Podcast: Play in new window | Embed
Và Chúng Ta Cũng Vậy
Bài của Mindy Selu
Các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã có hy vọng rằng Đấng Ky Tô sẽ đến. Khi đọc những lời của họ, chúng ta có thể có được cùng niềm hy vọng đó cho ngày Ngài sẽ tái lâm.
Những từ nào đến với tâm trí khi anh chị em nghĩ về Sách Mặc Môn?
Dân Nê Phi, dân La Man, hay các sắc dân khác?
Chiến tranh, vùng hoang dã, sự khốn đốn?
Sự hối cải, sự cứu chuộc, sự ngay chính?
Chúa Giê Su Ky Tô?
Niềm hy vọng?
Lễ Phục Sinh là thời gian hoàn hảo để suy ngẫm một lần nữa về sứ điệp của Sách Mặc Môn. Quan trọng hơn hết thảy, là sứ điệp rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Nhờ Ngài, chúng ta cuối cùng có thể được giải thoát khỏi những đau đớn của thể xác và tâm hồn. Khỏi cái chết và tội lỗi. Chúng ta có thể khắc phục mọi điều tồi tệ mà xảy đến với chúng ta trên thế gian.
Nói một cách đơn giản, chúng ta có thể có niềm hy vọng.
Niềm hy vọng—hy vọng thật sự, tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô—đã soi dẫn cho các vị tiên tri thời xưa lưu giữ các biên sử trên các bảng khắc bằng vàng mà sẽ trở thành Sách Mặc Môn. Gia Cốp đã nói với chúng ta: “Vì mục đích ấy nên chúng tôi mới viết ra những điều này, để họ hiểu rằng, chúng tôi đã biết về Đấng Ky Tô, và chúng tôi đã từng hy vọng trông đợi vinh quang của Ngài hằng bao thế kỷ trước khi Ngài đến” (Gia Cốp 4:4; phần nhấn mạnh được thêm vào).
Gia Cốp muốn chúng ta biết rằng ông—và các vị tiên tri khác gìn giữ biên sử—đã biết rằng Đấng Ky Tô sẽ đến. Cả hàng trăm năm trước khi Ngài đến! Và họ được soi dẫn để có niềm hy vọng đó nhờ lời của các vị tiên tri mà họ đã đọc. Gia Cốp đã giải thích: “và không phải chỉ riêng chúng tôi mới có niềm hy vọng về vinh quang của Ngài, mà trước chúng tôi, tất cả các thánh tiên tri cũng vậy.
“Này, họ đã tin Đấng Ky Tô, và thờ phượng Đức Chúa Cha trong danh Ngài, và chúng tôi cũng thờ phượng Đức Chúa Cha trong danh Ngài. …
“Vậy nên, chúng tôi tìm hiểu các lời tiên tri, chúng tôi có được nhiều điều mặc khải và tinh thần tiên tri; và sau khi có tất cả những bằng chứng ấy, chúng tôi gây được niềm hy vọng, và đức tin của chúng tôi trở nên khó lay chuyển” (Gia Cốp 4:4–6; xin xem thêm 1 Nê Phi 19:21; Gia Cốp 7:11; Mô Si A 3:13; Hê La Man 8:16).
Niềm hy vọng họ đạt được từ cả kinh nghiệm riêng của họ lẫn những lời tiên tri họ đọc trong thánh thư đã chuẩn bị họ cho ngày mà Đấng Ky Tô sẽ đến. Cũng giống như vậy, các vị tiên tri ngày nay khuyến khích chúng ta chuẩn bị cho ngày mà Đấng Ky Tô sẽ tái lâm. Nếu chúng ta muốn có được cùng niềm hy vọng đó, thì chúng ta cũng cần “tìm hiểu các lời tiên tri, [và tìm kiếm để] có được nhiều điều mặc khải và tinh thần tiên tri.” Những chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô sẽ không chỉ củng cố chứng ngôn của chúng ta mà còn giúp chúng ta chuẩn bị cho ngày Ngài đến.
Lê Hi
“Vậy nên, việc tối quan trọng là làm sao phổ biến những điều này cho dân cư của thế gian, để họ biết rằng không một xác thịt nào có thể sống được trong sự hiện diện của Thượng Đế, trừ phi phải qua sự trung gian của công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh là Đấng sẽ bỏ sự sống của mình theo thể cách xác thịt, và sẽ sống lại nhờ quyền năng của Thánh Linh, ngõ hầu Ngài có thể mang lại sự phục sinh cho người chết, vì Ngài là người đầu tiên sẽ sống lại.”
Nê Phi
“Và chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”
Vua Bên Gia Min
“Và Ngài sẽ được gọi là Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế. …
“Và trông kìa, Ngài sẽ đến cùng với dân của Ngài để cho sự cứu rỗi có thể đến được với con cái loài người nhờ có đức tin nơi danh Ngài; …
“Và Ngài sẽ từ cõi chết sống lại vào ngày thứ ba. …
“Vì này, máu của Ngài cũng chuộc tội lỗi của những người đã sa ngã vì sự phạm giới của A Đam, là những người đã chết mà không được biết ý định của Thượng Đế đối với họ, hay là những người phạm tội vì không hiểu biết.”
An Ma
“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.
“Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.”
A Mu Léc
“Và sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng ấy sẽ là Vị Nam Tử của Thượng Đế, phải, vô hạn và vĩnh cửu.
“Và do đó Ngài sẽ đem lại sự cứu rỗi cho tất cả những ai tin vào danh Ngài; đây chính là chủ đích của sự hy sinh cuối cùng này, để thực hiện lòng thương xót tận tâm can, mà lòng thương xót này chế ngự cả công lý và đem lại cho loài người một phương tiện để họ có được đức tin đưa đến sự hối cải.
“Và do đó, lòng thương xót có thể thỏa mãn được sự đòi hỏi của công lý, và bao quanh nó bởi vòng tay an toàn, trong lúc đó kẻ nào không thực hành đức tin đưa đến sự hối cải thì sẽ bị phơi bày ra trước luật pháp trọn vẹn về những đòi hỏi của công lý; vậy nên, chỉ có kẻ nào có đức tin đưa lại sự hối cải mới hưởng được kế hoạch cứu chuộc vĩ đại và vĩnh cửu.”
Sa Mu Ên người La Man
“Vì này, Ngài chắc chắn phải chết để cho sự cứu rỗi có thể xảy ra; phải, cái chết của Ngài là một điều cần thiết và thích đáng để mang lại sự phục sinh cho người chết, để nhờ đó loài người mới có thể được dẫn đến nơi hiện diện của Chúa.
“Phải, này, cái chết này mang lại sự phục sinh, và cứu chuộc tất cả loài người khỏi cái chết đầu tiên—tức là cái chết thuộc linh; vì tất cả loài người bởi sự sa ngã của A Đam mà phải bị khai trừ khỏi nơi hiện diện của Chúa, nên họ bị coi như chết cả về những điều thế tục lẫn những điều thuộc linh.
“Nhưng này, sự phục sinh của Đấng Ky Tô sẽ cứu chuộc loài người, phải, tất cả loài người, và đem họ trở lại nơi hiện diện của Chúa.”
Mặc Môn
“Các người hãy biết rằng, các người phải tìm hiểu tổ phụ mình, và phải hối cải tất cả những tội lỗi và những điều bất chính của mình; các người phải tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và tin rằng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế, và Ngài đã bị người Do Thái giết chết, nhưng nhờ quyền năng của Đức Chúa Cha, Ngài đã sống lại, do đó Ngài đã chiến thắng được nấm mồ, và nọc chết đã bị nuốt trọn nơi Ngài.
“Và Ngài đã thực hiện sự phục sinh cho người chết, nên nhờ đó, loài người được sống lại để đứng trước ghế phán xét của Ngài.
“Và Ngài đã thực hiện sự cứu chuộc cho thế gian, để nhờ đó, người nào được xem là vô tội trước mặt Ngài vào ngày phán xét thì sẽ được sống nơi hiện diện của Thượng Đế trong vương quốc của Ngài, để đồng hát lên những lời tán mỹ không ngừng cùng với các ca đoàn trên cao, để ca tụng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh, cả ba cùng là một Thượng Đế, trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”