Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Matthew J. Grow làm việc tại Sở Lịch Sử của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Vào tháng Ba năm 2024, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã nhận trách nhiệm thiêng liêng trong việc quản lý quyền sở hữu Đền Thờ Kirtland từ giáo hội Community of Christ. Đền thờ đó là một nơi đặc biệt, hầu như không hề thay đổi kể từ khi được làm lễ cung hiến vào năm 1836. Vào Chủ Nhật Phục Sinh, ngày 3 tháng Tư năm 1836, Chúa Giê Su Ky Tô đã chấp nhận nơi đó là nhà của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110). Trong ngôi đền thờ đó, chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của Ngài và hình dung trong tâm trí mình nơi Ngài đứng.
Đền Thờ Kirtland có một vài bài học cho cuộc sống chúng ta ngày nay, một số bài học này chúng ta có thể học được bằng cách ngẫm nghĩ về các sự kiện trong năm 1836 và 1837.
Những Điểm Nổi Bật về Mặt Thuộc Linh của năm 1836
Vào tháng Một năm 1836, khi đền thờ sắp được hoàn thành, Các Thánh Hữu bắt đầu kinh nghiệm các phước lành thuộc linh của ngôi đền thờ ở giữa họ. Họ đã được hứa rằng trong Đền Thờ Kirtland, họ sẽ được ban cho quyền năng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:32, 38). Lời hứa này lặp lại điều Đấng Cứu Rỗi đã phán với Các Sứ Đồ của Ngài ở Giê Ru Sa Lem trong Kinh Tân Ước. Sau khi Ngài phục sinh, Ngài phán với họ rằng họ không được đi thuyết giảng cho đến khi họ đã được ban cho “quyền năng từ trên cao” (Lu Ca 24:49). Rồi, vào ngày lễ Ngũ Tuần, Các Sứ Đồ của Ngài đã nhận được quyền năng này khi Thánh Linh giáng xuống trên họ như “tiếng gió thổi ào ào. … Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Chúa Trời cho mình nói” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:2, 4).
Vào tháng Một năm 1836, Joseph Smith đã họp với các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội để cầu nguyện, ban phước cho nhau và điều hành công việc của Giáo Hội. Sau khi họ ban phước cho Tiên Tri Joseph, ông trông thấy một khải tượng về vương quốc thượng thiên. Ông thấy Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, A Đam và Áp Ra Ham, cha mẹ ruột của ông (vẫn còn sống), và anh trai Alvin đã chết mà chưa được làm phép báp têm. Tiên Tri Joseph Smith đã biết được rằng “tất cả những ai đã chết mà không có sự hiểu biết về phúc âm này, là những người đáng lẽ đã tiếp nhận phúc âm nếu họ đã được phép ở lại trên thế gian, sẽ là những người thừa hưởng vương quốc thượng thiên của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 137:7).
Hai tháng sau, vào ngày 27 tháng Ba năm 1836, Các Thánh Hữu tập trung đông đúc tại Đền Thờ Kirtland để làm lễ cung hiến đền thờ. Họ lắng nghe lời cầu nguyện cung hiến của Joseph, trong đó ông cầu xin Cha Thiên Thượng chấp nhận Đền Thờ Kirtland là nơi mà Đấng Cứu Rỗi “có thể … biểu hiện cho dân của Ngài thấy” (Giáo Lý và Giao Ước 109:5). Chen chúc trong không gian thiêng liêng đó, Các Thánh Hữu đã hát bài “Thánh Linh của Thượng Đế.” Họ đồng thanh hô vang: “Hô sa na! Hô sa na! Hô sa na, hô sa na ngợi Chúa tôi trên cao!”
Họ đã cảm nhận được các phước lành thuộc linh tại lễ cung hiến và trong tuần lễ tiếp theo. Họ nhịn ăn, cầu nguyện, dự phần Tiệc Thánh, rửa chân cho nhau và nhận được khải tượng. Họ cảm thấy được trao quyền để đi thuyết giảng phúc âm. Họ đã được ban cho quyền năng từ trên cao.
Nhưng những biểu hiện thuộc linh vẫn chưa kết thúc. Vào ngày 3 tháng Tư năm 1836, Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng hai tôi tớ của Ngài. Joseph Smith và Oliver Cowdery đã nói: “Bức màn che được cất khỏi tâm trí của chúng tôi, và mắt hiểu biết của chúng tôi được mở ra. Chúng tôi trông thấy Chúa đứng trên bục gỗ trước mặt chúng tôi … , phán truyền rằng: Ta là đầu tiên và cuối cùng; Ta là Đấng đã sống, ta là Đấng đã bị giết chết; Ta là Đấng biện hộ cho các ngươi với Đức Chúa Cha” (Giáo Lý và Giao Ước 110:1–4).
Tiếp theo lần viếng thăm của Đấng Cứu Rỗi, Môi Se, Ê Li A và Ê Li, mỗi người hiện đến cùng Joseph và Oliver và trao cho họ các chìa khóa mà sẽ giúp họ thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và quy tụ Y Sơ Ra Ên, ban phước cho thế gian với giao ước Áp Ra Ham, và gắn bó các gia đình (xin xem các câu 11–16).
Những Thử Thách của năm 1837
Nhưng câu chuyện ở Kirtland không dừng lại với những biểu hiện kỳ diệu này. Một năm sau lễ cung hiến đền thờ, sự gắn kết của cộng đồng bắt đầu dần rạn nứt. Một cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt ở Hoa Kỳ. Ngân hàng trên khắp cả nước bị phá sản, kể cả một ngân hàng nhỏ do các vị lãnh đạo Giáo Hội ở Kirtland thành lập để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. Joseph Smith và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã cố gắng hết sức để cứu vãn nền kinh tế của cộng đồng. Nhưng làn sóng khủng hoảng kinh tế toàn cầu là quá lớn. Người dân bắt đầu mất việc làm và nhà cửa. Nhiều người bắt đầu ta thán Thượng Đế và Giáo Hội. Tại sao Chúa để cho dân Ngài thất bại về mặt kinh tế? Một số người bắt đầu thì thầm truyền tai nhau và rồi tuyên bố rằng Joseph là một vị tiên tri sa ngã.
Tại một buổi nhóm họp vào mùa hè năm 1837 trong Đền Thờ Kirtland, Joseph Smith Sr., vị tộc trưởng của Giáo Hội, đã có bài nói chuyện khi con trai ông vắng mặt. Trong khi ông đang nói chuyện, một người bất đồng chính kiến đã cố gắng kéo ông ra khỏi bục giảng. Khi William Smith bênh vực cho cha mình, thì một vị Sứ Đồ khác đã đe dọa giết William bằng gươm. Những người đàn ông khác cầm dao và súng lục vây quanh William. Ngôi đền thờ vốn là một nơi thiêng liêng và đầy thuộc linh cách đây một năm trước, giờ đây đã trở thành một nơi đầy bạo lực, chia rẽ và hỗn loạn.
Khi Joseph Smith quay trở lại Kirtland, hầu hết các tín hữu Giáo Hội đều tán trợ ông với tư cách là vị tiên tri, ngoại trừ ba Vị Sứ Đồ mà đã bị loại ra khỏi Nhóm Túc Số Mười Hai. Các vấn đề kinh tế đã trở thành những vấn đề thuộc linh. Chỉ trong vòng vài tháng tiếp theo, Chúa phán bảo Joseph phải rời khỏi Kirtland vì sự an toàn của gia đình ông và vì chính mạng sống của ông.
Lời kể của các nhân chứng xác nhận cho những khó khăn của thời kỳ đó. Vilate Kimball, vợ của Sứ Đồ Heber C. Kimball, đã gửi thư cho chồng bà, lúc bấy giờ đang phục vụ với tư cách là một trong những người truyền giáo đầu tiên ở Anh. Bà viết cho Heber, kể với ông về những người bất đồng chính kiến: “Em chắc chắn rằng điều đó sẽ khiến lòng anh quặn thắt. Họ tự nhận là tin vào Sách Mặc Môn cũng như sách Giáo Lý và Giao Ước, nhưng lại chối bỏ những điều này qua việc họ làm.”
Vilate biết rằng Joseph không hoàn hảo. Ông đã phạm sai lầm trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Kirtland. Và bà vẫn yêu thương nhiều người trong số những người bất đồng chính kiến. Nhưng bà đã rút ra một bài học sâu sắc hơn trong các sự kiện của năm 1837: “Chúa phán, kẻ nào không thể chịu đựng được sự sửa phạt mà chối bỏ ta thì không thể được thánh hóa.”
Cũng trong bức thư đó, Marinda Hyde đã thêm vào một lời nhắn gửi cho chồng bà, ông Orson, cũng là một Sứ Đồ đang phục vụ ở Anh. Anh trai của Marinda là một trong số Các Sứ Đồ đã rời bỏ Giáo Hội. Bà viết: “Anh chưa bao giờ chứng kiến được cảnh tượng như thế này ở Kirtland như mọi người ở đây đang chứng kiến vào lúc này, vì dường như mọi sự tin tưởng lẫn nhau đã không còn.”
Các Bài Học của năm 1836–1837
Tại sao chúng ta nên ghi nhớ cả bi kịch của năm 1837 chứ không chỉ là thành tựu của năm 1836 mà thôi? Bởi lẽ tất nhiên là cả hai điều này không bao giờ có thể tách biệt được. Những điều tương tự như thế cũng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Thượng Đế ban cho tất cả chúng ta những giai đoạn tràn đầy các phước lành thuộc linh, những lúc mà Ngài phán bảo cùng tâm hồn chúng ta và nắm tay dẫn dắt chúng ta bước đi trên con đường giao ước. Ngài ban cho chúng ta những giai đoạn ổn định, những lúc mà chúng ta có đủ và còn dư dật, những lúc mà gia đình chúng ta được khỏe mạnh và hạnh phúc, những lúc mà bạn bè gần gũi và trò chuyện cùng chúng ta. Tất cả chúng ta đều trải qua những thời điểm giống như năm 1836.
Nhưng Thượng Đế không bao giờ hứa rằng chúng ta sẽ chỉ trải qua năm 1836 mà thôi. Đối với mỗi người chúng ta, năm 1837 sẽ đến. Nó đi kèm với sự bất ổn về kinh tế, khi chúng ta lo lắng về việc làm thế nào để kiếm ra tiền. Nó đi kèm với sự bất ổn cá nhân, khi gia đình chúng ta lâm vào cảnh đau đớn vì những căn bệnh bất ngờ, bệnh mãn tính, trầm cảm, hoặc lo âu. Nó đi kèm với sự bất ổn của xã hội, khi bạn bè của chúng ta rời xa hoặc phản bội chúng ta.
Nếu chúng ta không nhớ những kinh nghiệm trong năm 1836 của chính mình—những thời điểm mà chúng ta cảm nhận được bàn tay của Chúa trong cuộc sống của mình—thì năm 1837 có thể dẫn đến sự dao động về mặt thuộc linh. Nó có thể cám dỗ chúng ta để thốt lên: “Thật chẳng đáng bỏ công.” Nó có thể cám dỗ chúng ta để thốt lên: “Thượng Đế chẳng yêu thương tôi.” Nó có thể cám dỗ chúng ta để thốt lên: “Joseph Smith không phải là một vị tiên tri” hoặc “Chủ Tịch Nelson không phải là vị tiên tri của Thượng Đế.” Nó có thể cám dỗ chúng ta để thốt lên: “Con đường giao ước không dành cho tôi.”
Nhưng nếu chúng ta ghi nhớ và để những điểm nổi bật về phần thuộc linh của năm 1836 luôn hiện hữu trong tâm trí của mình, thì ngay cả khi chúng ta trải qua những thử thách của năm 1837, chúng ta vẫn có thể đặt nền tảng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta vẫn có thể biết rằng Thượng Đế yêu thương chúng ta, và chúng ta vẫn có thể biết rằng Sự Phục Hồi phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô là có thật và Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua các tôi tớ được chọn của Ngài.