta cảm thấy vững vàng trong đức tin của mình và trong niềm vui của phúc âm. Nhưng vào những lúc khác, chúng ta gặp khó khăn không biết phải hướng về đâu. Chúng ta có thể gặp khó khăn khi gặp thử thách, thắc mắc, hoặc các phước lành bị trì hoãn, đặc biệt là khi chúng ta đang cố gắng hết sức để sống theo phúc âm. Trong những lúc khó khăn này, tôi thường thấy người ta chọn một trong hai con đường: một con đường dẫn đến Đấng Cứu Rỗi, và con đường kia thì không.
Đôi khi tôi so sánh những thời điểm này với câu chuyện về Môi Se và con rắn bằng đồng (xin xem Dân Số Ký 21:8–9). Khi dân Y Sơ Ra Ên tuyệt vọng để được chữa lành sau khi bị rắn độc cắn, Môi Se đã cho họ một cách dễ dàng để được cứu: chỉ cần nhìn vào con rắn bằng đồng tượng trưng cho Giê Hô Va. Đó là tất cả những gì họ phải làm. Chỉ một cái nhìn thoáng qua và họ sẽ sống. Nhưng có rất nhiều người đã chọn không nhìn và chết. (Xin xem 1 Nê Phi 17:41.)
Câu chuyện này làm cho tôi nghĩ về cách chúng ta nhiều lúc phải mang gánh nặng độc hại của sự thất vọng và oán giận vì những kỳ vọng chưa được đáp ứng của mình, khi sự chữa lành ở ngay trước mặt chúng ta!
Bí quyết để cảm nhận hy vọng, bình an, và đức tin cho tương lai của chúng ta chỉ đơn giản là trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Hê La Man 8:14–15; Giăng 3:14–17).
Tôi luôn luôn gay gắt chỉ trích bản thân mình khi tôi phạm lỗi. Nhưng vì tôi đã thực sự cố gắng học hỏi và tin cậy nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, nên tôi biết rằng tôi luôn luôn có thể trông cậy vào hai Ngài để được tha thứ, tăng trưởng, và chữa lành trong những lúc khó khăn. Tôi biết rằng khi tôi tìm đến hai Ngài qua lời cầu nguyện, học tập tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta, dành thời gian trong đền thờ, và làm vinh hiển sự kêu gọi của mình, thì tôi cảm thấy biết ơn và đổi mới.
Khi tìm kiếm hai Ngài, tôi nhận thấy bản chất của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô: một nơi trú ẩn mang đến cho chúng ta sự an ủi, an toàn, chữa lành từ những con rắn độc của thế gian.
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã trìu mến làm chứng: “‘Niềm hy vọng hết sức xán lạn,’ cùng với tình thương yêu của Thượng Đế và tất cả loài người—đó chính là điều chúng tôi mong muốn cho các em. … Cùng với niềm hy vọng xán lạn đó sẽ là lời thì thầm không thể phủ nhận được rằng Thượng Đế yêu thương các em, rằng Đấng Ky Tô là Đấng Biện Hộ cho các em, rằng phúc âm là chân chính. Mức độ xán lạn của nó sẽ nhắc nhở các em rằng trong phúc âm mỗi ngày, mỗi giờ—sẽ luôn luôn có một cơ hội mới, một cuộc sống mới, một năm mới. Quả là một phép lạ! Quả là một ân tứ! Và nhờ vào sự ban cho của Đấng Ky Tô mà những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống sẽ thuộc về chúng ta nếu chúng ta kiên trì tiếp tục tin tưởng, tiếp tục cố gắng và tiếp tục hy vọng.”3
Tiến về phía Chúa Giê Su Ky Tô
Độ tuổi thành niên mang đến nhiều thay đổi, nhiều sự bấp bênh, và, vâng, thậm chí đôi khi những kỳ vọng chưa được đáp ứng. Nhưng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn chắc chắn và luôn luôn vững vàng. Và những lời hứa của Ngài và Cha Thiên Thượng là chắc chắn khi chúng ta tiếp tục ở trên con đường giao ước. Đôi khi, thế gian có thể làm cho chúng ta khó giữ sự tập trung của mình vào Ngài. Nhưng bất kỳ bước tiến nào để mang chúng ta hướng về phía Ngài cũng đều là tiến bộ. Khi tiến về Đấng Ky Tô, chúng ta không bao giờ mất phương hướng—chúng ta đang hướng tới niềm hy vọng, sự bình an, và niềm vui.