Podcast số 466 – Liahona tháng 3, 2025 – Giáo Vụ Các Sứ Đồ: Một Công Việc Mà Không Ai Khác Có Thể Làm Được – Shaun Stahle

Bài của Anh Shaun Stahle làm việc tại các tạp chí của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Một dịp nọ, khi Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và vợ của ông, Melanie, vừa mới yên vị để thưởng thức buổi hòa nhạc Giáng Sinh của cháu trai thì vị hiệu trưởng bước đến và hỏi liệu ông có thể nói lời chào mừng đến khán giả không.

Khi Anh Cả Rasband đứng dậy và nhìn quanh đám đông cùng ban nhạc—tất cả đều háo hức chờ đợi chương trình bắt đầu—ông dự định chỉ đơn giản là chào đón mọi người và chúc họ có một buổi tối tuyệt vời. Nhưng rồi ông nhớ đến sự kêu gọi sứ đồ của mình, luôn đứng lên làm nhân chứng đặc biệt ở mọi nơi. “Thưa quý vị,” ông nói, “tôi không thể bỏ lỡ cơ hội [vào dịp này], trong mùa kỷ niệm sự giáng sinh của Đấng Ky Tô, để làm chứng về danh Ngài và về giáo vụ của Ngài.”

Dù đi đến đâu, gặp gỡ bất kỳ ai, thì sứ điệp của các Sứ Đồ luôn là sự khẳng định về Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử cứu chuộc của Thượng Đế. Anh Cả David A. Bednar chia sẻ: “Trước hết và trên hết, lúc nào cũng vậy, chúng tôi luôn là những nhân chứng về sự xác thực rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống.”

Anh Cả Dale G. Renlund đã chia sẻ với các chị em Hội Phụ Nữ tại một buổi họp đặc biệt devotional tại London năm ngoái: “Chúa Giê Su Ky Tô chính là lý do chúng ta có mặt ở đây. “Tôi biết chắc chắn rằng Ngài hằng sống! … Phép lạ thật sự xảy ra trong cuộc sống của các chị em khi các chị em tự mình biết được điều đó.”

Anh Cả Quentin L. Cook chia sẻ với các tín hữu ở Sydney, Úc: “Làm thế nào tôi có thể giúp xây đắp đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô?”, nhấn mạnh cách mà câu hỏi này đã định hình sứ điệp của ông qua nhiều năm.

Những lời giảng dạy của họ cho thấy một cảm giác cấp bách và khát khao để mọi người có thể vươn lên trong sự thánh thiện, để họ nhìn thấy và cảm nhận được Đấng Cứu Rỗi và cảm nhận được ân điển chuộc tội của Ngài (xin xem 3 Nê Phi 11:15). Lời giảng dạy của họ tràn đầy tình yêu thương và sự thấu hiểu. Lời khẩn nài của họ để hối cải tuy dịu dàng nhưng kiên định. Niềm khao khát của họ đối với các tín hữu để tăng trưởng trong những điều thuộc về Thượng Đế thật rõ ràng và không thể phủ nhận. Khi mọi người lắng nghe lời chứng của một Sứ Đồ, tấm lòng có thể được lay chuyển và cuộc sống của họ có thể được thay đổi.

Những nhân chứng cho Chúa Giê Su Ky Tô

Mỗi Sứ Đồ mang đến những tài năng và kinh nghiệm độc đáo để thực hiện sự chỉ định của mình. Mỗi người đều có sự nghiệp nổi bật. Mỗi người đều khác biệt về tính cách và phong cách, nhưng họ đều có chung những đức tính tốt. Họ mang đến sự vui vẻ, tích cực và sự an tâm cho những ai ở xung quanh. Nhiều người khi gặp gỡ một Vị Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô thường ấn tượng bởi sự lịch thiệp và chân thành của họ.

Các Vị Sứ Đồ luôn khẩn trương hoàn thành công việc—một sự thôi thúc để ban phước lành, mang lại sự an ủi và làm chứng.

Chủ Tịch Jeffrey R. Holland, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chia sẻ: “Trong ba thập kỷ qua, tôi đã có vinh dự và đặc ân được đồng hành cùng các thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. “Không có ngoại lệ, mỗi người trong số họ đã giúp tôi trở thành một môn đồ tốt hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.

“Gần đây khi chúng tôi tập trung lại để chụp ảnh nhóm túc số, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn vì được là một phần trong một tổ chức tiếp nối từ các môn đồ thời xưa và thời hiện đại của Chúa Giê Su Ky Tô.

“Những tên tuổi và khuôn mặt … trong nhóm túc số này sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng điều cốt yếu vẫn còn: mỗi sứ đồ đều lãnh nhận trách nhiệm ‘trở thành một nhân chứng đặc biệt cho danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế gian’ [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:23]. Không có công việc nào ngọt ngào hơn có thể được giao cho ai khác, cũng như không có nhóm túc số nào có khả năng tốt hơn để cùng thực hiện công việc đó.”


Anh Cả Dieter F. Uchtdorf chia sẻ trong khi đi tham quan các địa điểm thiêng liêng tại Israel vào năm 2023: “Cảm giác biết ơn dành cho Đấng Cứu Rỗi ngập tràn trong tôi ngày hôm nay khi chúng tôi suy ngẫm về sự hy sinh của Ngài tại hai địa điểm đặc biệt.” “Chúng tôi đã viếng thăm Ngôi Mộ Vườn”, nơi thân xác của Đấng Ky Tô có thể đã được đặt.

“Chúng tôi cũng đã viếng thăm khu vực mà một số người cho là Vườn Ghết Sê Ma Nê. Khi chúng tôi đi bộ giữa những cây ô liu đã tồn tại hàng thế kỷ, chúng tôi lắng nghe những câu thánh thư miêu tả sự hy sinh trọng đại của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta trong khu vườn và trên thập tự giá.

“Kinh nghiệm đau đớn của Chúa Giê Su Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá đáng để chúng ta hoàn toàn tôn trọng và tôn kính. Tương tự như vậy, những sự kiện kỳ diệu đã xảy ra vào ngày thứ ba sau khi Ngài bị đóng đinh đáng để chúng ta mang sự kính sợ và biết ơn vĩnh cửu trong trái tim và tâm trí của mình.

“Là một môn đồ của Đấng Ky Tô, tôi được phước để tuyên bố chứng ngôn của mình rằng Ngài hằng sống!”

Trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông mạng xã hội về lòng tôn kính đối với Chúa, Anh Cả Gerrit W. Gong đã khuyến khích: “Chúng ta hãy luôn tỏ thái độ tử tế và tôn kính khi nói về công việc và vinh quang của Thượng Đế và về công lao, lòng thương xót, và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài.”

Chuẩn Bị một Vị Sứ Đồ

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã chia sẻ: “Chúa cần nhiều thời gian để trau dồi nên một Sứ Đồ.” “Khi người ấy được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai, thì Chúa có một điều gì đó đặc biệt mà Ngài kỳ vọng người ấy sẽ đóng góp.”

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã chia sẻ: “Chúa cần nhiều thời gian để trau dồi nên một Sứ Đồ.” “Khi người ấy được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai, thì Chúa có một điều gì đó đặc biệt mà Ngài kỳ vọng người ấy sẽ đóng góp.”

Trên hành trình của mỗi Sứ Đồ đều đầy rẫy những thử thách—“những bài kiểm tra về lòng can đảm và sự kiên nhẫn”—luôn tự vấn linh hồn, đôi khi đe dọa đến tính mạng.

Khi mô tả công việc phục vụ Chúa, Chủ Tịch Nelson đã nói: “Sẽ luôn có một thử thách.” “Anh em có sẵn lòng làm những việc thực sự khó khăn không? Khi anh em đã chứng tỏ rằng anh em sẵn lòng thực hiện phần vụ của mình, Ngài sẽ giúp đỡ anh em.”

Khi ngỏ lời cùng các tín hữu tại Úc, Anh Cả Cook đã tóm lược một chút kinh nghiệm của mình bằng cách nói về việc các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đôi khi cũng cảm thấy chưa sẵn sàng và thiếu sót giống như các vị lãnh đạo tiểu giáo khu. Ông nói: “Việc trở thành một Sứ Đồ, trong sự phục vụ Chúa, thật là một điều rất khiêm nhường.”

Khi mới được kêu gọi làm Sứ Đồ, Anh Cả Neil L. Andersen chia sẻ rằng mặc dù ông cảm thấy mình đầy thiếu sót và tầm thường, nhưng ông cảm thấy được an ủi bởi vì Chúa đã ban phước cho ông với ít nhất một phẩm chất: “Tôi biết một cách rõ ràng và chắc chắn qua quyền năng của Đức Thánh Linh rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử Yêu Dấu của Thượng Đế.”

Một ngày sau khi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, Anh Cả Patrick Kearon chia sẻ: “Tôi đã được hỏi về cảm giác của mình khi trở thành Vị Sứ Đồ mới nhất”.

“Tôi đã trải qua mọi cảm xúc mà con người có thể có, và tôi biết điều này vượt xa khả năng của tôi. Nhưng tôi sẽ cầu xin sự giúp đỡ. Tôi có đức tin tuyệt đối nơi Cha Thiên Thượng nhân từ và Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Và tôi biết rằng hai Ngài sẽ giúp đỡ. Và tôi đang trông cậy vào điều đó. Và theo thời gian, tôi sẽ cố gắng hết sức để trở thành một Vị Sứ Đồ mà anh chị em có thể hình dung trong tâm trí.

“Và thế nên, trong ngày hôm nay, khi tôi đang vật lộn, trong 24 giờ sau khi được kêu gọi, để chấp nhận điều này, nếu anh chị em trải qua một ngày căng thẳng đến nỗi … vượt quá sức tưởng tượng phong phú nhất của mình, thì tôi luôn ở bên anh chị em.”


Đại Sứ cho Thế Gian

Đối chiếu với Giáo Lý và Giao Ước 107:23, trong đó, Chúa kêu gọi Mười Hai Vị Sứ Đồ làm “những nhân chứng đặc biệt cho tôn danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới,” Chủ Tịch Nelson nhận xét: “Mỗi thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là một Vị Sứ Đồ cho toàn thế giới. Họ cần tìm hiểu về mọi nơi chốn trên thế giới, cùng với con người, ngôn ngữ và lịch sử của những nơi đó.”

Công việc của họ trải rộng khắp toàn cầu. Họ gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, các quan chức địa phương, giới truyền thông và các tín hữu của Giáo Hội trong những buổi họp lớn và các cuộc gặp riêng tư. Giờ làm việc có thể rất dài và yêu cầu khắt khe. Với tư cách là những người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô, cuộc sống của họ không còn là của riêng họ nữa.

Trong một chuyến công du giáo vụ toàn cầu kéo dài 12 ngày, qua sáu quốc gia châu Âu vào năm ngoái—lúc mà thời gian chợp mắt chỉ diễn ra trong những chuyến bay đêm giữa các quốc gia—Anh Cả D. Todd Christofferson đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ, những người truyền giáo toàn thời gian, và các tín hữu địa phương.

Đáng chú ý là cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa và Truyền Thông tại Croatia, nơi vị Bộ Trưởng đề nghị sự trợ giúp của Giáo Hội để giúp đỡ nhiều người tị nạn đang tràn vào quốc gia của bà từ Ukraine, nơi đang bị chiến tranh tàn phá. Anh Cả Christofferson cho biết: Chúng tôi… nhận ra rằng có rất nhiều cách khác nhau… chúng tôi có thể hợp tác, đặc biệt là [trong việc giúp đỡ] những người đang rất cần sự giúp đỡ”.

Trong hành trình kéo dài chín ngày đến một số quốc gia ở châu Phi vào năm ngoái, Anh Cả Gary E. Stevenson đã đến thăm Trung Tâm Y Tế Makuburi ở Dar es Salaam, Tanzania, nơi Giáo Hội đang hỗ trợ mở rộng trung tâm này. Anh Cả Stevenson chia sẻ: “Khi chúng tôi thấy sự phục vụ đang được cung cấp cho các bà mẹ và trẻ em ở đây, thì lòng của chúng tôi vô cùng xúc động.”

Để kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo Hội tại Campuchia, Anh Cả Renlund đã gặp gỡ thủ tướng Campuchia, người mà ông mô tả là “một người phi thường.”

Vị Sứ Đồ, từng là bác sĩ tim mạch, nói với thủ tướng rằng Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã quyên góp gần 2,2 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ thêm một trung tâm tim mạch cho một bệnh viện ở Siem Reap, cách Phnom Penh khoảng 200 dặm (320 km) về phía bắc, nhằm mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho những người giống như người chú của vị thủ tướng, người đã qua đời vì hội chứng mạch vành cấp tính

Anh Cả Ulisses Soares chia sẻ sau chuyến thăm Giáo Vùng Bắc Á vào năm 2024: “Tôi đã có đặc ân được ở cùng các tín hữu, lãnh đạo, và những người truyền giáo tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, cũng như tại Kyoto, Hiroshima, Fukuoka, Sapporo, và Tokyo, Nhật Bản”. “Trong mỗi cuộc họp hay tương tác cá nhân, tôi đều cảm nhận được tình yêu thương và đức tin phi thường mà họ dành cho Chúa. Những câu chuyện cải đạo kỳ diệu của họ khiến tôi vô cùng cảm động và củng cố chứng ngôn của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô và về phúc âm phục hồi của Ngài trên thế gian.

“… Thật là một phước lành đối với tôi khi cảm nhận được Thánh Linh của Chúa và tình yêu thương của Ngài giữa các môn đồ vĩ đại của Đấng Ky Tô tại những quốc gia này.”

Công Việc của Các Sứ Đồ

Việc mở cửa cho phúc âm tại nhiều quốc gia khác nhau là một trách nhiệm quan trọng của các vị sứ đồ: “Mười Hai Vị, nắm giữ các chìa khóa, được phái đi mở cửa bằng cách rao truyền phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô” (Giáo Lý và Giao Ước 107:35).

Theo kinh nghiệm của Chủ Tịch Nelson với tư cách là một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, các cánh cửa phúc âm đã được mở ra theo những cách khác nhau. Chủ Tịch Nelson chia sẻ: Đôi khi Thánh Linh tác động lên một vị lãnh đạo chính phủ mạnh mẽ đến mức “ông ấy bắt đầu thay đổi suy nghĩ về chúng ta”. Một lần khác, một người đàn ông không sẵn lòng nói chuyện với các vị lãnh đạo Giáo Hội, ông ấy đã bị miễn nhiệm, và Chúa đã mang đến “một người mà chúng ta có thể trò chuyện.” Trong mỗi trường hợp, Chủ Tịch Nelson cho biết: “sứ điệp [từ thiên thượng] dành cho tôi đều giống nhau: ‘Hãy làm việc hết lòng. … Hãy chấp nhận những rủi ro. Rồi khi con không thể đi xa hơn nữa, Ta sẽ giúp con.”

Các vị sứ đồ chia sẻ rằng niềm vui trong công việc của một Sứ Đồ đến từ việc cân bằng những nhu cầu đầy thử thách trong việc giảng dạy cho các nhóm đông người cũng như phục sự cho từng cá nhân. Họ đến thăm các tín hữu tại nhà của tín hữu để ban phước, bày tỏ lòng biết ơn, hoặc đưa ra những lời khuyên cần thiết.

Anh Cả Bednar chia sẻ: “Chúa gửi một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đến những nơi cụ thể vào những thời điểm đặc biệt, nơi chúng tôi gặp gỡ Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín và những người khác, thường là những người đang gặp khó khăn hoặc cần sự an ủi và trấn an. Thượng Đế sắp xếp những cuộc gặp gỡ đó.”


Đôi khi sự phục vụ của họ rất công khai, như khi Anh Cả Stevenson tham dự một cuộc họp báo nổi tiếng ở Nairobi, Kenya, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia. “Một câu hỏi có thể xuất hiện trong tâm trí các anh chị em là, ‘Vị Sứ Đồ là gì?’” Anh Cả Stevenson đã chia sẻ trong buổi phát sóng. “Chúng tôi… được kêu gọi đi đến các quốc gia trên thế giới và làm chứng về tư cách Vị Nam Tử thiêng liêng Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống.”

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf chia sẻ: “Tất cả đều xoay quanh Ngài”. “Chúng tôi đang đại diện cho Ngài. Mọi thứ đều liên quan đến Thượng Đế, sự vĩ đại của Ngài và tầm quan trọng của Ngài đối với hạnh phúc của con cái Ngài.”

Công việc của họ đôi khi cũng ở gần nhà hơn—chính xác là thế. Một ngày nọ, Anh Cả Bednar đang sửa mái nhà của mình và đi đến một cửa hàng địa phương để mua một số vật dụng. Ông mặc đồ lao động: quần dài và giày đơn giản, áo thun, và đội mũ bóng chày.

“Một người đàn ông tiếp cận tôi khi tôi đang chọn các vật liệu cần dùng và nói: ‘Anh Cả Bednar, bộ đồ ngụy trang này không có tác dụng đâu.’ Chúng tôi cùng phá lên cười, và rồi anh ấy hỏi: ‘Anh Cả có phiền không nếu tôi hỏi Anh Cả một câu hỏi?’

“Tôi trả lời, ‘Tất nhiên là không rồi, đó là lý do tôi ở đây mà.’

“Anh ấy ngạc nhiên hỏi lại, ‘Ý Anh Cả là gì?’

“Tôi nói, ‘… Tôi ở đây vì Thượng Đế biết chúng ta sẽ gặp nhau trong cửa hàng này và rằng anh có điều gì đó muốn hỏi. Xin hãy chia sẻ câu hỏi của anh với tôi.’

“Chúng tôi nói chuyện ở lối đi khoảng 15 phút, và tôi cố gắng giúp anh ấy tìm câu trả lời cho câu hỏi của anh ấy. Liệu đây chỉ là sự tình cờ khi tôi gặp người đàn ông tử tế này tại cửa hàng? Hay đây là một tình huống được sắp đặt một cách kỳ diệu bởi Đấng Cứu Rỗi nhân từ, là Đấng… đã đáp lại những băn khoăn của một người đàn ông trung tín—một người đặc biệt?

“Tôi tin rằng trong công việc của Chúa không có điều gì là trùng hợp ngẫu nhiên. Dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao”

Đối Mặt với Thử Thách bằng Đức Tin nơi Chúa

Các Vị Sứ Đồ ngày nay gặp phải những vấn đề to lớn và phức tạp. Họ tìm kiếm sự soi dẫn khi giảng dạy và phục sự cho cả một giáo đoàn toàn cầu với hơn 17 triệu tín hữu của Giáo Hội, những người đang bị thử thách bởi các vấn đề như bất ổn chính trị, hình ảnh sách báo khiêu dâm, áp lực không ngừng từ phương tiện truyền thông mạng xã hội, hoặc những bất ổn về kinh tế. Xung đột giữa các quốc gia làm gián đoạn công việc. Sự suy giảm các giá trị truyền thống gây khó khăn cho sự ổn định xã hội.

Sự mong mỏi của Các Vị Sứ Đồ là các tín hữu có thể tăng trưởng trong những điều thuộc về Thượng Đế thật rõ ràng và không thể phủ nhận.

Các thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai đều nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình và hăng hái xây dựng đức tin trong một thế giới ngày càng thiếu đức tin.

Chủ Tịch M. Russell Ballard (1928–2023), Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cho biết: “Rõ ràng quyền năng của Chúa đang tác động lên các vị lãnh đạo của Giáo Hội, thúc giục họ với… một sự cấp bách”. “Câu hỏi mà tất cả chúng ta phải tự hỏi là, ‘Chúng ta có theo kịp [các vị lãnh đạo của chúng ta] không?’ Mỗi người trong chúng ta phải chuẩn bị để trả lời câu hỏi đó. Tôi có thể bảo đảm với anh chị em rằng đó là chủ đề được thảo luận rất nhiều giữa Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. … Đây không phải là lúc để thư giãn hay lơ là trong những sự kêu gọi của chúng ta. …”

“… Chúng ta phải sẵn sàng để theo kịp các vị lãnh đạo của mình, bước theo từng sải chân ngày càng dài của họ”.

Anh Cả Uchtdorf chia sẻ: “Là các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta tìm cách trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi và noi theo gương Ngài trong mọi điều chúng ta làm”. “Ngay từ giây phút chúng ta đặt chân lên con đường làm môn đồ, thì các phước lành dù hữu hình hay vô hình từ Thượng Đế cũng sẽ bắt đầu đến với chúng ta.

“Bất kể chúng ta ở đâu, các anh chị em và tôi đều có thể bước vào con đường làm môn đồ ngày hôm nay. Chúng ta hãy khiêm nhường; chúng ta hãy hết lòng cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng và bày tỏ ước muốn của chúng ta để đến gần Ngài và học nơi Ngài.”