Podcast số 264 – Liahona tháng 7, 2002 – “Hãy Theo Ta” – Joseph B. Wirthlin

Anh Cả Joseph B. Wirthlin thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vào năm 2002

Họ là những người đánh cá trước khi họ nghe được lời kêu gọi. Đang thả lưới dưới Biển Ga Li Lê thì Phi E Rơ và Anh Rê dừng lại khi Chúa Giê Su ở Na Xa Rết đến gần, nhìn vào mắt họ, và thốt ra những lời giản dị: “Hãy theo ta.” Ma Thi Ơ viết rằng hai người đánh cá “liền bỏ lưới mà theo Ngài.”

Rồi Con của Người đến gần hai người đánh cá khác là những người đang ở trong thuyền với cha họ, vá lưới. Chúa Giê Su gọi họ: “tức thì [Gia Cơ và Giăng] bỏ thuyền và cha mình mà theo [Chúa].”1

Có bao giờ các anh chị em thắc mắc là sống trong thời kỳ của Đấng Cứu Rỗi thì như thế nào không? Nếu sống lúc đó, các anh chị em có lưu tâm đến lời kêu gọi của Ngài “Hãy theo ta” chăng?

Có lẽ một câu hỏi thiết thực hơn có thể là: “Nếu Đấng Cứu Rỗi kêu gọi các anh chị em ngày nay thì các anh chị em có sẵn lòng để bỏ lưới mình để đi theo Ngài chăng?” Tôi tin rằng nhiều người sẽ sẵn lòng làm theo.

Nhưng đối với một số người khác, đó có thể không phải là một quyết định dễ dàng. Một số có thể thấy rằng lưới, với tính chất thật của nó, đôi khi không phải dễ để bỏ lại.

Lưới có nhiều loại và hình dáng khác nhau. Lưới mà Phi E Rơ, Anh Rê, Gia Cơ và Giăng bỏ lại là những đồ vật hữu hình—dụng cụ mà giúp họ kiếm sống.

Đôi khi chúng ta nghĩ về bốn người này là những người đánh cá bình thường không hy sinh gì nhiều khi họ bỏ lưới để đi theo Đấng Cứu Rỗi. Trái lại, như Anh Cả James E. Talmage, trong Jesus the Christ, nêu ra rằng Phi E Rơ, Anh Rê, Gia Cơ và Giăng là những người chung vốn trong một việc làm ăn phát đạt. Họ “làm chủ thuyền và mướn những người khác làm việc cho họ.” Theo như Anh Cả Talmage, thì Si Môn Phi E Rơ “rất khá giả về phương diện vật chất; và khi ông nói bỏ hết tất cả để đi theo Chúa Giê Su, thì Chúa đã không phủ nhận rằng sự hy sinh của Phi E Rơ các của cải vật chất thì… rất lớn.”2

Sau này, lưới giàu sang đã bẫy người trai trẻ quyền quý là người cho rằng mình đã tuân theo tất cả các giáo lệnh từ hồi nhỏ. Khi người ấy hỏi Đấng Cứu Rỗi mình còn phải làm điều gì khác nữa để có được cuộc sống vĩnh cửu, thì Đấng Thầy phán: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta.” Khi người trai trẻ nghe thế, “thì đi, bộ buồn bực; vì chàng có của cải nhiều lắm.”3

Lưới thường được định nghĩa là dụng cụ dùng để bắt một thứ gì đó. Trong một nghĩa hẹp nhưng quan trọng hơn, chúng ta có thể định nghĩa lưới như bất cứ vật gì mà cám dỗ hay ngăn chúng ta không cho đi theo lời kêu gọi của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống.

Lưới trong phạm vi này có thể là công việc, thú tiêu khiển, thú vui của chúng ta và trên hết mọi điều khác, sự cám dỗ và tội lỗi của chúng ta. Nói tóm lại, lưới có thể là bất cứ điều gì mà lôi kéo chúng ta ra khỏi mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng hay ra khỏi Giáo Hội đã được phục hồi của Ngài.

Tôi xin được đưa ra một ví dụ hiện đại. Một máy điện toán có thể là một dụng cụ hữu ích và rất cần thiết. Nhưng nếu chúng ta để cho nó chiếm hết thời giờ của chúng ta qua những sinh hoạt vô bổ, vô ích và đôi khi tiêu cực, thì nó trở thành một cái lưới vướng mắc.

Nhiều người trong chúng ta thích xem những cuộc tranh tài thể thao, nhưng nếu chúng ta biết rõ mỗi một chi tiết về người lực sĩ mà mình ưa thích và đồng thời quên đi sinh nhật hay lễ kỷ niệm ngày cưới, xao lãng gia đình mình hay làm ngơ trước cơ hội phục vụ giống như Đấng Ky Tô, thì những người lực sĩ cũng có thể là một cái bẫy lưới.

Kể từ thời A Đam, nhân loại làm đổ mồ hôi trán mới có được miếng ăn hằng ngày. Nhưng khi chúng ta say mê công việc của mình đến nỗi chúng ta xao lãng phần thuộc linh thì công việc cũng có thể là một cái lưới vướng mắc.

Một số người bị gài vào bẫy nợ nần chồng chất. Lưới tiền lời nắm chặt họ, bắt họ phải bán thời giờ và nghị lực để đáp ứng những đòi hỏi của chủ nợ. Họ từ bỏ sự tự do của mình và trở thành nô lệ của tính tiêu pha phung phí của họ.

Chúng ta khó thể liệt kê hết nhiều loại lưới mà có thể bẫy chúng ta và giữ chúng ta không cho đi theo Đấng Cứu Rỗi. Nhưng nếu chúng ta thành thật trong ước muốn của mình để đi theo Ngài, thì chúng ta phải lập tức bỏ lưới vướng mắc của thế gian và đi theo Ngài.

Tôi không biết một thời kỳ nào khác trong lịch sử của thế gian mà đầy dẫy đủ loại bẫy lưới như thế. Cuộc sống của chúng ta dễ dàng đầy dẫy những cuộc hẹn, buổi họp và công việc. Thật dễ dàng để bị mắc vào vô số lưới mà đôi khi ngay cả một lời đề nghị để thoát ra khỏi chúng cũng có thể nguy hiểm và còn kinh khiếp đối với chúng ta.

Đôi khi chúng ta cảm thấy rằng chúng ta càng bận rộn thì chúng ta càng quan trọng—làm như sự bận rộn xác định giá trị của chúng ta. Thưa các anh chị em, chúng ta có thể dành cả đời ra để quanh quẩn cuống cuồng kiểm đi kiểm lại những việc mà cuối cùng thì thực sự chẳng quan trọng gì.

Chúng ta có làm cho nhiều thì có thể cũng không quan trọng mấy. Chúng ta tập trung nghị lực của tâm trí, tấm lòng và tâm hồn vào những điều có ý nghĩa vĩnh cửu—đó mới là thiết yếu.

Giữa những tiếng động ồn ào của đời chung quanh mình, thì chúng ta nghe la “hãy đến đây” và “hãy đi đó.” Giữa tiếng động và giọng điệu cám dỗ mà tranh giành thời giờ và sở thích của chúng ta, một bóng hình đơn độc đứng trên bờ Biển Ga Li Lê nhỏ nhẹ kêu gọi chúng ta: “Hãy Theo Ta.”

Chúng ta có thể dễ dàng làm cho cuộc sống mình mất thăng bằng. Tôi nhớ có một vài năm đặc biệt rất khó khăn cho tôi. Gia đình tôi có bảy đứa con. Tôi đã phục vụ với tư cách là một cố vấn trong giám trợ đoàn và rồi nhận được một sự kêu gọi thiêng liêng làm giám trợ của tiểu giáo khu của chúng tôi. Tôi đang cố gắng quản trị việc kinh doanh của chúng tôi mà đòi hỏi nhiều giờ làm việc mỗi ngày. Tôi có lời khen ngợi người vợ tuyệt vời của tôi là người luôn giúp tôi có thể phục vụ Chúa.

Tôi thực sự có rất nhiều việc để làm với thời giờ tôi có. Thay vì hy sinh những việc có ý nghĩa, tôi quyết định dậy sớm hơn, lo công việc kinh doanh của mình và rồi dành thời giờ cần để làm bổn phận của một người cha và người chồng tốt và một tín hữu trung thành của Giáo Hội. Điều đó không dễ dàng. Có những buổi sáng khi chuông đồng hồ báo thức reo, thì tôi cố gắng mở một mắt và nhìn trừng trừng vào nó, thách đố nó reo tiếp.

Tuy nhiên, Chúa đầy lòng thương xót và giúp tôi tìm ra nghị lực và thời giờ để làm tất cả những gì tôi đã cam kết làm. Mặc dù khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc đã lựa chọn nghe theo lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi và đi theo Ngài.

Hãy nghỉ về món nợ chúng ta thiếu Ngài. Chúa Giê Su là “sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin [Ngài] thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.”4 Có những người giàu có rất nhiều, vậy mà họ sẵn lòng bỏ tất cả để được thêm một vài năm, vài tháng hay ngay cả vài ngày vào cuộc sống trên trần thế của họ. Chúng ta cần phải sẵn lòng ban phát gì để có được cuộc sống vĩnh cửu?

Có những người chịu ban phát tất cả những gì họ có để được sự bình an. Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”5 Nhưng đó không phải đơn thuần là sự bình an mà Đấng Cứu Rỗi hứa ban cho những người tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và kiên trì đến cùng, mà còn là cuộc sống vĩnh cửu, “là ân tứ lớn lao nhất trong mọi ân tứ của Thượng Đế.”6

Nhờ vào Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ sống mãi mãi. Sự bất diệt có nghĩa là chúng ta không bao giờ chết. Nhưng cuộc sống vĩnh cửu có nghĩa là sống mãi mãi trong chốn tôn cao cùng với những người mà chúng ta yêu mến, ở giữa tình yêu thương sâu đậm, niềm vui vô hạn, và vinh quang.

Không một số tiền nào có thể mua được trạng thái tôn cao này. Cuộc sống vĩnh cửu là một ân tứ từ Cha Thiên Thượng nhân từ ban cho không và rộng rãi cho tất cả những người lưu tâm đến lời kêu gọi của Người ở Ga Li Lê.

Đáng tiếc thay, nhiều người đã bị vướng sâu vào lưới của họ nên không lưu tâm đến lời kêu gọi. Đấng Cứu Rỗi đã giải thích rằng “Các ngươi không tin ta, vì các ngươi chẳng phải là chiên của ta. Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó và nó theo ta.”7

Làm thế nào chúng ta đi theo Đấng Cứu Rỗi? Bằng cách sử dụng đức tin. Bằng cách tin nơi Ngài. Bằng cách tin nơi Cha Thiên Thượng của chúng ta. Bằng cách tin rằng Thượng Đế phán bảo cùng con người trên thế gian ngày nay.

Chúng ta đi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách hối cải các tội lỗi của mình, bằng cách trải qua nỗi buồn rầu bởi vì chúng và từ bỏ chúng.

Chúng ta đi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách bước vào nước báp têm và tiếp nhận sự xá miễn các tội lỗi của mình, bằng cách tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh và để cho ảnh hưởng đó soi dẫn, chỉ dạy, hướng dẫn và an ủi chúng ta.

Làm thế nào chúng ta đi theo Đấng Cứu Rỗi? Bằng cách vâng lời Ngài. Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta đã ban cho chúng ta các giáo lệnh—không phải để trừng phạt hay dày vò chúng ta—mà để giúp chúng ta có được niềm vui trọn vẹn, cả trong cuộc sống này lẫn cuộc sống vĩnh cửu mai sau, mãi mãi.

Ngược lại, khi chúng ta bám lấy các tội lỗi, các thú vui của mình và đôi khi những điều mà chúng ta lầm tưởng là bổn phận của mình; chống cự lại ảnh hưởng Đức Thánh Linh; và bỏ qua những lời của các tiên tri; thì chúng ta đứng trên bờ biển của Ga Li Lê của chính mình, lưới vướng chặt vào chúng ta. Chúng ta thấy mình không thể bỏ chúng lại mà theo Đấng Ky Tô hằng sống.

Nhưng Đấng Chăn kêu gọi mỗi người chúng ta ngày nay. Liệu chúng ta sẽ nhận biết tiếng của Vị Nam Tử của Thượng Đế không? Liệu chúng ta sẽ theo Ngài không?

Tôi xin được đưa ra một lời cảnh cáo. Có những người cảm thấy rằng nếu chúng ta theo Đấng Cứu Rỗi, cuộc sống của chúng ta sẽ không bị lo âu, đau đớn và sợ hãi. Không phải vậy đâu! Chính Đấng Cứu Rỗi được mô tả là một người đau khổ.8 Những môn đồ thời xưa mà đi theo Đấng Ky Tô đã trải qua nhiều ngược đãi và thử thách. Tiên Tri Joseph Smith cũng không được miễn trừ. Cũng như những Thánh Hữu thời xưa của gian kỳ sau cùng này. Và cũng không khác biệt ngày nay.

Tôi đã có cơ hội để nói chuyện với một chị phụ nữ mà đã nghe thấy lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi khi chị 18 tuổi. Cha của chị, là một chức sắc cao cấp trong một giáo hội khác, đã tức giận chị và cấm chị không được báp têm. Ông cho chị biết rằng nếu chị trở thành một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chị sẽ bị gia đình từ bỏ.

Mặc dù sự hy sinh đó rất lớn lao, nhưng người thiếu nữ này đã lưu tâm đến lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi và bước vào nước báp têm.

Tuy nhiên, cha của chị không thể chấp nhận quyết định của chị và cố gắng buộc chị phải từ bỏ tín ngưỡng mới của chị. Ông và vợ ông mắng nhiếc chị về quyết định của chị để trở thành một tín hữu của Giáo Hội và đòi chị phải rút lui và từ bỏ tôn giáo mới của chị.

Mặc cho cơn thịnh nộ, nỗi đau khổ và sỉ nhục, đức tin của chị vẫn mạnh mẽ. Chị kiên trì chịu đựng sự hành hạ bằng lời nói và tinh thần, vì biết rằng chị đã nghe được lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi và chị sẽ đi theo Ngài, mặc cho kết quả ra sao.

Cuối cùng người thiếu nữ này xoay xở tìm ra một chỗ trú ngụ an toàn, một nơi nương náo với một người có lòng tử tế trong gia đình xa khỏi những đe dọa và sự tàn nhẫn của cha mình.

Chị gặp một thanh niên trung tín và cả hai kết hôn trong đền thờ, và tiếp nhận các phước lành chọn lọc mà đi kèm với lễ hôn phối trong đền thờ.

Ngày nay chị là một trong số đông người đã hy sinh rất nhiều để tuân theo lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi.

Vâng, tôi không nói rằng con đường sẽ dễ đi. Nhưng tôi sẽ đưa ra cho các anh chị em lời chứng của tôi rằng những người mà, trong đức tin, bỏ lưới mình và theo Đấng Cứu Rỗi sẽ trải qua hạnh phúc vượt quá khả năng thấu hiểu của họ.

Khi tôi gặp các tín hữu tuyệt diệu của Giáo Hội này—cả người trẻ lẫn người lớn tuổi—tôi thấy được khuyến khích và lòng đầy biết ơn sự trung tín của những người đã nghe lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi và đi theo Ngài.

Chẳng hạn, một công nhân ngành thép đi theo Đấng Cứu Rỗi. Hết ngày này sang ngày khác, trong một thời gian hơn ba thập niên, ông đã giở thánh thư mình ra đọc trong lúc giờ ăn trưa trong khi những người đồng sự của ông chế nhạo ông. Người góa phụ 70 tuổi bị giam hãm trong chiếc xe lăn của mình—là người đã vui mừng khích lệ tinh thần của mọi người đến thăm viếng và luôn bảo với họ rằng bà được may mắn biết bao—đã đi theo Đấng Cứu Rỗi. Đứa trẻ mà tìm kiếm qua lời cầu nguyện để giao tiếp với Đấng Chủ Tể của vũ trụ đã đi theo Đấng Cứu Rỗi. Người tín hữu giàu có mà đóng góp rộng rãi cho Giáo hội và đồng bào của mình là đi theo Đấng Cứu Rỗi.

Chúa Giê Su KyTô đã đứng trên bờ Biển Ga Li Lê cách đây 2000 năm, thì ngày nay Ngài cũng đứng đó, đưa ra cũng lời kêu gọi đó cho những người đánh cá trung tín và giờ đây cho tất cả những người sẽ nghe tiếng Ngài: “Hãy theo ta!”

Chúng ta có lưới mà phải được giữ gìn và lưới phải được vá sửa. Nhưng khi Đấng Chủ Tể của đại dương, đất và trời kêu gọi chúng ta: “Hãy theo ta,” thì chúng ta sẽ bỏ lại lưới vướng mắc của vật chất thế gian và đi theo bước Ngài.

Thưa các anh chị em của tôi, tôi công bố với giọng vui mừng rằng phúc âm đã được phục hồi một lần nữa! Các tầng trời mở rộng cho Tiên Tri Joseph Smith, và ông nhìn thấy và tiếp chuyện với Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Dưới sự hướng dẫn thiêng liêng và sự giảng dạy từ các nhân vật thiên thượng, các lẽ thật vĩnh cửu đã được phục hồi một lần nữa cho loài người!

Trong thời đại của chúng ta, hiện có một vị tiên tri cao trọng khác trên thế gian, là người hằng ngày thêm lời chứng của mình vào các lẽ thật thiêng liêng này. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley trong chức phẩm thiêng liêng của ông là người phát ngôn của Chúa và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô. Bên cạnh ông là các vị cố vấn cao quý của ông. Ngoài ra, ông có được sự ủng hộ tán thành của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, các Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, và hằng triệu tín hữu trên khắp thế giới là những người phụ giúp ông, mỗi người thêm vào tiếng nói của ông để công bố Sự Phục Hồi vinh quang của phúc âm mà một lần nữa đã được phục hồi cho loài người!

Chúa Giê Su Ky Tô là “đường đi, lẽ thật và sự sống: chẳng bởi [Ngài] thì không ai được đến cùng Cha.”9 Với tư cách là một nhân chứng đặc biệt về Ngài, tôi làm chứng cùng các anh chị em ngày này rằng sẽ đến lúc mà mọi người nam, người nữ và trẻ em sẽ nhìn vào đôi mắt đầy yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Vào ngày đó, chúng ta sẽ chắc chắn biết giá trị của quyết định của mình để đi theo Ngài lập tức.

Cầu xin cho mỗi người chúng ta có thể nghe được lời kêu gọi của Đấng Thầy và lập tức bỏ lưới vướng mắc của mình mà hân hoan đi theo Ngài là lời cầu nguyện tha thiết của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.