Podcast: Play in new window | Embed
Tôi cầu xin rằng mỗi chúng ta sẽ đến gần Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi hơn qua nghịch cảnh cá nhân của mình.
Nghịch cảnh trong cuộc sống không nên làm chúng ta bất ngờ. Bất kể là nó đến từ chính lỗi lầm của riêng chúng ta hoặc điều gì khác, nghịch cảnh là thực tế của cuộc sống trần thế. Một số người nghĩ rằng họ đáng lẽ không phải gặp nghịch cảnh nếu họ tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, nhưng chúng ta được lựa chọn “trong lò hoạn nạn” (Ê Sai 48:10; 1 Nê Phi 20:10). Ngay cả Đấng Cứu Rỗi cũng không ngoại lệ:
“Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu;
“Và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài” (Hê Bơ Rơ 5:8–9).
Đối với những người có trách nhiệm trong chúng ta, sự khó khăn thường là yếu tố quan trọng để chúng ta “được làm nên trọn vẹn.” Nó chính là thứ làm cho cuộc sống trở nên nhiều ý nghĩa hơn là một bài kiểm tra trắc nghiệm đơn thuần. Thượng Đế không chỉ quan tâm đến điều chúng ta làm hoặc không làm mà còn quan tâm đến những gì mà chúng ta sẽ trở thành. 1 Nếu chúng ta sẵn lòng, Ngài sẽ dạy chúng ta để hành động giống như Ngài thay vì đơn giản là trở thành những vật bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:14–16). Chúng ta phải học cách trở nên ngay chính trong mọi hoàn cảnh hoặc, như Chủ Tịch Brigham Young (1801–1877) đã nói, ngay cả “trong bóng tối.” 2
Tôi tin rằng thử thách của việc vượt qua và phát triển từ nghịch cảnh đã thu hút chúng ta khi Thượng Đế trình bày kế hoạch cứu chuộc của Ngài trong tiền dương thế. Giờ đây, chúng ta nên tiếp cận thử thách đó khi biết rằng Cha Thiên Thượng sẽ nâng đỡ chúng ta. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải hướng về Ngài. Nếu không có Thượng Đế, thì những kinh nghiệm đen tối của sự gian khổ và nghịch cảnh thường dẫn đến sự nản lòng, tuyệt vọng, và thậm chí cay đắng.
Với sự giúp đỡ thiêng liêng, cuối cùng sự an ủi sẽ thay thế nỗi đau, sự bình an thay thế sự rối loạn, và hy vọng thay thế nỗi đau buồn. Thượng Đế sẽ biến thử thách thành phước lành và, theo lời của Ê Sai, “ban mão hoa … thay vì tro bụi” (Ê Sai 61:3). Lời hứa của Ngài không phải là để giải thoát chúng ta khỏi những tranh chấp mà là để bảo vệ và an ủi chúng ta trong những nỗi đau khổ của mình và để thánh hóa chúng vì lợi ích của chúng ta (xin xem 2 Nê Phi 2:2; 4:19–26; Gia Cốp 3:1).
Mặc dù Cha Thiên Thượng sẽ không ép buộc chúng ta nhận sự giúp đỡ và phước lành từ Ngài, Ngài sẽ hành động qua lòng thương xót và ân điển nơi Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài và quyền năng của Đức Thánh Linh để nâng đỡ chúng ta khi chúng ta tìm kiếm Ngài. Chúng ta tìm thấy nhiều ví dụ về sự hỗ trợ đó xung quanh mình và trong thánh thư.
Những Ví Dụ trong Kinh Cựu Ước
Trong Kinh Cựu Ước chúng ta thấy rằng Áp Ra Ham vâng lời kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều năm để những lời hứa của Thượng Đế dành cho ông—những vùng đất thừa hưởng và hậu duệ ngay chính—được ứng nghiệm. Qua nạn đói, những mối đe dọa tính mạng, đau buồn, và thử thách, Áp Ra Ham liên tục tin cậy và phục vụ Thượng Đế và sau đó được Ngài nâng đỡ. Giờ đây, chúng ta tôn vinh Áp Ra Ham là “tổ phụ của những người trung tín.” 3
Cháu của Áp Ra Ham là Gia Cốp đã chạy trốn khỏi nhà, đơn độc và rõ ràng là không có gì hơn ngoài quần áo của ông, để trốn khỏi những lời đe dọa chết chóc của anh trai ông, Ê Sau. Trong 20 năm tiếp theo, Gia Cốp phục vụ cậu của ông, La Ban. Mặc dù đã cho Gia Cốp nơi ẩn náu an toàn và cho phép Gia Cốp kết hôn với hai con gái của mình, La Ban đã đối xử dối trá với Gia Cốp, nhiều lần thay đổi mức thù lao của ông và các thỏa thuận giữa họ bất cứ khi nào Gia Cốp làm việc tiến bộ (xin xem Sáng Thế Ký 31:41).
Cuối cùng khi họ chia tay, Gia Cốp nói với bố vợ rằng: “Nếu Đức Chúa Trời của cha tôi … không phù hộ tôi, chắc bây giờ cậu đuổi tôi ra tay không” (Sáng Thế Ký 31:42). Thay vào đó, được Thượng Đế ở cùng, Gia Cốp đã trở về nhà, từ một người tị nạn không một xu dính túi, trở thành người chồng và người cha của một gia đình lớn. Ông có rất nhiều tôi tớ và được ban phước dồi dào với những của cải của thời đó—những bầy đàn gia súc và lạc đà (xin xem Sáng Thế Ký 32).
Giô Sép, con trai của Gia Cốp, là ví dụ điển hình về một người luôn chiến thắng nghịch cảnh bằng cách tin cậy Thượng Đế khi những người khác có thể đã cảm thấy bị Ngài bỏ rơi. Trước hết, ông bị chính những người anh em của mình bán làm nô lệ. Sau đó, khi ông có địa vị và được tôn trọng trong nhà của ông chủ người Ê Díp Tô, Phô Ti Pha, Giô Sép đã bị vợ của Phô Ti Pha vu cáo và bị cầm tù dù cho ông thực sự đã chạy trốn khỏi tội lỗi. Tuy nhiên, Giô Sép tiếp tục tin cậy nơi Thượng Đế. Ngay cả khi trong tù, ông được thịnh vượng nhưng sau đó bị lãng quên bởi những người ông đã giúp đỡ, bất kể những lời hứa của họ. (Xin xem Sáng Thế Ký 37; 39–41.) Cuối cùng, như chúng ta biết, Giô Sép đã được ban thưởng chức vụ cao và phương tiện để giải cứu gia đình cha của mình (và toàn thể Ê Díp Tô) trong thời gian đói kém.
Kiên Nhẫn Chịu Đựng
Các ví dụ này và những ví dụ khác cho chúng ta thấy rằng nghịch cảnh thường được khắc phục theo thời gian. Cần có sự bền bỉ và kiên trì. Tuy nhiên, Cha Thiên Thượng luôn dõi theo và giúp đỡ chúng ta trong suốt quá trình chịu đựng đó—Ngài không chờ cho đến lúc cuối cùng.
Anh Cả Neal A. Maxwell (1926–2004) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã từng nhận xét: “Tất nhiên, dòng chảy thời gian tự nó không mang lại sự tự động tiến lên. Tuy vậy, cũng như đứa con hoang đàng, chúng ta cần có ‘tiến trình thời gian’ để tỉnh ngộ về mặt thuộc linh. (Lu Ca 15:17.) Sự đoàn tụ đầy xúc động của Gia Cốp và Ê Sau ở sa mạc, sau nhiều năm kể từ khi anh em họ đối địch, là một ví dụ điển hình. Sự hào phóng có thể thay thế cho thù hận. Sự suy ngẫm có thể mang lại nhận thức. Nhưng sự suy ngẫm và xem xét nội tâm đòi hỏi thời gian. Rất nhiều những kết quả thuộc linh đòi hỏi những lẽ thật cứu rỗi phải được trộn lẫn với thời gian, để tạo thành liều thuốc kinh nghiệm, phương thuốc chính để chữa lành rất nhiều thứ.” 4
Chủ Tịch M. Russell Ballard, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã nhận xét:
“Việc chờ đợi Chúa không có nghĩa là chờ một cơ hội tốt. Anh chị em chớ bao giờ cảm thấy là mình đang ở trong một phòng chờ.
“Việc chờ đợi Chúa có nghĩa là hành động. Qua nhiều năm, tôi đã học được rằng niềm hy vọng của chúng ta nơi Đấng Ky Tô gia tăng khi chúng ta phục vụ người khác. …
“Sự tăng trưởng cá nhân mà một người có thể đạt được bây giờ trong khi chờ đợi Chúa và những lời hứa của Ngài là một yếu tố vô giá, thiêng liêng, trong kế hoạch của Ngài dành cho mỗi người chúng ta.” 5
Việc kiên nhẫn chịu đựng là một hình thức của việc hướng về và tin cậy Thượng Đế. Trong những câu thánh thư ngay trước lời khuyên dạy của ông để cầu xin Thượng Đế nếu chúng ta thiếu khôn ngoan, Gia Cơ đã nói điều này về sự kiên nhẫn:
“Hãy coi sự lâm vào nhiều nỗi đau khổ như là điều vui mừng trọn vẹn;
“Vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.
“Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không [thiếu thốn] chút nào” (Bản Dịch của Joseph Smith, Gia Cơ 1:2 [trong Gia Cơ 1:2, cước chú a]; Gia Cơ 1:3–4).
Được Tinh Luyện qua Gian Khổ
Khi chúng ta được Cha Thiên Thượng giúp đỡ, nghịch cảnh và những gian khổ sẽ tinh luyện thay vì đánh bại chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8). Chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc và thánh thiện hơn. Trong một mặc khải cho Vị Chủ Tịch lúc đó của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, Thomas B. Marsh, Chúa đã phán điều này về các Vị Sứ Đồ của Ngài: “Và sau những cám dỗ, và nhiều khốn khó của họ, này, ta, là Chúa, sẽ tìm kiếm họ, và nếu họ không chai đá trong lòng, và không cứng cổ chống lại ta, thì họ sẽ được cải hóa, và ta sẽ chữa lành cho họ” (Giáo Lý và Giao Ước 112:13).
Chúng ta có thể nói rằng trong nghịch cảnh, chúng ta biết được “Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng [Cha đã] sai xuống” (Giăng 17:3). Trong nghịch cảnh, chúng ta đồng hành cùng Hai Ngài mỗi ngày. Khi trở nên khiêm nhường, chúng ta học cách hướng về Hai Ngài “trong mọi ý nghĩ” (Giáo Lý và Giao Ước 6:36). Hai Ngài sẽ phục sự chúng ta trong quá trình tái sinh về mặt thuộc linh. Tôi tin rằng không có cách nào khác cả.
Qua những nỗi đau, gian khổ, và cám dỗ, Đấng Cứu Rỗi đã biết được “cách để giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.”
Tôi cầu xin rằng mỗi chúng ta sẽ đến gần Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi hơn qua nghịch cảnh cá nhân của mình. Đồng thời, hy vọng rằng chúng ta có thể học cách phục sự người khác khi họ gặp nghịch cảnh theo mẫu mực của Thượng Đế. Chính qua “mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ”, Đấng Cứu Rỗi đã “theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:11–12). Về phần chúng ta, “trong lúc này, khi bản thân chúng ta không bị kéo căng trên thập tự giá, thì chúng ta nên đứng dưới chân thập tự giá của người khác—đầy sự đồng cảm và mang đến sự khích lệ về mặt thuộc linh.” 6