Podcast số 359 – Liahona tháng 4, 2024 – Nuôi Dưỡng Tâm Hồn của Anh Chị Em bằng Lời Cầu Nguyện Thường Xuyên – Ulisses Soares

Bài của Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Chúng ta đều từng cảm thấy đói. Những cơn đói là cách mà cơ thể cho chúng ta biết rằng nó cần được nuôi dưỡng. Và khi đói, chúng ta biết mình cần phải làm gì—phải ăn.

Linh hồn của chúng ta cũng có những cách để cho chúng ta biết khi nào chúng ta cần sự nuôi dưỡng thuộc linh. Nhưng dường như là điều dễ dàng hơn cho chúng ta để đơn giản là bỏ qua cơn đói thuộc linh hơn là cơn đói thể chất.

Cũng giống như có rất nhiều loại thức ăn khác nhau mà chúng ta có thể ăn khi đói, chúng ta có thể làm nhiều điều khác nhau để đáp ứng sự đói khát thuộc linh của mình. Ví dụ, chúng ta có thể “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 32:3) trong thánh thư và qua những lời của các vị tiên tri. Chúng ta có thể tham dự nhà thờ thường xuyên và dự phần Tiệc Thánh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:9). Chúng ta có thể phục vụ Thượng Đế và con cái của Ngài (xin xem Mô Si A 2:17).

Nhưng có một nguồn nuôi dưỡng thuộc linh khác có sẵn cho chúng ta bất cứ lúc nào, trong mọi giây phút của cuộc sống, bất kể hoàn cảnh của chúng ta ra sao đi nữa. Chúng ta luôn luôn có thể giao tiếp với Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện.

“Tâm Hồn Tôi Tràn Đầy Sự Khao Khát”

Khi tiên tri Ê Nót săn thú trong rừng, ông nghĩ về “những lời mà [ông] thường nghe cha [ông] nói về cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui của các thánh đồ.” Những lời này “in sâu vào tim [ông]” (Ê Nót 1:3).

Vì Ê Nót đang ở trong trạng thái thuộc linh này nên ông cảm thấy một nhu cầu mạnh mẽ: “Tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát,” ông nói (Ê Nót 1:4, sự nhấn mạnh được thêm vào).

Ê Nót đã làm gì khi ông cảm thấy nỗi khao khát thuộc linh này, sự cần thiết phải có sự nuôi dưỡng thuộc linh này? “Tôi bèn quỳ xuống trước Đấng Sáng Tạo tôi,” ông nói, “và tôi kêu cầu Ngài với lời cầu nguyện và khẩn cầu mãnh liệt cho tâm hồn tôi” (Ê Nót 1:4).

“Tôi bèn quỳ xuống trước Đấng Sáng Tạo tôi, và tôi kêu cầu Ngài với lời cầu nguyện và khẩn cầu mãnh liệt” (Ê Nót 1:4).

Nỗi khao khát thuộc linh của Ê Nót thật lớn lao đến nỗi ông đã cầu nguyện “suốt ngày …và khi đêm đến, [ông] vẫn còn cất cao lời van xin để cho những lời của [ông] thấu đến các tầng trời” (Ê Nót 1:4). Cuối cùng, Thượng Đế đã đáp ứng lời cầu nguyện của ông và tha thứ tội lỗi cho ông. Ê Nót cảm thấy tội lỗi của ông đã được tẩy sạch. Nhưng sự nuôi dưỡng thuộc linh của ông không kết thúc ở đó.

Ông đã được biết về quyền năng của đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và ông dâng hết tâm hồn mình thay cho dân ông—thậm chí cả kẻ thù của ông. Ông lập các giao ước với Chúa và nhận được những lời hứa từ Ngài. Và sau lời cầu nguyện mãnh liệt của Ê Nót, ông đi đến với dân của ông để tiên tri và làm chứng về những điều ông đã nghe và thấy. (Xin xem Ê Nót 1:5–19.)

Không phải mọi lời cầu nguyện đều sẽ được đáp ứng một cách đầy ấn tượng, nhưng những kinh nghiệm của chúng ta với lời cầu nguyện vẫn có thể có ý nghĩa và thay đổi cuộc sống. Chúng ta có thể học được một số bài học quan trọng từ kinh nghiệm của Ê Nót với lời cầu nguyện. Ví dụ:

  • Việc cố gắng sống theo phúc âm một cách trọn vẹn có thể giúp chúng ta cảm nhận được nỗi khao khát thuộc linh của mình.
  • Nỗi khao khát thuộc linh của chúng ta có thể và sẽ làm cho chúng ta quỳ xuống để tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng.
  • Việc cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng có thể giúp thỏa mãn nỗi khao khát thuộc linh của chúng ta—và thậm chí nỗi khao khát khác nữa.
  • Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
  • Sự cầu nguyện có thể giúp chúng ta hối cải.
  • Sự cầu nguyện có thể củng cố đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
  • Chúng ta có thể nhận được một chứng ngôn cá nhân rằng Cha Thiên Thượng lắng nghe chúng ta và biết rõ chúng ta.
  • Chứng ngôn và sức mạnh chúng ta nhận được qua lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta phục vụ và củng cố người khác.

Kinh Nghiệm của Tôi với Quyền Năng của Sự Cầu Nguyện

Giống như Ê Nót, tôi đã học được một số bài học tương tự này qua kinh nghiệm cá nhân. Cha mẹ tôi gia nhập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô khi tôi còn nhỏ, và tôi đã chịu phép báp têm khi tôi tám tuổi. Tôi luôn luôn có một cảm giác tốt lành, ấm áp trong lòng về Cha Thiên Thượng của tôi và về Chúa Giê Su Ky Tô, phúc âm phục hồi của Ngài, và Giáo Hội của Ngài. Nhưng phải đến khi gần 16 tuổi, tôi mới tiến đến việc cầu nguyện về lẽ thật của những điều này.

Vị giám trợ đầy soi dẫn của tôi đã yêu cầu tôi giảng dạy một lớp học Trường Chủ Nhật dành cho giới trẻ. Tôi phải dạy một bài học về cách chúng ta có thể đạt được một chứng ngôn về phúc âm qua lời cầu nguyện. Sự chỉ định này từ vị giám trợ của tôi đã làm cho tôi suy nghĩ sâu sắc hơn về chứng ngôn của mình. Tôi đã dành ra thời gian để nghiên cứu Sách Mặc Môn và luôn luôn cảm thấy rằng Giáo Hội là chân chính. Tôi đã luôn luôn tin nơi Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến lời hứa của Mô Rô Ni được tìm thấy trong Mô Rô Ni 10:4–5. Tôi chưa bao giờ cầu nguyện về lẽ trung thực của phúc âm.

Tôi nhớ đã cảm thấy trong lòng rằng nếu tôi sẽ giảng dạy cho các bạn giới trẻ này cách đạt được một chứng ngôn qua lời cầu nguyện, thì tôi nên tự mình cầu nguyện để có được một chứng ngôn. Tâm hồn tôi khao khát—có lẽ theo một cách khác với Ê Nót, nhưng tôi vẫn cảm thấy một nhu cầu thuộc linh.

Khi chuẩn bị bài học, tôi quỳ xuống và dâng lên Cha Thiên Thượng ước muốn của lòng tôi để xác nhận lẽ thật mà tôi cảm thấy bên trong. Tôi không mong đợi có sự biểu hiện lớn lao nào cả. Nhưng khi tôi cầu vấn Chúa xem phúc âm có chân chính không, thì một cảm giác thật tuyệt vời đến với tâm hồn tôi—tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ đó xác nhận với tôi rằng phúc âm là chân chính và tôi nên tiếp tục làm điều tôi đang làm.

Khi tôi cầu vấn Chúa xem phúc âm có chân chính không, thì một cảm giác thật tuyệt vời đến với tâm hồn tôi—đó là tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái.

Cảm giác đó mạnh mẽ đến nỗi tôi không bao giờ có thể bỏ qua câu trả lời đó và nói rằng tôi không biết. Cả ngày hôm đó tôi đã cảm thấy rất vui sướng. Tâm trí tôi đang ở trên các tầng trời suy ngẫm về cảm giác tuyệt vời trong lòng tôi.

Ngày Chủ Nhật tiếp theo, tôi đứng trước mặt ba hoặc bốn người bạn cùng lớp, tất cả đều nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi làm chứng với họ rằng Cha Thiên Thượng sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của họ nếu họ có đức tin.

Từ đó trở đi, chứng ngôn này đã ở lại với tôi. Điều đó đã giúp tôi đưa ra quyết định, đặc biệt là trong những giây phút mà tôi đối phó với những thử thách. Lời cầu nguyện đó vào ngày hôm đó, cùng với các lời chứng khác mà tôi đã nhận được qua nhiều năm, đã cho phép tôi làm chứng với mọi người, với lòng tin chắc, rằng họ có thể nhận được sự đáp ứng từ Cha Thiên Thượng nếu họ cầu nguyện trong đức tin. Điều này đã đúng như tôi đã làm chứng với tư cách là một người truyền giáo, với tư cách là một vị lãnh đạo Giáo Hội, là một người cha và người chồng, và ngay cả ngày nay với tư cách là một Sứ Đồ.

Thời Điểm và Điều Chúng Ta Cầu Nguyện

Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ cầu nguyện khi chúng ta cảm thấy một nhu cầu thuộc linh đặc biệt mạnh mẽ. Vậy thì, chúng ta nên cầu nguyện vào lúc nào? Và chúng ta nên cầu nguyện về điều gì? Câu trả lời ngắn là bất cứ lúc nào và cho bất cứ điều gì.

Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta. Việc biết được điều này thay đổi cách chúng ta cầu nguyện. Tiên Tri Joseph Smith dạy: “Với sự hiểu biết về Thượng Đế, chúng ta bắt đầu biết cách tìm đến Ngài, và cách để cầu xin để nhận được câu trả lời. … Khi chúng ta sẵn sàng đến cùng Ngài, thì Ngài sẵn sàng đến với chúng ta.”1

Cha Thiên Thượng luôn luôn sẵn sàng lắng nghe chúng ta và muốn chúng ta cầu nguyện lên Ngài đều đặn và thường xuyên. Chúng ta nên “hội ý với Chúa trong mọi việc làm của [chúng ta]” (An Ma 37:37) và cầu nguyện vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối. Chúng ta nên cầu nguyện ở nhà, tại nơi làm việc, ở trường học—bất cứ nơi nào chúng ta có thể đang ở và cầu nguyện cho bất cứ nỗ lực nào của mình (xin xem An Ma 34:17–26).

Chúng ta nên cầu nguyện trong gia đình mình (xin xem 3 Nê Phi 18:21). Chúng ta nên cầu nguyện “bằng lời và trong lòng [chúng ta], trước công chúng và nơi riêng tư” (Giáo Lý và Giao Ước 81:3). Và, “khi nào [chúng ta] ngưng cầu xin Chúa, thì [chúng ta] hãy để cho lòng mình được tràn đầy mở rộng trong sự nguyện cầu Ngài luôn luôn cho sự an lạc của [chúng ta], và luôn cả cho sự an lạc của những người chung quanh [chúng ta] nữa” (An Ma 34:27). Và chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 3 Nê Phi 18:19–20).

Đến Với Cha Thiên Thượng của Chúng Ta

Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn ban phước cho chúng ta. Và Ngài sẽ làm như vậy—nếu chúng ta cầu xin. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Hãy nhớ rằng nếu không cầu xin thì chúng ta không thể nhận được gì cả; vậy nên, hãy cầu xin trong đức tin, rồi các người sẽ nhận được những phước lành như vậy mà Thượng Đế thấy phù hợp để ban cho các người.”2

Những lời cầu nguyện đều đặn và thường xuyên của chúng ta là một phần thiết yếu của một chế độ ăn uống cân bằng của sự nuôi dưỡng phần thuộc linh cho tâm hồn đói khát của chúng ta. Sự giao tiếp với Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện là có sẵn và được chào đón ở khắp mọi nơi và luôn luôn.

Những lời cầu nguyện đều đặn và thường xuyên của chúng ta là một phần thiết yếu của một chế độ ăn uống cân bằng của sự nuôi dưỡng phần thuộc linh cho tâm hồn đói khát của chúng ta.

Một trong những câu thánh thư ưa thích của tôi dạy về cách chúng ta nên đến gần Cha Thiên Thượng khi chúng ta quỳ xuống cầu nguyện: “Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 112:10). Khi chúng ta khiêm nhường và biết vâng lời, Cha Thiên Thượng sẽ ở cùng chúng ta. Ngài sẽ nắm tay dẫn dắt chúng ta. Ngài sẽ soi dẫn chúng ta nơi nào phải đi và điều gì phải làm. Ngài sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta theo ý muốn, cách thức, kỳ định, và sự hiểu biết tuyệt đối của Ngài về điều gì là tốt cho chúng ta.

Chúng ta nên ghi nhớ điều này và trân quý các cơ hội để đến gần ngai của Thượng Đế và nhận được các phước lành từ tay Ngài.