Podcast số 345 – Liahona tháng 9, 2023 – Sau Chấn Thương Tâm Lý: Xây Dựng Khả Năng Phục Hồi và Chấp Nhận Sự Chữa Lành – Nhân Viên Dịch Vụ Gia Đình

Bài viết của một nhân viên Dịch Vụ Gia Đình của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Hầu hết mọi người đều sẽ trải nghiệm ít nhất một sự kiện chấn thương tâm lý trong đời. Chúng tôi đã thấy điều này trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của mình. Điều gì gây ra chấn thương tâm lý? Một trải nghiệm khó khăn như là tai nạn xe hơi, mất việc làm, chiến tranh, sự lạm dụng thể chất, sự tấn công tình dục, bắt nạt nghiêm trọng, mất mát người thân, và còn nhiều nữa.

Chấn thương tâm lý rất đau đớn, và đôi khi có thể cảm thấy dường như anh chị em không thể tìm được sự khuây khỏa. Nhưng điều quan trọng là phải biết rằng nỗi đau đó có thể được giảm bớt, và anh chị em sẽ tìm lại được sự bình an khi anh chị em trông cậy vào Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của mình, Chúa Giê Su Ky Tô.

Cha Thiên Thượng cho phép chúng ta trải nghiệm những khó khăn. Dù là Ngài không định trước, sáng tạo, hoặc tán thành những trải nghiệm này, nhưng Ngài có thể giúp “mọi việc … hiệp lại làm lợi ích cho [chúng ta]” nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài (Giáo Lý và Giao Ước 90:24; xin xem thêm 2 Nê Phi 32:9).

Chúng tôi thấy rằng việc tìm đến Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi để được hỗ trợ là vô cùng quan trọng trong tiến trình chữa lành. Sự bình an của hai Ngài chữa lành về mặt cảm xúc lẫn thuộc linh. Chúng tôi biết rằng trong tình yêu thương và lòng trắc ẩn của hai Ngài, anh chị em có thể tìm thấy sức mạnh để chữa lành. Chúng tôi cũng tìm thấy một số phương pháp mà sẽ cho phép anh chị em phát huy thế mạnh cá nhân của mình và hướng đến sự chữa lành.

Mỗi người đều trải nghiệm các sự kiện chấn thương tâm lý một cách khác nhau. Thật ra, một số người có thể trải nghiệm một sự kiện như là một chấn thương tâm lý, trong khi người khác thì có thể chỉ cảm thấy khó chịu. Vì lý do này, xin hãy nhớ đừng so sánh trải nghiệm của mình với trải nghiệm của người khác hoặc sử dụng trải nghiệm của mình làm trải nghiệm tiêu chuẩn.

Phản Ứng Khác Nhau trước Các Sự Kiện

Sam và Lucy cùng đi với nhau trong một chuyến đi, và người tài xế lái chiếc xe của họ ngủ gật và lái chệch khỏi con đường. Việc này khiến chiếc xe của họ bị lộn nhào vài vòng. Sam không bị thương nặng lắm và ban đầu đã coi sự kiện này có vẻ như không có gì to tát cả. Anh ta ở đó để an ủi Lucy, vì tay cô ấy bị gãy và phải bó bột.

Một vài tuần sau đó, Sam lại có một cơ hội tham gia một chuyến đi khác, anh ta cảm thấy có một cảm giác hoảng sợ khi nghĩ về quãng đường dài hàng giờ đồng hồ.

Sam đang bị suy sụp tinh thần từ một trải nghiệm gây chấn thương tâm lý. Anh ta ngại nói cho bất kỳ ai biết về điều này. Nhưng khi nói chuyện với Lucy, anh ta biết được là Lucy đã bị tai nạn xe hơi trước đó và hiểu được cảm giác của anh ta. Họ nói về những gì Lucy học được từ trải nghiệm trước đây khi cô ấy thực hành đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, cầu nguyện để xin được hướng dẫn, và nhận được lợi ích nhờ sự tư vấn khi cô ấy gặp khó khăn.

Niềm Hy Vọng và Sự Chữa Lành qua Chúa Giê Su Ky Tô

Bất kể chấn thương tâm lý của chúng ta là gì đi nữa, thì sự chữa lành có thể đến qua Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Nhờ Sự Chuộc Tội vô hạn của Đấng Cứu Rỗi và lòng trắc ẩn cùng lòng thương xót của Ngài, Ngài có thể chữa lành tất cả mọi vết thương trong cuộc sống trần thế này, cho dù sự chữa lành đó đến trong cuộc sống này hay cuộc sống mai sau. Đôi khi sự chữa lành đó đến lâu hơn chúng ta mong đợi hoặc muốn có cho mình—ngay cả với sự hỗ trợ thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi. Nhưng Ngài có thể chữa lành chúng ta (xin xem 3 Nê Phi 17:7).

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Ánh sáng của Thượng Đế là có thật. Ánh sáng đó dành sẵn cho tất cả mọi người! Ánh sáng đó mang lại sự sống cho vạn vật. Ánh sáng đó có quyền năng để làm dịu đi cơn đau của vết thương sâu nhất.”1

“Ánh sáng của Thượng Đế là có thật. Ánh sáng đó dành sẵn cho tất cả mọi người! Ánh sáng đó mang lại sự sống cho vạn vật. Ánh sáng đó có quyền năng để làm dịu đi cơn đau của vết thương sâu nhất.”

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf

Không ai hiểu rõ nỗi đau khổ của chúng ta bằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi. Chúa “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật, để qua đó Ngài hiểu thấu tất cả mọi vật, ngõ hầu Ngài có thể xuyên thấu được tất cả mọi vật” (Giáo Lý và Giao Ước 88:6). Chị Amy A. Wright, Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi, đã dạy:

“Chúng ta đều có một điều gì đó trong cuộc sống của mình mà bị đổ vỡ cần phải được hàn gắn, sửa chữa hoặc chữa lành. Khi chúng ta hướng tới Đấng Cứu Rỗi, khi chúng ta gắn kết tấm lòng và tâm trí của mình với Ngài, khi chúng ta hối cải, thì Ngài đến với chúng ta ‘với sự chữa lành trong đôi cánh của Ngài’ [2 Nê Phi 25:13], ôm chúng ta trong vòng tay âu yếm của Ngài và nói: ‘Không sao đâu. … Chúng ta có thể cùng nhau sửa chữa điều này!’

“Tôi làm chứng rằng không có điều gì trong cuộc sống của anh chị em mà đã bị đổ vỡ lại vượt quá quyền năng chữa trị, cứu chuộc và cho phép của Chúa Giê Su Ky Tô.”2

Những ví dụ về sự chữa lành và cách thức chữa lành được tìm thấy trong thánh thư—và trong cuộc sống của gia đình, bạn bè, và tổ tiên chúng ta. Các bậc tiền bối của chúng ta đã kiên cường trong những cách thức nào?3

Gốc Tích Vĩnh Cửu Của Chúng Ta

Khi Julio được 13 tuổi, anh đã bị chú mình lạm dụng tình dục. Thời gian trôi qua, anh bắt đầu xa lánh khỏi gia đình mình và tự cô lập bản thân. Đôi khi, anh cư xử như không có gì xảy ra, nhưng thỉnh thoảng anh bị tràn ngập cảm xúc. Anh luôn có thể làm chủ cuộc sống của mình—thậm chí còn cảm thấy hạnh phúc mãnh liệt, như lúc con trai của anh chào đời. Anh cũng cảm thấy tuyệt vọng. Con trai anh bây giờ đang ở cùng độ tuổi mà Julio đã bị lạm dụng, và khi Julio ngẫm nghĩ về những trải nghiệm mà con trai mình có thể gặp phải, anh vật lộn với suy nghĩ và cảm xúc về giá trị bản thân và gốc tích vĩnh cửu của mình.

Mặc dù chấn thương tâm lý là một phần của kinh nghiệm trần thế của chúng ta, nhưng nó không phải là gốc tích vĩnh cửu của chúng ta. Gốc tích vĩnh cửu của chúng ta sẽ luôn luôn là con của Thượng Đế. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

[Anh chị em] là ai?

“Đầu tiên và trước hết, [anh chị em] là con cái của Thượng Đế.

“Thứ hai, là tín hữu của Giáo Hội, [anh chị em] là con cái giao ước. Và thứ ba, [anh chị em] là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.”4

Ngoài ra, chấn thương tâm lý không bao giờ là một sự phản ảnh của giá trị hoặc sự xứng đáng của chúng ta. Chị Joy D. Jones, cựu Chủ Tịch Hội Thiếu Nhi Trung Ương, đã làm sáng tỏ hai khái niệm này khi chị dạy:

Giá trị thuộc linh có nghĩa là đánh giá mình theo cách mà Cha Thiên Thượng đánh giá chúng ta. …

“… sự xứng đáng đạt được bằng cách vâng lời. Nếu phạm tội, chúng ta ít xứng đáng hơn, chứ chúng ta chẳng bao giờ là vô giá trị cả.”5

Việc Julio bị chú mình lạm dụng đã không thay đổi giá trị và sự xứng đáng của Julio. Anh ta không hề phạm tội nhưng người khác đã gây ra lỗi lầm với anh ta. Đôi khi thật khó để nhớ về giá trị và sự xứng đáng của mình khi anh chị em đã bị lạm dụng. Hãy nhớ rằng, anh chị em không phạm tội, giá trị của anh chị em không hề bị giảm bớt, và anh chị em xứng đáng để tiếp tục trên con đường giao ước.

Khi Julio bắt đầu tin cậy nơi Chúa, Ngài đã giúp Julio nhận ra rằng các kinh nghiệm trần thế không thay đổi tình yêu thương Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta. Anh hiện đang tìm hiểu để xem cách mà mặc dù những điều khủng khiếp đã xảy ra nhưng chúng không thay đổi giá trị căn bản, gốc tích vĩnh cửu, hoặc sự xứng đáng của anh.

Sự Tự Lực về Mặt Cảm Xúc

Việc phát triển sự tự lực về mặt cảm xúc sẽ giúp anh chị em sử dụng những nguồn lực cá nhân lành mạnh để đối phó với những thử thách và khó khăn về mặt cảm xúc. Anh chị em có thể phát triển khả năng phục hồi, khả năng để thích ứng và xoay sở trước những thử thách—kể cả chấn thương tâm lý.

Khả năng phục hồi bao gồm việc tìm kiếm sự hỗ trợ và hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, phục vụ người khác, và được người khác phục vụ khi cần thiết và thích hợp.

Các hành động sau đây, do các nhà tư vấn chuyên môn đề nghị, sẽ giúp anh chị em xây dựng khả năng phục hồi:

  1. Tạo kết nối với người khác
  2. Cải thiện sức khỏe thể chất
  3. Tìm kiếm mục đích trong cuộc sống
  4. Vun đắp những suy nghĩ lành mạnh
  5. Tìm kiếm sự giúp đỡ khi anh chị em cần6

1. Kết Nối với Người Khác

Mối quan hệ lành mạnh thường thúc đẩy sự chữa lành. Việc kết nối với những người củng cố anh chị em và khuyến khích anh chị em đến với Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng của chúng ta có thể làm nên sự khác biệt mà anh chị em cần để được chữa lành trọn vẹn hơn.

Sam đã tìm đến Lucy, chia sẻ nỗi sợ hãi và bất an của mình. Mối quan hệ này đã giúp anh trở nên ý thức hơn và kiên cường hơn. Chị ấy đã giúp anh thấy được các cách thức mà anh có thể được chữa lành về mặt cảm xúc và thuộc linh.

Hãy cân nhắc đặt mục tiêu để phát triển một mối quan hệ mật thiết hơn với những người anh chị em tin cậy. Phục sự là một cách để kết nối với người khác trong Giáo Hội.

2. Chăm Sóc Sức Khỏe Thể Chất

Chấn thương tâm lý được cảm nhận không chỉ về mặt cảm xúc mà còn về thể chất. Chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn, nhịp tim đập nhanh, đau đầu, hoặc có những vấn đề như đau bụng hoặc cảm thấy rối loạn. Những triệu chứng về thể chất xuất hiện là để cho chúng ta biết rằng có điều gì đó không ổn và rằng chúng ta cần phải chăm sóc sức khỏe của mình. Cũng giống như chúng ta có thể làm mọi thứ để chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe tinh thần của mình, chúng ta cũng có thể xem xét những cách thức để chăm lo cho bản thân về mặt thể chất sau chấn thương tâm lý.

Thứ nhất, hãy nhận ra những triệu chứng thể chất mà mình đang gặp phải. Sau đó hãy cố gắng giữ cho cơ thể của mình được bình tĩnh bằng cách tập trung vào nhịp thở và thở chậm hơn. Hãy cố gắng nhận ra cảm giác của anh chị em như thế nào khi nhịp thở của mình nhanh và gấp gáp so với khi nhịp thở của anh chị em chậm và đều đặn.

Đôi khi chấn thương tâm lý có thể gây ra tổn thương làm chúng ta bị hạn chế vì vậy hãy làm điều gì phù hợp với cơ thể của anh chị em. Nhưng việc vận động, đặc biệt là tập thể dục, rất hữu ích. Có người thích đi bộ hoặc chạy bộ, trong khi người khác có thể thấy hữu ích hơn khi nỗ lực làm việc cho một dự án.

Hãy nhớ Lời Thông Sáng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 89). Việc cố gắng che dấu nỗi đau bằng những hành vi vô bổ hoặc các chất có hại thì cũng giống như là “dùng một miếng băng gạc để băng lại một vết thương sâu.”7 Hãy giúp cho cơ thể của anh chị em kiểm soát căng thẳng và cơn đau thay vì che đậy nó.

3. Tìm Ra Mục Đích và Ý Nghĩa

Mục đích chính yếu của chúng ta trong cuộc sống là chuẩn bị để trở về sống với Cha Thiên Thượng của chúng ta (xin xem An Ma 12:24). Chấn thương tâm lý có thể che mờ mục đích này và ngăn cản không cho chúng ta thấy được mình là ai. Việc tìm ra một mục đích cụ thể trong những hành động thường ngày của chúng ta có thể giúp chúng ta tiến bước và thậm chí ghi nhớ mục đích chính yếu của mình trong cuộc sống. Julio bắt đầu tiến bước và tìm ra mục đích trong những hành động thường ngày của mình khi anh nhận ra rằng anh muốn giúp đỡ con trai mình.

Việc tìm ra ý nghĩa trong khi bị chấn thương tâm lý có thể giúp chúng ta thấy được con đường phía trước, nhận ra rằng những kinh nghiệm của chúng ta tạo cơ hội cho chúng ta phát triển và trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Ví dụ, chúng ta sẽ dễ dàng đồng cảm hơn với nỗi đau khổ của người khác khi chính chúng ta cũng trải qua những kinh nghiệm khó khăn.

Nghiên cứu đã tìm thấy rằng sau chấn thương tâm lý, người ta thường trải qua điều mà được gọi là “tăng trưởng hậu chấn thương tâm lý.” Tăng trưởng hậu chấn thương tâm lý được thể hiện bởi một người tìm thấy sức mạnh gia tăng sau một trải nghiệm đau thương, như là mối quan hệ được cải thiện, quý trọng sự sống hoặc những phẩm chất nhất định của cuộc sống hơn, hoặc gia tăng nhận thức về khả năng của sự sống. Sau khi trải nghiệm một sự kiện chấn thương tâm lý, hãy nhận ra những cách anh chị em đã hồi phục hoặc có thể hồi phục nhờ kinh nghiệm này thay vì tập trung vào chính sự kiện chấn thương tâm lý đó.

4. Vun Đắp Những Suy Nghĩ Lành Mạnh

Một trải nghiệm chấn thương tâm lý có thể tác động đến cách chúng ta nghĩ về mình và thế giới xung quanh mình. Sau khi trải nghiệm chấn thương tâm lý, chúng ta có thể có những suy nghĩ tiêu cực. Những suy nghĩ như “Tôi yếu đuối,” “Cha Thiên Thượng không yêu thương tôi,” và “Tôi không xứng đáng” sẽ làm giảm khả năng phục hồi của chúng ta. Những suy nghĩ này sẽ thường ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận (xin xem Châm Ngôn 23:7Giáo Lý và Giao Ước 6:36).

Sau khi anh chị em xác định những suy nghĩ tiêu cực của mình, hãy xem xét một số suy nghĩ lành mạnh, thực tế để thay thế và viết chúng xuống. Hãy tự nhắc nhở bản thân về những suy nghĩ lành mạnh này khi anh chị em nhận thấy những suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí mình.

Để tìm hiểu thêm về cách làm điều này, hãy xem lại chương 2 của sách Finding Strength in the Lord: Emotional Resilience (năm 2021).

Anh chị em cũng có thể muốn cầu nguyện, viết nhật ký, nghiền ngẫm thánh thư hoặc một bài nói chuyện tại đại hội trung ương (xin xem Giô Suê 1:8), hoặc các lối thực hành suy ngẫm khác.

5. Nhờ Giúp Đỡ

Đôi khi, việc cân nhắc tìm sự giúp đỡ nằm ngoài khả năng của bản thân là điều thích hợp. Lucy đã tìm sự giúp đỡ, mà đã cho phép chị ấy giúp đỡ Sam. Hãy cân nhắc những người—như người trong gia đình, bạn bè, các vị lãnh đạo tiểu giáo khu—mà có thể giúp ích. Sự chữa lành khỏi chấn thương tâm lý là một trong những thời điểm mà anh chị em có thể cần phải sử dụng hết tất cả các nguồn lực có thể có trong cuộc sống của mình.

Sách Hướng Dẫn Tổng Quát cung cấp sự hướng dẫn về thời điểm thích hợp để tìm sự hỗ trợ từ các nhà tư vấn chuyên môn.8

Thật khó để không tập trung vào sự kiện chấn thương tâm lý, nhưng khi chúng ta tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri là hướng sự chú ý của chúng ta đến Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài, “những nỗi nghi ngờ và sợ hãi của chúng ta biến mất.”9 Hãy nhớ rằng anh chị em là con trai hoặc con gái của một Cha Thiên Thượng nhân từ. Khi anh chị em tập trung vào việc đến gần Ngài hơn và sử dụng các nguồn lực hữu ích dành sẵn cho mình, Chúa có thể làm cho bất kỳ kinh nghiệm đau thương nào trở thành lợi ích cho anh chị em.